2023 - Q2 | BA SỨ ĐIỆP TOÀN CẦU

Bài Học 13, 17 — 23 Tháng 6, 2023

Rực Rỡ Với Vinh Hiển Của Đức Chúa Trời

CÂU GỐC: “Sau điều đó, tôi thấy một vị thiên sứ khác ở trên trời xuống, người có quyền lớn, và sự vinh hiển người chiếu rực rỡ trên đất” (Khải huyền 18:1).

KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:1–6; Giăng 8:32; Xuất Ê-díp-tô Ký 33:18, 19; Khải huyền 18:1; 4:11; 5:6, 12; 13:8.

Sớm muộn gì các sự kiện cuối cùng sẽ diễn ra. Thời điểm chính xác và chi tiết sự việc sẽ diễn ra thế nào thì chúng ta chưa được thông báo. Nhưng chúng ta được biết sẽ có một loại luật thực thi việc giữ ngày Chủ Nhật ngược lại với điều răn thứ tư được ban hành. Sự mặc khải đã tiết lộ cho chúng ta những vấn đề quan trọng đang bị đe dọa, những người đóng vai chủ chốt, và nói chung, sự khải thị đã báo cho chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra khi tất cả “những kẻ không có tên ghi trong sách sự sống của Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế” (Khải huyền 13:8) sẽ thờ lạy con thú và hình nó, ngược với sự “thờ phượng Đấng dựng nên trời, đất, biển, và các suối nước” (Khải huyền 14:7). Nói cách khác, tất cả những ai chọn bước theo Đức Chúa Giê-su Cơ Đốc và vâng giữ luật pháp Ngài—tên của họ vẫn còn trong sách sự sống. Tốt biết bao nếu được ghi danh trong sách sự sống của Đức Chúa Trời thay vì có tên trong sổ sách của loài người.

Đức Chúa Trời đã dựng lên Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm để rao giảng thông điệp này cho thế gian. Do đó, bản thân chúng ta cần phải tin lẽ thật trong Chúa Giê-su, và phải được biến đổi và làm nên mới bởi “tin lành đời đời” của Khải huyền 14:6. Chúng ta tập trung vào cái chết của Đấng Christ vì chúng ta, và bảo đảm sự cứu rỗi của chúng ta trong Ngài.

Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:1–6. Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta lời cảnh cáo nào về những ngày cuối cùng trong lịch sử nhân loại?

Sứ đồ Phao-lô thúc giục các tín đồ tại Tê-sa-lô-ni-ca phải “thức canh” và “dè giữ” cho sự tái lâm của Đấng Christ. Và nếu Phao-lô khuyên bảo điều đó với những người tin Chúa thời ấy, người sẽ nói gì với chúng ta hôm nay?

Người cũng tuyên bố rằng họ là “con cái của sự sáng” (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:5) và rằng họ không ở trong “nơi tối tăm, nên nỗi ngày đó đến (ngày Đấng Christ trở lại) thình lình như kẻ trộm” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:4). Đức Chúa Giê-su dùng chữ “thức canh” liên quan đến sự cầu nguyện tha thiết, chân thành (Ma-thi-ơ 24:42; 26:40–41). Thức canh có nghĩa là phải tỉnh táo thuộc linh. Có một tinh thần “dè giữ” có nghĩa là nghiêm túc với thời đại chúng ta đang sống và chú tâm đến những gì thực sự quan trọng.

Ellen G. White cho biết thêm: “Chúng ta, những người biết sự thật phải chuẩn bị cho những ngạc nhiên rất choáng ngợp sắp xảy ra trên thế giới.” —Testimonies for the Church, số 8, trang 28.

Và trong khi nó có thể gây ngạc nhiên cho thế giới, nó không phải là một bất ngờ đối với chúng ta. Mặc dù không biết khi nào nó sẽ xảy ra, chúng ta có thể thấy đủ để biết rằng nó sắp đến, và bây giờ, hôm nay, là ngày phải sẵn sàng.

Xem lại Đa-ni-ên 2 và lưu ý thứ tự các vương quốc đến và đi, đúng như đã nói trước. Điều này dạy gì cho chúng ta về sự tin tưởng vào những điều Chúa phán sẽ xảy ra, và thực sự nó sẽ xảy ra?

Đấng Christ đã ban cho chúng ta những sứ điệp ngày cuối cùng này để chúng ta có thể chuẩn bị sẵn sàng. Các lời tiên tri của Đa-ni-ên và Khải huyền, kết hợp với sự ban cho nói tiên tri hiện đại, cho chúng ta cái nhìn sâu sắc thiêng liêng về những gì xảy đến trên thế giới này. Lời tiên tri của Đức Chúa Trời cho biết trước đại cương về lịch sử của sự cứu rỗi, và Đa-ni-ên 2 cung cấp bằng chứng hợp lý, mạnh mẽ chứng minh chúng ta có thể tin cậy Đức Chúa Trời.

Phao-lô nói đừng “ngủ” như những người khác làm. Điều ấy có nghĩa gì? Nếu chúng ta thực sự đang ngủ, điều gì mới có thể đánh thức chúng ta?

Đọc Giăng 8:32, Giăng 7:17 và. Giăng 17:17. Đức Chúa Giê-su có lời hứa nào về sự thông hiểu lẽ thật và chúng ta tìm nó ở đâu?

Lời kêu gọi cuối cùng của Đức Chúa Trời cho dân sự Ngài là hãy chạy trốn khỏi những sai lầm của Ba-by-lôn và bước đi trong ánh sáng của lẽ thật đời đời được tìm thấy trong Lời Ngài. Chìa khóa của mọi thứ là Kinh Thánh. Miễn là họ gắn bó với Kinh Thánh và làm theo những gì Kinh Thánh dạy, họ sẽ không bị lừa dối, nhất là về ngày Sa-bát, trong giai đoạn khủng hoảng cuối cùng.

Sứ điệp của thiên sứ thứ hai kêu gọi chúng ta chấp nhận lẽ thật hơn là sai lầm, Kinh Thánh hơn là truyền thống, và sự dạy dỗ của Lời Chúa hơn là những lỗi lầm của một học thuyết sai.

Sứ điệp của thiên sứ thứ ba, theo sau hai thiên sứ kia, đưa ra một lời cảnh báo chống lại dấu của con thú. Trong suốt các lời tiên tri của Kinh Thánh, con thú tượng trưng cho một quyền lực chính trị hoặc tôn giáo. Con thú lên từ biển của Khải huyền 13 và 14 phát sinh từ La Mã như một hệ thống thờ phượng toàn cầu. Quyền lực La Mã này rồi sẽ mở rộng ảnh hưởng ra toàn thế giới và sẽ dẫn đầu một phong trào hiệp nhất giáo hội và quốc gia. Mục tiêu sẽ là thống nhất thế giới vào thời điểm kinh tế và chính trị biến động, thiên tai khắp nơi, xã hội bất ổn, và xung đột toàn cầu.

Và cuối cùng Hoa Kỳ sẽ dẫn đầu liên minh quốc tế này. “Chính bởi hai điểm sai lầm lớn lao, sự tin vào thuyết linh hồn bất tử và ngày Chủ nhật thánh khiết, mà Sa-tan lừa dối loài người. Điểm thứ nhất đặt nền tảng cho phong trào vong hồn hiện thuyết, điểm thứ hai thiết lập mối tình cảm với La Mã. Các giáo hội Cải chánh tại Hoa Kỳ là những người tiền phong giang cánh tay trên hai vực thẳm, một nắm lấy vong hồn hiện thuyết, và một nắm lấy quyền thế La Mã; và dưới ảnh hưởng của ba đồng minh đó, quốc gia này sẽ theo bước chân của La Mã để giày đạp lên tự do lương tâm.”—Ellen G. White, Thiện Ác Đấu Tranh, trang 588, Nhà In Tiếng Nói Hy Vọng.

Những thông điệp này kết thúc với lời kêu gọi khẩn cấp đến những người trung tín theo Đấng Christ hãy tuân giữ các điều răn của Đức Chúa Trời nhờ đức tin sống động của Chúa Giê-su ở trong lòng họ (Khải huyền 14:12).

Bạn hiểu thế nào về lời của Chúa Giê-su rằng: “lẽ thật sẽ buông tha các ngươi”? Điều đó có nghĩa gì? Lẽ thật đã buông tha bạn ra sao?

Trên vai những nhà Cải Cách vĩ đại trong quá khứ, Đức Chúa Trời đã dựng lên một dân sự trong ngày sau cùng, những người chỉ có Kinh Thánh là tín điều, chỉ một mình Đấng Christ là nguồn duy nhất của sự cứu rỗi, Đức Thánh Linh là nguồn duy nhất của sức mạnh, và sự trở lại của Chúa chúng ta là sự hoàn tất của tất cả hy vọng của họ. Lẽ thật từ lâu đã bị che khuất bởi bóng tối của sai lầm và truyền thống—kể cả ngày Kinh Thánh Sa-bát thật—sẽ được công bố ra toàn thế giới ngay trước khi sự trở lại của Chúa chúng ta.

Sứ điệp của ba thiên sứ đã cho ra đời phong trào ngày–cuối–cùng này để hoàn tất phong trào Cải Cách và tham gia với Đấng Christ trong việc hoàn thành công việc của Ngài trên đất. Những điều tiên tri diệu kỳ trong sách Khải huyền tiết lộ một phong trào thiêng liêng sẽ nảy sinh từ thất vọng để công bố sứ điệp cuối cùng của Đức Chúa Trời ra toàn thế giới. Khải huyền 14 mô tả một giáo hội trải ra khắp đất với tin lành của một phúc âm đời đời.

Một thiên sứ thứ tư của Khải huyền 18 kết nhập với ba thiên sứ của Khải huyền 14. Thiên sứ này ban sức mạnh cho sự công bố của ba thiên sứ để “sự vinh hiển người chiếu rực rỡ trên đất” (Khải huyền 18:1). Chương 18 tập trung vào các sự kiện chính dẫn đến cao điểm của lịch sử loài người và chiến thắng cuối cùng, tối hậu của phúc âm.

Đọc Khải huyền 18:1. Giăng cho chúng ta biết ba điều gì về thiên sứ này? (Xem thêm Ha-ba-cúc 2:14).

Thiên sứ đến từ sự hiện diện vinh quang của Đức Chúa Trời trong nơi chí thánh của đền thờ, được giao cho nhiệm vụ công bố thông điệp cuối cùng về lòng thương xót của Đức Chúa Trời và cảnh báo cư dân trên trái đất về những gì sắp xảy ra.

Đoạn Kinh Thánh này nói rằng thiên sứ đến với “quyền lớn”. Chữ “quyền” tiếng Hy Lạp trong Tân Ước là exousia. Đức Chúa Giê-su dùng chữ này trong Phúc âm Ma-thi-ơ liên hệ đến việc Ngài phái các môn đồ đi. Trong Ma-thi-ơ 10:1, Chúa Giê-su ban “quyền phép” cho các môn đồ của Ngài để trừ tà ma. Ngài gởi họ đi với sức mạnh quyền phép để họ chiến thắng trong trận chiến giữa thiện và ác. Trong Ma-thi-ơ 28:18, 19, một lần nữa Ngài sai họ đi, nhưng lần này với “tất cả quyền phép” trên trời và dưới đất để họ “đi dạy dỗ muôn dân”.

Rốt cuộc, các vấn đề của ngày cuối cùng, và cũng chẳng khác gì các vấn đề mỗi ngày, đều xảy ra quanh vấn đề thẩm quyền. Chúng ta tuân theo thẩm quyền của ai, của Đức Chúa Trời, của riêng chúng ta, của con thú, hay của ai khác?

Đọc Khải huyền 4:11; 5:12; 19:1. Những từ nào được dùng để nói lên sự vinh hiển của Đức Chúa Trời tràn ngập trái đất như được mô tả trong Khải huyền 18:1?

Cuộc tranh đấu giữa thiện và ác trong vũ trụ cũng là về vấn đề danh dự hoặc danh tiếng của Đức Chúa Trời. Sa-tan, một thiên sứ nổi loạn, đã tuyên bố rằng Đức Chúa Trời là bất công, rằng Ngài đòi hỏi sự thờ kính nhưng cho lại rất ít. Hắn tuyên bố rằng luật pháp của Đức Chúa Trời hạn chế tự do và giới hạn niềm vui của chúng ta.

Cuộc đời của Đức Chúa Giê-su, cái chết và sự phục sinh của Ngài đã làm nổ tung huyền thoại đó. Đấng tạo ra chúng ta đã lao vào cái hang rắn của thế gian này để cứu chuộc chúng ta. Trên thập tự giá, Ngài đã trả lời lời buộc tội của Sa-tan và chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời là cả yêu thương lẫn công bình. Quyến rũ bởi tình yêu và quan tâm đến danh dự của Ngài, dân sự Đức Chúa Trời trong thời kỳ cuối cùng sẽ bày tỏ sự vinh hiển Ngài—một Chúa của tình yêu, Đấng đã hy sinh cho một thế gian vị kỷ, vô thần. Và cả trái đất sẽ được chiếu sáng ngời bởi đặc tính của Đức Chúa Trời.

Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 33:18, 19. Đức Chúa Trời bày tỏ sự vinh hiển của Ngài cho Môi-se như thế nào? Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là gì?

Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là tính chất của Ngài. Trái đất sẽ được phủ đầy với sự vinh hiển của Đức Chúa Trời khi chúng ta tràn đầy với tình yêu thương của Ngài, và tình yêu cứu chuộc ấy sẽ thay đổi tính tình chúng ta.

Chúng ta sẽ tiết lộ cho thế gian tính chất và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời bởi bày tỏ tình yêu của Ngài trong đời sống cá nhân của mình. Sứ điệp sau cùng được tuyên bố bởi ba thiên sứ cho một thế giới đắm chìm trong đen tối thuộc linh là “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và tôn vinh Ngài” (Khải huyền 14:7). “Sứ điệp về sự công bình của Đấng Christ phát ra khắp địa cầu. Đây là vinh hiển của Đức Chúa Trời khép lại công việc của thiên sứ thứ ba.”—Ellen G. White, Testimonies for The Church, tập 6, trang 19. Ellen G. White cũng viết: “Sự xưng công bình bởi đức tin là gì? Nó là việc của Đức Chúa Trời đặt sự vinh hiển của con người vào trong bụi đất, và làm cho con người điều mà họ không thể làm cho chính mình.”—Testimonies to Ministers and Gospel Workers, trang 456.

Không có vinh quang cho chính chúng ta, nhưng thay vào đó, vinh quang cho Đức Chúa Trời.

Trong Khải huyền có rất nhiều biểu tượng Kinh Thánh quan trọng, chẳng hạn như con rồng trên trời (Khải huyền 12:3, 4, 7), các thiên sứ bay giữa trời (Khải huyền 14:6), người đàn bà cởi trên một con thú sắc đỏ sậm (Khải huyền 17:3), v.v. Đây là Lời Chúa; Đức Thánh Linh đã soi dẫn Giăng viết ra những điều này, và chúng có vai trò quan trọng tiết lộ lẽ thật cho những ai đọc lời của sách này và làm theo vì như đã viết: “Phước cho kẻ đọc cùng những kẻ nghe lời tiên tri này, và giữ theo điều đã viết ra đây. Vì thì giờ đã gần rồi” (Khải huyền 1:3).

Tuy nhiên, có một hình ảnh khác xuất hiện nhiều lần qua suốt sách Khải huyền. Hình ảnh ấy là gì và tượng trưng cho điều gì?

Đọc Khải huyền 5:6, 8, 12; 7:17; 14:1; 15:3; 19:7; 21:22, 23; 22:1, 3. Ý nghĩa của biểu tượng chiên con là gì, và tại sao nó xuất hiện nhiều lần trong sách Khải huyền?

Tất nhiên, như lời mở đầu của cuốn sách, đây là một sự mặc khải “về Đức Chúa Jesus Christ.” Và không chỉ một Chiên con, mà là một Chiên Con “bị giết” (Khải huyền 5:6, 12; Khải huyền 13:8). Đó là, Chúa Giê-su Christ bị đóng đinh. Đây là trái tim và linh hồn, không chỉ của sách Khải huyền và thông điệp của ba thiên sứ nhưng của cả Kinh Thánh. Chúng ta không thể trung thành với điều chúng ta tin tưởng; chúng ta không thể làm công việc mà Đức Chúa Trời đã giao phó, trừ khi chúng ta có Chiên Con, Chiên Con bị giết, hay là Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh, một lễ hy sinh vì tội lỗi chúng ta, như là trọng tâm của sứ điệp của chúng ta.

“Chúng ta phải cố ý đặt Chiên con bị giết làm trọng tâm của các giáo lý và sứ mệnh của chúng ta, trọng tâm của mỗi bài giảng chúng ta giảng, mỗi bài báo chúng ta viết, mỗi bài hát chúng ta ca, mỗi bài học Kinh Thánh chúng ta dạy, và trong tất cả những gì chúng ta làm. Hãy để tình yêu được tiết lộ bởi Chiên Con trên thập tự giá biến đổi cách chúng ta đối xử với nhau, và thúc đẩy chúng ta cũng quan tâm đến thế giới.”—Ángel Manuel Rodriguez, The Closing of the Cosmic Conflict; Role of the Three Angels, trang 70.

Chính vậy, đứng trước và ở giữa những hình ảnh của những con thú nguy hiểm, của một con rồng gây chiến tranh, của dịch bệnh, của bắt bớ, của dấu con thú, là Chiên con, Chiên con bị giết. Và chỉ một mình Ngài, và những gì Ngài đã làm, đang làm, và sẽ làm cho chúng ta trước khi mọi việc kết thúc—Ngài chính là điều mà sứ điệp của ba thiên sứ muốn nói đến.

Chiên con bị giết là trọng tâm của sứ điệp của chúng ta. Điều đó không những quan trọng trong việc hướng dẫn người khác đến lẽ thật, mà cũng là quan trọng cho đời sống thuộc linh của chính chúng ta. Tại sao?

“Các tôi tớ của Đức Chúa Trời, với khuôn mặt rạng ngời và tỏa sáng với sự thánh hiến, sẽ hăng say đi khắp nơi rao truyền sứ điệp từ trời. Sự cảnh cáo sẽ được ban ra qua hàng ngàn giọng nói, trên khắp đất. Các phép lạ sẽ xảy ra, người bệnh sẽ được chữa lành, và các dấu lạ và kỳ quan sẽ theo chân các tín đồ. Sa-tan cũng hoạt động rối rít, với những kỳ quan dối trá, thậm chí có thể dập tắt lửa từ trời rơi xuống đất trước mắt thiên hạ (Khải huyền 13:13). Do đó dân cư trên đất sẽ đến giai đoạn lựa chọn.

“Sứ điệp không những được trình bày bằng lời tranh luận mà còn bởi sự xác tín sâu xa do Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Các cuộc tranh luận đã được trình bày. Hột giống lẽ thật đã được rao sẽ lớn lên và kết trái. Sách báo do các truyền đạo phân phát ra đã gây ảnh hưởng, thế mà nhiều người tuy đã được cảm hóa vẫn bị cản trở để không thông hiểu lẽ thật và vâng lời. Hiện nay những tia sáng chiếu vào khắp nơi, lẽ thật đã hiện ra rất rõ ràng, và con cái chân thành của Đức Chúa Trời sẽ bứt đứt các sợi dây trói buộc họ. Những liên hệ tình cảm của gia đình, của hội thánh không còn đủ sức giữ họ lại nữa. Đối với họ, lẽ thật quý giá hơn mọi điều khác. Mặc cho kẻ thù đã liên kết nhau để chống lại lẽ thật, một số đông người sẽ đứng vào hàng ngũ của Chúa.”—Ellen G. White, Thiện Ác Đấu Tranh, trang 540, Nhà In Tiếng Nói Hy Vọng.

ĐỀ TÀI THẢO LUẬN

  1. Ellen G. White nói rằng “ Sứ điệp về sự xưng công bình bởi đức tin là sứ điệp của thiên sứ thứ ba . . . thật vậy.”—Evangelism, trang 190. Điều ấy có nghĩa gì? Sự xưng công bình bởi đức tin có liên hệ gì với các sứ điệp của ba thiên sứ?
  2. Đọc lại Khải huyền 14:12. Sự khác biệt giữa việc tuân giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và khuynh hướng hợp pháp nghiêm ngặt là gì? Khi nào thì sự vâng lời biến thành chủ nghĩa hợp pháp khắc khe? Bằng cách nào một người không giữ điều răn của Đức Chúa Trời nhưng vẫn là theo khuynh hướng hợp pháp quá đáng?
  3. Bạn có câu trả lời nào cho những người chỉ trích chúng ta khi chúng ta cảnh báo về những con thú hung hăng và dữ dằn viết trong sách Khải huyền?
  4. Thảo luận trong lớp về các sự kiện thế giới hiện tại. Bạn thấy điều gì đã/đang xảy ra có thể đưa đến những diễn biến cuối cùng? Làm sao chúng ta có thể đạt được sự cân bằng giữa nhận thức những gì đang xảy ra mà không sa vào tình trạng suy đoán vô ích về những điều chưa được khải thị?
Bài Học 12, 10 – 16 Tháng 6, 2023

Ấn Của Đức Chúa Trời Và Dấu Của Con Thú: Phần 2

CÂU GỐC: “Tôi lại thấy một vị thiên sứ khác, từ phía mặt trời mọc mà lên, cầm ấn của Đức Chúa Trời hằng sống. Người cả tiếng kêu bốn vị thiên sứ đã được quyền làm hại đất cùng biển, và bảo rằng: Chớ làm hại đất, biển và cây cối, cho đến chừng nào chúng ta đóng ấn trên trán những tôi tớ Đức Chúa Trời chúng ta” (Khải huyền 7:2–3).

KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Khải huyền 12:6, 14; Đa-ni-ên 7:25; V2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3, 4; Phục truyền 11:18; Xuất-Ê-díp-tô Ký 20:8–11.

Vào thế kỷ thứ 15, thung lũng vùng Piedmont cao trong dãy núi Alps thuộc miền bắc nước Ý là nơi cư trú của nhóm dân Waldenses, những người quyết tâm trung tín với những gì Kinh Thánh dạy. Vì sự hết lòng tín trung với Đấng Christ, họ bị đàn áp dữ dội. Vào năm 1488, những người Waldenses trong thung lũng Loyse, vì đức tin của mình, đã bị sát hại dã man bởi Giáo hội La Mã.

Một làn sóng đàn áp khác ập đến vào thế kỷ thứ 17 khi vị công tước của Savoy gửi một đạo quân với 8.000 binh sĩ đến địa phận Piedmont và buộc người địa phương phải để các lính tráng sống chung trong nhà. Dân địa phương phải làm theo lịnh, nhưng đây là một chiến lược giúp các binh sĩ dễ dàng tiếp cận với các nạn nhân của họ. Vào ngày 24 tháng Tư năm 1655, lúc 4 giờ sáng, một dấu hiệu được thông báo để bắt đầu sự thảm sát. Lần này số người chết lên đến 4.000.

Lịch sử, tiếc thay, thường hay tái diễn. Lời tiên tri về “dấu của con thú” là cái khoen cuối cùng của dây chuyền vô đạo đàn áp tôn giáo bắt đầu từ bao thời đại trước. Giống như những áp bức trong quá khứ, áp bức được bày ra để buộc mọi người đi theo một hệ thống tin kính và tôn thờ đã đặt ra. Tuy nhiên Đức Chúa Trời sẽ luôn luôn có một dân sự đứng vững, không hàng phục.

Như chúng ta đã học qua, lực lượng của con thú trong Khải huyền 13, 14 đại diện cho một hệ thống thờ phượng sai lầm toàn cầu. Nhưng còn hơn thế nữa.

Đọc Khải huyền 13:5; 12:6, 14; Đa-ni-ên 7:25. Lực lượng này đã thống trị bối cảnh tôn giáo trong bao lâu vào những thế kỷ trước?

Con thú tiếp tục hoạt động trong một thời gian định rõ trong lịch sử. Với tiên tri, một ngày tiên tri tương đương một năm đời. Chúng ta đọc Dân số Ký 14:34 “một năm cho một ngày”—nguyên tắc Kinh Thánh được áp dụng ở đây đếm một ngày cho một năm. Đức Chúa Trời cũng phán: “Ta định cho ngươi mỗi một ngày thay vì một năm” (Ê-xê-chi-ên 4:6). Nguyên tắc này đã tự chứng minh là chính xác khi diễn giải lời tiên tri về thời gian, chẳng hạn như 70 tuần lễ của Đa-ni-ên 9:24–27. Khi tính toán thời gian 42 tháng trong Khải huyền 13:5, với 30 ngày mỗi tháng, chúng ta có 1.260 ngày tiên tri hay 1.260 năm đời. Lịch thời cổ xưa thường chỉ có 360 ngày mỗi năm.

Vào thế kỷ thứ 4, hoàng đế La Mã Constantine hợp pháp hóa Cơ Đốc giáo trong toàn lãnh thổ. Khi vua dời thủ đô (từ Rô-ma) về Byzantium năm 330 (sau công nguyên) để thống nhất vùng phía đông và phía tây của đế quốc, để lại Rô-ma một khoảng trống lãnh đạo. Giáo hoàng vì thế lấp đầy khoảng trống. Người trở thành một lực lượng đáng kể không những của tôn giáo mà của cả chính trị tại Âu Châu. Năm 538, hoàng đế ngoại đạo La Mã Justinian chính thức ban cho giám mục La Mã vai trò người bảo vệ đức tin. Giáo hội thời trung cổ thực thi quyền hành rất lớn từ năm 538 đến năm 1798, kể cả những đàn áp được nêu lên trong phần mở đầu bài học. Năm 1798 tướng Berthier của Napoleon bắt giữ giáo hoàng, làm trọn đúng như lời tiên tri.

Berthier và quân đội ông bắt lấy Giáo hoàng Pius VI và lôi người khỏi ngai một cách sỗ sàng. Đó là một cú nặng cho giáo hoàng, nhưng theo Khải huyền 13:12, vết thương đến chết rồi sẽ lành, và cả thế giới sẽ nghe nhiều hơn về quyền lực này.

Lời tiên tri trong Kinh Thánh thật quá diệu kỳ và nó cho chúng ta thấy sự hiểu biết của Đức Chúa Trời về những dữ kiện tương lai. Điều này dạy gì cho chúng ta rằng tại sao chúng ta có thể tin tưởng trông cậy vào lời hứa của Ngài, cho cả những điều chúng ta chưa thấy hoàn tất?

Đọc 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3, 4, 9–12. Phao-lô tiên đoán gì về những ngày cuối cùng? Ông cho thấy dấu hiệu nào để chỉ điểm con thú, lực lượng chống Đấng Christ?

Sứ đồ Phao-lô cảnh cáo cộng đồng Cơ Đốc giáo về sự “xa lìa” lẽ thật của lời Chúa. Ông quan tâm đến những hạt giống bội đạo đang hiện diện trong hội thánh Tân Ước, và nó có thể sinh sôi nảy nở trong những thế kỷ sắp đến trước khi Đấng Christ tái lâm. Một phúc âm giả hiệu sẽ được nổi lên và bóp méo Lời Chúa.

Sa-tan là kẻ đứng đằng sau việc bội đạo này. Hắn là “người tội ác” thật sự, kẻ muốn “tôn mình lên trên mọi sự mà người ta xưng là Đức Chúa Trời” và “ngồi trong đền Đức Chúa Trời” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:4). Nhưng “kẻ lừa dối lớn” kia sẽ làm việc qua những cơ quan của loài người để hoàn thành mục đích của hắn. Đa-ni-ên và Khải huyền xác định tính chất của cái sừng nhỏ trong Đa-ni-ên 7, con thú trong Khải huyền 13, 14, và “kẻ nghịch cùng luật pháp” trong 2 Tê-sa-lô-ni-ca đoạn 2 đều chỉ về cùng một thực thể.

SDA Bible Commentary nêu lên rằng: “Sự so sánh lời tiên tri trong Đa- ni-ên về uy quyền phạm thượng kế ngôi tiếp theo La Mã ngoại đạo . . . và cách Giăng mô tả con thú giống như con beo . . . tiết lộ những điểm giống nhau của cái sừng nhỏ, con thú hùng mạnh, và kẻ nghịch cùng luật pháp. Điều này sẽ đưa chúng ta đến kết luận rằng Đa-ni-ên, Giăng, và Phao-lô nói về cùng một uy quyền . . . giáo hoàng.”—tập 7, trang 271.

Đây là điều rất ư quan trọng mà chúng ta nên ghi nhớ rằng lời tiên tri trong Kinh Thánh mô tả một hệ thống tôn giáo chịu thỏa thuận làm sai lạc Lời Đức Chúa Trời, thay thế phúc âm với những truyền thống loài người, và đã trôi dạt xa khỏi lẽ thật Kinh Thánh. Trong tình yêu bao la của Đức Chúa Trời, Ngài đã ban cho chúng ta những lời tiên tri này để sửa soạn chúng ta cho ngày Đức Chúa Giê-su trở lại. Chúng là những lời quở trách các tổ chức tôn giáo bội đạo đã đi xa khỏi Lời Chúa, dù không hẳn là dân sự trong vòng các tôn giáo ấy (xem Khải huyền 18:4). Sứ điệp của chúng ta nói về một hệ thống tôn giáo lừa dối muôn ngàn người. Họ dầu bị sai lầm nhưng vẫn được Đấng Christ yêu thương vô vàn. Thế nên chúng ta cũng phải đối xử với họ cách tương tự.

“Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri” (Ma-thi-ơ 7:12). Chúng ta phải áp dụng nguyên tắc này như thế nào khi xử lý với chủ đề về các quyền lực con thú trong Khải huyền 13 và 14?

Dựa theo khảo sát chúng ta biết rằng người dân thiếu tin tưởng vào chính quyền và các cơ quan của chính quyền. Triệu người thắc mắc, “Tìm đâu ra một người đạo đức để lãnh đạo thể giới?” Lời tiên tri trong Khải huyền xác định lực lượng con thú dưới sự bảo trợ của một liên hợp tôn giaó–chính trị, sẽ là lực lượng thoả mãn vai trò này.

Đọc Khải huyền 17:12–14. Giăng mô tả những cảnh cuối cùng trong lịch sử nhân loại ra sao? Sự tương phản hùng mạnh nào được thấy ở đây?

Trong đoạn này Giăng đã nêu lên ba điểm đầy ý nghĩa. Thứ nhất, các lực lượng chính trị hợp nhất trong việc “trao thế lực quyền phép mình” cho con thú. Thứ hai, tập đoàn của sai lầm này gây chiến cùng Chiên Con. Thứ ba, trong cuộc chiến cuối cùng của địa cầu, Đấng Christ và những ai theo Ngài toàn thắng. Đức Chúa Giê-su, không phải con thú, thắng trận.

Các bạn có bao giờ thắc mắc ma quỷ đã dùng chiến lược nào để liên hiệp mọi quốc gia? Lịch sử thường hay tự tái diễn. Qua sự sụp đổ của đế quốc La Mã, chúng ta khám phá ra nhiều bài học giá trị. Khi quân Đức từ phía bắc xâm chiếm và tàn phá Tây Âu, hoàng đế La Mã Constantine quay về tôn giáo. Uy quyền của giáo hội, cộng với uy quyền của quốc gia, trở nên dụng cụ mà Contantine rất cần đến. Việc tiếp tục tăng cường sự tôn nghiêm của ngày Chủ Nhật (Thứ Nhất) vào thế kỷ thứ tư là một nước cờ tôn giáo–chính trị đã được tính toán kỹ để đoàn kết đế quốc trong giai đoạn khủng hoảng. Constantine muốn đế quốc đoàn kết, thống nhất, trong khi giáo hội La Mã muốn cả đế quốc “theo đạo”. Sử gia nổi tiếng Arthur Weigall đã nói rất rõ ràng: “Giáo hội đã biến ngày Chủ Nhật thành ngày thánh . . . chính cũng vì đó là ngày lễ mặt trời hàng tuần. Đây là một chính sách xác định của Cơ Đốc giáo muốn tiếp nhận những lễ lạc truyền thống được yêu thích của người ngoại giáo và biến chúng thành lễ của Cơ Đốc giáo.”—The Paganism in Our Christianity, G.P. Putman’s Sons, trang 145.

Tại một thời điểm của khủng khoảng kinh hoàng, khi tất cả thế giới run sợ, đau đớn và kinh hãi, nhân loại trong tuyệt vọng sẽ muốn tìm một ai đó có thể mang lại chút bình an và bảo vệ. Các nhà độc tài trong quá khứ đã nổi lên trong hoàn cảnh này và không có lý do gì việc này lại không tái diễn. Theo lời tiên tri, những diễn biến cuối cùng này rồi sẽ xảy đến.

Mặc dầu khó mà biết được mọi sự rồi sẽ ra sao, nhưng cả thế giới đã chứng kiến những thay đổi vĩ đại xảy ra nhanh chóng như thế nào. Tuy chúng ta không biết chi tiết những gì sẽ đến, nhưng chúng ta cần phải luôn sẵn sàng cho bất cứ điều gì.

So sánh Khải huyền 14:9 với Khải huyền 14:12. Dấu của con thú ghi ở đâu? (Xem Phục truyền 6:8; 11:18). Gì là hai đức tính dân sự Đức Chúa Trời có khác với những ai chịu dấu của con thú?

Một nhóm thờ phượng con thú, một nhóm giữ điều răn của Đức Chúa Trời (gồm có điều răn thứ tư, điều răn mà lực lượng của con thú muốn thay đổi) và giữ lòng tin nơi Đức Chúa Giê-su. Đó là sự khác biệt. Ma quỷ, làm việc qua con thú lên từ biển và đất, muốn huỷ hoại uy quyền của Đức Chúa Trời bằng cách tấn công trái tim của sự thờ phượng, đó là ngày Sa-bát. Dấu của con thú được ghi hoặc trên trán hoặc trên tay. Trán là tượng trưng cho lý trí, nơi lương tâm, suy xét, phán đoán cư ngụ; bàn tay, đối lại, tượng trưng cho hành động và việc làm.

Ngày này rồi sẽ đến, có thể sớm hơn bạn tưởng, khi luật lệ sẽ được thông qua giới hạn sự tự do tín ngưỡng của chúng ta. Những ai hết lòng làm theo Lời Chúa và giữ ngày Sa-bát thật của Đức Chúa Trời sẽ bị xem là chống đối sự hợp nhất và lợi ích cho xã hội.

“Những người tôn trọng ngày Sa-bát của Kinh Thánh sẽ bị tố cáo là kẻ thù của luật pháp và trật tự, vi phạm các giềng mối đạo đức của xã hội, mang lại sự hỗn loạn và suy đồi, khiến cho Đức Chúa Trời đoán phạt thế gian. Người ta cho rằng tính cẩn thận của họ chẳng qua là sự bướng bỉnh, ngoan cố, và coi thường uy quyền. Họ bị tố cáo là khinh dể chính phủ.” — E. G. White, Thiện Ác Đấu Tranh, trang 521, Nhà In Tiếng Nói Hy Vọng.

Khải huyền tiên đoán rằng trong tương lai, tại một thời điểm khi cả toàn cầu ở trong cơn khủng hoảng, thế giới của chúng ta sẽ đối đầu với một biến đổi chính yếu về chính trị, xã hội, tín ngưỡng, và luân lý trong đó việc giữ ngày Chủ Nhật sẽ được thực thi và nó sẽ trở thành “dấu của con thú”. Chúng ta không biết hết những việc này sẽ diễn biến ra sao, Kinh Thánh chỉ cho chúng ta đủ biết rằng sự tranh đấu giữa thiệc và ác sẽ đến màn cực điểm quanh vấn đề thờ phượng—con thú hay Đấng Tạo Hoá—và ngày Thứ Bảy Sa-bát sẽ đóng vai trò chủ yếu.

Nhân loại luôn bị chia ra dọc theo lằn dọc, hoặc bên Chúa hoặc bên Sa-tan ra sao? Tại sao không có đất ở giữa? Làm sao chúng ta chắc chắn biết được chúng ta đang ở bên nào?

Có lẽ ngay cả vào lúc này, sân khấu đang được bố trí cho việc đàn áp sắp đến. Vào ngày 6 tháng 6, 2012 Giáo hoàng Benendict XVI có lời kêu gọi khẩn thiết cho hơn 15 ngàn người đang tụ tập tại quản trường St. Peter tại La Mã, rằng Chủ Nhật phải là ngày nghỉ ngơi cho mọi người để họ có được tự do ở với gia đình và với Chúa. “Bởi bảo vệ ngày Chủ Nhật, chúng ta bảo vệ sự tự do của con người.” Điều này dĩ nhiên không phải là ra lệnh mọi người giữ ngày này, chống lại ngày Sa-bát Kinh Thánh, nhưng vấn đề là nó bày tỏ ý tưởng ngày Chủ Nhật là ngày yên nghỉ. Sớm muộn gì, luật pháp cũng sẽ được ban hành và những ai hết lòng vâng theo lời Chúa sẽ bị chụp mũ là chống đối lợi ích chung của xã hội.

Trong giai đoạn khủng hoảng này, những ai trung tín với Đức Chúa Trời, nhờ ân điển và quyền lực Ngài, sẽ đứng vững trong đức tin. Họ sẽ không để áp lực lay chuyển.

Ngược với dấu con thú, họ sẽ nhận được dấu ấn của Đức Chúa Trời. Vào thời cổ xưa, ấn dấu được dùng để chứng nhận sự xác thực của hồ sơ chính thức. Thế nên chúng ta mong đợi tìm thấy ấn chứng của Đức Chúa Trời đóng trên luật pháp Ngài. Dấu ấn thời xưa là một dấu riêng biệt của từng cá nhân. Tiên tri Ê-sai nói: “Ngươi hãy gói lời chứng này, niêm phong luật pháp này trong môn đồ ta!” (Ê-sai 8:16).

Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8–11. Bạn tìm thấy những yếu tố nào chứng nhận một dấu ấn Kinh Thánh trong điều răn ngày Sa-bát? Điều răn Sa-bát này khác với những điều răn khác ra sao?

Điều răn thứ Tư gồm có 3 yếu tố của một dấu ấn thật. Thứ nhất, tên của người đóng ấn: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi” (Xuất 20:10). Thứ hai, chức tước của người đóng ấn: “Đức Giê-hô-va đã dựng nên” (Xuất 20:11) hay là Đấng Tạo Hoá. Thứ ba, lãnh thổ của người đóng ấn: “trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó” (Xuất 20:11). Theo Khải huyền 7:1–3, dấu ấn của Đức Chúa Trời chỉ đóng lên trán, một biểu tượng của tâm trí. Đức Chúa Giê-su tôn trọng quyền tự do lựa chọn của chúng ta. Ngài mời chúng ta hãy để tâm trí mình được nhồi nắn bởi Đức Thánh Linh, và nhờ đó chúng ta không bị tách rời khỏi cái neo của đức tin trong Lời Chúa (Ê-phê-sô 4:30). Vậy nên, chúng ta hiểu rằng những người trung tín là những người “giữ điều răn của Đức Chúa Trời và giữ lòng tin Đức Chúa Jesus” (Khải huyền 14:12).

Bạn thấy hiện nay những điều kiện nào đang bành trướng và có thể đưa đến việc hạn chế sự tự do tín ngưỡng của chúng ta? Cũng như những trở ngại nào?

“Chúng ta có xu hướng bỏ qua thực tế rằng Chủ nhật là ngày thờ phượng của các lực lượng chống đối . . . theo dòng truyện của sách Khải huyền. Chủ nhật là một biểu tượng cực kỳ quan trọng, tiết lộ sự xảo quyệt và ngụy biện sắc sảo của con rồng . . . Sự thay đổi luật pháp của Đức Chúa Trời này thể hiện trong một hành động đơn giản nhưng đó là bản chất của sự căm thù của con rồng chống lại Đức Chúa Trời trong cuộc xung đột vũ trụ. Sự đơn giản của nó là một lừa đảo cao độ. Con rồng đã tìm cách chiếm đoạt ngôi vị của Đức Chúa Trời trong vũ trụ bằng cách mô tả chính mình như một đối tượng thật của sự thờ phượng và tranh luận rằng luật pháp của Đức Chúa Trời là bất công—và cần được thay đổi. Con rồng đã thay đổi luật tại điểm gặp nhau trong bản Điều Răn nơi Chúa được xác định là Đấng Sáng tạo và Đấng Cứu chuộc, đấng duy nhất đáng được tôn thờ (Xuất 20:8–11; Phục truyền 5; xem Khải huyền 4:11; 5:9, 13, 14). Sự thay đổi của luật không chỉ biểu hiện lòng căm thù của con rồng đối với ý muốn của Chúa (luật pháp), nhưng đó cũng là nỗ lực của hắn ta để chiếm đoạt chỗ của Đức Chúa Trời bằng cách trở thành đối tượng của sự thờ phượng. . . . Việc phổ biến sự thay đổi luật pháp này sẽ đảm bảo sự chiến thắng của hắn ta.”—Angel Manuel Rodriquez, The Closing of the Cosmic Conflict : Role of the Three Angels Messages, trang 53, 54.

ĐỀ TÀI THẢO LUẬN

  1. Dù sống trong dự đoán, thậm chí mong đợi những biến cố cuối cùng, tại sao chúng ta phải thận trọng để không trở nên cuồng tín, thiết lập ngày tháng chúng sẽ xảy ra, hoặc suy diễn xa hơn những gì đã được tiết lộ cho chúng ta thông qua nguồn cảm hứng? Có những nguy hiểm gì khi làm điều này, và kết quả ra sao khi các sự kiện mình mong đợi không xảy ra ​​theo lời mọi người tiên đoán nó sẽ xảy ra?
  2. Trong khi chúng ta nên tránh những nguy hiểm nêu lên trong câu hỏi trên, chúng ta phải nên trả lời ra sao với những người nói rằng kịch bản của chúng ta về dấu ấn của con thú và sự đàn áp bắt bớ không thể xảy ra bởi vì chuyện ấy xem ra dường như không thể thực hiện được, với tình trạng hiện tại của thế giới? Tại sao dòng lập luận này, mặc dù nghe ra thật dường như hợp lý, thực sự không hợp lý tí nào? (Chẳng vậy sao, hãy xem bao sự thay đổi lớn lao đã đến cách nhanh chóng trong thế giới.)
Bài Học 11, 3 — 9 Tháng 6, 2023

Ấn Của Đức Chúa Trời Và Dấu Của Con Thú: Phần 1

CÂU GỐC: “Tôi lại thấy một vị thiên sứ khác, từ phía mặt trời mọc mà lên, cầm ấn của Đức Chúa Trời hằng sống. Người cả tiếng kêu bốn vị thiên sứ đã được quyền làm hại đất cùng biển, và bảo rằng: Chớ làm hại đất, biển và cây cối, cho đến chừng nào chúng ta đã đóng ấn trên trán những tôi tớ Đức Chúa Trời chúng ta” (Khải huyền 7:2–3).

KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Khải huyền 14:12; Ê-phê-sô 2:8–10; Ma-thi-ơ 27:45–50; Khải huyền 13:15–17; Khải huyền 14:4; Lu-ca 5:18–26.

Khi nghiên cứu các sự kiện liên quan đến dấu của con thú trong thời cuối cùng, chúng ta sẽ thấy một điểm khác biệt vô cùng quan trọng giữa cách vận hành của Đức Chúa Trời và Sa-tan.

Như chúng ta đã học qua, các vấn đề chính trong cuộc thiện ác đấu tranh giữa Đấng Christ và Sa-tan tập trung vào sự trung tín, quyền lực và thờ phượng. Những lời tiên tri mô tả quyền lực con thú trong Khải huyền 13, cái sừng nhỏ trong Đa-ni-ên 7, và “con của sự hư mất” trong 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2, đều nói về một quyền lực muốn chiếm đoạt quyền hành của Đức Chúa Trời, đòi hỏi sự trung thành, và giới thiệu một hệ thống thờ phượng giả mạo. Và quyền lực ấy tiến hành ý định qua việc sử dụng vũ lực, cưỡng bức, và đôi khi cả hối lộ cùng phần thưởng—tất cả đều nhằm mục đích ép buộc sự thờ phượng.

Ngược lại, tình yêu là động lực vĩ đại của Nước Đức Chúa Trời. Thay vì thờ lạy con thú, dân sự Đức Chúa Trời tìm thấy niềm vui và thỏa thích cao sâu nhất trong việc thờ phượng Chúa. Họ cam kết với Ngài, vì họ biết rằng Ngài đã cam kết với họ. Điều duy nhất ngăn cản chúng ta khỏi chịu dấu của con thú vào thời kỳ cuối cùng—đó là tình yêu sâu đậm dành cho Chúa Giê-su đến nỗi không gì có thể tách chúng ra khỏi Ngài.

Như chúng ta đã thấy trong Khải huyền 14:7, Đức Chúa Trời kêu gọi tất cả loài người thờ phượng Đấng Tạo Hóa. Đây là sứ điệp của thiên sứ thứ nhất. Trong Khải huyền 14:8, Đức Chúa Trời cảnh cáo loài người về Ba-by-lôn, một hệ thống tín ngưỡng sai lầm có nguồn gốc từ Ba-by-lôn thuở xưa. Đây là sứ điệp của thiên sứ thứ hai.

Trong Khải huyền 14:9, 10, thiên sứ thứ ba cảnh cáo việc thờ lạy con thú. Thiên sứ nói lớn tiếng: “Nếu ai thờ phượng con thú cùng tượng nó, và chịu dấu nó ghi trên trán hay trên tay, thì người ấy cũng vậy, sẽ uống rượu thạnh nộ không pha của Đức Chúa Trời rót trong chén thạnh nộ Ngài; và sẽ chịu đau đớn trong lửa và diêm ở trước mặt các thiên sứ thánh và trước mặt Chiên Con.”

Đọc Khải huyền 14:12. Dân sự Đức Chúa Trời trong thời kỳ cuối cùng có hai đặc điểm nào? Tại sao cả hai điều là quan trọng?

Chữ “nhịn nhục” trong tiếng Hy Lạp là hupomone, cũng có nghĩa là “sự chịu đựng bền bỉ”. Trong ngày cuối cùng, Đức Chúa Trời sẽ có những người giữ lòng trung tín với Ngài dầu phải đối mặt với nhiều chống đối và đàn áp khốc liệt. Nhờ ân điển Ngài, họ đứng vững trong nhịn nhục, sống cuộc sống với Chúa làm trung tâm, đầy ân điển và vâng phục.

Thờ phượng Đấng Tạo Hóa (Khải huyền 14:7) là trực tiếp chống đối việc thờ phượng con thú (Khải huyền 14:9). Điều đó được thể hiện qua việc họ tuân giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và giữ lòng tin nơi Đức Chúa Giê-su (Khải huyền 14:12). Cuộc xung đột cuối cùng này về sự trung thành với Đấng Christ hay với con thú xoay quanh sự thờ phượng, và trung tâm của cuộc tranh đấu giữa thiện và ác này là ngày Sa-bát.

Đọc Rô-ma 8:1–4; Ê-phê-sô 2:8–10 và Cô-lô-se 1:29. Những đoạn Kinh Thánh này dạy chúng ta điều gì về kết quả của việc sống bởi đức tin?

Sống bởi đức tin, chúng ta nhận được ân điển của Ngài và đời sống chúng ta thay đổi. Những người cam kết theo Đấng Cứu Rỗi sẽ không chỉ có đức tin “trong” Chúa Giê-su, mà cũng sẽ có đức tin “của” Chúa Giê-su. Đức tin của Chúa Giê-su sẽ là đức tin của họ, và họ sẽ trung tín, cho đến chết, như Chúa Giê-su đã làm.

Bạn trung tín đến mức nào trong những điều nhỏ nhặt? Có thể điều ấy cho biết bạn sẽ ra sao khi những thử thách thực sự đến? (Xin xem Lu-ca 16:10).

Đọc Ma-thi-ơ 27:45–50. Điều này dạy gì cho chúng ta về những biến động Đấng Christ đã trải qua trên thập giá? Đức Chúa Giê-su có ý gì khi Ngài hỏi Đức Chúa Trời “sao Ngài lìa bỏ Con”, và bối cảnh này giúp chúng ta hiểu thế nào về ý nghĩa của việc có “đức tin của Chúa Giê-su”?

Bị đóng đinh trên thập giá, mang lấy những tội lỗi của thế gian, đầy hổ nhục, và cảm thấy như bị cắt đứt khỏi tình yêu của Cha Ngài, Đức Chúa Giê-su trong giờ phút đau thương ấy chỉ biết lệ thuộc vào mối quan hệ mà Ngài có với Cha của suốt cuộc đời mình. Thật vậy, Chúa Giê-su sống một đời hoàn toàn phục tùng vào Cha. Ngay cả trong những lúc hưng thịnh, Ngài đã chuẩn bị cho giờ phút gian nan nhất của cuộc đời là chết trên thập giá. Đấng Cứu Rỗi tin cậy, dẫu khi hoàn cảnh chung quanh như muốn Ngài nghi ngờ. Ngay cả lúc Đức Chúa Trời xem như đã từ bỏ Ngài, Chúa Giê-su không bỏ cuộc.

“Giữa bóng tối ghê rợn, như thể Đức Chúa Trời đã từ bỏ, Đấng Christ đã uống cạn những cặn bã cuối cùng trong cái chén của sự khốn cùng của con người. Vào những giờ phút kinh hoàng đó, Ngài đã tựa vào bằng chứng về sự chấp nhận của Cha Ngài đã ban cho Ngài từ trước đến nay . . . Bởi đức tin, Đấng Christ đã chiến thắng.”—Ellen G. White, Christ Triumphant, trang 277.

Đức tin của Chúa Giê-su là một đức tin sâu đậm, tin cậy và cam kết đến nỗi tất cả quỷ ma trong vũ trụ và tất cả mọi thử thách trên cõi đời này không thể nào lay chuyển. Đó là một sự tin cậy dầu không thấy, tin tưởng tuy không thể hiểu được, nắm vững dầu chỉ có chút ít để bám vào. “Đức tin của Chúa Giê-su” này tự nó là một món quà mà chúng ta nhận được bởi đức tin và sẽ giúp chúng ta vượt qua cơn khủng hoảng sắp đến. “Đức tin của Chúa Giê-su” này ngự trong lòng chúng ta, giúp chúng ta thờ phượng Đấng Christ như đấng tối cao, và bền bỉ chịu đựng khi dấu con thú của Khải huyền được thực thi.

Tuy nhiên, đó không phải là một điều đột nhiên mà có. Dân sự Đức Chúa Trời đã học cách sống bởi đức tin mỗi ngày từ lúc này. Lúc thịnh cũng như lúc suy, khi cảm thấy Chúa rất gần, hay xa vắng, điếu ấy không thành vấn đề. “Người công bình sống bởi đức tin” (Ga-la-ti 3:11; xem thêm Ha-ba-cúc 2:4). Đây là lúc chuẩn bị. Nếu chúng ta bền bỉ trong đức tin, mọi thử thách lúc này sẽ sinh hoa trái quý giá trong đời sống chúng ta.

Hãy nghĩ về một giai đoạn trong đời bạn khi mọi điều tưởng như đổ vỡ và chỉ còn lại cái duy nhất là đức tin. Làm thế nào bạn đã vượt qua cơn bỉ cực? Bạn đã học được những bài học gì? Kinh nghiệm của bạn có thể giúp gì cho những ai có thể cũng đang trải qua hoàn cảnh tương tự?

Lời tiên tri về dấu của con thú nói đến sự không khoan dung tôn giáo, tẩy chay kinh tế, đàn áp bắt bớ và cuối cùng là một sắc lệnh tử hình. Điều đáng ngạc nhiên là lời tiên tri đó cũng là một sứ điệp khuyến khích. Dầu trong những thời kỳ khó khăn, Đức Chúa Trời sẽ nâng đỡ dân sự Ngài, những người “giữ điều răn của Đức Chúa Trời và giữ lòng tin Đức Chúa Giê-su” (Khải huyền 14:12). Dĩ nhiên trong số các điều răn này có điều răn thứ tư, ngày Thứ Bảy Sa-bát.

Lời tiên tri về dấu của con thú trong Khải huyền 13 cho chúng ta biết về giai đoạn tàn tệ nhất của trận chiến Sa-tan dấy lên chống lại Đức Chúa Trời. Chiến lược đầu tiên của hắn là sự lừa dối. Khải huyền 13 kể về thời điểm trong tương lai khi ma quỷ sẽ hoạt động qua một lực lượng chính trị tôn giáo—còn gọi là con thú, và sẽ dùng đến bạo lực.

Chuyện đàn áp tôn giáo, tất nhiên chẳng có gì là mới. Nó đã xảy ra từ khi Ca-in giết A-bên vì A-bên đã thờ phượng Đức Chúa Trời theo ý Ngài (xem Sáng thế Ký 4:1–8). Đức Chúa Giê-su cho biết sự bắt bớ sẽ xảy ra, cho cả những tín đồ từ thế kỷ thứ nhất và qua các thời đại. Ngài đã cảnh cáo: “Vả lại, giờ đến, khi ai giết các ngươi, tưởng rằng thế là hầu việc Đức Chúa Trời” (Giăng 16:2; xem thêm Ma-thi-ơ 10:22, 1 Phi-e-rơ 4:12).

Lời tiên tri về dấu của con thú chỉ về móc nối cuối cùng trong chuỗi dây nghịch đạo này. Cũng như các cuộc đàn áp trong quá khứ, dự định của nó là buộc mọi người phải tuân theo một tập hợp tín ngưỡng và một hệ thống thờ phượng đã được sửa đổi và ban hành.

Đọc Khải huyền 13:15–17. Dân sự Đức Chúa Trời sẽ đối đầu với điều gì trong cơn khủng hoảng cuối cùng?

Lời tiên tri nói rằng sự đàn áp bắt bớ sẽ bắt đầu với biện pháp trừng phạt kinh tế: “Không ai có thể mua hoặc bán” trừ khi họ có “dấu”. Khi điều này xảy ra, đại đa số sẽ qui phục. Những ai từ chối cuối cùng rồi sẽ bị đặt dưới một sắc lệnh tử hình.

Ma quỷ đang “sửa soạn” các Cơ Đốc nhân, qua những “thoả thuận” trong đời sống của họ, để họ nhận dấu ấn của con thú khi sự thử thách cuối cùng đến. Chỉ có tình yêu của Chúa cho mỗi người trong chúng ta mới củng cố và giữ gìn chúng ta trong giai đoạn cam go sắp đến.

Đọc Ga-la-ti 6:7–9. Mặc dù những lời này được viết không với bối cảnh của các sự kiện ngày cuối cùng, nhưng tại sao các nguyên tắc ở đây rất xác đáng đến vấn đề dấu của con thú và cách chúng ta có thể đứng vững trong đức tin?

Đọc Khải huyền 13:1, 2. Con thú đến từ đâu và ai ban quyền hành cho con thú?

Con thú thứ nhất trong Khải huyền 13 nhận được quyền lực, địa vị, và thẩm quyền từ con rồng. Khải huyền 12:9 và 20:2 xác định con rồng là Sa-tan, một kẻ thù xảo quyệt và hoạt động qua các lực lượng thế gian. Khải huyền 12:3–5 cho biết “con rồng” này—là ma quỷ—đã hết lòng muốn diệt “Đứa Con Trai” ngay khi bé mới sinh. “Đứa con trai” này sau đó đã được “tiếp lên tới Đức Chúa Trời, và nơi ngôi Ngài.” Điều này dĩ nhiên chỉ về Đấng Christ. Sa-tan đã dùng Hê-rốt và đế quốc La Mã để tiêu diệt bé trai Christ. Vào cuối cuộc đời của Chúa Giê-su, Phi-lát, một thống đốc La Mã đã kết án tử hình Đấng Christ; một đao phủ La Mã đóng đinh Ngài trên thập giá, một lính La Mã đã dùng giáo đâm Ngài, và những lính La Mã khác canh giữ mộ Ngài. Theo Khải huyền 13:2, con rồng hay Sa-tan, làm việc qua người ngoại giáo La Mã và hắn sẽ trao ghế chính quyền cho lực lượng con thú đang trổi lên này.

“Mặc dù con rồng chủ yếu đại diện Sa-tan, nhưng trong nghĩa phụ, nó đại diện cho Đế quốc La Mã . . . kế tiếp Đế quốc La Mã, quyền lực nhận được từ con rồng ‘sức mạnh, ngôi, và quyền phép lớn của nó’ rõ ràng là Giáo hoàng La Mã.”—SDA Bible Commentary, tập 7, trang 817. Sử gia A. C. Flick giải thích rằng “từ những tàn tích của Đế quốc chính trị La Mã đã phát sinh ra một đế quốc luân lý La Mã khổng lồ, dưới hình thức Hội Thánh La Mã.”—The Rise of the Medieval Church (1900), trang 150.

Đọc Khải huyền 13:3 và 14:4. Bạn có thấy sự tương phản nào trong những câu này?

Ngược lại với “cả thế gian” đi theo con thú, Đức Chúa Trời sẽ có một dân sự “theo Chiên Con”.

Luôn luôn là vậy, hoặc bên này hay bên kia, theo Chúa Giê-su hay chống Chúa Giê-su. Lúc đó cũng như lúc này, không có chuyện đứng giữa hay trung lập. Dầu ý thức hay vô tình, không cam kết chắc chắn với Đức Chúa Giê-su là cam kết với phía bên kia.

“Các ngươi sẽ bị thiên hạ ghen ghét vì danh ta; song ai bền lòng cho đến cuối cùng thì sẽ được cứu (Ma-thi-ơ 10:22). Bạn đã sẵn sàng như thế nào để kiên trì cho đến cuối cùng?

Đọc Khải huyền 13:4, 5. Qua những câu Kinh Thánh này chúng ta khám phá ra những dấu nhận dạng nào về lực lượng con thú?

Con thú trong sách Khải huyền là một lực lượng tôn giáo bội đạo nổi lên từ một La Mã ngoại giáo và phát triển thành một hệ thống tin kính vượt ra khỏi Rô-ma ngoại giáo và lớn mạnh để trở thành một hệ thống thờ phượng toàn cầu. Theo Khải huyền 13:5, nó là một lực lượng phạm thượng. Trong Tân Ước, khi một ai giả định những đặc quyền và ưu thế của mình ngang hàng với Đức Chúa Trời, đó là phạm thượng.

Đọc Lu-ca 5:18–26 và Giăng 10:33. Những câu Kinh Thánh này xác định hai khía cạnh nào của sự phạm thượng?

Đức Chúa Giê-su bị những người lãnh đạo buộc tội phạm thượng. Trong trường hợp của Chúa Giê-su, những lời buộc tội ấy là không đúng vì chính Ngài có tất cả quyền hạn và đặc quyền của Đức Chúa Trời—kể cả quyền tha tội cho chúng ta. Và đó bởi vì Đức Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời. Như chính Ngài đã tuyên bố cách vững chắc: “Hỡi Phi-líp, ta ở cùng các ngươi đã lâu thay, mà ngươi chưa biết ta! Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha. Sao ngươi lại nói rằng: Xin chỉ Cha cho chúng tôi” (Giăng 14:9).

Trong khi 1 Ti-mô-thê 2:5 dạy rằng có một Đấng trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người, là Đức Chúa Jêsus Christ thì ngược lại, Giáo hội La Mã dạy rằng vị linh mục là đấng trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người tội lỗi. Nhưng vì linh mục cũng là một con người tội lỗi, ông ta không thể là người trung bảo của chúng ta vì chính linh mục cũng cần một đấng trung bảo. Ai tự xưng mình là Đức Chúa Trời hoặc thay thế Đức Chúa Trời đều là phạm thượng. Sau đây là một vài lời tuyên bố từ giới thẩm quyền của Giáo hội La Mã: “Giáo hoàng có phẩm giá cao quý và được tôn vinh đến mức ngài không phải chỉ là một người tầm thường . . . Ngài giống như Đức Chúa Trời trên đất.” Lucius Ferraris, “Papa”, Prompta Bibliotheca (1763) tập 6, trang 25–29.

Giáo Hoàng Leo XIII đã khoe rằng: “Chúng tôi [các giáo hoàng] chiếm giữ trên trái đất này địa vị của Đức Chúa Trời Toàn Năng.”—The Great Encyclical Letters of Pope Leo XIII (New York: Benziger, 1903), trang 193.

Những lời tuyên bố này càng trở nên xác đáng khi chúng ta hiểu rằng chữ “chống lại” (anti), như trong “anti-christ” không phải luôn có nghĩa là “chống đối” Đấng Christ mà nó cũng có nghĩa là “thay cho”. Do đó, anti-Christ cũng có nghĩa là “thay cho Đấng Christ.” Nói chuyện phạm thượng!

“Ngay từ lúc khởi đầu cuộc đấu tranh trên thiên đàng, mục đích của Sa-tan là đánh đổ luật pháp Đức Chúa Trời. Để thực hiện điều đó, hắn bắt đầu tranh chiến với Đấng Tạo Hóa, và mặc dầu bị đuổi khỏi thiên đàng, hắn vẫn tiếp tục cuộc chiến dưới thế gian. Lừa dối loài người để khiến họ vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời là mục tiêu hắn kiên nhẫn theo đuổi. Dù chối bỏ toàn bộ luật pháp, hay phủ nhận một trong những luật lệ đó, kết quả vẫn như nhau. Ai vi phạm “một điều răn,” cũng như phạm toàn bộ luật pháp; ảnh hưởng và gương của họ coi như đứng về phía phạm luật; họ trở nên “đáng tội như đã phạm hết thảy” (Gia-cơ 2:10).

“Khi tìm cách làm cho luật pháp thiên thượng bị coi thường, Sa-tan đã giải thích sai giáo lý Kinh Thánh, và do đó sự sai lầm đã pha trộn vào đức tin của hằng ngàn người tự xưng là tin Kinh Thánh. Sự tranh đấu cuối cùng giữa lẽ thật và sự sai lầm là cuộc chiến quyết liệt, dai dẳng về luật pháp Đức Chúa Trời. Hiện tại chúng ta đang đi vào cuộc chiến tranh này, một cuộc chiến giữa luật loài người và luật pháp Đức Chúa Trời, giữa giáo lý Kinh Thánh và chuyện huyền hoặc và lời truyền khẩu.”—Ellen G. White, Thiện Ác Đấu Tranh, trang 513, Nhà In Tiếng Nói Hy Vọng.

Trong suốt Khải huyền, sự thờ phượng và sự sáng tạo liên kết bất phân ly. Bản chất của cuộc tranh đấu giữa thiện và ác, và các vấn đề quanh dấu của con thú, xoay quanh việc Đức Chúa Trời có đáng được tôn thờ.

Như chúng ta đã thấy, khái niệm về Đấng Christ là Đấng Tạo Hóa là trọng tâm của sự thờ phượng ngày Sa-bát. Đức Chúa Giê-su luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của ngày mà chính Ngài là “Chúa” (Ma-thi-ơ 12:8, Mác 2:28, Lu-ca 6:5). Ngày Sa-bát là một lời nhắc nhở vĩnh viễn về danh tính của chúng ta. Nó nhắc nhở chúng ta là ai. Nó đặt giá trị trên mỗi con người. Nó không ngừng củng cố ý tưởng rằng chúng ta là tạo vật và Đấng Tạo Hóa xứng đáng với lòng trung thành và sự thờ kính của chúng ta. Đây là lý do tại sao ma quỷ rất ghét ngày Sa-bát. Nó là cái khoen vàng liên kết chúng ta với Đấng Tạo hóa và nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng cuối cùng.

ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:

  1. Các nguyên tắc cơ bản đằng sau việc con thú lên từ biển đạt được uy quyền là gì? Những thái độ tương tư như vậy, bằng cách nào, sẽ ngự trị trong lòng chúng ta mà chúng ta không biết đến?
  2. Bạn có phản ứng thế nào với những người cho rằng các ý tưởng về Sa-tan (theo nghĩa đen) là một sự mê tín cổ lỗ. Những người học thức, hoặc thông minh, không thể tin được chuyện vớ vẫn này. Bạn sẽ biện hộ như thế nào?
Bài Học 10, 27 Tháng 5 — 2 Tháng 6, 2023

Sự Dối Trá Cuối Cùng Của Sa-tan

CÂU GỐC: “Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật” (Giăng 17:17).

KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Khải huyền 12:9; Khải huyền 16:13, 14; Ê-xê-chi-ên 8:16; Ê-xê-chi-ên 20:1–20; Rô-ma 1:5.

Đó là một trong những ngày đẹp trời tại thành phố Chicago của Hoa Kỳ. Mặt trời chiếu lấp lánh trên hồ Michigan, người lớn đi đến sở, trẻ con đi đến trường. Nhưng sáng hôm đó, một bản tin đáng sợ đang được báo cáo trên các đài khiến mọi người Chicago lo âu. Bản tin nói rằng nhiều người đang nhiễm bệnh, và có một số người đã chết sau chỉ vài giờ, sau khi họ uống thuốc Tylenol. Tylenol là một loại thuốc giúp giảm đau nhức mà bạn có thể mua tại quầy các hiệu thuốc. Sau khi thử nghiệm, các khoa học gia đã khám phá ra rằng thuốc Tylenol đã được tẩm với chất độc. Một người điên khùng nào đó đã tẩm thuốc độc vào các viên thuốc. Cho đến ngày nay, không ai biết kẻ nào đã gây ra tội ác ấy.

Như chúng ta đã thấy, sách Khải huyền cảnh báo chúng ta rằng người dân trên trái đất này sẽ uống một thức uống đặc biệt có tên là rượu của Ba-by-lôn. “Rượu” này là những dạy dỗ sai lầm sẽ dẫn đến cái chết đời đời. Nhưng Đức Chúa Trời ban cho chúng ta “thuốc” để chữa khỏi bệnh vì đã uống rượu của Ba-by-lôn. “Cách chữa trị” là Sứ điệp của Ba Thiên Sứ trong Khải huyền 14.

Tuần này, chúng ta sẽ tiếp tục xem xét những dối trá và sự dạy dỗ sai lầm của Ba-by-lôn cũng như các kế hoạch của Đức Chúa Giê-su dùng để cứu chúng ta khỏi chúng.

Đức Chúa Giê-su đã cho chúng ta lời cảnh báo mạnh mẽ này về thời kỳ cuối cùng: “Những Christ giả, tiên tri giả sẽ nổi lên, làm những dấu lạ phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng dỗ dành chính những người được chọn” (Mác 13:22). Bạn có nghe Chúa Giê-su nói gì không? Vào thời cuối cùng, những thủ đoạn và dối trá của Sa-tan sẽ mạnh đến nỗi dân sự của Đức Chúa Trời cũng sẽ chịu nguy hiểm khi tin tưởng các lừa dối ấy.

Đọc Khải huyền 12:9. Sa-tan lừa ai? Bạn hiểu câu này như thế nào?

Chắc chắn rằng Đức Chúa Trời sẽ có những người vâng lời Ngài trong thời kỳ cuối cùng. Nhưng ngay cả như vậy, chúng ta thấy rằng những lời nói dối của Sa-tan cũng gạt gẫm được nhiều người.

Đọc Khải huyền 14:12. Chúng ta thấy lời cảnh báo mạnh mẽ nào trong câu này?

Nhiều người cho rằng chúng ta nên theo lương tâm mình mà phán đoán điều gì đúng hay sai, tốt hoặc xấu, và theo đó mà sống đời mình. Nhưng lối suy nghĩ này là cả một vấn đề nan giải. Kinh Thánh nói rằng chúng ta tất cả đều là kẻ có tội (Giê-rê-mi 17:9; Rô-ma 3:9–18). Vậy nên, chúng ta không thể tin tưởng vào cảm xúc của chính mình vì không sớm thì muộn, cảm xúc của chúng ta sẽ dẫn chúng ta đi sai đường. Rất nhiều điều ác đã được thi hành bởi những người nghĩ rằng việc họ làm là tốt; và họ đã làm những gì họ “cảm thấy” đúng.

Câu trả lời cho vấn đề này là chúng ta phải học Lời Chúa—Kinh Thánh. Chúng ta phải lấp đầy trái tim và tâm trí mình bằng lẽ thật trong Kinh Thánh. Chúng ta phải dâng cuộc đời mình cho Đức Thánh Linh. Ngài sẽ giúp chúng ta học lẽ thật của Kinh Thánh. Ngài sẽ giúp chúng ta nhìn thấy rõ ràng gì là dối trá và độc ác. Nếu không có sự trợ giúp của Đức Thánh Linh, chúng ta có thể dễ dàng tin những lời nói dối của Sa-tan.

Bạn có thể cho ví dụ những người đã làm những điều họ cho là tốt hoặc đúng, hay là theo ý Chúa nhưng thật ra họ đã làm điều ác? Chúng ta có thể học được gì từ những sai lầm khủng khiếp của họ?

Đọc Khải huyền 16:13, 14; 18:2, 23. Các câu Kinh Thánh này ám chỉ gì đến thuyết linh hồn bất tử?

Khải huyền 16:13, 14 và Khải huyền 18:2, 23 dùng những từ ngữ đặc biệt để chúng ta thấy những việc mà Sa-tan sẽ làm: “thần của ma quỷ” (Khải huyền 16:14); “Chỗ ở của các ma quỷ” “Thành phố của các ma quỷ” (Khải huyền 18:2); “tà thuật” (Khải huyền 18:23). Không có gì ngạc nhiên khi Đức Chúa Trời cảnh báo chúng ta rằng một trong hai lời nói dối lớn của Sa-tan trong thời kỳ cuối cùng sẽ là lời dạy sai lầm rằng “linh hồn bất tử (linh hồn tiếp tục sống sau khi thể xác chết).”—Ellen G. White, Thiện Ác Đấu Tranh, trang 518, Nhà In Tiếng Nói Hy Vọng.

Tất nhiên, chúng ta có thể thấy ngày nay có rất nhiều người tin vào lời nói dối này. Đáng buồn là có nhiều Cơ Đốc nhân cũng tin vào điều đó. Họ nghĩ rằng những người được cứu sẽ lên thẳng thiên đàng sau khi chết. Những Cơ Đốc nhân này cũng tin rằng những kẻ sa ngã khi chết sẽ xuống địa ngục ngay. Chúng ta vẫn thường nghe tư tưởng ấy phát biểu chung quanh Billy Graham? Billy Graham là một nhà truyền đạo Baptist nổi tiếng từ Mỹ. Sau khi Graham chết, mọi người nói rằng ông đã an toàn và sống trên thiên đàng với Chúa Giê-su. Lời nói dối này được phát ngôn khắp nơi: trong nhà thờ, tại lớp học và trong đám tang.

Đức Chúa Trời đã dạy dân sự Ngài điều chi về sự sống sau khi chết? Chúng ta tìm thấy hy vọng mình nơi đâu? Đọc Truyền đạo 9:5; Gióp 19:25–27; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16, 17; và Khải huyền 14:13 cho câu trả lời.

Một trong những dạy dỗ sai lầm từ Ba-by-lôn là lời nói dối về cái chết. Ba-by-lôn dạy rằng linh hồn bất tử. Những ai tin điều đó cũng sẽ chấp nhận ý tưởng rằng những người thân yêu đã khuất của chúng ta có thể liên lạc với chúng ta. Nếu bạn tin rằng người chết có thể giao tiếp với chúng ta thì làm sao bạn có thể an toàn trước nhiều thủ đoạn và lời nói dối khác của Sa-tan? Nếu bạn nghĩ rằng một nhân vật nào đó chính là người mẹ quá cố hay đứa con yểu mệnh của bạn xuất hiện và hàn huyên cùng bạn, bạn sẽ bị lừa bởi những gì bạn nhìn thấy. Sa-tan đã lừa lọc nhiều người theo cách này trong quá khứ, hiện tại và chắc chắn sẽ tiếp tục trong thời kỳ cuối cùng. Vậy sự bảo vệ duy nhất chúng ta có là chúng ta phải đứng vững trong lẽ thật Kinh Thánh.

Vào thời Kinh Thánh, sự thờ bái mặt trời rất phổ biến tại Ai Cập, A-si-ri, Ba Tư và Ba-by-lôn. “Tại Ba-by-lôn cổ xưa, mặt trời đã được thờ bái từ thuở sơ khai.”—James G. Frazer, The Worship of Nature, (London: Macmillan and Company, 1926). Trong Cựu Ước, dân sự Đức Chúa Trời cũng có lúc chịu ảnh hưởng của sự thờ phượng mặt trời trong việc thờ phượng Đức Chúa Trời.

Đọc Ê-xê-chi-ên 8:16 và 2 Các Vua 23:5, 11. Kinh Thánh nói gì về sự thờ phượng mặt trời ở nhà Y-sơ-ra-ên và Giu-đa? (Cũng đọc Rô-ma 1:25.)

Tiên tri Ê-xê-chi-ên, cùng một thời với Đa-ni-ên, đã viết rằng một số người của dân sự Đức Chúa Trời đã quay lưng về phía đền thờ Ngài và sấp mình thờ lạy mặt trời. Dân Y-sơ-ra-ên thờ mặt trời chứ không phải Đấng đã tạo ra mặt trời.

Trong Khải huyền 17, Giăng cảnh báo về thời điểm mà giáo lý của Ba-by-lôn sẽ được giảng dạy trong nhà thờ Chúa. Việc đó đã xảy ra khi nào? Chuyện xảy ra khoảng 300 năm sau Công nguyên, khi vua Constantine, hoàng đế của vương quốc La Mã, một người thờ lạy mặt trời, trở thành một Cơ Đốc nhân. Những người theo đạo Thiên Chúa ở Rô-ma đã rất vui mừng khi Constantine gia nhập giáo hội. Edward Gibbon, một nhà văn lịch sử nổi tiếng, nói: “Người dân vào thời Constantine tin rằng mặt trời là một vị thần quyền năng. Họ tin rằng mặt trời bảo vệ và dẫn đường cho Constantine.”—The History of the Decline and Fall of the Roman Empire (London: J. O. Robinson & Company, 1830). Vào năm 321 sau Công nguyên, Constantine cũng thông qua “luật Chủ nhật” đầu tiên. Luật này nói: “Vào ngày của Mặt trời đáng kính, hãy để các nhà lãnh đạo và người dân trong các thành phố được nghỉ ngơi. Hãy để tất cả các công xưởng đóng cửa.”—Edit of Constantine, 321 A.D. Luật này không bắt buộc mọi người phải thờ phượng vào Chủ nhật (ngày Thứ Nhất), nhưng luật đã góp phần vào việc khiến công dân La Mã nghĩ rằng việc giữ ngày Chủ Nhật là quan trọng. Nhiều năm sau, nhiều vua và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác đã đưa ra luật buộc mọi người phải giữ ngày Chủ nhật.

Nhiều giáo hội ngày nay giữ ngày Chủ nhật là ngày thánh. Sự kiện này dạy chúng ta điều gì về sự dối trá của Sa-tan được phổ biến trên toàn thế giới?

Thông điệp của Thiên sứ thứ hai là: “Ba-by-lôn lớn kia đã đổ rồi, đã đổ rồi” (Khải huyền 14:8). Hình ảnh của người đàn bà trong Khải huyền 17 chỉ về Ba-by-lôn thuộc linh. Người đàn bà ấy mặc quần áo màu tím và đỏ, cưỡi trên một con thú màu đỏ sậm, tay chuyền ly rượu của nàng và làm cho mọi người trên trái đất này say sưa với những lời dạy sai lầm của nàng ta. Người đàn bà là một biểu hiện cho chúng ta thấy giáo hội và nhà cầm quyền sẽ cộng tác với nhau và cùng hoạt động chung vào thời kỳ cuối cùng. Ma quỷ sẽ làm phép lạ xảo quyệt của chúng để lừa gạt nhân loại và rất nhiều người tin vào những dối trá ấy.

Đồng thời, dân sự của Đức Chúa Trời cũng bị tấn công và bị tổn thương, nhưng họ đứng vững trong Đức Chúa Giê-su. Không gì có thể khiến họ vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời vì họ trung thành với Ngài. Họ nói, “Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân” (Thi thiên 46:1). Ngày nay, Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta vâng theo lẽ thật Kinh Thánh. Chúa Giê-su đã cầu nguyện với Chúa Cha, “Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật” (Giăng 17:17). Sự thật trong Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta an toàn vào thời điểm quan trọng này trong lịch sử địa cầu.

Tiến sĩ Edward T. Hiscox, môt mục sư Baptist, tác giả tập Tiêu Chuẩn Cho Hội Thánh Baptist, đã có những lời khá ngạc nhiên về ngày Chủ nhật. Năm 1893, Tiến sĩ Hiscox thuyết giảng trước hàng trăm mục sư Baptist và đã khiến thính giả kinh ngạc khi ông giải thích vì sao mà ngày Chủ Nhật thâm nhập vào hội thánh Chúa: “Thật đáng tiếc vì ngày Chủ nhật xuất phát từ ngoại giáo, có tên gọi là ngày của thần mặt trời, được giáo hội Công giáo đón nhận và thánh hóa. Các giáo hội cải chánh thừa hưởng như thể đó là một di sản thiêng liêng.”—New York ministers’ conference, 13/11/1893.

Đọc Ê-xê-chi-ên 20:1–20. Sứ điệp của Ê-xê-chi-ên trong những câu này là gì? Ngày Sa-bát có phần nào trong mệnh lệnh của Đức Chúa Trời muốn chúng ta trung tín với Ngài?

Ê-xê-chi-ên 20 là lời kêu gọi khẩn thiết cho Y-sơ-ra-ên từ bỏ các thần giả, trong trường hợp này đó là các thần tượng của Ai Cập. Trong sứ điệp của ba thiên sứ, Đức Chúa Trời cũng kêu gọi chúng ta “hãy thờ phượng Đấng Tạo Hoá” vì “Ba-by-lôn đã đổ rồi.” Như chúng ta biết, ngày Sa-bát có một phần quan trọng trong tất cả những diễn biến trong thời kỳ cuối cùng.

Bạn rút ra bài học nào cho mình từ Ê-xê-chi-ên 20:1–20?

Người đàn bà trong trang phục đỏ và tím, cưỡi trên một con thú màu đỏ, chuyền ly rượu của mình chung quanh, và làm cho mọi người trên địa cầu say với “rượu” của mình. Người đàn bà là biểu tượng của Ba-by-lôn thuộc linh. Ellen G. White viết: “Rượu Ba-by-lôn là gì? Là những dạy dỗ sai lầm của nàng ta. Ba-by-lôn đã đổi ngày Sa-bát với ngày Sa-bát giả, và tiếp tục lời nói dối từ vườn Ê-đen, rằng linh hồn bất tử.”—Review and Herald, 6 tháng 12, 1892. Sự dạy dỗ sai lầm này đã lừa dối biết bao người nên Đức Chúa Trời gửi cho họ một thông điệp cuối cùng để giúp họ quay về với lẽ thật Kinh Thánh.

Đức Chúa Trời nói gì với dân sự Ngài, những người đang sống trong Ba-by-lôn thuộc linh? Có nghĩa là họ cũng đang ở trong những giáo hội dạy dỗ các ý tưởng sai lầm. Đọc Khải huyền 18:4, 5 để biết câu trả lời.

Như chúng ta đã thấy, trong dân sự Đức Chúa Trời cũng có nhiều người thuộc về các giáo hội hay tôn giáo không phải lúc nào cũng dạy lẽ thật Kinh Thánh. Đức Chúa Trời đã yêu thương phán cùng họ: “Hỡi dân ta; hãy ra khỏi Ba-by-lôn, kẻo các ngươi dự phần tội lỗi với nó, cũng chịu những tai họa nó nữa chăng” (Khải huyền 18:4).

Kinh Thánh nói tội lỗi là gì? Đọc 1 Giăng 3:4 và Rô-ma 14:23 để biết câu trả lời. So sánh hai câu này, chúng có điểm nào tương đồng?

Tội lỗi có nghĩa là vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời. Cách duy nhất để mọi người có thể tuân giữ luật pháp là nhờ sự giúp đỡ của Đức Chúa Giê-su. Ngài phải sống trong tâm hồn chúng ta trước để chúng ta có thể vâng lời Ngài. Chúng ta là tội nhân, yếu đuối và lầm lỡ. Nhưng khi chúng ta tin nhận Chúa Giê-su bởi đức tin, ân điển Ngài sẽ chuộc tội cho chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để sống. “nhờ Ngài chúng ta đã nhận lãnh ân điển và chức sứ đồ, để đem mọi dân ngoại đến sự vâng phục của đức tin, vì danh Ngài” (Rô-ma 1:5). Hôm nay, Đức Chúa Trời có một thông điệp dành cho dân sự của Ngài trong các giáo phái không tôn trọng và tuân theo luật pháp của Ngài. Đức Chúa Trời kêu gọi những tín đồ Cơ Đốc Phục Lâm phải có đức tin để bỏ lại những lời dạy sai lầm này. Đức Chúa Trời kêu gọi tín hữu Cơ Đốc Phục Lâm ngừng sống ích kỷ và hãy sống bằng đức tin nơi Chúa Giê-su. Chúng ta không thể tự cứu mình bằng hành vi tốt của chính mình. Vì vậy, chúng ta phải có đức tin nơi lòng thương xót của Đức Chúa Trời để cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Chúng ta có thể là những tấm gương cho những người khác để giúp đưa họ ra khỏi Ba-by-lôn.

“Trong sách Khải huyền, ‘Ba-by-lôn lớn kia’ là một bức tranh bằng lời mô tả cho chúng ta thấy những tôn giáo sai lầm cùng hợp lại với nhau thành một nhóm trong thời cuối cùng . . . Nhóm này gồm có ba lực lượng: (1) Công giáo La Mã, (2) Các giáo phái Tin Lành dạy dỗ giáo lý sai lầm, và (3) thuyết linh hồn bất tử. (Thuyết linh hồn bất tử dạy sai, rằng người chết có thể hàn huyên liên lạc với chúng ta và linh hồn vẫn sống sau khi thân thể đã chết.) Cái tên “Ba-by-lôn” được dùng để chỉ về những giáo lý và cấp lãnh đạo sai lầm nhưng không hẳn là về những người thuộc các nhóm này. Các thuộc viên được mô tả như “các dòng nước” (Khải huyền 17:1, 15) trong Kinh Thánh.”—The SDA Bible Commentary, tập 7, trang 851, 852.

“Chính bởi hai điểm sai lầm lớn lao, sự tin vào thuyết linh hồn bất tử và ngày Chủ nhật thánh khiết, mà Sa-tan lừa dối loài người. Điểm thứ nhất đặt nền tảng cho phong trào vong hồn hiện thuyết, điểm thứ hai thiết lập mối tình cảm với La Mã.”—Thiện Ác Đấu Tranh, trang 518, Nhà In Tiếng Nói Hy Vọng.

ĐỀ TÀI THẢO LUẬN

  1. Kinh Thánh dạy gì về sự chết? Tại sao chúng ta cần thấu hiểu lẽ thật Kinh Thánh về những gì xảy ra khi chúng ta chết? Tại sao lẽ thật này lại an ủi chúng ta?
  2. Chúng ta có thể lật tẩy và tránh được một vài mánh lới dối trá của ma quỷ, nhưng ma quỷ cũng có những trò khó bị lộ tẩy. Làm thế nào chúng ta có thể tránh khỏi bị lừa?
  3. Cả lớp hãy thảo luận câu hỏi cuối của ngày Thứ Nhất về những người tin rằng họ làm theo ý Chúa, nhưng thật ra không phải. Họ đã bị lừa gạt. Làm sao chúng ta biết họ bị lừa gạt? Kinh Thánh và luật pháp của Đức Chúa Trời giúp chúng ta giải thích câu trả lời ra sao?
Bài Học 9, 20 — 26 Tháng 5, 2023

Một Thành Phố Gọi Là Hỗn Độn

CÂU GỐC: “Chúng chiến tranh cùng Chiên Con, Chiên Con sẽ được thắng, vì là Chúa của các chúa, Vua của các vua; và những kẻ được kêu gọi, những kẻ được chọn cùng những kẻ trung tín đều ở với Chiên Con, cũng thắng được chúng nữa” (Khải huyền 17:14).

KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Khải huyền 17:1, 2, 15; Khải huyền 18:1–4; Khải huyền 17:4–6; Ma-thi-ơ 16:18; Giê-rê-mi 50:33–38; Thi thiên 115:4–8.

Chủ đề của cuộc thiện ác đấu tranh được tóm tắt trong Khải huyền qua biểu tượng của hai người đàn bà: một người khoát áo mặt trời (Khải huyền 12), và một người mặc quần áo màu đỏ tươi (Khải huyền 17).

Biểu tượng nổi bật của người đàn bà khoác áo mặt trời, trong sự vinh hiển chói lòa của Đấng Christ, được tìm thấy trong Khải huyền 12. Nàng trung thành với người yêu thật của mình là Đức Chúa Giê-su. Nàng không bị ô uế với sự thối nát của các học thuyết sai lầm. Suốt Kinh Thánh, một người đàn bà trong trắng tượng trưng cho cô dâu của Chúa Giê-su, hoặc hội thánh thật. Trong Giê-rê-mi 6:2, nhà tiên tri nói: “Con gái của Si-ôn đẹp đẽ và yểu điệu.” Nhà tiên tri sử dụng thành ngữ “con gái của Si-ôn” hoặc một phụ nữ trung tín để mô tả dân sự của Đức Chúa Trời. (Xem thêm Ê-phê 5:25–32 và Ô-sê 2:20).

Ngược lại, Kinh Thánh ví sự bội đạo với tội dâm đãng hoặc tội ngoại tình (Gia-cơ 4:4). Khi nói về sự phản loạn và không thủy chung của Y-sơ-ra-ên, Ê-xê-chi-ên than thở, “mầy là đàn bà ngoại tình, tiếp người lạ thay vì chồng mình” (Ê-xê-chi-ên 16:32).

Trong bài học tuần này, chúng ta sẽ học về hai người đàn bà này của Khải huyền và xem xét sâu xa hơn sự xung đột giữa lẽ thật và sai lầm.

Đọc Khải huyền 12:17 và Khải huyền 17:14. Hội thánh của Đức Chúa Trời được mô tả ra sao, và Sa-tan có phản ứng gì?

Qua bao thế kỷ, Đức Chúa Trời luôn có một dân tộc trung tín với Ngài. Khải huyền 12:17 mô tả sự trung tín của họ như những người “giữ điều răn của Đức Chúa Trời,” và họ được mô tả ở các nơi khác như những người “được gọi, được chọn và trung tín” (Khải huyền 17:14).

Đọc Khải huyền 14:8 và 17:1, 2. Thiên sứ có thông báo nghiêm trọng nào, và Ba-by-lôn đã làm gì để phải có một thông báo như vậy?

Giăng viết sách Khải huyền vào cuối thể kỷ thứ nhất. Vào thời điểm này, thành cổ Ba-by-lôn (của nghĩa đen) đã bị phá hủy hơn vài thế kỷ, chỉ còn là một đống bụi.

Trong Khải huyền, thành cổ Ba-by-lôn được xem như là một biểu tượng của Ba-by-lôn thời cuối cùng, đại diện cho một hệ thống tôn giáo sai lầm, có tính chất cũng giống như thành Ba-by-lôn cổ xưa của Cựu Ước. Các nguyên tắc hướng dẫn Ba-by-lôn thời xưa sẽ là nền tảng cấu trúc của Ba-by-lôn thuộc linh hiện đại.

Trong Khải huyền 17:1–6, một người đàn bà mặc áo màu tím và đỏ tươi bước đi xuyên thời gian. Nàng cưỡi trên một con thú màu đỏ. Kinh Thánh gọi nàng ta là một cô gái điếm. Nàng đã bỏ người yêu thật của mình là Đức Chúa Giê-su Christ. Sứ đồ Giăng ở đây đã cho chúng ta một chân dung tượng hình về một hệ thống tôn giáo bội đạo có ảnh hưởng hùng mạnh trên thế giới. Nhìn vào lời mô tả: quyền lực này có “các vua trong thiên hạ phạm tội tà dâm với nó, và dân sự trong thế gian cũng say sưa vì rượu tà dâm của nó” (Khải huyền 17:2). Say sưa? Luôn luôn là một điều phủ định trong Kinh Thánh. Và gian dâm? Tượng trưng cho những dạy dỗ, giáo lý và thực hành sai lầm.

Cả cấp lãnh đạo lẫn thường dân đều đã bị ảnh hưởng cách tiêu cực bởi quyền lực này. Chỉ có gì mới có thể bảo vệ được chúng ta? (Đọc Ê-phê-sô 6:10–18).

Đọc Khải huyền 17:1, 2, 15 và 18:1–4. Ảnh hưởng của Ba-by-lôn rộng lớn đến đâu?

Hệ thống của hội thánh sa ngã, với những lừa dối của nó, có tầm ảnh hưởng quốc tế lan tràn ra khắp thế giới. Sa-tan giận dữ vì phúc âm được rao giảng ra “cho mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng, và mọi dân tộc” và “Tin Lành này về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất” nên hắn phải tận dụng mọi cách dối trá để thu hút tâm trí của mọi “cư dân trên đất” (Khải huyền 14:6, Ma-thi 24:14, Khải huyền 17:2).

Khải huyền 17:2 tiếp tục giải thích về bí ẩn của Ba-by-lôn lớn kia bằng cách tuyên bố rằng nàng “phạm tội tà dâm” với các vua trên đất. Tà dâm là gì? Đó là một liên kết bất hợp pháp. Trong hệ thống hội thánh sa ngã, hội thánh liên kết với chính quyền. Trong hệ thống hội thánh chân chính, hội thánh liên hiệp với Đức Chúa Giê-su Christ. Hội thánh sa ngã liên kết với các nhà lãnh đạo chính trị của thế gian để có quyền lực và thẩm quyền. Họ cần chính quyền giúp thực thi các sắc lệnh của mình. Thay vì nhờ sức từ Đức Chúa Giê-su là đấng thủ lảnh, họ đi tìm sự hỗ trợ của chính quyền.

Khải huyền 17:2 tiếp tục miêu tả cách hấp dẫn: “Và dân sự trong thế gian cũng say sưa vì rượu tà dâm của nó.” Biểu tượng nước nho nguyên chất được dùng trong Tân Ước đại diện cho dòng máu tinh khiết không ô nhiễm của Đấng Christ đã đổ ra cho sự cứu rỗi của chúng ta trên thập tự giá (Ma-thi 26:27–29). Trong Lu-ca 22:20, Chúa Giê-su phán, “Chén này là giao ước mới trong huyết Ta”. Khi rượu mới tinh khiết của phúc âm bị bóp méo, và sự dạy dỗ Lời Chúa được thay thế bởi những dạy dỗ của các cấp lãnh đạo tôn giáo, nó trở thành “rượu của Ba-by-lôn” (Xem Ma-thi 15:9).

Cũng hãy lưu ý rằng Đức Chúa Trời kêu gọi dân Ngài ra khỏi Ba-by-lôn. Nói cách khác, mặc dầu hệ thống xấu xa đồi bại đến đâu, hay ảnh hưởng nó lan rộng khắp nơi, nhưng bao giờ cũng có, hay ít nhất là trong một thời điểm nào đó, những người trung tín, hay “dân Ta” (Khải huyền 18:4) như Ngài gọi họ. Nhưng rồi sẽ đến một ngày khi Đức Chúa Trời gọi họ ra khỏi hệ thống đồi bại và xấu xa đó, một hệ thống sắp sụp đổ vì bản chất suy bại và gian ác của nó, “chỗ ở của các ma quỷ, nơi hang hố của mọi tà thần, hang hố của mọi giống chim dơ dáy mà người ta gớm ghiếc” (Khải huyền 18:2).

Những người rao truyền sứ điệp của ba thiên sứ có vai trò gì khi được Đức Chúa Trời dùng để gọi dân sự Ngài ra khỏi Ba-by-lôn?

Đọc Khải huyền 17:4–6. Những câu này dạy chúng ta điều gì về bản chất của hệ thống gian ác này?

Như chúng ta đã thấy, Khải huyền 17 mô tả một hệ thống tôn giáo bội đạo đã du nhập vào Cơ Đốc giáo nhiều sự dạy dỗ của Ba-By-lôn Cựu Ước.

“Để tìm hiểu về bản chất của Ba-by-lôn, chúng ta cần xem lại tài liệu đầu tiên được ghi chép trong Kinh Thánh – Sáng thế Ký. Tất cả bắt đầu tại đồng bằng vùng đất Si-nê-a, một khu vực ở phía nam của Mesopotamia (Lưỡng Hà), ngày nay là nam Iraq, được gọi là Babylonia. Tại đó, Tháp Ba-bên được xây lên như một biểu tượng của sự tự lực, tự cường, và độc lập khỏi Đức Chúa Trời (Sáng thế Ký 11:1–4).”—Angel Manuel Rodríguez, Closing the Cosmic Conflict: Role of the Three Angels’ Mesages, trang 43.

Tháp Ba-bên tại vùng Ba-by-lôn cổ xưa, được xây lên như một sự thách thức trực tiếp với Lời Đức Chúa Trời. Họ đã xây Ba-bên cho vinh quang của họ, và Đức Chúa Trời đã khiến ngôn ngữ họ trở nên lộn xộn. Sáng thế Ký đã chép như vầy: “Bởi cớ đó đặt tên thành là Ba-bên, vì nơi đó Đức Giê-hô-va làm lộn xộn tiếng nói của cả thế gian” (Sáng thế Ký 11:9).

Hệ thống này xấu xa đến mức nó được mô tả là đã “say huyết các thánh đồ và huyết những kẻ chết vì Đức Chúa Giê-su” (Khải huyền 17:6)—đọc thêm Ê-sai 49:26 để thấy Ba-by-lôn thối nát như thế nào.

Nói đúng hơn, Ba-by-lôn thuộc linh tượng trưng cho một tôn giáo được thiết lập trên ý tưởng của con người, dựa trên sự giảng dạy của con người, hỗ trợ bởi truyền thống của con người. Nó là một tôn giáo nhân tạo được xây đắp có lẽ bởi những người lãnh đạo tôn giáo tuyệt tác, nhưng nó đối lập với quyền lực của phúc âm và hội thánh mà Đức Chúa Giê-su đã dựng nên, một hội thánh xây trên tình yêu thương chớ không trên bạo lực.

Hai hệ thống tôn giáo này được mô tả trong sách Khải huyền. Hệ thống thứ nhất bày tỏ lòng tin hoàn toàn nơi Chúa Giê-su và sự phụ thuộc vào Lời Ngài. Hệ thống thứ hai biểu lộ lòng tin vào uy quyền của con người và lệ thuộc vào sự dạy dỗ của cấp lãnh đạo. Một bên là đức tin trong Đấng Christ và trông cậy hoàn toàn vào ân điển, sự hy sinh, và sự chuộc tội của Đấng Christ để được cứu rỗi. Bên kia là một đức tin liên kết với người, thay thế sự trông cậy hoàn toàn vào Đấng Christ để được cứu rỗi với sự trông cậy vào các truyền thống của giáo hội.

Làm sao chúng ta có thể tự bảo vệ mình khỏi những ảnh hưởng khôn khéo của Ba-by-lôn, chẳng hạn như khuynh hướng dạy chúng ta hãy trông cậy vào chính mình chứ không vào Chúa?

Khải huyền là lời kêu gọi khẩn cấp để cam kết, được tóm tắt trong biểu tượng của hai người đàn bà. Trong cuộc tranh chấp vũ trụ giữa sự thật và sai lầm này, mặc dù dân sự Đức Chúa Trời đôi khi giống như đã bị đánh bại, Đức Chúa Trời hứa rằng Hội thánh của Ngài cuối cùng sẽ chiến thắng.

So sánh Ma-thi-ơ 16:18 và Khải huyền 17:14. Đức Chúa Giê-su đã hứa ban điều gì cho các môn đồ về hội thánh của Ngài?

Đấng Christ là nền tảng vững chắc trên đó hội thánh Ngài được xây. Hội thánh ấy dựa trên sự giảng dạy của Lời Ngài và được hướng dẫn bởi Thần Linh Ngài. Ngược lại, Ba-by-lôn, như chúng ta thấy, có gốc rễ từ những lời dạy và truyền thống do người tạo ra. Những lãnh đạo tôn giáo nào dùng tư tưởng hay truyền thống thế gian để thay thế ý hay lời Đức Chúa Trời được bày tỏ qua Kinh Thánh là đương nhiên nuôi dưỡng sự nhầm lẫn của Ba-by-lôn.

Vào thời Ba-by-lôn cổ xưa, tôn giáo và chính quyền là một và y nhau. Khi vua Nê-bu-cát-nết-sa ngự trên ngai vàng trong ngôi đền của mình, vua được xem như là đại diện cho các thần. Có lần, như một hành động thách thức Đức Chúa Trời, vua Ba-by-lôn đã thông qua một sắc lệnh buộc tất cả thần dân phải sấp mình thờ lạy pho tượng vàng mà vua đã dựng. Đây là một biểu tượng hùng mạnh về những gì dân sự trung tín của Đức Chúa Trời, những người từ chối thờ lạy hình tượng giả, sẽ phải đối đầu trong nhừng ngày cuối cùng (xem Đa-ni-ên 3).

Vào những ngày cuối cùng của lịch sử nhân loại, một hệ thống tôn giáo—chính quyền sẽ xuất phát, Ba-by-lôn thuộc linh, với một nhà lãnh đạo thuộc linh sẽ xưng là mình nói thay Chúa. Những gì người nói sẽ được tuyên bố là lời Chúa hay mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Trong suốt nhiều thế kỷ, các giáo hoàng La Mã đã tuyên bố rằng họ thay mặt Đức Chúa Trời trên đất. Trong thông điệp ngày 20 tháng 6 năm 1894, Giáo hoàng Lê-ô XIII tuyên bố, “Chúng tôi giữ trên trái đất này địa vị của Đức Chúa Trời Toàn năng.” Từ điển Giáo hội Ferraris cho biết thêm, “Giáo hoàng có phẩm giá cao quý và được tôn trọng đến mức không phải là người thường, nhưng như là một Đức Chúa Trời và đại diện của Đức Chúa Trời.” Sứ đồ Phao-lô có những lời này để vạch trần quyền lực này: “. . . tức là kẻ đối địch, tôn mình lên trên mọi sự mà người ta xưng là Đức Chúa Trời hoặc người ta thờ lạy, rất đỗi ngồi trong đền Đức Chúa Trời, chính mình tự xưng là Đức Chúa Trời” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:4).

Trong “Ba-by-lôn” cũng có người trung tín với Đức Chúa Trời. Tại sao chúng ta phải thận trọng khi nói về giáo phái này, và cẩn thận để không xét đoán mọi cá nhân thuộc về hệ thống này?

Một yếu tố khác giúp xác định rõ ràng “Sự mầu nhiệm, Ba-by-lôn lớn.” Đó là sự thờ hình tượng, trọng tâm của sự thờ phượng của người Ba-by-lôn cổ xưa.

Đọc Giê-rê-mi 50:33–38 và Giê-rê-mi 51:17, 47. Bạn khám phá ra điều gì về sự thờ hình tượng của Ba-by-lôn thời xưa và Đức Chúa Trời có phản ứng ra sao?

Giê-rê-mi 50 và 51 tiên đoán sự hủy diệt của Ba-by-lôn bởi người Mê-đi và người Ba Tư. Một trong những lý do khiến Ba-by-lôn sụp đổ là sự thờ thần tượng của họ. Người Ba-by-lôn tin rằng tượng hình này là đại diện cho các vị thần của họ. Trong đạo giáo Ba-by-lôn, nghi lễ chăm sóc và thờ phượng hình tượng các vị thần là chuyện linh thiêng; các vị thần không những sống trong các pho tượng trong đền thờ mà cũng trong những năng lực thiên nhiên họ hiện thân. Cướp bóc hoặc phá hủy các thần tượng được xem như bị mất đi sự bảo trợ của thần thánh; trong thời kỳ Tân Ba-by-lôn, hoàng tử Chaldean Marduk-apla-iddina II chạy trốn vào đầm lầy phía nam của Mesotamia (Lưỡng Hà) với các tượng thần của Ba-by-lôn hy vọng được cứu khỏi sự tấn công của quân đội của As-sy-ria. (Jane R. McIntosh, Ancient Méopotamia: New Perspectives, trang 35–43).

Các nhà tiên tri trong Kinh Thánh thường đối chiếu sự thờ lạy những hình tượng vô tri vô hồn này với sự thờ phượng Đấng Tạo hóa, Đấng Hằng sống và cũng là Đấng ban sự sống (Giê-rê-mi 51:15, 16, 19).

Xuất Ê-díp-tô 20:4–6 và Thi thiên 115:4–8 dạy gì về việc thờ hình tượng?

Việc thờ hình tượng của Ba-by-lôn thuộc linh không chỉ là cúi lạy trước những hình ảnh của gỗ và đá, nhưng Ba-by-lôn thuộc linh cũng làm những điều tương tự như Ba-by-lôn thời xưa bởi đưa nhiều hình tượng vào lễ thờ phượng của mình. Việc sử dụng hình tượng như là đối tượng của sự thờ phượng và tôn kính đã vi phạm điều răn thứ hai vì nó giới hạn khả năng của Đức Thánh Linh để ấn chứng trong tâm trí chúng ta về những điều vĩnh cửu, và cũng làm giảm sự cao cả uy nghiêm của Đức Chúa Trời vào một bức tượng vô hồn. Những hình tượng này đã được giới thiệu vào Cơ Đốc giáo vào thế kỷ thứ tư để giúp quần chúng ngoại đạo chấp nhận Cơ Đốc giáo dễ dàng hơn. Tiếc thay, những hình tượng này lại được cấp cho sự linh thiêng và tôn kính đáng ra chỉ thuộc về một mình Đức Chúa Trời, và vì thế tất cả mọi điều trở nên suy thoái về tinh thần.

“Sứ điệp của Khải huyền 14 rao báo sự sụp đổ của Ba-by-lôn chỉ về những tổ chức tôn giáo đã có một thời trong sạch, nhưng trở nên bại hoại. Vì sứ điệp này theo sau sứ điệp cảnh cáo về sự phán xét, nên phải được rao truyền trong ngày sau rốt; nên không thể chỉ nói về hội La Mã mà thôi, vì giáo hội đó đã ở trong tình trạng sụp đổ trong nhiều thế kỷ.”—Ellen G. White, Thiện Ác Đấu Tranh, trang 338, Nhà In Tiếng Nói Hy Vọng.

Đa-ni-ên 3—câu chuyện về ba người Hê-bơ-rơ trong thời Ba-by-lôn cổ xưa được lệnh phải “thờ lạy tượng vàng mà Vua Nê-bu-cát-nết-sa đã dựng” (Đa-ni-ên 3:5) là một biểu tượng, một hình mẫu, về những gì sẽ xảy ra trong những ngày sau cùng khi Ba-by-lôn thuộc linh cũng sẽ thực thi việc tôn thờ một “hình tượng” giả (xem Khải huyền 13:15; 14:9, 11; 16:2; 19:20; 20:4). Đáng chú ý ở đây là điều răn mà ba người Hê-bơ-rơ cương quyết không vi phạm—điều răn thứ hai (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5), là một trong hai điều răn mà quyền lực này (như đã mô tả trong Đa-ni-ên 7:25 “định ý đổi những thời kỳ và luật pháp”) đã sửa đổi.

Điều răn nào khác mà quyền lực này đã nhúng tay sửa đổi? Dĩ nhiên đó là điều răn thứ tư, như chúng ta đã thấy, điều răn trọng tâm của toàn bộ câu hỏi về sự thờ phượng. Vào giai đoạn khủng hoảng cuối cùng, chúng ta sẽ đối diện với câu hỏi rằng chúng ta sẽ thờ phượng Đấng đã “dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:11; xin xem thêm Khải huyền 14:7), hay thờ phượng con thú và hình ảnh của nó.

ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:

  1. Tháp Ba-bên có mối liên hệ gì với Ba-by-lôn thuộc linh hiện đại? Cả hai có những điểm tương tự nào?
  2. Chúng ta phải nên cẩn thận không để bất kỳ nhà lãnh đạo tinh thần nào có thể kiềm chế kinh nghiệm của chúng ta với Đức Chúa Trời. Đâu là giới hạn của thẩm quyền giáo hội?
  3. Bằng cách nào sự thờ hình tượng không phải chỉ là cúi đầu trước những pho tượng? Hãy giải thích.
  4. Đa-ni-ên 3 cho bạn thấy những gì sẽ xảy ra trong thời kỳ cuối cùng?
Bài Học 8, 13 — 19 Tháng 5, 2023

Ngày Sa-bát Và Sự Cuối Cùng

CÂU GỐC: “Và soi sáng cho mọi người biết sự phân phát lẽ mầu nhiệm, từ thời thượng cổ đã giấu kín trong Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên muôn vật” (Ê-phê-sô 3:9).

KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Gia-cơ 2:8–13; Phục truyền 5:12–15; Thi thiên 33:6, 9; Khải huyền 14; 1 Phi-e-rơ 3:13; Khải huyền 21:1.

Đức Chúa Trời tạo dựng chúng ta cách độc đáo đã đặt giá trị lên mỗi con người. Đứa bé chưa sinh trong bụng mẹ, thiếu niên liệt tứ chi, thanh niên có chứng Down, và bà ngoại mắc bệnh Alzheimer, tất cả đều có giá trị đối với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Cha của họ. Họ là con trai, con gái của Ngài. “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền thờ bởi tay người ta dựng nên đâu. Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài. Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở” (Công vụ 17:24–26).

Chúng ta là một di sản chung. Chúng ta thuộc về cùng một gia đình. Chúng ta là anh chị em được định hình, nhào nặn, và kiểu mẫu bởi cùng một Đức Chúa Trời. Sự sáng tạo đã mang lại cảm giác chân thực về giá trị bản thân. Sau khi các di tính và nhiễm sắc thể kết hợp với nhau để tạo thành cấu trúc sinh học độc đáo của mỗi cá nhân, Đức Chúa Trời đã vứt bỏ khuôn mẫu. Không có ai giống như bạn trong toàn vũ trụ. Bạn là duy nhất, tạo vật có một không hai, một sinh vật có giá trị lớn lao đến nỗi một Đức Chúa Trời, Đấng tạo ra vũ trụ đã chính Ngài mang lấy thể xác của con người và đã dâng chính Ngài làm của lễ cho bạn và tội lỗi của bạn!

Nếu chúng ta chỉ đơn thuần là một kết hợp của các tế bào, chỉ đơn giản là sản phẩm của sự may rủi và của một con vượn Phi châu tiên tiến thì cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Nếu chúng ta chỉ là một trong số (khoảng chừng) tám tỷ người đang cấu xé nhau để dành chút đất sống trên một hành tinh gọi là trái đất, cuộc đời mất đi mục đích của nó, chỉ còn lo việc sống còn mà thôi. Ngược lại, sự sáng tạo trong Kinh Thánh cung cấp lý do để sống, và một mệnh lệnh đạo đức cho cuộc đời. Chúng ta đã được tạo ra bởi Đức Chúa Trời và chịu trách nhiệm trước Ngài về mọi hành động của mình. Ngài đã thiết lập sự tuyệt đối, ngay cả trong một thế giới của “luân lý tương đối”.

Đọc Khải huyền 14:7, Rô-ma 14:10 và Gia-cơ 2:8–13. Sự phán xét ngụ ý gì về các vấn đề như trách nhiệm và trách nhiệm giải trình (accountability)? Sự phán xét, điều răn của Đức Chúa Trời, và sự thờ phượng liên kết với nhau ra sao?

Sứ điệp của ba thiên sứ bay giữa trời trong Khải huyền 14 công bố rằng “giờ phán xét của Ngài đã đến” (Khải huyền 14:7). Vì chúng ta được tạo ra bởi Chúa với khả năng lựa chọn luân lý, chúng ta có trách nhiệm về những quyết định mà mình thi hành. Nếu chúng ta chỉ là một mớ tế bào kết hợp với nhau cách ngẫu nhiên, hay là sản phẩm của di truyền và môi trường, thì hành động của chúng ta phần lớn sẽ được xác định bởi những lực lượng mà chúng ta không thể kiểm soát được.

Nhưng sự phán xét ám chỉ một trách nhiệm luân lý. Trong giờ phút khủng hoảng của lịch sử trái đất—giờ phán xét, Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta hãy có những quyết định trong ánh sáng của sự vĩnh cửu. Lời kêu gọi tha thiết của thiên sứ thứ nhất rằng “hãy thờ phượng Đấng dựng nên trời, đất, biển và các suối nước” (Khải huyền 14:7) công nhận rằng nền tảng của mọi sự thờ phượng là lẽ thật rằng chúng ta được tạo ra bởi Đức Chúa Trời.

Trong khi đó, sự tuân phục của chúng ta đối với ngày Thứ Bảy Sa-bát chứng tỏ niềm tin rằng Đức Chúa Giê-su xứng đáng được tôn thờ như Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Nó bày tỏ việc chúng ta chấp nhận Luật Mười Điều Răn như những nguyên tắc được Đức Chúa Trời soi dẫn để chúng ta có được sự sống đầy đủ nhất. Bởi vì luật pháp là nền tảng của nước Đức Chúa Trời và sự mặc khải của bản tính Ngài, nó trở thành tiêu chuẩn của sự phán xét. Sự trung tín của chúng ta với điều răn ngày Sa-bát là sự cam kết của chúng ta sống một cuộc sống vâng lời.

Hiểu biết về sự Sáng thế ảnh hưởng ra sao đến hành vi của chúng ta? Di truyền và môi trường có mối liên hệ nào đến những lựa chọn chúng ta quyết định mỗi ngày? Chúng ta làm sao, bởi ân điển Chúa, có thể khắc phục những khiếm khuyết trong bản tính mà chính chúng ta đã chẳng chọn cho mình?

Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta ngày Sa-bát vì thế giới của chúng ta rất cần đến thông điệp trấn an của sự Sáng thế. Vào giữa thế kỷ 19 khi giả thuyết tiến hóa xâm nhập giới trí thức như cơn bão lốc, Đức Chúa Trời đã gửi một thông điệp của hy vọng đến cách diệu kỳ. Chúng ta đã học về thông điệp này trong Khải huyền 14:6, 7.

Sa-tan đã làm mọi cách để bóp méo ý tưởng về sự Sáng Thế vì hắn ghét Đức Chúa Giê-su và không muốn Ngài nhận được sự thờ phượng Ngài đáng được hưởng do Ngài là Đấng Tạo Hóa / Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Ngày Sa-bát là trung tâm của cuộc thiệc ác đấu tranh về các ý tưởng chống đối nhau ấy. Thông điệp ngày cuối cùng của Đức Chúa Trời là sự kêu gọi toàn thể nhân loại quay trở lại thờ phượng Đấng Christ là Đấng Tạo Dựng trời và đất. Căn bản của mọi sự thờ phượng là lẽ thật rằng Ngài đã tạo ra chúng ta.

Đọc Sáng thế Ký 2:1–3, Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8–11, và Phục truyền 5:12–15 trong bối cảnh Khải huyền 14:6, 7. Chúng ta thấy gì trong điều răn ngày Sa-bát về sự liên kết giữa Sáng Tạo và Cứu Chuộc?

Ngày Sa-bát là biểu tượng muôn đời về sự yên nghỉ của chúng ta trong Đức Chúa Trời. Nó là dấu hiệu đặc biệt của lòng trung thành với Đấng Tạo Hóa (Ê-xê-chi-ên 20:12, 20). Thay vì đó là một đòi hỏi pháp lý độc đoán, nó tiết lộ rằng được yên nghỉ thật sự chỉ được tìm thấy trong Ngài. Ngày Sa-bát nói về một Đức Chúa Trời, đấng đã ban cho chúng ta những gì chúng ta không bao giờ có thể đạt được cho chính mình.

Kinh Thánh kêu gọi chúng ta yên nghỉ trong tình yêu thương và sự chăm sóc của Ngài trong mỗi ngày Ngày Sa-bát. Sa-bát là biểu tượng của sự nghỉ ngơi, không phải việc làm; của ân điển, không phải pháp lý; của sự đảm bảo, không phải buộc tội; của trông cậy nơi Ngài, không phải nơi bản thân mình. Mỗi ngày Sa-bát chúng ta vui mừng trong sự nhân từ của Ngài, và ngợi khen Ngài về sự cứu rỗi chỉ có thể tìm được trong Đấng Christ.

Ngày Sa-bát cũng là mối liên hệ vĩnh cửu giữa sự hoàn hảo của Ê-đen trong quá khứ và vinh quang của trời mới đất mới trong tương lai (Ê-sai 65:17, Khải huyền 21:1).

Ngày Sa-bát kêu gọi chúng ta trở về cội nguồn. Đó là một móc nối với gia đình nguyên thủy của chúng ta. Ngày Sa-bát đã được gìn giữ không đứt đoạn từ thuở ban đầu. Nó giữ chúng ta chú tâm về lẽ thật vinh quang rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Nó kêu gọi chúng ta đến một liên hệ thân ái và gần gũi với Ngài.

Khải huyền 14:6, 7 gợi ý ra sao đến điều răn ngày Sa-bát, và tại sao điều đó quan trọng trong thông điệp cho thời cuối cùng?

Ma quỷ, trong một nỗ lực muốn phá hoại sự độc đáo của tạo hóa, đã giới thiệu một món hàng giả hơi lộ liễu. Món hàng giả, được chấp nhận ngay cả bởi một số trong vòng chúng ta, là như thế này: Đức Chúa Trời chính là đấng tạo hoá, nhưng Ngài đã phải trải qua rất nhiều thời đại để tạo ra sự sống. Và đó chính là quá trình của sự tiến hoá mà Ngài đã sử dụng. Lối giải nghĩa này đã cố dung hòa “dữ liệu khoa học” với Sáng thế Ký. Nó khẳng định rằng ngày của tạo hóa là dài, vô thời hạn, và thời gian và sự sống trên trái đất là hàng tỷ năm tuổi.

Đọc Thi thiên 33:6, 9 và Hê-bơ-rơ 11:3. Những đoạn Kinh Thánh rất rõ ràng này cho chúng ta biết gì về cách Đức Chúa Trời tạo ra thế gian?

Lời tường thuật trong Kinh Thánh rất rõ ràng. Chúa “đã phán, thì việc liền có; Ngài biểu, thì vật bèn đứng vững bền” (Thi thiên 33:9). “Bởi đức tin, chúng ta biết rằng thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 11: 3). Chương đầu của Sáng thế Ký khẳng định rằng Đức Chúa Trời đã tạo ra thế gian trong sáu ngày, ngày của 24 giờ, và nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy. Ngôn ngữ cấu trúc của Sáng thế Ký 1 và 2 không cho phép bất cứ điều gì khác. Ngay cả những học giả không tin vào Sự Sáng thế trong sáu ngày theo nghĩa đen thừa nhận rằng mục đích của tác giả là dạy về sự sáng thế trong sáu ngày.

Tiếng Hê-bê-rơ chữ “ngày” trong Sáng thế Ký 1 là “yom”. Trong suốt Kinh Thánh, mỗi khi một con số đổi chữ “yom” thành tĩnh từ (ngày thứ ba, ngày đầu tiên, etc.), nó luôn giới hạn khoảng thời gian là 24 giờ. Không có trường hợp ngoại lệ nào ám chỉ một khoảng thời gian vô hạn định. Nó luôn là khoảng thời gian 24 giờ.

Nếu Đức Chúa Trời không dựng nên thế gian trong sáu ngày (theo nghĩa đen), vậy ngày Thứ Bảy Sa-bát có gì đáng phải nói? Tại sao Đức Chúa Trời lại ra lệnh “giữ ngày Sa-bát”? Ngày Sa-bát như một di sản muôn đời của một tuần lễ sáu ngày Sáng thế sẽ hoàn toàn không có ý nghĩa gì nếu sáu ngày Sáng thế chẳng bao giờ xảy ra. Nếu chúng ta chấp nhận sự Sáng thế xảy ra qua một giai đoạn nghìn triệu năm thì chúng ta đã thách thức sự cần thiết của ngày Thứ Bảy Sa-bát. Nó cũng sẽ đưa ra nhiều nghi vấn nghiêm trọng liên quan đến sự chính trực của Kinh Thánh.

Bởi tấn công ngày Sa-bát, Sa-tan thách thức ngay chính trọng tâm của thẩm quyền Đức Chúa Trời, và còn gì hiệu quả hơn trong việc phá hủy đài tưởng niệm sáu ngày Sáng tạo bằng cách phủ nhận thực tế của sự kiện ấy? Không có gì lạ khi nhiều người, kể cả những người theo Chúa, bỏ qua ngày Thứ Bảy Sa-bát. Đây là một trò bày ra của sự lừa dối cuối cùng.

Sự tranh đấu giữa thiện và ác đã bắt đầu từ trên thiên đàng, đó là sự nghi ngờ về uy quyền của Đức Chúa Trời. Cuộc thiệc ác đấu tranh này hiện vẫn còn đang tiếp diễn cho đến ngày hôm nay.

Đọc Khải huyền 14:7, 9 và 12. Hãy tóm tắt những câu Kinh Thánh này bằng cách hoàn tất các câu dưới đây:

Khải huyền 14:7 là lời kêu gọi hãy

Khải huyền 14:9 là lời kêu gọi trang trọng chớ nên

Khải huyền 14:12 mô tả những người

Những đoạn Kinh Thánh này cho thấy rõ ràng trọng tâm của sự xung đột giữa thiện và ác, giữa Đức Chúa Giê-su Christ và Sa-tan trong ngày cuối cùng, là về vấn đề thờ phượng. Chúng ta thờ phượng Đấng Tạo hóa hay con thú? Và bởi vì Sự Sáng thế là nền tảng của tất cả mọi niềm tin, ngày Thứ Bảy Sa-bát nằm sâu trong câu chuyện Sáng thế (Sáng thế Ký 2:1–3)—được coi là dấu hiệu vĩnh cửu và bất biến của việc Sáng thế ấy. Đây là biểu tượng cơ bản, chỉ sau điều cơ bản nhất—đó là Đức Chúa Trời.

Do đó, tấn công ngày Thứ Bảy Sa-bát là tấn công thẩm quyền của Chúa, của Đấng Tạo Hóa ở cấp độ cơ bản nhất. Thật vậy, nó cũng như là cách thay thế chính Đức Chúa Trời (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:4).

Dĩ nhiên, vấn đề chính trong những ngày cuối cùng là tình yêu và lòng trung thành của chúng ta với Đức Chúa Giê-su. Nhưng theo Kinh Thánh, tình yêu này được thể hiện qua việc tuân theo các điều răn (1 Giăng 5:3, Khải huyền 14:12)—và riêng ngày Sa-bát trong số các điều răn là nền tảng của tất cả mọi điều vì duy nhất điều răn ấy chỉ về Chúa là Đấng Tạo Hóa (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8–11). Không có gì đáng ngạc nhiên khi nó sẽ là biểu tượng của sự phân rẽ cuối cùng giữa những người thờ phượng Chúa và những kẻ thờ phượng con thú (Khải huyền 14:11, 12). Sự tranh đấu cuối cùng về sự thờ phượng Đấng Tạo Hóa không gì khác hơn là tranh đấu về ngày Sa-bát.

Nhiều người lập luận rằng giữ ngày Sa-bát vào ngày nào cũng vậy, miễn là giữ một ngày trong tuần. Chúng ta sẽ dùng Kinh Thánh để trả lời lập luận ấy ra sao?

Ngày Sa-bát là nơi ẩn náu trong một thế giới mõi mệt. Mỗi tuần, chúng ta gác bỏ những quan tâm của thế giới này và bước vào trung tâm yên nghỉ của Đức Chúa Trời: ngày Sa-bát. Tác giả người Do Thái nổi tiếng, Abraham Heschel, gọi ngày Sa-bát là “cung điện trong thời gian”. Mỗi ngày Thứ Bảy, cung điện của Đức Chúa Trời từ trời hạ xuống trần, và Chúa mời chúng ta cùng vào trong sự vinh hiển của Ngài trong 24 giờ này để cùng tương giao thân thiết với Ngài.

Heschel viết về ý nghĩa của ngày Sa-bát như sau: “Ngày Sa-bát là một biểu tượng cho địa đàng và là bằng chứng về sự hiện diện của Đức Chúa Trời; qua lời cầu nguyện, chúng ta chiêm nghiệm được sự vui mừng và nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát, mỗi Sa-bát sửa soạn cho chúng ta kinh nghiệm đó: Trừ khi một người học được cách thưởng thức hương vị của ngày Sa-bát . . . họ sẽ không thể tận hưởng được hương vị của sự vĩnh cửu trong thế giới sắp đến.”

Vào buổi sáng thế, Đức Chúa Giê-su đã dựng nên một nơi đặc biệt cho chúng ta, nơi chúng ta có thể tìm trú ẩn, và cảm thấy an toàn. Công việc của Ngài hoàn tất và kết thúc. Khi nghỉ ngơi vào ngày Sa-bát, chúng ta yên nghỉ trong sự chăm sóc yêu thương của Ngài. Chúng ta đang nghỉ ngơi trong chờ đợi về sự yên nghỉ vĩnh viễn sẽ đến trong trời mới và đất mới.

Đọc Ê-sai 65:17, Ê-sai 66:22, 2 Phi-e-rơ 3:13 và Khải huyền 21:1. Việc giữ ngày Sa-bát chỉ cho chúng ta tiến tới cõi vĩnh hằng ra sao?

Đức Chúa Trời, chính Đấng đã dựng nên trời đất lần đầu tiên cũng sẽ tái tạo nó một lần nữa, và ngày Sa-bát vẫn là một biểu tượng muôn đời của Ngài, Đấng Tạo Hóa (xem Ê-sai 66:23). Trên thực tế, người Do Thái đã coi ngày Sa-bát như một biểu tượng, tiếng Hê-bê-rơ gọi là olam haba, một kinh nghiệm trước về những gì của thế giới sắp đến.

Sứ điệp của ba thiên sứ bay qua các tầng trời kêu gọi chúng ta thờ phượng Đấng Tạo Hóa là câu trả lời của thiên đàng trước sự tuyệt vọng và vô vọng của nhiều người trong thế kỷ 21. Nó dẫn chúng ta đến Đấng Tạo hóa, Đấng đầu tiên đã tạo ra mọi sự, và đến Đấng Cứu Chuộc, Đấng sẽ, sau sự phán xét và khi tội lỗi được tẩy trừ, làm cho tất cả nên mới. “Bấy giờ, Đấng ngự trên ngôi phán rằng: Này, Ta làm mới lại hết thảy muôn vật. Đoạn lại rằng, Hãy viết đi, vì những điều này đều trung tín và chân thật” (Khải huyền 21:5).

Làm sao cá nhân bạn có thể khiến ngày Sa-bát thành một kinh nghiệm thiên đàng nếm trước trong cuộc sống của chính bạn và gia đình?

“Chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời vì Ngài là Đấng Tạo Hoá. Trong nghi lễ trên trời, các thiên thể đã bày tỏ ý tưởng ấy một cách ngắn gọn: “Vì Chúa đã dựng nên muôn vật” (Khải huyền 4:11). Trên địa cầu, sự sáng thế của Đức Chúa Trời cần phải được nhấn mạnh, càng nhiều lần càng tốt, nên thiên sứ đã rao lớn rằng: “Hãy thờ phượng Đấng dựng nên trời, đất, biển và suối nước” (Khải huyền 14:7). Đúng là thiên sứ đã sử dụng ngôn ngữ của điều răn thứ tư để biện minh cho lời kêu gọi hãy thờ phượng Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:11).

“Trong Mười Điều Răn, Điều răn ngày Sa-bát chính là ấn dấu, hay đài tưởng niệm, vì nó xác định Đức Chúa Trời là ai: Đấng Tạo Hóa; xác nhận lãnh thổ nơi Ngài cai trị: mọi thứ Ngài tạo ra; và tiết lộ quyền cai trị của Ngài: vì Ngài đã tạo dựng ra mọi thứ. Nếu con rồng muốn thành công, nó phải dẹp bỏ đi đài tưởng niệm này.”—Angel Manuel Rodríguez, The Closing of the Cosmic Conflict: Role of the 3 Angels’ Mesages, trang 40, 41.

ĐỀ TÀI THẢO LUẬN

  1. Cho những thắc mắc quan trọng về cuộc đời, chẳng hạn như tôi đến từ đâu, tại sao tôi ở đây, và số phận vĩnh cửu của tôi là gì, thông điệp về ngày Sa-bát đã trả lời ra sao?
  2. Hãy chiêm ngưỡng những diệu kỳ của Sự Sáng Thế. Hãy nhận thức rằng sự hiện hữu của chính chúng ta trong vũ trụ bao la này đúng là một phép lạ. Ấn dấu tưởng niệm chính của sự sáng thế—ngày Sa-bát, đến với chúng ta (ngược với chúng ta đi đến nó) mỗi tuần, không có ngoại lệ, dạy gì cho chúng ta về sự quan trọng của sự Sáng tạo?
  3. Đọc Đa-ni-ên 3 và Đa-ni-ên 6. Bạn thấy sự xung khắc về vấn đề thờ phượng được diễn ra như thế nào? Điều gì có thể giúp chúng ta chuẩn bị và dự đoán những thử thách mà dân sự trung tín của Đức Chúa Trời sẽ phải đương đầu trong cơn khủng hoảng quanh “dấu của con thú”?
  4. Làm sao chúng ta có thể giải thích cho một người tin vào triệu năm của thuyết tiến hoá, sự bất hợp lý của việc giữ ngày Thứ Bảy Sa-bát như một dấu ấn tưởng niệm sự sáng thế?
Bài Học 7, 6 — 12 Tháng 5, 2023

Thờ Phượng Đấng Tạo Hóa

CÂU GỐC: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên” (Khải huyền 4:11).

KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Khải huyền 1:9; Ê-sai 40:26; 2 Cô-rinh-tô 5:17; Cô-lô-se 1:17; Khải huyền 4:11; Giăng 19:16–30.

Có nhiều sự kiện chúng ta hay xem thường, cho đó là chuyện đương nhiên, nhất là những điều mà chúng ta luôn biết đến hoặc đã trải qua. Chẳng hạn, trẻ thơ dễ dàng xem cha mẹ, những người mà chúng biết trọn cuộc đời, như một điều đương nhiên. Chúng ta cũng vậy, xem bầu trời, mặt đất, không khí, ánh sáng, là chuyện đương nhiên.

Tuy nhiên, bạn đã bao giờ dừng lại để suy nghĩ rằng chúng ta đã coi thường sự hiện hữu của chính chúng ta đến mức nào? Có bao lần chúng ta dừng lại và hỏi câu hỏi triết học nổi tiếng, tại sao lại có cái gì đó thay vì không có gì?

Tại sao chính vũ trụ của chúng ta, với tất cả uy nghi, hùng vĩ, và mọi điều đáng kinh ngạc trong đó, lại hiện hữu? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu vũ trụ, với chúng ta trong đó, không hiện hữu? Theo lý thuyết khoa học mới nhất (chúng có xu hướng thay đổi), vũ trụ của chúng ta đã từng không hiện hữu. Nói cách khác, sự hiện sinh của chúng ta là một ngẫu nhiên, và thật là một phép lạ khi chúng ta có mặt ở đây. Và bất chấp đủ loại huyền thoại về việc vũ trụ phát sinh từ một hoàn toàn không có gì, hoặc từ một phương trình toán học nào đó, vũ trụ của chúng ta hiện hữu bởi vì Đức Chúa Trời, Đấng Tạo hóa, đã tạo dựng nó và mọi thứ trong đó.

Sau khi thăng thiên (Công vụ 1:9), Đức Chúa Giê-su đã đến thăm người sứ đồ sống sót cuối cùng, Giăng, trên đảo Bát-mô, nơi ông bị lưu đày bởi Hoàng đế La Mã hung ác Domitian.

Đọc Khải huyền 1:9. Xem thêm Ma-thi-ơ 13:21, Công vụ 14:22 và Giăng 16:33. Điều gì là thông điệp ở đây cho tất cả những ai tìm kiếm theo Chúa Giê-su trong thế gian này?

Dầu bị tách lìa khỏi sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè và cộng đồng Cơ Đốc giáo, Giăng không bị bỏ lại để phải một mình đối diện với hoạn nạn và gian nan vì đã theo Chúa Giê-su. Chức vụ của ông chưa kết thúc. Việc làm chứng của ông chưa hoàn tất. Một vị khách thiên sứ của ánh sáng chói lòa đã đến thăm Giăng trên hòn đảo cô đơn đó và trực tiếp mang đến cho ông một tin nhắn từ ngôi của Đức Chúa Trời. Thông điệp này từ Đức Chúa Giê-su sẽ vang vọng đến các hành lang của thời gian qua nhiều thế kỷ. Đó là một thông điệp của hy vọng cho mọi thế hệ, nhưng đặc biệt là thông điệp cho dân sự Đức Chúa Trời trong ngày cuối cùng để họ chuẩn bị cho sự tái lâm của Đức Chúa Giê-su. Đó là một thông điệp cảnh báo nghiêm túc, và cũng là một thông điệp động viên giúp chúng ta sẵn sàng đối mặt với nhiều thử thách trong những ngày cuối cùng (hoặc bất kỳ thử thách nào mà bạn có thể đang đối diện lúc này).

Nếu các bạn có dịp vào hang động nơi Giăng đã được thiên sứ trên trời viếng thăm với sự khải thị tiên tri, bạn sẽ thấy ngay tại lối vào một tấm bảng với những dòng chữ tóm tắt toàn bộ sách Khải huyền, “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và tôn vinh Ngài, vì giờ phán xét của Ngài đã đến; hãy thờ phượng Đấng đựng nên trời, đất, biển và các suối nước” (Khải huyền 14:7).

Trọng tâm của sách Khải huyền là thờ phượng. Chúng ta được tạo ra như những sinh vật thờ phượng. Mỗi người trong chúng ta đều tôn thờ một cái gì đó, hoặc một ai đó. Sự thờ phượng chân chính, sự thờ phượng Đấng Tạo Hóa cho phép chúng ta khám phá mục đích thực sự của cuộc đời. Nó cho chúng ta một lý do để sống. Nó không chỉ cho chúng ta một cái gì đó để chết cho, nhưng, thậm chí còn quan trọng hơn, một cái gì đó để sống và, nếu cần, để chịu đựng khổ nạn cho. Và thực sự, khi những cuộc khủng hoảng cuối cùng xảy đến, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn những lời “phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được nước Đức Chúa Trời” (Công vụ 14:22).

Nếu những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời, như Giăng, vẫn phải đương đầu với gian nan bỉ cực, sao chúng ta lại nghĩ rằng bản thân chúng ta sẽ không phải đối mặt với hoạn nạn? (Xem 1 Phi-e-rơ 4:12–15).

Đọc Khải huyền 14:7. Thông điệp của thiên sứ thứ nhất kết thúc ra sao? Thông điệp về giờ phán xét đã có lời kêu gọi cuối cùng nào? (Cũng xem Ê-sai 40:26, Giăng 1:1–3, và Rô-ma 1:20).

Khải huyền 14:7 kết thúc với lời kêu gọi hãy thờ phượng Đấng Tạo Hóa; một kêu gọi rất quan trọng cho lúc này, khi hầu hết giới khoa học và thậm chí cả thế giới Cơ Đốc đều đã chấp nhận thuyết tiến hóa, một sự dạy dỗ đánh vào chính trái tim của tất cả mọi thứ Kinh Thánh và Cơ Đốc giáo. Nếu thuyết tiến hóa là sự thật, đức tin của chúng ta, tất yếu, sẽ là một lời nói dối. Vấn đề thật quá rõ ràng.

Vậy nên, lời kêu gọi cuối cùng của Khải huyền bắt nguồn từ cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh, Sáng thế Ký. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu trọn mọi vấn đề trong cuộc chiến vũ trụ về sự thờ phượng trừ khi chúng ta hiểu được tầm quan trọng của Sự sáng thế. “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng thế Ký 1:1). Câu này là nền tảng cho tất cả Kinh Thánh. “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên”. Tiếng Hê-bơ-rơ dùng cho chữ “dựng nên” là bara, một động từ chỉ được sử dụng một lần và dành riêng cho chính Đức Chúa Trời làm chủ đề.

Để có được chút khái niệm về quyền năng vô hạn của Đức Chúa Trời, chúng ta hãy xem xét một đối tượng được Ngài tạo dựng—mặt trời. Mặt trời trong chỉ một giây tạo ra nhiều năng lượng hơn tất cả năng lượng nhân loại sản xuất bằng dầu, khí đốt, than đá hoặc lửa kể từ thưở bắt đầu.

Mặt trời có đường kính khoảng 865.000 dặm và có thể chứa một triệu hành tinh có kích thước cở trái đất. Nhưng mặt trời chỉ là một trong ít nhất 100 tỷ ngôi sao trong Dải Ngân Hà của chúng ta. Một ngôi sao được gọi là Ngôi sao Súng lục (Pistol Star) phát ra gấp mười triệu lần năng lượng tạo ra bởi mặt trời. Một triệu ngôi sao có kích thước bằng mặt trời có thể dễ dàng nằm gọn trong phạm vi của Pistol Star. Làm sao trí óc chúng ta có thể hiểu nổi sự sáng tạo?

Sự sáng tạo cho thấy một Đức Chúa Trời có sức mạnh đáng kinh ngạc và quyền năng không giới hạn. Quyền năng sáng tạo của Ngài không chỉ khiến trời và đất hiện diện, mà còn hoạt động thay mặt cho nhân loại qua bao thế kỷ. Ngài là Đức Chúa Trời đã sáng thế, đấng luôn luôn hiện diện trong thế giới này, và cũng là Đấng không bao giờ bỏ rơi dân sự Ngài.

Kích thước quá sức tưởng tượng của sự Sáng Tạo đã nhấn mạnh ra sao về sự thực của tình yêu của Đức Chúa Trời: rằng, so với sự sáng tạo, dầu chúng ta nhỏ bé đến đâu, Đấng Christ vẫn đã chết cho chúng ta?

Đức Chúa Trời của sự Sáng tạo, Đấng đã khiến mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao hiện hữu, Đấng với quyền năng diệu kỳ đã dựng nên địa cầu và mọi sinh vật trong ấy, cũng là một Đức Chúa Trời quan tâm đến mỗi cá nhân chúng ta. Ngài là Đức Chúa Trời đã giải cứu dân Ngài ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, đã dẫn dắt họ trong đồng vắng mênh mông, đã cho bánh ma-na từ trời, đã khiến thành Giê-ri-cô sụp đổ, đã đánh bại kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên. Cùng một Đấng dùng quyền năng vô hạn của mình sáng tạo vũ trụ, Ngài cũng sẽ dùng quyền năng vô hạn đó đánh bại các quyền lực hung ác muốn gây chiến để cướp đoạt linh hồn chúng ta.

Đọc 2 Cô-rinh-tô 5:17, Thi thiên 139:15–18, Công vụ 17:27, và Cô-lô-se 1:17. Những câu này dạy chúng ta điều gì về sự kề cận của Đức Chúa Trời?

Các nhà thần học nói về sự siêu việt của Đức Chúa Trời, có nghĩa rằng Đức Chúa Trời hiện hữu trên và khỏi tất cả mọi tạo vật. Họ cũng nói về sự bất tử của Chúa, có nghĩa rằng Đức Chúa Trời cũng hiện hữu trong thế giới của chúng ta, và như lịch sử Kinh Thánh cho thấy, Ngài có một mối liên hệ mật thiết và phức tạp với địa cầu. Tuy Đức Chúa Trời ngự “trong nơi cao và thánh”, Ngài cũng ở trong “người có lòng ăn năn và khiêm nhường” (Ê-sai 57:15). Như chính Đức Chúa Giê su đã nói về những người trung tín theo Ngài: “Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để cho họ toàn vẹn hiệp làm một, và cho thế gian biết chính Cha đã sai Con đến, và Cha đã yêu thương Con” (Giăng 17:23). Còn có gì gần gũi và thân thiết hơn vầy?

Sự diệu kỳ về Đức Chúa Trời của chúng ta chính là sự vĩ đại và quyền năng của Ngài bao la đến mức nó vươn ra khắp vũ trụ và đi vào cả cuộc sống của mỗi người. Ngài hứa sẽ làm lại chúng ta, nhào nặn chúng ta, biến đổi chúng ta thành giống hình ảnh của Ngài. Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo ra và duy trì tỷ ngân hà cũng là một Đức Chúa Trời không chỉ “trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có” (Công vụ 17:28), nhưng Ngài cũng làm việc trong trái tim của chúng ta, cho chúng ta trái tim mới, thanh lọc chúng ta khỏi tội lỗi, và biến chúng ta thành tạo vật mới trong Đấng Christ. Đó thật là một điều an ủi sâu đậm khi chúng ta nhận thức rằng một Đức Chúa Trời của quyền năng bao la, lại vô cùng yêu thương và chăm sóc chúng ta.

Hiểu biết về sự bất tử của Đức Chúa Trời sẽ giúp bạn tìm được hy vọng và an ủi ra sao? Hay nó làm bạn sợ, bởi vì Chúa biết những bí mật đen tối nhất của bạn? Và trong bối cảnh ấy, làm sao phúc âm có thể mang lại sự bình an cho bạn?

Nhìn lại thông điệp của thiên sứ thứ nhất. Tin lành đời đời. Giờ phán xét. Thờ phượng Đấng Tạo Hóa. Các ý tưởng này liên hệ mật thiết với nhau. Khi chúng ta đứng trước Đấng Tạo Hóa trong giờ phán xét, chỉ có phúc âm mới mang lại cho chúng ta bất cứ hy vọng nào. “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jesus Christ, . . . là kẻ không noi theo xác thịt, nhưng noi theo Thánh Linh” (Rô-ma 8:1). Không có sự lên án bây giờ—và chắc chắn cũng sẽ không vào lúc phán xét.

Thông điệp về Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa rất quan trọng cho lẽ thật ngày nay, nhất là khi thuyết tiến hóa đe dọa phá hủy toàn bộ nền tảng của đức tin Cơ Đốc.

Tuy nhiên giữa sự tấn công dữ dội của tư tưởng tiến hóa, Đức Chúa Trời đã dựng lên một hội thánh, một dân sự mà ngay chính tên của họ là nhân chứng chống lại ý tưởng tiến hóa—một dân sự phải công bố nền tảng lẽ thật của Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc chúng ta.

Đọc Ê-phê-sô 3:9, Cô-lô-se 1:13–17, Khải huyền 4:11 và Rô-ma 5:17–19. Những câu Kinh Thánh này dạy gì về Chúa Giê-su là Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc?

Chúng ta hãy xem Đức Chúa Giê-su / Đấng Tạo Hóa gắn bó chặt chẽ như thế nào với Đức Chúa Giê-su / Đấng Cứu Chuộc. Thời điểm mà vai trò của Ngài như Đấng Tạo Hoá giảm đi (thuyết tiến hóa chắc chắn góp phần vào), vai trò của Ngài như Đấng Cứu Chuộc cũng sẽ bị nghi ngờ. Chúa Giê-su đến để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi, khỏi sự chết, khỏi đau khổ và khỏi bạo lực—khi chính tội lỗi, sự chết, đau khổ và bạo lực, như thuyết tiến hóa dạy, là phương tiện của sự sáng tạo? Đức Chúa Trời cứu chuộc chúng ta khỏi chính quá trình mà Ngài đã sử dụng để tạo ra chúng ta? Đó là một dối trá nguy hiểm.

Còn tệ hơn nữa, thuyết tiến hóa chế nhạo ngay chính cả ý tưởng về cái chết của Đức Chúa Giê-su trên thập giá. Tại sao? Phao-lô (xem Rô-ma 5:17–19) liên kết chặt chẽ sự xuất hiện của tội lỗi bởi A-đam với cái chết của Đức Chúa Giê-su. Có một móc nối trực tiếp giữa A-đam và Đức Chúa Giê-su. Tuy nhiên, trong thuyết tiến hóa, A-đam không gây nên cái chết nào bởi vì cái chết—triệu năm chết chóc—là cần thiết để tạo ra A-dam.

Do đó, ngay từ đầu thuyết tiến hóa đã phá hủy nền tảng Thánh kinh của thập tự giá. Ngược lại, Cơ Đốc Phục Lâm, bằng cách kêu gọi thế giới hãy thờ phượng Đấng Tạo Hóa, là chứng minh hùng hồn rằng thuyết tiến hoá là sai lầm.

Chúng ta hãy nhớ rằng Đấng Tạo Hóa cũng là Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Một Đức Chúa Trời đã phán: “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta” (Sáng thế Ký 1:26), cũng là Đấng trên thập giá đã kêu lên: “Ê-li, Ê-li, la-ma-sa-bach-tha-ni?” Có nghĩa là, “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma-thi 27:46). Chúng ta chẳng cần lý do nào khác để kính sợ, tôn vinh và thờ phượng Ngài.

Chúng ta, những con người sa ngã, làm sao có thể đáp ứng thích đáng trước một sự thật quá diệu kỳ như vậy? Sứ điệp của thiên sứ thứ nhất bảo rằng: “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời, và tôn vinh Ngài, vì giờ phán xét của Ngài đã đến; hãy thờ phượng Đấng dựng nên trời, đất, biển và các suối nước” (Khải huyền 14:7).

Đọc Giăng 19:16–30, lời tường thuật của Giăng về Đức Chúa Giê-su trên thập giá. Khi đọc đoạn Kinh Thánh này, chúng ta hãy nghĩ đến những đoạn Kinh Thánh khác mà chúng ta đã học qua về Đức Chúa Giê-su là Đấng Tạo Hóa, là đấng trong Ngài “muôn vật đã được dựng nên, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả” (Cô-lô-se 1:16). Chúng ta nên phản ứng thế nào với sự bày tỏ này về tình yêu diệu kỳ của Đức Chúa Trời?

Sứ điệp của thiên sứ thứ nhất rằng “Hãy thờ phượng Đấng Tạo Hoá” được rao truyền sau biến cố thập tự giá, sau khi vũ trụ và những người theo Đấng Christ được biết rằng Đấng “đã dựng nên trời, đất, biển và các suối nước” cũng là Đấng, mặc dù là Chúa, đã mang “hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự ” (Phi-lip 2:7, 8).
Thật là một cảnh tượng đáng kinh ngạc cho những ai đã biết Chúa Giê-su trước khi Ngài đến thế gian làm người. Thảo nào ngay cả thiên sứ cũng thờ phượng Ngài. Đối với chúng ta, những người đã được chuộc bởi huyết Ngài, chúng ta còn có thể làm gì khác hơn ngoài việc thờ phượng Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc?

Chúng ta có cần phải thêm gì khác vào sự hy sinh của Đấng Christ đã làm trên cây thập tự vì tội lỗi của chúng ta? Cái chết của Ngài có đủ để cứu chúng ta?

Sự thờ phượng Đức Chúa Trời là trọng tâm của Kinh Thánh và luôn luôn là điều gây ra xung đột cho nhiều phe nhóm. Trong suốt Cựu Ước, các nhà tiên tri thường khiển trách dân sự Đức Chúa Trời khi họ thờ lạy các vị thần khác hoặc khi họ áp dụng những lề thói thờ cúng của thế gian ngoại đạo trong việc thờ phượng Đức Chúa Trời. Sự xung đột giữa sự thờ phượng Đức Chúa Trời hay thờ phượng các thần khác là trọng tâm của sự xung đột vũ trụ và đi kèm với sự coi thường luật pháp của Đức Chúa Trời.

“Sự thờ phượng là khía cạnh cơ bản nhất của sự hiện hữu của con người. Nó liên quan đến những gì con người, như những sinh vật sống, phải làm khi đối đầu với sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa . . . Chỉ những người còn sống mới có thể thờ phượng Chúa; người chết không thể ca ngợi hay thờ phượng Ngài . . . Đấng đã tạo ra chúng ta mời gọi chúng ta hãy dâng hiến đời sống mình qua sự thờ phượng để được nhận lại từ Ngài một đời sung tích hơn, lợi ích hơn cho bao người khác. Sự thờ phượng liên quan đến chính bản chất và mục đích của sự sinh tồn của chúng ta—kể cả nhu cầu chúng ta cần một có một lực bên ngoài bản thân giúp giải phóng chúng ta khỏi lòng vị kỷ. Không thờ phượng Đức Chúa Trời là mất đi lý do sinh tồn. Tại sao? Bởi vì không có Đức Chúa Trời, chúng ta chỉ hiện hữu trong trạng thái mất phương hướng và do đó sắp chết, dẫn đến sự tuyệt chủng hoàn toàn vì chúng ta bị đứt liền khỏi nguồn sống.”—Angel Manuel Rodríguez, The Closing of the Cosmic Conlict: Role of the Three Angels’ Messages, trang 42.

ĐỀ TÀI THẢO LUẬN

  1. Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời dựng nên chúng ta. Cùng một lúc, tại sao chúng ta, những tội nhân, cũng cần lời hứa về Sự cứu chuộc?
  2. Đức Chúa Trời đã bày tỏ tình yêu Ngài cho cá nhân bạn ra sao? Chính Đức Chúa Trời này đã tạo ra toàn bộ vũ trụ! Và Ngài đã yêu bạn nhiều để quan tâm đến cuộc sống của bạn. Tại sao lẽ thật Kinh Thánh này nên an ủi bạn? Tại sao lẽ thật này nên khiến bạn phải bỏ đi hết những kiêu hãnh, tự hào?
  3. Giả dụ như thuyết tiến hóa là sự thật hay đúng, vậy là chúng ta thờ phượng một Đấng Tạo Hóa đã sử dụng hàng triệu triệu năm chết chóc, bạo lực, tàn phá, đau khổ, và sự tuyệt chủng hàng loạt để tạo ra chúng ta? Đồng thời giả thuyết sai lầm này cũng bác bỏ những gì Sáng thế Ký dạy về cách chúng ta được tạo dựng. Nếu thuyết tiến hóa là đúng, làm sao chúng ta có thể thờ phượng Đức Chúa Trời? Thờ Ngài để làm chi? Vì Ngài đã nói dối với chúng ta hàng ngàn năm nay về cách chúng ta có mặt trên quả đất này?
Bài Học 6, 29 Tháng 4 — 5 Tháng 5, 2023

Thời Điểm Đức Chúa Trời Phán Xét Tất Cả Mọi Người

CÂU GỐC: “Hãy ăn ở như vậy, vì biết thời kỳ đương lúc chúng ta đây: Giờ anh em từ ngủ thức dậy đã đến, bởi sự cứu hiện nay đã gần chúng ta hơn lúc chúng ta mới tin. Đêm đã khuya, ngày gần đến; vậy chúng ta hãy lột bỏ những việc tối tăm mà mặc lấy áo giáp sáng láng” (Rô-ma 13:11, 12).

KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Đa-ni-ên 8:14; Đa-ni-ên 8:17, 19, 26; Đa-ni-ên 9:23; Rô-ma 5:6–9; Lê-vi Ký 16:16.

Nhiều năm trước, Tạp Chí National Geographic đã kể một câu chuyện về một vụ cháy rừng. Vụ hỏa hoạn xảy ra tại công viên quốc gia Yellowstone ở Hoa Kỳ. Sau khi đám cháy kết thúc, một số viên kiểm lâm đã đi lên núi để xem xét thiệt hại do vụ cháy. Một viên kiểm lâm đã tìm thấy một con chim bị đốt thành tro bên cạnh rễ cây. Cảnh tượng của con chim khiến người kiểm lâm cảm thấy buồn nôn và khó chịu. Nhân viên kiểm lâm dùng một cành cây gõ lên tro của con chim.

Khi tro của con chim rơi xuống, nhân viên kiểm lâm nhìn thấy ba chú chim con nằm dưới đôi cánh của chim mẹ. Người kiểm lâm đã rất ngạc nhiên về những gì chim mẹ đã làm để bảo vệ những chú chim con khỏi ngọn lửa. Chim mẹ đưa những chim con của mình vào gốc cây. Sau đó, chim mẹ giấu chúng dưới đôi cánh của mình. Chim mẹ có thể đã bay đi. Nhưng nó không chịu bỏ những đứa con của mình. Đức Chúa Giê-su cũng yêu chúng ta nhiều như vậy.

Tại thập tự giá, Đức Chúa Trời đã phán xét Đức Chúa Giê-su là tội nhân phải chết. Đức Chúa Giê-su đã chết để chúng ta có thể được đánh giá là công dân thánh trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời phán xét Đức Chúa Giê-su là tội nhân để Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi lửa đời đời. Ngọn lửa này sẽ thiêu rụi tất cả tội lỗi và tất cả những ai từ chối chấp nhận ân điển cứu rỗi và sự tha thứ của Đức Chúa Trời cho tội lỗi của họ.

Như chúng ta đã thấy, Đức Chúa Trời phải làm công việc của Ngài với tư cách là Đấng Phán Xét trước khi Đức Chúa Giê-su đến. Thiên sứ thứ nhất rao truyền, “vì giờ phán xét của Ngài đã đến” (Khải huyền 14:7). Sách Đa-ni-ên cho chúng ta biết khi nào thì thời điểm này bắt đầu.

Đọc Đa-ni-ên 8:14. Khi nào Đa-ni-ên nói Đức Chúa Trời sẽ làm cho đền thờ của Ngài ở trên trời trở nên tinh sạch?

Trong thời Kinh Thánh, người Do Thái biết rằng đền thờ trên đất được làm tinh sạch vào ngày Đức Chúa Trời phán xét dân sự Ngài. Đa-ni-ên hiểu lời dạy này về việc Đức Chúa Trời làm sạch đền thờ trên trời khỏi tội lỗi. Đa-ni-ên cũng hiểu lời dạy về công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét. Nhưng Đa-ni-ên bối rối về 2.300 ngày mà chúng ta đọc được trong Đa-ni-ên 8:14.

Đọc về kinh nghiệm của Đa-ni-ên trong Đa-ni-ên 8:27 và Đa-ni-ên 9:21, 22. Điều gì đã xảy ra với Đa-ni-ên sau khi Đức Chúa Trời cho ông thấy giấc mơ về 2.300 ngày? Đức Chúa Trời đã làm gì cho Đa-ni-ên?

Cuối Đa-ni-ên 8, Đa-ni-ên mê mẩn và đau ốm trong nhiều ngày. Sau đó, Đa-ni-ên nói: “Ta rất lấy làm lạ về sự hiện thấy ấy, nhưng chẳng ai rõ ý nó” (Đa-ni-ên 8:27). Giấc mơ mà Đa-ni-ên đang nói đến trong câu này là về 2.300 ngày. Đa-ni-ên không hiểu phần thời gian của giấc mơ. Thiên sứ đã giải thích phần còn lại của giấc mơ cho Đa-ni-ên. Trong Đa-ni-ên 9, thiên sứ Gáp-ri-ên đến giải thích cho Đa-ni-ên về 2.300 ngày. Gáp-ri-ên nói, “Hỡi Đa-ni-ên, bây giờ ta ra để ban sự khôn ngoan và thông sáng cho ngươi” (Đa-ni-ên 9:22).

Gáp-ri-ên giải thích 2.300 ngày cho Đa-ni-ên. Gáp-ri-ên cho Đa-ni-ên thấy lẽ thật trong Kinh Thánh về thông điệp thời gian này. Gáp-ri-ên giải thích khi nào Đức Chúa Giê-su sẽ đến. Gáp-ri-ên cho Đa-ni-ên biết ngày chính xác khi Đức Chúa Giê-su sẽ bắt đầu công việc của Ngài trên đất và khi nào Ngài sẽ chết. Những điều này được kết nối với thời gian Đức Chúa Trời sẽ làm sạch đền thờ trên trời, trong Đa-ni-ên 8. Vậy, tin lành này cho chúng ta thấy điều gì? Nó cho chúng ta thấy rằng cái chết của Đức Chúa Giê-su và công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét có mối liên hệ với nhau.

Trong Đa-ni-ên 9:24–27, chúng ta đọc về cái chết của Đức Chúa Giê-su. Cái chết của Ngài có liên quan đến công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Quan Xét, trong Đa-ni-ên 8:14. Mối liên hệ giữa những câu này dạy chúng ta về lẽ thật quan trọng nào trong Kinh Thánh?

Đọc Đa-ni-ên 8:17, 19, 26; 2.300 ngày kéo dài trong bao nhiêu năm thật thụ? Khi nào thì 2.300 ngày bắt đầu trong lịch sử? Khi nào thì thời gian này kết thúc? Tại sao câu trả lời này lại quan trọng đến vậy?

Một số người nói rằng 2.300 ngày chỉ là một số ngày thực. Những người này tin rằng chiếc sừng nhỏ trong Đa-ni-ên 8 nói về thủ lĩnh quân đội Hy Lạp Antiochus Ephiphanes, sống từ năm 216 TCN đến năm 164 TCN. Antiochus tấn công Giê-ru-sa-lem và đền thờ của người Do Thái. Nhưng 2,300 ngày không bày tỏ cho chúng ta thấy về Antiochus. Ngoài ra, thiên sứ Gáp-ri-ên nói rằng giấc mơ về 2.300 ngày nói về thời kỳ cuối cùng. Vì vậy, 2.300 ngày hoàn toàn không phải là về Antiochus, bởi vì Antiochus đã không còn sống vào thời kỳ cuối cùng.

Trong Đa-ni-ên 8, Gáp-ri-ên bắt đầu lời giải thích của mình về thông điệp thời gian 2.300 ngày. Gáp-ri-ên nói rằng con cừu đực là một biểu tượng để chỉ đế quốc Mê-đi Ba Tư. Còn con dê đực là một biểu tượng để chỉ về Hy Lạp (Đa-ni-ên 8:20, 21). Đế quốc tiếp theo là chiếc sừng nhỏ. Chiếc sừng nhỏ chỉ về La Mã (Đa-ni-ên 8:9, 23, 24). Tiếp theo, Gáp-ri-ên nói rằng La Mã sẽ trở thành một chính phủ nắm quyền lực về chính trị và tôn giáo. Vào lúc này, La Mã, hay chiếc sừng nhỏ, sẽ khiến người ta “quay lưng lại với Đức Chúa Trời”, điều này cũng giống như việc “ném bỏ lẽ thật [Kinh Thánh] xuống đất” (Đa-ni-ên 8:12; cũng đọc các câu 10, 11, 25). La Mã cũng sẽ can thiệp vào công việc Đức Chúa Giê-su làm trong đền thờ trên trời cho dân sự của Đức Chúa Trời (Đa-ni-ên 8:10–12). Sau đó, trong Đa-ni-ên 8:14, chúng ta đọc về cách Đức Chúa Trời sẽ làm sạch đền thờ trên trời khỏi tội lỗi. Đức Chúa Trời sẽ trừng phạt các quyền lực tôn giáo và các chính phủ trên trái đất đã cố gắng đánh cắp quyền kiểm soát từ Ngài. Công việc đặc biệt này cũng là một phần trong câu trả lời của Đức Chúa Trời đối với vấn đề tội lỗi.

Gáp-ri-ên đã sẵn sàng cho Đa-ni-ên biết thêm thông tin về 2.300 ngày. Vào cuối Đa-ni-ên 8, chúng ta thấy Đa-ni-ên không hiểu phần của giấc mơ nói về 2.300 ngày (Đa-ni-ên 8:27). Gáp-ri-ên đã giải thích phần trước trong giấc mơ của Đa-ni-ên về con cừu đực, con dê và cái sừng nhỏ (Đa-ni-ên 8:20, 21). Nhưng Gáp-ri-ên không giải thích về thời gian mà Đức Chúa Trời sẽ làm sạch đền thờ của Ngài.

Gáp-ri-ên nói với Đa-ni-ên: “Lời phán dặn đã ra từ khi ngươi bắt đầu nài xin; và ta đến để tỏ lời đó cho ngươi, vì ngươi đã được yêu quí lắm. Vậy hãy suy nghĩ sự đó và hãy hiểu biết sự hiện thấy” (Đa-ni-ên 9:23). Đó là giấc mơ nào? Như chúng ta sẽ học vào ngày mai, đó là 2.300 ngày.

Đọc về lời khuyên của thiên sứ Gáp-ri-ên cho Đa-ni-ên, trong Đa-ni-ên 9:23. Gáp-ri-ên bảo Đa-ni-ên làm gì? Tại sao lời khuyên này lại quan trọng? Lời khuyên này giúp chúng ta hiểu Đa-ni-ên 8:14 như thế nào và thời điểm nào Đức Chúa Trời sẽ làm sạch đền thờ trên trời khỏi tội lỗi?

Gáp-ri-ên bảo Đa-ni-ên “Vậy hãy suy nghĩ sự đó và hãy hiểu biết sự hiện thấy” (Đa-ni-ên 9:23). Đó là thông điệp nào? Giấc mơ nào? Đa-ni-ên 9 không nói về bất kỳ giấc mơ nào. Vì vậy, Gáp-ri-ên hẳn đang nói về một phần của giấc mơ trong Đa-ni-ên 8. Đó là phần về 2.300 ngày mà Đa-ni-ên không hiểu (Đa-ni-ên 8:27).

Đọc Đa-ni-ên 9:24–27. Trong những câu này, Gáp-ri-ên tiếp tục giải thích về thông điệp thời gian 2.300 ngày. Những điều quan trọng nào mà Gáp-ri-ên nói sẽ xảy ra trong cuộc đời của Đức Chúa Giê-su?

Phần đầu tiên của sứ điệp lần này nói về dân tộc của Đức Chúa Trời, những người Do Thái. Gáp-ri-ên thông báo rằng, “Có bảy mươi tuần lễ định trên dân ngươi và thành thánh ngươi” (Đa-ni-ên 9:24). Trong sứ điệp về thời gian này, một ngày tương ứng với một năm thật thụ (Ê-xê-chi-ên 4:6; Dân số Ký 14:34). Quy tắc này được đặt tên là quy tắc “một ngày cho một năm”, gọi tắt là quy tắc ngày–năm. Khi sử dụng quy tắc ngày–năm trong thông điệp về thời gian của Đa-ni-ên trong Đa-ni-ên 8:14, chúng ta có thể hiểu ngày và giờ một cách hoàn hảo. (Đọc bài học của ngày mai để biết thêm về chủ đề này). Một cách khác để viết 70 tuần là 490 ngày (đó là vì có 490 ngày trong 70 tuần). Khi chúng ta sử dụng quy tắc ngày–năm, 490 ngày trở thành 490 năm trong thực tế.

Gáp-ri-ên nói với Đa-ni-ên rằng “Có bảy mươi tuần lễ [hoặc 490 ngày, là 490 năm thật thụ] định trên dân ngươi và thành thánh ngươi” (Đa-ni-ên 9:24). Bạn có thấy từ được viết là “định trên” không? Một cách khác để nói “định trên” là “bị trừ đi” hoặc “được tách ra khỏi”. Bị trừ đi khỏi cái gì? Nghĩa là 70 tuần hoặc 490 năm thực bị trừ đi khỏi cái gì? Chúng chỉ có thể bị trừ đi khỏi 2.300 ngày của Đa-ni-ên 8:14. Đây là một thông điệp khác về thời gian mà Gáp-ri-ên muốn nói. 490 năm có liên quan với thông điệp về thời gian trong Đa-ni-ên 8:14, đó là phần duy nhất của giấc mơ mà Gáp-ri-ên không giải thích. Đa-ni-ên 8:14 cũng là thông điệp thời gian duy nhất trong Đa-ni-ên 8. Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng Gáp-ri-ên đến để giúp Đa-ni-ên hiểu những gì ông ấy không hiểu trong Đa-ni-ên 8: lời tiên tri về 2.300 ngày.

Thông điệp thời gian 490 năm bắt đầu bằng mệnh lệnh xây dựng lại Giê-ru-sa-lem. Mệnh lệnh này rất quan trọng đối với người Do Thái. Trong Ê-xơ-ra 7, chúng ta thấy rằng lệnh này xảy ra vào năm 457 TCN. Vào thời điểm đó, người Do Thái rời Ba-by-lôn và trở về quê hương của họ. Người Do Thái cũng trở thành một cộng đồng tôn giáo một lần nữa (đọc Ê-xơ-ra 7:13, 27).

Vào mùa thu năm 457 TCN, vua Si-ru truyền lệnh cho người Do Thái trở về nhà và xây dựng thành phố của họ. Đa-ni-ên thông báo 483 năm sẽ trôi qua kể từ khi người Do Thái bắt đầu xây dựng thành phố của họ cho đến khi Đấng Cứu Thế bắt đầu công việc của Ngài trên đất. Nếu chúng ta bắt đầu vào năm 457 TCN, và thêm 483 năm nữa, chúng ta sẽ đến năm 27 SCN.

Vào năm 27 SCN, Đức Chúa Giê-su, Đấng Cứu Thế, đã được làm phép báp-têm (Đọc Ma-thi-ơ 3:13–17). Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng Đa-ni-ên đã công bố thời điểm chính xác cho phép báp-têm của Đức Chúa Giê-su hàng trăm năm trước khi Đức Chúa Giê-su làm báp-têm. Vào thời điểm đó, Đức Chúa Giê-su đã bắt đầu công việc của Ngài trên đất được ba năm rưỡi.

Đọc Rô-ma 5:6–9, cùng với Đa-ni-ên 9:26. Chúng ta học được những lẽ thật quan trọng nào trong Kinh Thánh từ những câu này?

Thiên sứ Gáp-ri-ên giải thích với Đa-ni-ên, “Sau sáu mươi hai tuần lễ đó, Đấng chịu xức dầu sẽ bị trừ đi, và sẽ không có chi hết” (Đa-ni-ên 9:26). Đấng Cứu Thế sẽ bị “trừ đi”. Nghĩa là Ngài sẽ chết trên thập tự giá. Câu này cho biết thêm, “và sẽ không có chi hết”. Câu đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là Đức Chúa Giê-su chết để cứu chúng ta, chứ không phải vì chính Ngài. Đó là lý do tại sao Phao-lô viết, “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8).

Trong Đa-ni-ên 9:27, chúng ta thấy rằng Đấng Cứu Thế sẽ “lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ, và đến giữa tuần ấy, người sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi” (Đa-ni-ên 9:27). Điều đó có nghĩa là gì? Câu này đang nói về tuần cuối cùng của thông điệp thời gian 70 tuần. Vào thời điểm này, vào năm 31 SCN, Đức Chúa Giê-su đã giữ lời hứa mà Đức Chúa Trời đã hứa với dân sự của Ngài. Đức Chúa Giê-su đã giữ lời hứa này bằng huyết của Ngài, mà Ngài đã chuộc cho tội lỗi của chúng ta khi Ngài chết trên thập tự giá. Đức Chúa Giê-su đã trở thành của lễ chuộc tội. Vì vậy, người Do Thái không còn cần thiết phải mang những của lễ chuộc tội bằng động vật cho những tội lỗi của họ vào đền thờ nữa.

Đọc Mác 15:38 và Ma-thi-ơ 3:15, 16. Những câu này giúp chúng ta hiểu Đa-ni-ên 9:24–27 như thế nào?

Phần đầu tiên của sứ điệp 2.300 năm là 70 tuần hoặc 490 năm. 490 năm cho chúng ta thấy những gì sẽ xảy ra trong lịch sử Do Thái trước khi những điều này xảy ra, từ việc xây dựng lại Giê-ru-sa-lem cho đến khi Đức Chúa Giê-su chết trên thập tự giá. Phần cuối cùng của 2.300 năm là về dân sự của Đức Chúa Trời, cả người Do Thái lẫn Cơ Đốc nhân. Phần cuối cùng này cũng cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời sẽ làm sạch đền thờ của Ngài và Đức Chúa Giê-su sẽ tái lâm.

490 năm là về sự đến lần đầu tiên của Đức Chúa Giê-su. 490 năm kết thúc vào năm 34 SCN. Khi chúng ta trừ đi 490 năm từ 2.300 năm, chúng ta còn lại 1.810 năm. 1.810 năm kể về những gì sẽ xảy ra với dân sự của Đức Chúa Trời sau khi Ê-tiên bị ném đá cho đến chết. Nếu chúng ta bắt đầu từ năm 34 SCN và thêm 1.810 năm, chúng ta sẽ đến năm 1844 SCN.

Trong Khải huyền 14:6, 7, Đức Chúa Trời đưa ra lời đề nghị cuối cùng của Ngài cho dân tộc Do Thái để được cứu. Lời đề nghị của Đức Chúa Trời bao gồm một thông báo về công việc của Ngài với tư cách là Đấng Phán Xét trong thời kỳ cuối cùng. Là một phần công việc của Ngài, Đức Chúa Trời sẽ làm cho đền thờ trên trời sạch khỏi tội lỗi. Đức Chúa Trời muốn mọi người chấp nhận tình yêu thương và ân điển của Ngài. Đức Chúa Trời cũng ra lệnh cho những người sống trong thời kỳ cuối cùng phải nên thánh và tuân theo luật pháp của Ngài.

Tại sao đền thánh trên đất cần được dọn dẹp? Đọc Lê-vi Ký 16:16 để biết câu trả lời. Câu trả lời này dạy chúng ta điều gì về Tin Lành rằng Đức Chúa Giê-su sẽ cứu chúng ta khỏi tội lỗi?

Đền thánh trên đất phải được làm sạch vì tội lỗi của con người đã làm cho nó trở nên dơ dáy. Chỉ có máu mới có thể làm sạch đền thánh. Điều tương tự cũng đúng với chúng ta. Chúng ta cần một Đấng Cứu Thế sẽ giúp chúng ta khi Đức Chúa Trời phán xét. Các lễ trong Cựu Ước đã bị giết vào ngày Chúa làm cho mọi thứ tinh sạch. Những lễ vật này tượng trưng cho cuộc đời và sự chết của Đức Chúa Giê-su.

Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời ra lệnh cho dân sự Ngài làm gì vào ngày Đức Chúa Trời làm cho mọi thứ tinh sạch? Đọc Lê-vi Ký 23:26–29 để biết câu trả lời. Câu trả lời này cho chúng ta thấy rằng chúng ta phải làm gì ngày nay?

Dân sự của Đức Chúa Trời cần phải cho Đức Chúa Trời thấy rằng họ ăn năn vì tội lỗi của mình. Họ cần phải trút bỏ tất cả sự kiêu ngạo trong tấm lòng mình. Họ cần phải thú nhận tội lỗi của mình, ngừng phạm tội và cầu xin Đức Chúa Trời làm cho họ được trong sạch. Dân sự đã làm những việc này trong khi vị lãnh đạo tinh thần hàng đầu dọn dẹp đền thánh trên đất.

Dưới đây là một cách nhanh chóng và dễ dàng để hiểu thông điệp về thời gian 70 tuần trong Đa-ni-ên 9:24–27. Thông điệp thời gian này có ba phần quan trọng:
(1) Tổng cộng 70 tuần hoặc 490 năm (Đa-ni-ên 9:24).
(2) 7 tuần và 62 tuần, hoặc 69 tuần (Đa-ni-ên 9:25), là một phần của 70 tuần.
(3) Tuần cuối cùng, hoặc tuần thứ 70 (Đa-ni-ên 9:27).

Tuần cuối cùng được chia đôi, hoặc “vào giữa ‘tuần” (Đa-ni-ên 9:27). Điều đó có nghĩa là tuần ấy được chia thành hai phần: mỗi phần là 3 năm rưỡi.

Chính là như vậy. Cho nên, chúng ta có 70 tuần, tương ứng với 69 tuần và một tuần. Một tuần đó được chia đôi. Bắt đầu 70 tuần vào năm 457 TCN. Sau đó làm phép toán. Ngoài ra, khi chúng ta thêm 2.300 năm vào năm 457 TCN, chúng ta đến năm 1844 SCN.
Hãy nhớ rằng, Đa-ni-ên không cho chúng ta biết thời điểm bắt đầu 2.300 ngày. Kinh Thánh chỉ nói, “Cho đến [những điều trong giấc mơ của Đa-ni-ên sẽ xảy ra sau] hai ngàn ba trăm buổi chiều và buổi mai [ngày]; sau đó nơi thánh sẽ được thanh sạch” (Đa-ni-ên 8:14). Vậy, 2.300 ngày bắt đầu từ khi nào? Tại sao không bắt đầu 2.300 ngày kể từ thời điểm Đa-ni-ên nhìn thấy giấc mơ? Tức là vào “năm thứ ba đời vua Bên-tơ-xát-xa” (Đa-ni-ên 8:1)?

Không thể nào vào thời điểm ấy được. Tại sao? Bởi vì giấc mơ trong Đa-ni-ên 8 không bao gồm Ba-by-lôn. Giấc mơ bắt đầu với những điều xảy ra sau khi Ba-by-lôn kết thúc. Nghĩa là Đa-ni-ên 8 bắt đầu với đế quốc Mê-đi Ba Tư, đến đế quốc Hy Lạp và sau đó là La Mã, cho đến thời kỳ cuối cùng. Ngày Chúa làm sạch đền thờ là một phần trong giấc mơ của Đa-ni-ên trong Đa-ni-ên 8. Nhưng đế quốc Ba-by-lôn không nằm trong giấc mơ trong Đa-ni-ên 8. Vậy, tại sao lại nói rằng ngày Chúa làm sạch đền thờ của Ngài bắt đầu từ thời đế quốc Ba-by-lôn? Ngày bắt đầu cho ngày Đức Chúa Trời làm sạch đền thờ của Ngài phải đến từ chính giấc mơ. Giấc mơ bắt đầu với đế quốc Mê-đi Ba Tư và tiếp tục đến tận cùng. Đó là rất nhiều năm! Đa-ni-ên 9, chứ không phải Đa-ni-ên 8, cho chúng ta biết thời điểm bắt đầu 2.300 ngày.

CÂU HỎI THẢO LUẬN:

  1. Đâu là mối liên hệ giữa Tin lành về Đức Chúa Giê-su và công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét của chúng ta?
  2. Suy nghĩ thêm về Đa-ni-ên 9:26. Tại sao Đức Chúa Giê-su bị “trừ đi”? Hình ảnh từ đó có nghĩa là gì?
Bài Học 5, 22 — 28 Tháng 4, 2023

Tin Lành Về Đức Chúa Trời, Đấng Phán Xét Của Chúng Ta

CÂU GỐC: “Người cất tiếng lớn nói rằng: Hãy kính sợ Đức Chúa Trời, và tôn vinh Ngài, vì giờ phán xét của Ngài đã đến; hãy thờ phượng Đấng dựng nên trời đất, biển và các suối nước” (Khải huyền 14:7).

KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Thi thiên 51:1–4; Khải huyền 20:12; Đa-ni-ên 7:9, 10, 13; Khải huyền 4:2–4.

Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời là Đấng Phán Xét của chúng ta. Không chỉ vậy, Đức Chúa Trời là “Đấng đoán xét toàn thế gian” (Sáng thế Ký 18:25; cũng đọc Thi thiên 58:11; Thi thiên 94:2; Thi thiên 98:9). Không sớm thì muộn, Đức Chúa Trời sẽ phán xét tất cả mọi người, cả người chết lẫn người sống. Như Phao-lô đã viết, “Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ khai trình việc mình với Đức Chúa Trời” (Rô-ma 14:12).

Ý nghĩ đáng sợ, phải không? Mỗi người đã từng sống sẽ trả lời với Chúa về tất cả những gì họ đã làm. Chúa biết mọi thứ. “Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán xét các công việc, đến nỗi việc kín nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy” (Truyền đạo 12:14).
Cuối cùng, công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là quan xét sẽ bày tỏ tình yêu thương và ân điển của Ngài cho mọi người trên trời lẫn dưới đất. Chúng ta sẽ thấy rằng Đức Chúa Trời công bình và đầy lòng thương xót khi Ngài phán xét những người được cứu và cả những người bị hư mất.

Tuần này, chúng ta sẽ nghiên cứu về công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét trong thời kỳ cuối cùng. Chúng ta cũng sẽ xem xét những gì xảy ra với những người trung thành của Đức Chúa Trời trong “sự phán xét ngày sau” (Công vụ 24:25).

Sách Khải huyền cho thấy điều gì sẽ xảy ra vào cuối cuộc chiến vũ trụ giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan. Cuộc chiến này bắt đầu trước khi Chúa tạo ra trái đất. Lu-xi-phe bắt đầu cuộc chiến. Lu-xi-phe là một thiên sứ đẹp đẽ đã chống lại Đức Chúa Trời. Lu-xi-phe buộc tội Chúa. Lu-xi-phe nói rằng Chúa không công bằng hay khôn ngoan. Sách Khải huyền cho thấy công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét sẽ bày tỏ rằng Lu-xi-phe đã sai khi đổ lỗi cho Đức Chúa Trời về bất cứ điều gì.

Khải huyền 14:7 chép: “Người cất tiếng lớn nói rằng: Hãy kính sợ Đức Chúa Trời, và tôn vinh Ngài, vì giờ phán xét của Ngài đã đến; hãy thờ phượng Đấng dựng nên trời đất, biển và các suối nước”. Bạn có thấy thiên sứ nói gì ngay sau khi nói về Tin Lành không? Thiên sứ nói về công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét. Tin Lành được kết nối với công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét như thế nào?

Tin Lành và công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét đều là một phần trong Sứ điệp của Thiên sứ thứ nhất. Hai phần này không thể tách rời. Điều đó cho chúng ta thấy điều gì? Nó cho thấy rằng nếu không có Tin Lành, chúng ta sẽ không có hy vọng khi Đức Chúa Trời phán xét bạn và tôi. Như chúng ta thấy, Tin Lành là hy vọng duy nhất khi chúng ta bị phán xét.

Trong thời gian Đức Chúa Trời làm Đấng Phán Xét, những người sống trên các hành tinh khác sẽ thấy rằng Đức Chúa Trời đã làm mọi thứ có thể để cứu từng người cuối cùng trên trái đất. Công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét cho chúng ta thấy rằng Ngài công bình và đầy lòng thương xót. Công việc của Ngài với tư cách là Đấng Phán Xét cho chúng ta thấy tình yêu thương và luật pháp của Ngài. Công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét cũng thể hiện tình yêu thương của Ngài để cứu chúng ta khỏi tội lỗi.

Công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét là một phần trong câu trả lời của Ngài cho vấn đề tội lỗi. Trong cuộc chiến vũ trụ giữa thiện và ác, Đức Chúa Trời đã trả lời những lời nói dối của Sa-tan. Bằng cách nào? Bằng cái chết của Đức Chúa Giê-su trên thập tự giá. Trong công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét, Ngài sẽ cho chúng ta thấy rằng Ngài đã làm mọi thứ có thể để cứu chúng ta và dẫn chúng ta đến thập tự giá để được tha thứ. Những sách ghi chép trên thiên đàng sẽ được mở ra vào lúc này (đọc Đa-ni-ên 7:10). Chúng ta rất quan trọng đối với Đức Chúa Trời. Vì vậy, Ngài sẽ cho mọi người trên thiên đàng một cơ hội để xem xét những lựa chọn mà chúng ta đã thực hiện theo Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời ban Thánh Linh của Ngài để dẫn chúng ta đến với Đức Chúa Giê-su.

Đọc kỹ Thi thiên 51:1–4. Hãy xem câu 4. Làm thế nào những câu này giúp chúng ta hiểu công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét của chúng ta?

Thập tự giá và công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét cho thấy rằng Đức Chúa Trời vừa công bình vừa đầy lòng thương xót. Luật của Chúa đã bị phá vỡ. Hình phạt cho việc phạm luật pháp là sự chết. Vì vậy, tội nhân phải chết. “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23). Nhưng Chúa cũng đầy lòng thương xót. Cho nên khi bạn chấp nhận sự tha thứ của Ngài, Ngài “ban cho sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Rô-ma 6:23). Nếu Đức Chúa Trời có thể thay đổi luật pháp của Ngài, thì Đức Chúa Giê-su đã không phải chết. Cái chết của Đức Chúa Giê-su trên thập tự giá cho chúng ta thấy rằng luật pháp của Đức Chúa Trời không thể bị thay đổi.

Chúng ta được đánh giá như thế nào? Đọc Khải huyền 20:12 để biết câu trả lời. Mối liên hệ giữa việc lành của chúng ta và việc chúng ta được cứu là gì?

Thái độ của chúng ta cho thấy sự lựa chọn của chúng ta. Và cũng cho thấy chúng ta có trung thành với Đức Chúa Trời hay không. Phao-lô nói: “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Ê-phê-sô 2:8, 9). Khi Đức Chúa Giê-su cứu chúng ta, Ngài thay đổi chúng ta. “Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus-Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:10). Đức Thánh Linh giúp chúng ta làm những việc tốt. Nhưng việc làm tốt không cứu được chúng ta. Việc làm của chúng ta chỉ cho thấy rằng đức tin của chúng ta là có thật. Công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét sẽ bày tỏ mọi điều trong tấm lòng của bạn và tôi.

Đọc câu nói mạnh mẽ này của Ellen G. White về Tin Lành và công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét: “Kinh Thánh cho chúng ta thấy hình ảnh dân sự của Đức Chúa Trời trong những bộ áo dơ dáy đứng trước mặt Đức Chúa Trời. Ngài là Quan Xét của chúng ta. Bức tranh này cho thấy rằng chúng ta phải trút bỏ tất cả sự kiêu ngạo trong tấm lòng của mình. Tất cả các Cơ Đốc nhân nên để cho tấm lòng mình trong sạch. Chúng ta nên tuân theo luật pháp của Đức Chúa Trời. Không nên có bất kỳ sự kiêu ngạo nào trong tấm lòng mình. Càng nhìn vào cuộc đời hoàn hảo của Đức Chúa Giê-su, bạn càng muốn trở nên giống như Ngài trong tấm lòng mình. Bạn sẽ thấy rằng tất cả những điều tốt lành trong tấm lòng đều đến từ Đức Chúa Giê-su. Bạn sẽ thấy mình là tội nhân. Đồng thời, bạn sẽ trông cậy vào Đức Chúa Giê-su. Đức Chúa Giê-su làm cho chúng ta nên thánh. Đức Chúa Giê-su là Đấng duy nhất có thể trả lời Sa-tan khi hắn buộc tội bạn và tôi. Đức Chúa Giê-su đến gặp Đức Chúa Trời vì chúng ta và tranh luận về trường hợp của bạn và tôi trước tòa phán xét. Đức Chúa Giê-su bảo Sa-tan đừng đổ lỗi cho chúng ta. Đức Chúa Giê-su có thể làm công việc này cho bạn và tôi bởi vì Ngài đã chết cho nhân loại. Chúng ta được cứu bởi sự sống thánh khiết của Ngài, chứ không phải bởi việc lành của mình. ”—Testimonies for the Church, tập 5, trang 471, 472.

Sách Đa-ni-ên và Khải huyền cho chúng ta thấy điều gì sẽ xảy ra trong thời kỳ cuối cùng. Vì vậy, chúng ta nên cùng nhau nghiên cứu những sách này. Sách Khải huyền cho biết rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ mà Đức Chúa Trời sẽ phán xét trái đất. Còn sách Đa-ni-ên cho chúng ta thấy khi nào công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét bắt đầu.

Trong Đa-ni-ên 7, Đức Chúa Trời cho Đa-ni-ên thấy lịch sử của trái đất này. Chúng ta cũng được học về các đế quốc khác nhau nắm quyền thống trị trái đất. Các đế quốc này bao gồm Ba-by-lôn, Mê-đi Ba Tư, Hy Lạp và La Mã. Sau cùng, Đế quốc La Mã tan rã. Sau đó, dân sự của Đức Chúa Trời phải chịu đựng nhiều nỗi thống khổ vì đức tin của họ. Kẻ thù tấn công họ trong 1.260 năm (Đa-ni-ên 7:25; cũng đọc Khải huyền 12:14). Sau đó, Đức Chúa Trời cho Đa-ni-ên thấy một cảnh tượng đầy quyền năng sẽ xảy ra trong tương lai. Đức Chúa Trời sẽ làm cho mọi thứ trở nên đúng trở lại. Rồi Đức Chúa Trời sẽ ban cho Đức Chúa Giê-su vương quốc thuộc về Ngài. Vương quốc này sẽ tồn tại mãi mãi.

Đọc Đa-ni-ên 7:9, 10, 13. Đa-ni-ên đã nhìn thấy gì trong những câu này? Đức Chúa Trời quyết định làm gì? Điều gì xảy ra vào thời điểm này? Đọc Đa-ni-ên 7:14, 26, 27 để biết câu trả lời.

Đức Chúa Trời quyết định điều gì sẽ xảy ra cho tất cả những người đã sống. Quyết định này xảy ra tại tòa phán xét trên trời. Tình yêu của Chúa chiến thắng. Luật của Ngài cũng thắng. Cảnh này là một trong những cảnh đẹp nhất trong toàn bộ Kinh Thánh. Tin lành là mọi thứ kết thúc rất tốt đẹp cho dân sự của Đức Chúa Trời. Những người này hầu việc Ngài bằng đức tin của họ. Họ mặc lấy sự sống thánh khiết của Đức Chúa Giê-su giống như mặc những bộ quần áo.

Đức Chúa Giê-su đến với Cha của Ngài ở trên trời. Tất cả mọi người trên thiên đàng đều đang quan sát. Các thiên sứ vây quanh ngôi của Đức Chúa Trời. Tất cả những người từ hành tinh khác cũng dõi theo. Họ bất ngờ và đầy kinh ngạc khi chứng kiến Đức Chúa Trời làm công việc của Ngài với tư cách là Đấng Phán Xét. Cuộc chiến vũ trụ giữa thiện và ác sẽ sớm kết thúc. Cuộc chiến này đã kéo dài quá lâu. Cuộc chiến tranh giành ngôi vị của Đức Chúa Trời sẽ được quyết định mãi mãi.

Đa-ni-ên tiên tri chính xác về các đế quốc dấy lên và sụp đổ, như lời Đức Chúa Trời đã hứa. Vậy, tại sao sách Đa-ni-ên là lý do chính đáng để tin cậy lời của Kinh Thánh tiên tri về vương quốc cuối cùng sẽ tồn tại mãi mãi?

Trong Khải huyền 4, Giăng nhìn thấy một cánh cửa rộng mở trên trời. Đức Chúa Giê-su đưa ra lời mời gọi Giăng: “ ‘Hãy lên đây, ta sẽ cho ngươi thấy điều sau này phải xảy đến’ ”(Khải huyền 4:1). Đức Chúa Giê-su mở cửa vào đền thờ trên trời và mời Giăng nhìn vào bên trong. Tại đó, Chúa sẽ cho Giăng thấy những gì sẽ xảy ra trong tương lai trong cuộc chiến giữa thiện và ác. Chúng ta cũng có thể cùng Giăng xem xét kế hoạch của Đức Chúa Trời để cứu chúng ta.

Đọc Khải huyền 4:2–4. Điều gì đang xảy ra trong những câu Kinh Thánh này? So sánh những câu này với Đa-ni-ên 7. Cả hai câu này cho chúng ta thấy công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét như thế nào?

Đức Chúa Trời là Cha ngự trên ngai của Ngài ở trên trời. Các thiên sứ đứng chung quanh Ngài. Có sấm sét và chớp. Sấm sét và chớp là hình ảnh nói lên công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét. Chúng ta cũng thấy 24 trưởng lão ngồi chung quanh ngôi của Đức Chúa Trời.

24 trưởng lão này là ai? Vào thời Cựu Ước, các trưởng lão phục vụ Y-sơ-ra-ên được chia thành 24 nhóm. Những nhóm lãnh đạo này thay phiên nhau hầu việc Đức Chúa Trời trong đền thờ của Ngài. Các trưởng lão đến cầu hỏi Đức Chúa Trời cho dân sự của Ngài. Trong 1 Phi-e-rơ 2:9, Phi-e-rơ thông báo rằng Đức Chúa Trời đã chọn Cơ Đốc nhân thời Tân Ước làm nhóm lãnh đạo thiêng liêng mới của Ngài. Vì vậy, có thể 24 trưởng lão là một phần của nhóm người đã sống dậy từ cõi chết với Đức Chúa Giê-su và lên trời với Ngài (Ma-thi-ơ 27:52; Ê-phê-sô 4:7, 8).

Dù họ là ai, họ cũng cho chúng ta hy vọng, 24 trưởng lão này cho chúng ta thấy rằng một số người mà Đức Chúa Trời cứu đang ở chung quanh ngôi của Đức Chúa Trời. Sa-tan cố gắng khiến những người này phạm tội, cũng như hắn cố khiến chúng ta phạm tội. Nhưng những người này đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi nhờ ân điển của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh đã giúp họ chiến thắng. Vì vậy, 24 trưởng lão mặc áo màu trắng. Những bộ áo này cho chúng ta thấy rằng cuộc sống thánh khiết của Đức Chúa Giê-su đã bao phủ họ và Đức Chúa Trời sẽ tha thứ tội lỗi cho họ. 24 trưởng lão đội mão triều thiên vàng trên đầu. Mão triều thiên của họ bày tỏ rằng họ đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại điều ác. Giờ đây, họ là một phần của nhóm tín đồ đầy đức tin của gia đình thiên đàng.

Chúa ngự trên ngai trên trời. Các thiên sứ và những người khác đứng chung quanh ngôi. Chẳng bao lâu, tất cả các thiên sứ bắt đầu hát một bài ca ngợi khen: “Họ nói: ‘Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên’” (Khải huyền 4:11).

Trong Khải huyền 5:1–3, chúng ta thấy một ngôi. Chúng ta cũng thấy một cuộn giấy hoặc một cuốn sách được cuộn lại với chữ viết ở mặt trước và mặt sau. Cuốn sách này có bảy ấn trên đó. Không ai trên trời hay dưới đất có thể phá ấn và mở cuốn sách. Giăng bắt đầu khóc vì không ai có thể mở cuốn sách. Sau đó, một trong 24 trưởng lão nói cùng Giăng những tin lành đáng khích lệ, rằng Đức Chúa Giê-su, Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng xứng đáng để mở sách.

Trong Khải huyền 5:5, Giăng nhìn thấy câu trả lời cho vấn đề tội lỗi. Giăng thấy cách duy nhất để chúng ta có thể được Đức Chúa Trời chấp nhận khi Ngài thực hiện công việc cuối cùng của Ngài với tư cách là Đấng Phán Xét. Giăng nói với chúng ta, “Bấy giờ, một người trong các trưởng lão nói với tôi rằng: Chớ khóc, kìa, sư tử của chi phái Giu-đa, tức là Chồi của vua Đa-vít, đã thắng, thì có thể mở quyển sách ấy và tháo bảy cái ấn ra. Tôi lại thấy chính giữa ngôi và bốn con sinh vật, cùng chính giữa các trưởng lão, có một Chiên Con ở đó như đã bị giết” (Khải huyền 5:5, 6).

Đọc Khải huyền 5:8–12 về lời thông báo rằng Đức Chúa Giê-su xứng đáng để mở cuộn sách hoặc cuốn sách. Mọi người trên thiên đàng làm gì khi nghe thông báo này?

Đức Chúa Giê-su cầm lấy cuốn sách. Đức Chúa Giê-su đã chết để cứu mọi người. Vì vậy, chỉ có Ngài mới có thể mở cuốn sách. Cuốn sách nói về công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét. Khi Đức Chúa Giê-su cầm lấy cuốn sách, tất cả những người trên trời reo hò mừng vui. Họ ngợi khen Chúa. Tại sao Đức Chúa Giê-su lại xứng đáng để mở sách? Đức Chúa Giê-su từ chối phạm tội khi Sa-tan cố gắng khiến Ngài làm điều ác. Đức Chúa Giê-su đã chết trên thập tự giá tại đồi Sọ. Đức Chúa Giê-su đã sống lại từ sự chết. Đức Chúa Giê-su làm việc cho chúng ta trên thiên đàng với tư cách là người lãnh đạo tinh thần của chúng ta. Ngài tìm đến Đức Chúa Trời để cầu xin sự giúp đỡ cho chúng ta. Đức Chúa Giê-su cứu tất cả những ai bởi đức tin chọn để chấp nhận ân điển cứu rỗi của Ngài. Vì vậy, việc Đức Chúa Trời làm với tư cách Quan Xét là một tin tuyệt vời cho dân sự của Đức Chúa Trời. Công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét là khởi đầu cho sự kết thúc của tội lỗi. Công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời sẽ chấm dứt tội lỗi, sự dữ và sự chết.

Có tin lành nào tốt lành hơn tin này không? Đức Chúa Giê-su chiến đấu vì chúng ta, tha thứ tội lỗi và làm cho chúng ta trở nên mới. Đức Chúa Giê-su tha thứ và thay đổi chúng ta, giúp chúng ta sống đời thánh khiết. Vì vậy, mọi người không cần phải sợ hãi công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét. Công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét không phải là để cho chúng ta thấy rằng chúng ta tồi tệ. Công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét nhằm cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời là nhân từ và đầy lòng thương xót.

Hãy đọc câu nói mạnh mẽ này của Ellen G. White về công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét trong thời kỳ cuối cùng.

“Hy vọng duy nhất của chúng ta là ân điển của Đức Chúa Trời. Điều duy nhất sẽ bảo vệ chúng ta là lời cầu nguyện. Giô-suê cầu nguyện trước Thiên sứ, chính là Đức Chúa Giê-su. Theo cách tương tự, hội thánh thời kỳ cuối cùng của Đức Chúa Trời sẽ cầu nguyện để Đức Chúa Giê-su cứu họ. Dân sự của Đức Chúa Trời sẽ trút bỏ mọi sự kiêu ngạo trong tấm lòng. Đức tin của họ sẽ mạnh mẽ. Đức Chúa Giê-su là Quan Xét của họ. Dân sự của Đức Chúa Trời biết rằng cuộc sống của họ đầy tội lỗi. Và hiểu rằng họ yếu đuối và không xứng đáng. Họ gần như mất hết hy vọng. Còn Sa-tan thì đứng ra để buộc tội họ. Theo cách tương tự như Sa-tan đứng ra buộc tội Giô-suê. Sa-tan chỉ vào bộ áo dơ dáy mà dân sự của Đức Chúa Trời đang mặc. Những bộ áo này biểu thị cho việc làm của họ. Sa-tan nói rằng dân sự của Đức Chúa Trời yếu đuối. Sa-tan buộc tội họ đã làm những điều xấu xa. Sa-tan nói rằng dân sự của Đức Chúa Trời vô ơn. Họ không giống như Đức Chúa Giê-su chút nào. Họ đã không làm vinh hiển cho Đức Chúa Giê-su, Đấng Cứu Thế của họ. . . Dân sự của Đức Chúa Trời đã mắc nhiều sai lầm. Sa-tan biết rất rõ những tội lỗi mà hắn đã gây ra cho họ. Sa-tan trình bày các tội lỗi này trước Đức Chúa Trời. Sa-tan làm cho những tội lỗi này trông tồi tệ hơn thực tế. Sa-tan tuyên bố, ‘Liệu Đức Chúa Trời có đuổi tôi và các thiên sứ của tôi ra khỏi thiên đàng và ban thưởng cho những người đã gây ra những tội lỗi tương tự như chúng tôi đã làm không? Ngài không thể làm điều này, thưa Đức Chúa Trời, và hãy công bình. Nếu vậy thì Ngài sẽ không phải là một Đấng Phán Xét thánh khiết và công bình. Ngài phải trừng phạt họ vì tội ác của họ’. Đúng vậy, những người theo Đức Chúa Giê-su đã phạm tội. Nhưng họ đã không giao cuộc sống của mình cho sự kiểm soát của Sa-tan. Dân sự của Đức Chúa Trời đã từ bỏ tội lỗi của họ. Họ đã đến với Chúa, trút bỏ tất cả sự kiêu ngạo khỏi tấm lòng mình. Họ ăn năn tội lỗi của họ. Đức Chúa Giê-su, Quan Xét của họ, đến gặp Đức Chúa Trời để cầu xin sự giúp đỡ cho họ. Họ làm tổn thương Đức Chúa Giê-su bằng cách không cảm ơn Ngài về mọi điều Ngài đã làm cho họ. Đức Chúa Giê-su biết tội lỗi của họ. Nhưng Ngài cũng biết họ đã từ bỏ tội lỗi của mình. Vậy, Đức Chúa Giê-su đã làm gì? Ngài khẳng định, ‘Xin Đức Chúa Trời sửa phạt ngươi, Sa-tan. Ta đã hy sinh cuộc sống của mình cho những người này. Ta có những dấu vết đóng đinh trên bàn tay để chứng tỏ ta đã chết vì họ’”—Ellen G. White, Testimonies for the Church, tập 5, trang 473, 474.

CÂU HỎI THẢO LUẬN:

  1. Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà Đức Chúa Trời sẽ phán xét tất cả mọi người. Lẽ thật Kinh Thánh này giúp thay đổi cách chúng ta sống mỗi ngày như thế nào?
  2. Tại sao công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét là tin tốt chứ không phải tin xấu cho chúng ta?
Bài Học 4, 15 — 21 Tháng 4, 2023

Kính Sợ Đức Chúa Trời Và Tôn Vinh Ngài

CÂU GỐC: “Đây tỏ ra sự nhịn nhục của các thánh đồ: Chúng giữ điều răn của Đức Chúa Trời và giữ lòng tin Đức Chúa Jêsus” (Khải huyền 14:12).

KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Khải huyền 14:17; Phục truyền 6:2; Ma-thi-ơ 6:33; 1 Cô-rinh-tô 3:16, 17; Hê-bơ-rơ 4:14–16.

Tác giả Søren Kierkegaard ​​kể về viễn cảnh của thời kỳ cuối cùng: Một đám cháy bắt đầu ở hậu trường trong một nhà hát lớn. Một chú hề của chương trình đã bước ra để cảnh báo khán giả về đám cháy. Chú hề hét lên, “Tránh ra! Ra khỏi đây mau! Nơi này đang cháy!” Khán giả tưởng rằng chú hề chỉ đang diễn kịch. Họ nghĩ rằng lời cảnh báo của anh ta là một phần của vở kịch. Vì vậy, họ cho rằng anh ta chỉ nói đùa. Vì vậy, họ vỗ tay. Chú hề cảnh báo khán giả một lần nữa: “Tránh ra! Ra khỏi đây mau!” Nhưng chú hề càng ra sức cảnh báo bao nhiêu thì mọi người càng vỗ tay bấy nhiêu. Kierkegaard đã sử dụng câu chuyện này để cho biết thời kỳ cuối cùng sẽ như thế nào. Hầu hết mọi người sẽ nghĩ rằng cảnh báo về thời kỳ cuối cùng là một chuyện hài hước để cười.

Chúng ta biết thời kỳ cuối cùng không phải là một chuyện đùa. Đó là khoảng thời gian khủng khiếp nhất kể từ khi trận Đại Hồng Thủy xảy ra. Phi-e-rơ sử dụng Đại Hồng Thủy như một hình ảnh để nói về những gì sẽ xảy ra trong thời kỳ cuối cùng. Phi-e-rơ cảnh báo, “Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả” (2 Phi-e-rơ 3:10). Kinh Thánh đang cảnh báo về những gì sắp xảy ra. Vì vậy, chúng ta cần phải sẵn sàng ngay từ bây giờ.

Đức Chúa Giê-su sẽ đến mau chóng. Sách Khải huyền giúp dân sự của Đức Chúa Trời chuẩn bị sẵn sàng cho Sự Tái Lâm của Đức Chúa Giê-su. Sách Khải huyền cũng cho dân sự của Đức Chúa Trời thấy công việc đặc biệt mà họ phải làm. Dân sự của Đức Chúa Trời phải cùng tham gia với Đức Chúa Giê-su rao truyền thông điệp về thời kỳ cuối cùng của Ngài với những người khác trên trái đất này. Sách Khải huyền cho chúng ta thấy những kế hoạch của Đức Chúa Trời và cũng cho chúng ta thấy những kế hoạch xấu xa của Sa-tan. Sách Khải huyền cho chúng ta biết về thông điệp và lời cảnh báo cuối cùng của Đức Chúa Trời dành cho mọi người trên trái đất.

Đọc sứ điệp về thời kỳ cuối cùng trong Khải huyền 14:7. (Sau đó, hãy đọc Sáng thế Ký 22:12; Thi thiên 89:7; Châm ngôn 2:5; Truyền đạo 12:13, 14; và Ê-phê-sô 5:21). Khải huyền 14:7 cho chúng ta biết chúng ta phải làm gì?

Từ Hy Lạp là “phobeo” có nghĩa là “sợ hãi” trong Khải huyền 14:7. Sợ hãi trong câu này không có nghĩa là chúng ta nên sợ Đức Chúa Trời. Sợ hãi có nghĩa là chúng ta nên tôn kính và tôn trọng Ngài. Chúng ta cũng nên trung thành với Chúa. Chúng ta nên dâng trọn cuộc đời mình cho Ngài và làm những gì Ngài muốn. Chúng ta nên sống cho Chúa, không phải cho bản thân mình. So sánh cảm giác kính sợ này với hành vi của Lu-xi-phe. Lu-xi-phe tự nhủ: “Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương bắc. Ta sẽ lên trên cao những đám mây, làm ra mình bằng Đấng Rất Cao” (Ê-sai 14:13, 14).

Khi “kính sợ” Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ sống theo cách mà Đức Chúa Giê-su đã sống. Đức Chúa Giê-su, “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:6–8).

Trong cuộc chiến vũ trụ giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan, chúng ta sẽ trả lời câu hỏi sau như thế nào: Liệu chúng ta có vâng lời Đức Chúa Trời không? Lu-xi-phe là kẻ ích kỷ. Hắn không chịu tôn trọng bất cứ ai ngoài bản thân mình. Lu-xi-phe từ chối cúi đầu trước Đức Chúa Trời trước ngôi của Ngài. Lu-xi-phe muốn đẩy Chúa ra khỏi ngôi của Ngài và sau đó tự mình ngồi vào đó. Khi “kính sợ” Đức Chúa Trời, chúng ta đặt Ngài lên hàng đầu trong suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta sẽ nói không với ích kỷ và kiêu ngạo. Chúng ta sẽ sống trọn vẹn cho Đức Chúa Giê-su.

“Kính sợ Đức Chúa Trời” rất quan trọng vì những lời này là những lời đầu tiên mà Thiên sứ thứ nhất nói. Vì vậy, chúng ta phải tuân theo.

Kinh nghiệm của bạn về việc “kính sợ” Chúa là gì? Bạn sẽ giải thích thế nào với ai đó rằng “kính sợ” Đức Chúa Trời là việc tốt lành?

Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì khác về việc “kính sợ” Đức Chúa Trời? Như chúng ta đã thấy ngày hôm qua, “kính sợ” Đức Chúa Trời có nghĩa là tôn trọng Ngài.

Đọc Phục truyền 6:2; Thi thiên 119:73, 74; và Truyền đạo 12:13, 14. Những câu này cho chúng ta thấy điều gì xảy ra khi chúng ta “kính sợ” hoặc tôn trọng Đức Chúa Trời?

Những câu này cho chúng ta thấy rằng “kính sợ” Đức Chúa Trời có liên quan đến việc tuân giữ các điều răn của Ngài. Khi chúng ta “kính sợ” Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ tôn trọng Ngài. Sự tôn trọng của chúng ta đối với Đức Chúa Trời sẽ dẫn chúng ta đến việc vâng lời Ngài. Đức Chúa Trời muốn dân sự tuân theo mệnh lệnh của Ngài (Ê-phê-sô 2:8–10). Đúng vậy, chúng ta được cứu bởi ân điển của Đức Chúa Trời nhờ đức tin nơi Đức Chúa Giê-su. Nhưng lòng thương xót của Đức Chúa Trời không giải phóng chúng ta khỏi việc tuân theo các mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Tin Lành chỉ giúp chúng ta thoát khỏi hình phạt vì vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời.

Lòng thương xót của Đức Chúa Trời giải phóng chúng ta khỏi mặc cảm tội lỗi trong quá khứ. Ân điển của Ngài cũng giúp chúng ta sống đời sống vâng lời Ngài ngay bây giờ. Đó là lý do tại sao Phao-lô nói, “nhờ Ngài chúng ta đã nhận lãnh ân điển và chức sứ đồ, để đem mọi dân ngoại đến sự vâng phục của đức tin, vì danh Ngài” (Rô-ma 1:5).

Một số người có ý tưởng kỳ lạ. Họ tin rằng việc họ được cứu bởi ân điển của Đức Chúa Trời đã giải phóng họ khỏi việc phải tuân theo luật pháp của Đức Chúa Trời. Những người này tin rằng vâng lời cũng giống như cố gắng tự cứu mình bằng việc làm tốt của chính mình. Họ nói, “Tất cả những gì tôi muốn là Đức Chúa Giê-su.” Câu hỏi là, “Đó là Đức Chúa Giê-su nào?” Đức Chúa Giê-su trong Kinh Thánh? Hay một Đức Chúa Giê-su mà họ sáng tạo ra. Đức Chúa Giê-su thật sự đến từ Kinh Thánh. Đức Chúa Giê-su thật không bao giờ khiến chúng ta nghĩ rằng luật pháp hoặc những lời dạy của Ngài là không quan trọng. Sự thật trong Kinh Thánh cho chúng ta thấy Đức Chúa Giê-su là ai và kế hoạch của Ngài dành cho mọi người. Đức Chúa Giê-su thật là lẽ thật trong Kinh Thánh. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng lẽ thật trong Kinh Thánh là một Con Người. Con Người đó là Đức Chúa Giê-su. Khi làm theo lẽ thật Kinh Thánh, chúng ta đang sống như Chúa Giê-su đã sống.

Sách Khải huyền lệnh cho chúng ta phải tiếp nhận Đức Chúa Giê-su bằng đức tin và mọi điều Ngài ban. Khi “kính sợ” Đức Chúa Trời, chúng ta bày tỏ rằng mình có đức tin nơi Đức Chúa Trời để cứu chúng ta và giúp chúng ta vâng lời Ngài.

Đức Chúa Giê-su nói, “Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục” (Ma-thi-ơ 10:28). Làm thế nào những từ này giúp chúng ta hiểu “kính sợ” hoặc tôn trọng Đức Chúa Trời có nghĩa là gì?

Điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn? Đối với một số người, tiền là thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Đối với những người khác, điều quan trọng nhất là sự thỏa mãn hoặc sự kiểm soát. Những người khác có thể yêu thể thao, âm nhạc hoặc giải trí hơn bất cứ thứ gì khác. Thông điệp của Khải huyền cho chúng ta là một lời mời kính sợ và tôn vinh Đức Chúa Trời hơn bất cứ điều gì khác trong cuộc sống này.

Đọc Ma-thi-ơ 6:33; Cô-lô-se 3:1, 2; và Hê-bơ-rơ 12:1, 2. Những câu này dạy chúng ta điều gì về lý do tại sao Đức Chúa Trời nên là phần quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta?

Cuộc chiến trên toàn thế giới giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan thực sự là gì? Cuộc chiến này là một cuộc chiến giành quyền kiểm soát tâm trí của chúng ta. Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ trung thành với ai? Đức Chúa Trời hay Sa-tan?

Vì vậy, cuộc chiến cuối cùng trên vũ trụ giữa thiện và ác là để kiểm soát suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta có thể làm gì để giành chiến thắng trong cuộc chiến này? Kinh Thánh cho chúng ta câu trả lời: “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có” (Phi-líp 2:5). Từ “tâm tình” cho chúng ta thấy rằng chúng ta phải đưa ra lựa chọn. Chúng ta phải chọn suy nghĩ theo cùng một cách mà Đức Chúa Giê-su đã nghĩ. Khi đưa ra lựa chọn này, chúng ta để cho Đức Chúa Giê-su lấp đầy tâm trí mình bằng những suy nghĩ tốt đẹp về sự sống đời đời. Việc làm của chúng ta cho người khác thấy những gì trong tấm lòng và tâm trí của chúng ta. Khi kính sợ hoặc tôn trọng Đức Chúa Trời, chúng ta đặt Ngài lên hàng đầu trong cuộc sống của mình.

Thế thì làm thế nào để chúng ta kiểm soát suy nghĩ của mình? Vấn đề là chúng ta dễ dàng nghĩ những suy nghĩ xấu xa khi chúng ta không nghĩ về những điều tốt đẹp. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng suy nghĩ về những điều Đức Chúa Trời đã hứa với chúng ta. Những điều tốt đẹp này đang chờ đợi bạn và tôi trên thiên đàng. Tâm trí của chúng ta sẽ nghĩ về những thứ thuộc về thế gian nếu chúng ta cho phép chúng. Đó là lẽ đương nhiên bởi vì chúng ta là tội nhân. Cho nên, chúng ta phải rèn luyện trí óc để suy nghĩ về những điều Đức Chúa Trời đã hứa ban cho chúng ta trên thiên đàng.

Phao-lô nói, “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến” (Phi-líp 4:8). Làm thế nào để chúng ta học cách thực hiện những gì Phao-lô khuyên chúng ta làm ở đây?

Sứ điệp của Thiên sứ thứ nhất cho chúng ta biết phải tôn vinh Đức Chúa Trời và ngợi khen Ngài (Khải huyền 14:7). Chúng ta nên ngợi khen và tôn vinh Đức Chúa Trời (Giô-suê 7:19; 1 Sa-mu-ên 6:5; Giê-rê-mi 13:15, 16; Ma-la-chi 2:2), vì Ngài là Quan Xét của chúng ta. Chúng ta cũng thấy ý tưởng này trong Khải huyền 19:1, 2: “A-lê-lu-gia! Sự cứu chuộc, vinh hiển, quyền phép đều thuộc về Đức Chúa Trời chúng ta. Vì những sự phán xét của Ngài đều chân thật và công bình.”

Đọc 1 Cô-rinh-tô 3:16, 17; 1 Cô-rinh-tô 6:19, 20; và 1 Cô-rinh-tô 10:31. Làm thế nào những câu này giúp chúng ta hiểu cách chúng ta có thể ngợi khen Đức Chúa Trời và tôn vinh danh Ngài?

Phao-lô nói rằng cơ thể chúng ta giống như những đền thờ. Đức Thánh Linh sống trong đền thờ của chúng ta và làm cho chúng trở nên thánh. Kinh Thánh khuyên chúng ta phải ngợi khen và tôn vinh Đức Chúa Trời trong mọi phần của đời sống. Khi đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu, chúng ta sẽ muốn tôn vinh Ngài bằng thức ăn chúng ta ăn, quần áo chúng ta mặc, cách giải trí và tình bạn của chúng ta. Chúng ta ngợi khen và tôn vinh Đức Chúa Trời khi chúng ta bày tỏ tình yêu thương của Ngài cho người khác. Chúng ta thể hiện tình yêu thương của Ngài bằng cách hầu việc Ngài. Giờ đây, chúng ta đang sống trong thời kỳ cuối cùng khi Đức Chúa Trời thực hiện công việc của Ngài với tư cách là Đấng Phán Xét. Vì vậy, việc chúng ta thể hiện tình yêu thương của Đức Chúa Trời cho người khác là một việc làm rất quan trọng.

Đọc Rô-ma 12:1, 2. Trong những câu này, Phao-lô yêu cầu các Cơ Đốc nhân làm gì? Tại sao ông yêu cầu chúng ta làm điều này?

Bạn có thấy từ “thân thể” được viết trong Rô-ma 12:1, 2 không? Nghĩa trong tiếng Hy Lạp cho “thân thể” trong những câu này là “somata.” Từ này có nghĩa “bạn là tất cả mọi thứ” bao gồm thân thể, tâm trí và tấm lòng của bạn. Khi chúng ta chọn ngợi khen Đức Chúa Trời và tôn vinh Ngài, chúng ta dâng cho Ngài tất cả. Nghĩa là chúng ta chọn phụng sự Ngài bằng tất cả suy nghĩ, cảm xúc và đời sống của mình. Khi chúng ta hầu việc Đức Chúa Trời theo cách này, chúng ta đang tôn kính Ngài. Sự thờ phượng cũng bao gồm việc vâng lời Đức Chúa Trời.

Nghĩ về mọi thứ bạn làm với cơ thể mình. Bạn có thể làm gì để chắc chắn rằng bạn đang ngợi khen Đức Chúa Trời và tôn vinh Ngài bằng thân thể của mình?

Khải huyền 14 cho chúng ta thấy bức tranh về những người trung thành của Đức Chúa Trời trong thời kỳ cuối cùng: “Đây tỏ ra sự nhịn nhục của các thánh đồ: Chúng giữ điều răn của Đức Chúa Trời và giữ lòng tin Đức Chúa Jêsus” (Khải huyền 14:12). Cách duy nhất để mọi người có thể tuân theo các điều răn của Đức Chúa Trời là bởi đức tin mà Đức Chúa Giê-su ban cho chúng ta. Một số bản dịch Kinh Thánh gọi đức tin này là “đức tin trong Đức Chúa Giê-su”. Nhưng cách tốt hơn để viết câu này là “đức tin của Đức Chúa Giê-su.” Đức tin của Đức Chúa Giê-su không chỉ là “đức tin trong Đức Chúa Giê-su”. Đức tin của Đức Chúa Giê-su là đức tin mà Chúa Giê-su đã có. Đức tin này đã giúp Đức Chúa Giê-su chiến thắng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi và Sa-tan. Đức Chúa Trời cũng muốn đặt đức tin này vào tấm lòng của chúng ta. Khi chúng ta bày tỏ đức tin của mình, đức tin của chúng ta sẽ tăng trưởng. Chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi với sự giúp đỡ của Đức Chúa Giê-su. Ngài sống trong chúng ta và làm việc trong tấm lòng của chúng ta. Bạn và tôi thắng cuộc chiến không phải vì chúng ta là ai mà vì Đức Chúa Giê-su là ai. Bạn và tôi có thể chiến thắng bởi vì Đức Chúa Giê-su đã chiến thắng. Bạn và tôi nói không với tội lỗi bởi vì Đức Chúa Giê-su đã nói không với tội lỗi.

Đọc Hê-bơ-rơ 4:14–16 và Hê-bơ-rơ 7:25. Làm thế nào để chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi? Chúng ta cũng ngợi khen Đức Chúa Trời và tôn vinh Ngài trong cuộc sống của mình như thế nào?

Đức Chúa Giê-su là Con của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Giê-su đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại sự dối trá và thủ đoạn của Sa-tan. Bí quyết thành công của Đức Chúa Giê-su khi chống lại tội lỗi là gì? Bởi vì Ngài tin cậy vào những lời hứa trong Kinh Thánh. Đức Chúa Giê-su đã hiến mạng sống của Ngài cho Đức Chúa Cha. Ngài tin cậy nơi sức mạnh của Đức Chúa Cha để giúp Ngài nói không với tội lỗi. Đức Chúa Giê-su đã tin cậy Đức Chúa Trời. Đức Chúa Giê-su nhìn lên Đức Chúa Trời. Đức Chúa Giê-su đã tin tưởng vào Đức Chúa Trời. Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta cũng sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi. Đức Chúa Giê-su là tất cả đối với chúng ta. Các Sứ điệp của Ba Thiên Sứ đều nói về Đức Chúa Giê-su. Thông điệp trong sách Khải huyền đều nói về chiến thắng, không phải thua cuộc. Khải huyền cho chúng ta biết cách dân sự của Đức Chúa Trời chiến thắng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi vì họ tin cậy vào ân điển và sức mạnh của Đức Chúa Trời.

Từ “thắng” (Khải huyền 21:7) được sử dụng 11 lần trong sách Khải huyền. Cơ Đốc nhân từ thời Giăng cho đến thời đại của chúng ta đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi. Vào thời điểm cuối cùng, những người chiến thắng sẽ nhận được tất cả những gì Đức Chúa Trời đã hứa (Khải huyền 21:7). Họ không chiến thắng vì việc làm tốt của chính họ. Họ chiến thắng bởi vì đức tin của họ vào ân điển của Đức Chúa Trời và mọi điều Đức Chúa Giê-su đã làm cho họ.

Bạn mong muốn chiến thắng trong cuộc chiến chống lại những tội lỗi nào trong cuộc sống của mình? Bạn có thể làm gì để giúp giành chiến thắng trong cuộc chiến đó?

Hãy nghĩ về những lời tuyệt vời của Phao-lô trong Hê-bơ-rơ 7:25, “Bởi đó Ngài có thể cứu toàn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy.” Bạn có thấy dòng chữ “hằng sống” không? Những lời này cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Giê-su có thể cứu chúng ta một cách trọn vẹn. Công việc của Đức Chúa Giê-su là cứu chúng ta. Công việc của chúng ta là dâng cuộc sống cho Ngài để Ngài có thể cứu chúng ta. Chúng ta phải chấp nhận sức mạnh của Ngài để chiến đấu chống lại tội lỗi. Chúng ta phải tin cậy Ngài, chứ không phải ở chính chúng ta. Lúc đó, bạn và tôi sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến.

“Kinh Thánh khuyên chúng ta ‘Hãy kính sợ Đức Chúa Trời, và tôn vinh Ngài’ trong Khải huyền 14:7. Mệnh lệnh này là lời mời cuối cùng của Đức Chúa Trời để chúng ta chọn Ngài. . . Sa-tan chiến đấu chống lại kế hoạch của Đức Chúa Trời trong việc cứu rỗi nhân loại. Lúc đó, Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến chống lại điều ác (cũng đọc Khải huyền 14:9–11). Làm thế nào để chúng ta kính sợ Đức Chúa Trời? Có phải chúng ta nên kính sợ Ngài với tư cách là những tội nhân bị hư mất khi Ngài đến lần thứ hai không? (đọc Khải huyền 6:14–17) Không. Chúng ta thể hiện sự ‘kính sợ’ của mình bằng niềm vui khi chúng ta tuân theo luật pháp của Đức Chúa Trời. Chúng ta ‘kính sợ’ Đức Chúa Trời khi chúng ta yêu mến Ngài và thờ phượng Ngài. Chúng ta không nên thờ phượng bất cứ ai hay bất cứ thứ gì khác ngoài Chúa. Sự lựa chọn khác duy nhất trong cuộc chiến toàn cầu giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan là sự chết. Ma quỷ sẽ phải chịu hình phạt này (Khải huyền 16:13, 14; Khải huyền 17:14; Khải huyền 20:11–15). Vì vậy, khi Đức Chúa Trời yêu cầu chúng ta kính sợ Ngài, Ngài mời chúng ta tham gia cùng Ngài trong cuộc chiến chống lại Sa-tan. Đức Chúa Trời mời gọi chúng ta hiện diện trước sự đẹp đẽ của Ngài. Đức Chúa Trời muốn bạn và tôi được đầy dẫy niềm hạnh phúc vì chúng ta sẽ được hưởng mối tương giao vĩnh cửu cùng Ngài.”—Ángel Manuel Rodríguez, The closing of the Cosmic Conflict: Role of the Three Angels’ Messages (trích từ một bài báo chưa xuất bản), trang 27.

CÂU HỎI THẢO LUẬN:

  1. Đức Chúa Trời vĩ đại và quyền năng hơn chúng ta rất nhiều. Chính Đức Chúa Trời sẽ phán xét mọi người. Làm thế nào để những ý tưởng này giúp chúng ta hiểu việc kính sợ hoặc tôn trọng Đức Chúa Trời thực sự có ý nghĩa như thế nào?
  2. Tại sao phải hiểu rằng chúng ta chỉ được cứu bởi Đức Chúa Giê-su, chứ không phải bởi việc lành của chính mình?
  3. Tại sao chúng ta thường thất bại để thắng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi? Chúng ta mắc phải những sai lầm nào khiến Đức Chúa Trời không thể hành động trong tấm lòng của chúng ta mà Ngài đã hứa sẽ làm?
Bài Học 3, 8 — 14 Tháng 4, 2023

Tin Lành Đời Đời

CÂU GỐC: “Điều ấy đoạn, tôi thấy một vị thiên sứ khác bay giữa trời, có Tin lành đời đời, đặng rao truyền cho dân cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng, và mọi dân tộc” (Khải huyền 14:6).

KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Khải huyền 1:1–3; 1 Cô-rinh-tô 15:1–4; Khải huyền 13:8; Ma-thi-ơ 28:19, 20.

Trong thời Cựu Ước, những dân tộc sống gần dân Y-sơ-ra-ên thờ lạy các thần làm từ gỗ và đá. Nhưng dân Y-sơ-ra-ên thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng dựng nên trời và đất. Môi-se nói, “Hỡi Y-sơ-ra-ên! hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai” (Phục truyền Luật lệ Ký 6:4). Câu Kinh Thánh này đã trở thành một lời cầu nguyện của dân Y-sơ-ra-ên. Từ được viết là “nghe” bắt nguồn từ “shema” trong tiếng Do Thái. Vì vậy, tên của lời cầu nguyện này là “Shema.” Lời cầu nguyện này đã giúp người Do Thái nhớ lại kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho họ với tư cách là một dân tộc. Lời cầu nguyện này cũng giúp dân Y-sơ-ra-ên muốn phụng sự Đức Chúa Trời với tư cách là dân tộc đặc biệt của Ngài.

Là những người Cơ Đốc Phục Lâm, “Shema” của chúng ta là gì? Sự dạy dỗ nào trong Kinh Thánh giúp bạn và tôi nhớ lại chúng ta là một dân tộc và công việc Đức Chúa Trời đã giao cho chúng ta làm với tư cách là hội thánh của Ngài?

Câu trả lời là: Sứ Điệp Ba Thiên Sứ trong Khải huyền 14:6–12 là “Shema” của chúng ta. Tuần này, chúng ta sẽ học Sứ Điệp Ba Thiên Sứ. Sứ điệp này là ba thông điệp thống nhất. Chúng ta sẽ xem về ân điển của Đức Chúa Trời trong sứ điệp này. Chúng ta sẽ thấy tại sao ân điển lại quan trọng đối với sự hiểu biết của chúng ta về Sứ Điệp Ba Thiên Sứ.

Bạn hình dung gì trong tư tưởng khi nghĩ về sách Khải huyền? Những con thú đáng sợ? Những hình ảnh kỳ lạ? Những cảnh báo và dấu hiệu bí ẩn? Đáng buồn phải nói, Khải huyền khiến nhiều người sợ hãi vì họ không hiểu cuốn sách này. Nhưng cuốn sách này cũng chứa đầy hy vọng cho nhiều người. Đức Chúa Trời cho chúng ta rất nhiều lý do trong sách Khải huyền để vui mừng về kế hoạch cứu rỗi tội nhân của Ngài.

Đọc Khải huyền 1:1–3. Những câu này dạy chúng ta điều gì về sách Khải huyền? Bây giờ hãy đọc Khải huyền 14:6. Những câu Kinh Thánh này dạy chúng ta điều gì về Tin Lành đời đời?

Cả cuốn sách Khải huyền đều nói về Đức Chúa Giê-su. Sách này là sứ điệp hy vọng của Đức Chúa Giê-su cho dân sự Ngài từ thời Tân Ước cho đến khi Chúa Tái Lâm. Khải huyền chứa nhiều thông điệp cho hội thánh của Đức Chúa Trời trong thời kỳ cuối cùng. Sách Khải huyền chứa đầy lòng nhân từ và tình yêu thương. Cuốn sách này cho chúng ta thấy Đức Chúa Giê-su là Chiên Con đã bị giết vì chúng ta. Cuốn sách hứa hẹn phước lành cho tất cả những ai đọc, hiểu và tuân theo lẽ thật trong Kinh Thánh.

Trong Khải huyền 1:5, 6, chúng ta thấy Chúa Giê-su là “Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài, đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng!” Đức Chúa Trời đã tha thứ cho chúng ta thông qua Đức Chúa Giê-su. Chúa tha thứ tội lỗi trong quá khứ của chúng ta. Chúa ban cho chúng ta một cuộc sống mới từ bây giờ. Chúa cho bạn và tôi hy vọng về tương lai. Thông qua Đức Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời giải thoát chúng ta khỏi hình phạt tội lỗi. Thông qua Đức Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời chấm dứt quyền lực của tội lỗi đối với cuộc sống của chúng ta. Một ngày nào đó không lâu nữa, Đức Chúa Giê-su sẽ trở lại và chấm dứt tội lỗi mãi mãi. Hy vọng này là sứ điệp của Khải huyền dành cho chúng ta.

Sứ điệp này được thể hiện bằng hình ảnh một thiên sứ bay giữa trời. Thiên sứ này mang theo Tin Lành Đời Đời. Bạn có thấy rằng Tin Lành về Đức Chúa Giê-su xuất hiện ở phần đầu của Sứ Điệp Ba Thiên Sứ không? Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết rằng chúng ta được cứu nhờ ân điển của Ngài bởi đức tin trong mọi điều Đức Chúa Giê-su làm cho chúng ta. Chúng ta có lời hứa về sự sống đời đời thông qua Ngài.

Thông điệp quan trọng nhất của Khải huyền là gì? Tất cả những biểu tượng và cảnh báo dạy chúng ta câu trả lời là gì?

Hãy xem Sứ Điệp Ba Thiên Sứ bắt đầu như thế nào: “Điều ấy đoạn, tôi thấy một vị thiên sứ khác bay giữa trời, có Tin lành đời đời, đặng rao truyền cho dân cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng, và mọi dân tộc” (Khải huyền 14:6). Khải huyền 14:6 bắt đầu với Tin Lành. Vì vậy, chúng ta thấy rằng Tin Lành là quan trọng đối với Sứ Điệp Ba Thiên Sứ. Nếu chúng ta không hiểu Tin Lành, chúng ta sẽ không hiểu Sứ Điệp Ba Thiên Sứ. Chúng ta sẽ không hiểu công việc của Đức Chúa Trời đối với chúng ta với tư cách là Đấng Phán Xét mà Thiên sứ thứ nhất nói đến. Chúng ta không hiểu về Ba-by-lôn trong sứ điệp của Thiên sứ thứ hai. Và chúng ta sẽ không hiểu dấu con thú hoặc biểu tượng của con thú trong sứ điệp của Thiên sứ thứ ba.

Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:1–4; Rô-ma 3:24–26; và Rô-ma 5:6–8. Những câu Kinh Thánh này dạy chúng ta điều gì về Tin Lành Đời Đời? Những câu Kinh Thánh này mang lại cho chúng ta hy vọng nào?

Tin Lành là thông điệp của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta rằng Chúa Giê-su đã chết vì tội lỗi của bạn và tôi. Tin Lành cũng cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Giê-su sống lại từ sự chết vì chúng ta. Tin Lành cũng cho biết rằng Đức Chúa Giê-su yêu thương và quan tâm đến chúng ta. Bạn và tôi phải tin vào sự chết của Đức Chúa Giê-su thay cho chúng ta trên thập tự giá. Sau đó, Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi hình phạt tội lỗi. Đức Chúa Giê-su cũng có thể giải thoát chúng ta khỏi sự kiểm soát của tội lỗi trong đời sống. Phao-lô hiểu những lẽ thật này trong Kinh Thánh. Mọi bức thư và tư tưởng của Phao-lô đều có sự hiện diện của Đức Chúa Giê-su. Đức Chúa Giê-su đã khiến cho Phao-lô thoát khỏi mặc cảm về tội lỗi trong quá khứ của ông. Đức Chúa Giê-su cho Phao-lô quyền kiểm soát suy nghĩ và hành vi của ông. Đức Chúa Giê-su cũng cho Phao-lô hy vọng về tương lai.

Hãy xem bốn sự dạy dỗ mà Phao-lô nói đến trong những câu chúng ta vừa đọc trong 1 Cô-rinh-tô và trong Rô-ma:

1. Đức Chúa Trời tha thứ cho chúng ta bởi ân điển của Ngài mà không cần bất cứ giá nào.

2. Ân điển cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời là thánh khiết.

3. Lòng thương xót của Đức Chúa Trời làm cho chúng ta trong sạch khi chúng ta tin nhận Đức Chúa Giê-su.

4. Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu thương của Ngài cho chúng ta trong khi chúng ta là tội nhân.

Chúng ta không đạt được ân điển của Đức Chúa Giê-su bằng bất cứ việc làm nào của mình. Đức Chúa Giê-su đã chết một cái chết đau đớn và khủng khiếp. Tội nhân nào từ chối tiếp nhận Đức Chúa Giê-su sẽ chết trong cái chết này. Trên thập tự giá, Đức Chúa Giê-su đã chấp nhận sự thịnh nộ của Đức Chúa Cha đối với tội lỗi. Đức Chúa Giê-su đã bị chối bỏ để chúng ta có thể được tiếp nhận. Đức Chúa Giê-su đã chết thay cho chúng ta, để chúng ta có thể sống cuộc sống của Ngài.

Đức Chúa Trời đã lập kế hoạch cứu rỗi này từ muôn đời về trước (2 Ti-mô-thê 1:9; Tít 1:2, Ê-phê-sô 1:4). Tin lành này giúp chúng ta hiểu tại sao kế hoạch của Đức Chúa Trời được đặt tên là Tin Lành Đời Đời.

Sứ Điệp Ba Thiên Sứ kể cho chúng ta câu chuyện về ân điển và sự yêu thương của Đức Chúa Trời. Sứ Điệp Ba Thiên Sứ kể cho chúng ta câu chuyện về tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho chúng ta. Tình yêu này không bao giờ kết thúc. Tình yêu này không có giới hạn. Tình yêu này bất diệt. Chúng ta không thể hiểu thấu tình yêu thương này. Đức Chúa Giê-su yêu chúng ta đến nỗi Ngài đã chọn cái chết để không ai phải bị hư mất.

Không có gì có thể khiến Đức Chúa Trời ngạc nhiên. Thậm chí tội lỗi cũng không thể. Như chúng ta đã thấy, kế hoạch của Đức Chúa Trời để cứu chúng ta khỏi tội lỗi không phải là điều mà Ngài nghĩ ra sau khi tội lỗi xảy ra. Kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời là điều mà Ngài đã thực hiện trước khi Ngài sáng tạo nên trái đất này.

Đọc Khải huyền 13:8 và 1 Phi-e-rơ 1:18–20. Những câu này dạy chúng ta điều gì về kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời?

Tin Lành Đời Đời tiếp tục cho chúng ta thấy quá khứ, thời điểm hiện tại của chúng ta và tương lai. Khi Đức Chúa Trời cho chúng ta sự tự do lựa chọn, Ngài biết rằng chúng ta sẽ đưa ra những lựa chọn không tốt. Có nghĩa là, khi Đức Chúa Trời khiến chúng ta được tự do để lựa chọn, thì Ngài cũng khiến chúng ta được tự do để lựa chọn điều ác. Chúa có thể tạo ra chúng ta để chúng ta không chọn điều ác không? Có, nhưng chúng ta sẽ không còn tự do nữa. Chúng ta cũng giống như những người máy bị buộc phải phục vụ Ngài. Đức Chúa Trời không muốn chúng ta bị buộc phải phụng sự Ngài. Điều đó đi ngược lại kế hoạch của Ngài. Để được tự do yêu thương có nghĩa là chúng ta phải được tự do lựa chọn. Khi mọi người được tự do lựa chọn, họ được tự do để lựa chọn điều sai. Vì vậy, Đức Chúa Trời đã thực hiện kế hoạch cứu rỗi của Ngài trước khi cha mẹ đầu tiên của chúng ta phạm tội trong vườn Ê-đen.

“Đức Chúa Trời đã không thực hiện kế hoạch cứu rỗi của Ngài vào phút cuối cùng. Đức Chúa Trời đã không thực hiện kế hoạch cứu chúng ta sau khi A-đam phạm tội. Không, kế hoạch của Đức Chúa Trời ‘về Đức Chúa Jêsus Christ, theo sự tỏ ra về lẽ mầu nhiệm, là lẽ đã giấu kín từ mọi đời trước, mà bây giờ được bày ra’ (Rô-ma 16:25). Kế hoạch này cho thấy tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Nước Chúa được cai trị bởi luật pháp tình yêu thương này mãi mãi.”—Ellen G. White, The Desire of Ages, trang 22.

Như chúng ta đã nói, Tin Lành Đời Đời là về tất cả những gì Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta trong quá khứ. Tin Lành cũng nói về những điều Đức Chúa Giê-su làm cho chúng ta bây giờ. Nhưng Tin Lành cũng nói về hy vọng tương lai của chúng ta. Hy vọng của chúng ta là có thể sống đời đời cùng với Đức Chúa Giê-su.

Ê-phê-sô 1:4 nói rằng Đức Chúa Trời đã chọn chúng ta để được cứu trước khi Ngài tạo dựng nên trái đất. Sự thật Kinh Thánh này có nghĩa gì? Tại sao sự dạy dỗ này khích lệ bạn?

Đọc lại Khải huyền 14:6. Câu này nói về Tin Lành mà dân sự của Đức Chúa Trời phải rao truyền. Họ phải chia sẻ tin lành này với ai?

Tin Lành phải được rao truyền cho mọi chi phái và mọi dân tộc trên trái đất. Tin Lành cũng phải được chia sẻ bằng mọi ngôn ngữ trên trái đất. Ồ! Nhiệm vụ này là một nhiệm vụ lớn. Vì vậy, chúng ta phải dành cho Đức Chúa Trời những nỗ lực hết sức mình để đồng công với Ngài thực hiện công việc này. Chúng ta phải dành cho Ngài tất cả tấm lòng của chúng ta. Khi chúng ta rao truyền Tin Lành, chúng ta sẽ đặt Đức Chúa Giê-su lên hàng đầu. Chúng ta sẽ muốn phụng sự Ngài hơn là chúng ta muốn bất cứ điều gì khác trong cuộc sống này.

Đọc Ma-thi-ơ 28:19, 20. Đâu là mối liên hệ giữa những câu này trong Ma-thi-ơ và sứ điệp của Thiên sứ thứ nhất trong Khải huyền 14:7? Cả hai đoạn Kinh Thánh này dạy dỗ giống nhau ở điểm nào?

Paul David Tripp đã viết một cuốn sách có tên Tìm Kiếm Nhiều Hơn: Sống Vì Một Điều Gì Đó Lớn Lao Hơn Bạn. Trong cuốn sách này, Tripp nói rằng tất cả con người đều có nhu cầu trở thành một phần của thứ gì đó quan trọng hơn họ. Tripp viết, “Chúa khiến con người trở thành một phần của thứ gì đó quan trọng hơn cuộc sống của chính họ. Tội lỗi khiến chúng ta trở nên ích kỷ. Ân điển của Đức Chúa Trời cứu chúng ta khỏi việc chỉ sống cho riêng bản thân mình. Lòng thương xót của Đức Chúa Trời giải thoát chúng ta để sống vì nước của Đức Chúa Trời.”

Khi chúng ta là một phần trong công việc của Đức Chúa Trời, chúng ta là một phần của công việc mà Ngài đã bắt đầu. Đức Chúa Trời đã thành lập Hội thánh Cơ Đốc Phục Lâm để giúp hoàn thành công việc của Ngài trên trái đất vào thời kỳ cuối cùng. Công việc này lớn hơn bất kỳ ai có thể tự mình làm. Đức Chúa Trời đã ban cho Hội thánh thời kỳ cuối cùng của Ngài một nhiệm vụ. Giăng viết trong Khải huyền 14 về sứ mệnh đó. Khải huyền 14 cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời muốn điều gì ở chúng ta. Đức Chúa Trời muốn chúng ta giao cuộc sống của mình cho nhiệm vụ lớn nhất mà Ngài đã giao cho nhân loại. Sứ mệnh này là gì? Sứ mệnh này là chúng ta phải bày tỏ tình yêu thương của Đức Chúa Trời với mọi người trên đất ngay trước khi Đức Chúa Giê-su tái lâm.

Bạn đã từng là một phần của điều gì đó lớn hơn chính bạn trong quá khứ chưa? Chia sẻ kinh nghiệm của bạn với lớp học. Trải nghiệm này giúp bạn hiểu như thế nào về ý tưởng mà chúng ta đã đề cập trong nghiên cứu ngày hôm nay? Ngoài ra, có điều gì mà bạn có thể nghĩ ra lớn hơn việc hợp tác với Đức Chúa Trời để hoàn thành công việc của Ngài trên trái đất này không?

Những người Cơ Đốc Phục Lâm tiên phong đã nghiên cứu Kinh Thánh một cách cẩn thận. Trong khi học, họ bắt đầu hiểu đầy đủ hơn về Sứ Điệp Ba Thiên Sứ. Những người Cơ Đốc Phục Lâm tiên phong tin rằng Sứ Điệp Ba Thiên Sứ là lời cảnh báo về thời kỳ cuối cùng của Đức Chúa Trời. Những người Cơ Đốc Phục Lâm cũng tin rằng sứ điệp này phải được công bố bằng mọi ngôn ngữ và cho mọi người trên trái đất để giúp họ sẵn sàng chờ đón Đức Chúa Giê-su tái lâm. Sứ Điệp Ba Thiên Sứ là lý do cho sứ mệnh toàn cầu của chúng ta kể từ khi hội thánh mới thành lập.

Vào năm 1874, Tổng Hội gởi người dạy Kinh Thánh đầu tiên đến Châu Âu. Tổng Hội là trụ sở lãnh đạo chính của Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm. Bà Ellen G. White nói rằng ông John Andrews là người tốt nhất mà chúng ta có cho công việc này. Andrews nói được ít nhất bảy thứ tiếng. Ông đã học thuộc lòng sách Tân Ước. Andrews cũng biết hầu hết sách Cựu Ước. Ông ấy rất thông minh. Ông đã viết nhiều sách và bài báo. Ông cũng là một nhà thuyết giảng mạnh mẽ và là một chuyên gia về Kinh Thánh.

Tại sao lại gửi Andrews đến một nơi có rất ít tín đồ? Tại sao lại gửi người đàn ông tốt nhất mà bạn có đến một nơi quá xa khỏi tất cả mọi người và tất cả những gì ông ấy biết? Tại sao Andrews lại sẵn sàng đi? Vợ ông đã mất trước đó vài năm. Tại sao ông ấy lại sẵn sàng rời xa người thân và bạn bè ở Mỹ để lên tàu cùng hai đứa con của mình đến một nơi xa xôi và đặt tính mạng của ông và các con ông vào những nguy hiểm có thể xảy ra?

Chỉ có một lý do. Andrews tin rằng Đức Chúa Giê-su sẽ sớm trở lại. Ông ấy tin rằng thông điệp về lẽ thật trong Kinh Thánh sẽ phải đến với tất cả mọi người trên trái đất vào thời kỳ cuối cùng.

Xuyên suốt lịch sử của hội thánh, những người giỏi và thông minh nhất của chúng ta đã đi đến những vùng đất xa xôi để rao truyền sứ điệp về thời kỳ cuối cùng của Đức Chúa Trời. Nhóm người này bao gồm giáo viên, bác sĩ, y tá, mục sư, nông dân, thợ cơ khí, thợ mộc, doanh nhân nam và nữ thuộc đủ mọi ngành nghề. Một vài người trong số này làm việc cho hội thánh. Nhưng nhiều người trong số những chuyên gia này thì không phải như vậy. Nhiều người trong số những người hoạt động Tin Lành này chỉ là tín đồ của hội thánh và tin rằng Đức Chúa Giê-su tái lâm mau chóng.

Đọc Khải huyền 14:6; Công vụ 1:8; và Ma-thi-ơ 24:14. Bạn thấy những câu Kinh Thánh này giống nhau ở điểm nào?

Cho đến nay, hội thánh của chúng ta đã rao giảng Tin Lành đời đời và sứ điệp của Đức Chúa Trời về thời kỳ tận thế ở 210 trong số 235 quốc gia trên trái đất.

Hãy suy nghĩ nhiều hơn về ý tưởng trong nghiên cứu ngày Thứ Tư rằng con người cần trở thành một phần của điều gì đó quan trọng hơn cuộc sống của chính họ. Cuộc sống của chúng ta thật ngắn ngủi. Nhiều khi cuộc sống của chúng ta luôn buồn bã. Vì vậy, chúng ta cần phải sống vì một điều gì đó lớn lao và quan trọng hơn bản thân mình. Có điều gì lớn hơn hoặc quan trọng hơn việc rao truyền rằng Đức Chúa Giê-su sắp trở lại không?

“Nhiều tôi tớ của Đức Chúa Trời, gương mặt chiếu sáng và rực rỡ với sự hiến dâng thánh khiết, sẽ đi từ nơi này tới nơi kia để rao báo sứ điệp từ thiên đàng. Hằng ngàn tiếng nói sẽ vang lên để rao truyền lời cảnh cáo khắp cùng đất. Nhiều tín đồ sẽ làm phép lạ, nhiều người bệnh sẽ được chữa lành, nhiều dấu hiệu và những việc khác thường sẽ được thực hiện. Sa-tan cũng làm những phép lạ giả dối, đến nỗi khiến lửa từ trời rơi xuống trước mặt mọi người (Khải huyền 13:13). Như vậy dân cư trên đất sẽ phải quyết định về lập trường của mình.”—Ellen G. White, Thiện Ác Đấu Tranh, trang 540, Nhà In Tiếng Nói Hy Vọng.

CÂU HỎI THẢO LUẬN:

  1. “Rất nhiều người đã viết thư cho tôi. Họ hỏi tôi về sự dạy dỗ rằng Đức Chúa Trời bởi ân điển của Ngài đã tha thứ tội lỗi cho chúng ta và làm cho chúng ta nên thánh bởi đức tin nơi Đức Chúa Giê-su. Những người này đã hỏi liệu sứ điệp này có giống với Sứ Điệp của Thiên sứ thứ ba không. Tôi đã trả lời họ, ‘Vâng, chắc chắn đó là Sứ điệp của Thiên sứ thứ ba.’—Ellen G. White, The Advent Review and Sabbath Herald, ngày 1 tháng 4 năm 1890, phỏng trích. Làm thế nào các Sứ điệp của Ba thiên sứ được kết nối với sự dạy dỗ rằng Đức Chúa Trời bởi ân điển của Ngài đã tha thứ cho chúng ta và làm cho chúng ta nên thánh bởi đức tin của chúng ta nơi Đức Chúa Giê-su?
  2. Hãy suy nghĩ thêm về ý tưởng rằng Tin Lành sẽ tiếp tục cho đến đời đời. Tại sao Tin Lành lại trường tồn?
  3. Là một Hội Thánh, chúng ta có những người hoạt động Tin Lành ở nhiều quốc gia khắp mọi nơi trên thế giới. Theo bạn tại sao lại như vậy? Nhóm người hoạt động lớn này cho chúng ta thấy điều gì về việc Đức Chúa Trời đã ban phước cho những nỗ lực của chúng ta cho đến nay? Đồng thời, Hội thánh địa phương và lớp học Trường Sa-bát có thể làm gì hơn nữa để giúp hoàn thành công việc của Đức Chúa Trời trên đất?
Bài Học 2, 1 — 7 Tháng 4, 2023

Sứ Điệp Cuối Cùng Đầy Nhân Từ Của Đức Chúa Trời

CÂU GỐC: “Tôi nhìn xem, thấy một đám mây trắng; có kẻ giống như một con người ngồi trên mây, đầu đội mão triều thiên vàng, tay cầm lưỡi liềm bén. Có một thiên sứ khác ở đền thờ đi ra, cất tiếng lớn kêu Đấng ngồi trên mây rằng: Hãy quăng lưỡi liềm xuống và gặt đi; vì giờ gặt hái đã đến, mùa màng dưới đất đã chín rồi” (Khải huyền14:14, 15).

KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Ma-thi-ơ 24:14; Khải huyền 14:14; Công vụ 1:9–11; Mác 4:26–29; Khải huyền 14:17–20.

Đức Chúa Trời luôn luôn giao tiếp với dân sự của Ngài. Ngài ban cho dân sự mọi lẽ thật trong Kinh Thánh tùy theo nhu cầu trong thời đại của họ. Đức Chúa Trời đã cảnh báo dân sự của Ngài về Trận Đại Hồng Thủy (Sáng thế Ký 6:7). Ngài khải thị cho dân sự biết về sự giáng trần của Đức Chúa Giê-su (Đa-ni-ên 9:24–27). Đức Chúa Trời cũng phán với dân sự rằng Ngài sẽ phán xét họ trước khi Chúa trở lại (Đa-ni-ên 7:9, 10; Đa-ni-ên 8:14). Đức Chúa Trời đã cảnh báo dân sự về những gì sẽ xảy ra trong thời kỳ cuối cùng (Khải huyền 12–14). Trong những ngày cuối cùng của lịch sử nhân loại, Đức Chúa Trời đã gửi một sứ điệp đặc biệt cho mọi người trên trái đất và cho dân sự của Ngài. Sứ điệp này sẽ giúp chúng ta sẵn sàng và chuẩn bị để gặp Đức Chúa Giê-su. Lời cảnh báo này có tên gọi là Sứ Điệp Ba Thiên Sứ.

Sứ Điệp Ba Thiên Sứ là thông điệp cuối cùng về lòng thương xót của Đức Chúa Giê-su. Trong sứ điệp này, Đức Chúa Trời muốn chúng ta hãy tin cậy mọi điều Đức Chúa Giê-su đã từng làm trong quá khứ và hiện Ngài đang ở thiên đàng để cứu chúng ta. Những lựa chọn mà chúng ta đưa ra trong thời kỳ cuối cùng sẽ phụ thuộc vào những lựa chọn mà chúng ta làm ra bây giờ. Vì vậy, bạn và tôi phải sẵn sàng ngay hôm nay.

Khải huyền là sứ điệp cuối cùng về lòng thương xót của Đức Chúa Giê-su dành cho tội nhân ở trên đất. Trong 6,000 năm, hành tinh này chứa đầy tội lỗi và điều ác. Chẳng bao lâu nữa, sẽ đến một ngày khi tất cả loài người trên trái đất đưa ra quyết định cuối cùng của họ là tin theo hay chống lại Đức Chúa Giê-su. Quyết định này không thể thay đổi. Vào thời điểm đó, dân sự của Đức Chúa Trời sẽ rao giảng sứ điệp cuối cùng về lòng thương xót của Ngài cho mọi người trên đất. Sứ điệp này là tin lành, rằng Đức Chúa Giê-su sẽ cứu chúng ta khỏi tội lỗi.

Đọc về thời kỳ cuối cùng trong Ma-thi-ơ 24:14 và so sánh với Khải huyền 14:6. Trong Ma-thi-ơ 24:14, lời hứa nào về tin lành mà Đức Chúa Giê-su ban cho những người theo Ngài?

Đức Chúa Giê-su đã hứa với các môn đồ của Ngài: “Tin lành nầy về nước Đức Chúa Trời được giảng ra khắp đất” (Ma-thi-ơ 24:14). Khi nào lời hứa này sẽ xảy ra? Chúa Giê-su cho chúng ta thấy trong Khải huyền 14:6. Trong thời kỳ cuối cùng, tin lành là “cho mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng, và mọi dân tộc” (Khải huyền 14:6).

Ba lần trong Khải huyền 22 Đức Chúa Giê-su nói rằng Ngài sẽ đến mau chóng (Khải huyền 22:7, 12, 20). Sau đó, Chúa Giê-su nói thêm, “Kẻ nào không công bình, cứ không công bình nữa; kẻ nào ô uế, cứ còn ô uế nữa; kẻ nào công bình, cứ làm điều công bình nữa; kẻ nào là thánh, cứ làm nên thánh nữa!” (Khải huyền 22:11). Sách Khải huyền cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời sẽ dẫn dắt mọi người trên trái đất quyết định tin theo hay chống lại Đức Chúa Giê-su.

Tất nhiên, chúng ta chọn theo Chúa Giê-su hay chống lại Ngài bởi những lựa chọn mỗi ngày mà chúng ta đưa ra, dù lớn hay nhỏ. Từ bây giờ, hôm nay và mỗi ngày chúng ta phải lựa chọn bày tỏ đức tin nơi Đức Chúa Giê-su và vâng theo các điều răn của Ngài. “Chúng ta chứng tỏ rằng mình yêu Chúa khi tuân theo luật pháp của Ngài. Luật pháp của Ngài chẳng phải là nặng nề” (1 Giăng 5:3). Như Ellen G. White bày tỏ, “Chúa Giê-su sẽ không thay đổi suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta khi Ngài Tái Lâm lần thứ hai. Chúng ta phải thay đổi ngay bây giờ. Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào những lựa chọn mà chúng ta làm ra mỗi ngày.”—Last Day Events, trang 295, phỏng trích.

Làm thế nào Đức Chúa Trời thay đổi suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta? Làm thế nào lòng thương xót của Ngài giúp bạn và tôi trở thành những Cơ Đốc nhân mạnh mẽ hơn? Chúng ta có thể làm gì để cho phép Đức Thánh Linh thay đổi chúng ta trở nên giống Đức Chúa Giê-su trong tấm lòng mình?

Khải huyền 14 chứa những câu Kinh Thánh quan trọng về thông điệp trong thời kỳ cuối cùng của Đức Chúa Trời đối với dân sự của Ngài và mọi người khác trên trái đất. Một phần quan trọng của sứ điệp này là lời hứa rằng Chúa Giê-su sẽ trở lại. “Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta chính phải đó; các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự giữa đám mây trên trời mà đến” (Mác 14:62).

Cách gọi nào được dùng cho Đức Chúa Giê-su khi Ngài trở lại thế gian? Đọc Khải huyền 14:14 để có câu trả lời. Bạn nghĩ tại sao Giăng sử dụng cách gọi này cho Đức Chúa Giê-su?

Đức Chúa Giê-su xưng Ngài là “Con Người” 82 lần trong các sách Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng. “Con Người” là một trong những cách gọi yêu thích mà Đức Chúa Giê-su tự đặt cho chính Ngài. Đức Chúa Giê-su thích tên này vì nó bày tỏ rằng Ngài là một trong số chúng ta. Đức Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế hiểu chúng ta. Ngài biết những tội lỗi mà bạn và tôi đang phải tranh đấu. Ngài đã vượt qua những bài kiểm tra mà chúng ta phải vượt qua trong cuộc đời này. Đức Chúa Giê-su, Con Người, sẽ đến để đưa chúng ta về nhà. Chúa Giê-su đến với chúng ta cũng chính là Chúa Giê-su đã từng sống với chúng ta trên đất này. Chúa Giê-su là Đấng duy nhất có thể cứu chúng ta vì Ngài đã trở thành một trong chúng ta. Như một con người, Đức Chúa Giê-su chịu sự ganh ghét của Sa-tan. Sa-tan cố gắng khiến Đức Chúa Giê-su phạm tội. Nhưng Đức Chúa Giê-su đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Sa-tan.

Đọc những câu Kinh Thánh dưới đây. Những câu Kinh Thánh này dạy chúng ta điều gì về Đức Chúa Giê-su, là Con Người?

Ma-thi-ơ 16:27

Ma-thi-ơ 24:27, 30

Ma-thi-ơ 25:31, 32

Lưu ý một số phần quan trọng của những câu này: (1) Đức Chúa Giê-su là Con Người. Đức Chúa Giê-su đang đến với các thiên sứ của Ngài để đưa chúng ta trở về thiên đàng. (2) Đức Chúa Giê-su sẽ tách chiên ra khỏi dê. (Sự tách biệt này là một hình ảnh tượng trưng cho công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét.) (3) Đức Chúa Trời sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về tương lai của tất cả các dân tộc và nhân loại.

Cách gọi “Con Người” cho bạn biết điều gì về Đức Chúa Giê-su? Đức Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời. Nhưng Ngài đã trở thành một trong chúng ta. Ngài không bao giờ phạm tội. Sự thật Kinh Thánh này mang lại cho bạn hy vọng nào?

So sánh Khải huyền 14:14 và Công vụ 1:9–11. Những câu Kinh Thánh này giống nhau như thế nào? Bạn thấy điều gì ở cả hai?

Giăng nói, “Tôi nhìn xem, thấy một đám mây trắng; có kẻ giống như một con người ngồi trên mây” (Khải huyền 14:14). Sau khi Đức Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết, Ngài đã lên trời. Trong Công vụ 1:9, Lu-ca cho chúng ta biết về thời điểm này. Sau khi Đức Chúa Giê-su nói xong với những người theo Ngài, Ngài thăng thiên lên trời. Các tín hữu lúc đó “nhìn xem Ngài, có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa” (Công vụ 1:9). Đức Chúa Giê-su được cất lên trời giữa những đám mây có các thiên sứ. Ngài cũng sẽ tái lâm giữa những đám mây với các thiên sứ. Các thiên sứ hiện diện với những người theo Đức Chúa Giê-su khi Đức Chúa Giê-su lên trời. Các thiên sứ nói: “Hỡi người Ga-li-lê, sao các ngươi đứng ngóng lên trời làm chi? Jêsus nầy đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy” (Công vụ 1:11). Bạn có thấy những từ “cùng một Chúa Giê-su này” không? Cũng chính Chúa Giê-su này là Con Người đã đi trên những con đường đầy bụi bẩn ở Na-xa-rét. Cũng chính Chúa Giê-su này đã chữa lành những người bệnh trong các đường phố đông đúc ở Giê-ru-sa-lem và trong các làng mạc ở Y-sơ-ra-ên. Cũng chính Chúa Giê-su này đã rao giảng cho dân chúng trên các sườn đồi đầy cỏ ở Ga-li-lê. Chính Chúa Giê-su này đang phục lâm.

Trong sách Đa-ni-ên, chúng ta đọc về Con Người và công việc Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét trong thời kỳ cuối cùng.

Tại sao Đa-ni-ên gọi Đức Chúa Giê-su là “Con Người”? Đọc Đa-ni-ên 7:9, 10, 13, 14 để có câu trả lời. Trong những câu này, chúng ta được đọc về thời điểm mà Đức Chúa Trời sẽ phán xét dân sự của Ngài. Con Người đang làm gì trong khoảng thời gian đó? Tại sao tin lành này lại an ủi chúng ta?

Trong Đa-ni-ên 7:9, 10, Đa-ni-ên thấy toà phán xét trên trời. Nhiều thiên sứ đứng xung quanh ngai của Đức Chúa Trời. Ngài đã sẵn sàng để phán xét dân sự. Ngài mở các sách ra. Những cuốn sách này ghi chép về cuộc sống của chúng ta. Trong Đa-ni-ên 7:13, 14, Đức Chúa Giê-su, Con Người, đến với Đức Chúa Cha. Đức Chúa Trời ban cho Đức Chúa Giê-su vương quốc đời đời của Ngài. Công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét để mọi người trên trời thấy rằng Ngài và Đức Chúa Giê-su đã làm mọi thứ có thể để cứu nhân loại. Công việc của Đức Chúa Trời với tư cách là Đấng Phán Xét bày tỏ rằng Ngài và dân sự của Ngài là vô tội và Sa-tan là kẻ dối trá.

Trong sách Khải huyền, Giăng cho chúng ta thấy một bức tranh về Đức Chúa Giê-su. Đức Chúa Giê-su “giống như một con người ngồi trên mây, đầu đội mão triều thiên vàng, tay cầm lưỡi liềm bén” (Khải huyền 14:14). Từ được viết là “mão triều thiên” bắt nguồn từ “stephanos” trong ngôn ngữ Hy Lạp. “Stephanos” là vương miện của người chiến thắng. Khi một vận động viên giành chiến thắng trong một cuộc thi quan trọng, anh ta sẽ nhận được một “stephanos” hoặc vương miện danh dự.

Đức Chúa Giê-su đội mão gai. Mão gai là một hình ảnh để chỉ về sự xấu hổ. Người ta ghét Đức Chúa Giê-su và chối bỏ Ngài. Mọi người khạc nhổ vào Đức Chúa Giê-su. Họ chế nhạo Ngài. Họ đánh đập Đức Chúa Giê-su và đánh roi vào Ngài. Nhưng lúc này Đức Chúa Giê-su được đội mão triều thiên vinh hiển. Khi Ngài tái lâm, Đức Chúa Giê-su sẽ là Vua của các vua và Chúa của các chúa.

So sánh Khải huyền 14:15 và Mác 4:26–29. Điểm giống nhau giữa những câu Kinh Thánh này là gì? Cả hai đều đang nói về điều gì?

Trong Khải huyền 14:15, một thiên sứ ra khỏi đền thờ của Đức Chúa Trời. Thiên sứ cất tiếng cùng Đức Chúa Giê-su rằng: “Hãy quăng lưỡi liềm xuống và gặt đi; vì giờ gặt hái đã đến, mùa màng dưới đất đã chín rồi” (Khải huyền 14:15). Mùa gặt là một hình ảnh để chỉ thời điểm Chúa đến lần thứ hai. Thiên sứ nói với Đức Chúa Giê-su rằng đã đến lúc phải đi đón con cái của Ngài và đưa họ trở về trời.

Đức Chúa Giê-su thường sử dụng từ ngữ nông nghiệp trong Kinh Thánh Tân Ước. Ngài thường dùng hình ảnh mùa màng hoặc thu hoạch để bày tỏ về Tin Lành. Tin Lành giống như một hạt giống. Đức Chúa Trời gieo “hạt giống” này trong tấm lòng dân sự của Ngài và giúp nó phát triển mạnh mẽ.

“Hạt giống bắt đầu phát triển thành cây. Cây đang phát triển này cho thấy đời sống thiêng liêng bắt đầu và phát triển như thế nào trong tấm lòng của một Cơ Đốc nhân. Thiên nhiên cho chúng ta thấy rằng cuộc sống phải phát triển. Điều này cũng đúng trong đời sống tinh thần của chúng ta. Nếu chúng ta không phát triển, chúng ta không thể có sự sống. “Cây” phải lớn lên hoặc chết đi. Tăng trưởng diễn ra âm thầm và chúng ta không thể thấy nó đang xảy ra. Điều tương tự cũng đúng về cách chúng ta trưởng thành với tư cách là những Cơ Đốc Nhân. Đức Chúa Trời sẽ luôn giúp chúng ta hoàn thiện trong khi chúng ta lớn lên. Vì vậy, chúng ta có thể trở nên hoàn hảo trong mọi phần của cuộc sống khi chúng ta trưởng thành. Chúng ta không thể nên thánh chỉ trong một đêm. Đức Chúa Trời thay đổi suy nghĩ và cảm xúc của bạn và tôi trong suốt cuộc đời của chúng ta. Chúa sẽ cho bạn và tôi nhiều kinh nghiệm hơn để thay đổi. Hiểu biết của bạn và tôi cũng sẽ phát triển theo.”—Ellen G. White, Christ’s Object Lessons, trang 65, 66.

Trong Khải huyền 14, chúng ta đọc về hai vụ thu hoạch hay thời điểm thu hoạch mùa màng. Việc thu hoạch ngũ cốc hay lúa mì là biểu tượng cho chúng ta thấy về dân thánh của Đức Chúa Trời. Sau đó, chúng ta thấy mùa thu hoạch nho. Những trái nho dính đầy máu. Những trái nho này để chỉ về những người đã chối bỏ Đức Chúa Trời. Cả hai “vụ thu hoạch” đều đã chín. Chúng đã sẵn sàng để được gặt.

Đọc Khải huyền 14:17–20. Hãy xem câu 19, trong đó nói: “Thiên sứ quăng lưỡi liềm xuống đất, cắt vườn nho ở đất và ném nho vào thùng lớn thạnh nộ của Đức Chúa Trời” (Khải huyền 14:19). Câu này cho chúng ta thấy điều gì? Cũng đọc Khải huyền 14:10; Khải huyền 15:1; và Khải huyền 16:1 để giúp trả lời câu hỏi.

Giăng nói với chúng ta, “Rồi một vị thiên sứ khác nữa có quyền cai trị lửa (Khải huyền 14:18). Đức Chúa Trời đặt thiên sứ này phụ trách ngọn lửa đặc biệt mà Ngài sẽ sử dụng để trừng phạt tội nhân sau khi Ngài hoàn thành công việc của Ngài với tư cách là Đấng Phán Xét. Sau đó mùa gặt sẽ chín. Chúa sẽ không để tội lỗi tiếp diễn nữa. Những điều xấu đã xảy ra trong quá khứ. Nhưng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều trước khi lịch sử kết thúc. Đức Chúa Trời yêu thương đã làm mọi điều Ngài có thể làm cho chúng ta. Ngài đã hiến dâng chính Ngài trên thập tự giá vì tội lỗi của chúng ta. “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (2 Cô-rinh-tô 5:21).

Đức Chúa Trời có thể làm gì cho chúng ta hơn là chết trên thập tự giá? Đức Chúa Trời không thể làm bất cứ điều gì để cứu những người từ chối Đức Thánh Linh của Ngài hết lần này đến lần khác và từ chối chấp nhận lòng thương xót của Ngài.

Khải huyền 14 là một sứ điệp mạnh mẽ về thời kỳ cuối cùng. Dân sự của Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ tình yêu thương và ân điển của Ngài cho mọi người trên trời và dưới đất. Những người theo Sa-tan sẽ bộc lộ lối sống của sự ích kỷ, thù ghét và vi phạm pháp luật. Một nhóm người có tình yêu thương đến từ Đức Chúa Giê-su. Nhóm khác thể hiện sự căm ghét đến từ Sa-tan.

Tất cả mọi người trên thiên đàng sẽ thấy cách cư xử của dân sự Đức Chúa Trời trong thời kỳ cuối cùng. Nhóm người này sẽ khác với bất kỳ nhóm nào đã từng sống trước đây. Nhân loại và thiên sứ cũng sẽ nhìn thấy tội lỗi và cái ác như họ chưa từng thấy trước đây. Cả loài người và thiên sứ sẽ thấy rằng việc tuân theo luật pháp của Đức Chúa Trời là cách tốt nhất để sống.

“Luật trí thức và thiêng liêng định rằng chúng ta biến hóa theo điều chúng ta ngắm xem. Tâm trí lần lần hòa hợp theo vật mình ngưỡng mộ, rồi trở nên giống như vật mình ham mến và tôn sùng. Loài người không bao giờ tiến cao hơn tiêu chuẩn trong sạch, nhân từ hay lẽ thật của mình. Nếu bản ngã là lý tưởng cao nhất, thì chẳng bao giờ người ta tiến cao hơn được nữa. Trái lại, càng ngày họ càng xuống thấp hơn. Chỉ có ân điển của Đức Chúa Trời mới có đủ quyền phép giúp loài người tiến lên. Với sức riêng mình, con người chỉ đi xuống mà thôi.”—Ellen G. White, Thiện Ác Đấu Tranh, trang 489, Nhà In Tiếng Nói Hy Vọng.

Dần dần, theo thời gian, suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta thay đổi do cách chúng ta cảm nhận và suy nghĩ. Nếu chúng ta nghĩ những ý nghĩ tốt và yêu thương, chúng ta sẽ có một tâm trí mạnh mẽ. Nếu chúng ta nghĩ những ý nghĩ xấu xa và ích kỷ, chúng ta sẽ trở nên giống như Sa-tan trong tấm lòng và tâm trí của mình. Vì vậy, chúng ta phải cẩn thận về những gì mình suy nghĩ và cảm thấy. Chúng ta phải nghĩ đến Đức Chúa Trời và những điều thuộc linh. Rồi bạn và tôi sẽ trưởng thành trong đức tin. Đời sống tinh thần sẽ trở nên mạnh mẽ. Đừng mắc phải sai lầm mà một số người mắc phải khi nói, “Ồ tôi biết một ngày nào đó những cuộc tấn công cuối cùng của Sa-tan vào dân sự của Đức Chúa Trời sẽ đến. Đến khi nào nó xảy ra, lúc đó tôi sẽ làm những điều chân chính.” Đức Chúa Trời yêu cầu chúng ta ngay bây giờ, vào lúc này, hãy dâng cuộc sống mình cho Ngài. Nếu chúng ta trì hoãn việc dâng mình cho Chúa ngay bây giờ, chúng ta sẽ khó để vâng lời Chúa sau này. Sau đó, chúng ta sẽ ngày càng tin vào những lời nói dối của Sa-tan.

CÂU HỎI THẢO LUẬN:

  1. Làm thế nào chúng ta được cứu bởi ân điển của Đức Chúa Trời nhờ đức tin? Lòng thương xót của Đức Chúa Trời thay đổi chúng ta như thế nào? Bạn thấy quy tắc quan trọng nào trong Khải huyền 14:14–20? Quy tắc này giúp chúng ta hiểu việc được cứu rỗi và được thay đổi kết nối với nhau như thế nào? Tại sao lẽ thật Kinh Thánh này lại quan trọng đối với chúng ta trong thời kỳ cuối cùng?
  2. Những điều kiện gì giúp cây cối phát triển? Cây cối trong thiên nhiên có thể dạy chúng ta điều gì về sự phát triển tâm linh? Chúng ta cần những điều gì trong cuộc sống của chính mình để trưởng thành mạnh mẽ trong Đức Chúa Trời?
  3. Chúa Giê-su cũng được gọi là “Con Người”. Tại sao danh xưng này mang lại cho bạn hy vọng trong khi bạn chờ đợi sự Tái Lâm? Tại sao chúng ta cảm thấy an ủi khi biết rằng một Con Người đang ở trên trời ngay bây giờ và rằng Ngài sẽ đến với Đức Chúa Trời, Đấng Phán Xét của chúng ta, để cầu xin sự giúp đỡ cho chúng ta?
Bài Học 1, 25 — 31 Tháng 3, 2023

Chúa Giê-su Chiến Thắng, Sa-tan Bị Đánh Bại

CÂU GỐC: “Con rồng giận người đàn bà, bèn đi tranh chiến cùng con cái khác của người, là những kẻ vẫn giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Jêsus” (Khải huyền 12:17).

KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Khải huyền 12:7–9; Khải huyền 12:4–6; Khải huyền 12:10; Khải huyền 12:14–16; Khải huyền 12:17.

Cormac O’brien đã viết một cuốn sách về quân đội. Tựa đề của cuốn sách là Những Câu Chuyện Về Những Trận Chiến Đảo Ngược Tình Thế Đầy Ngoạn Mục Trong Lịch Sử. Cuốn sách kể những câu chuyện về cách làm thế nào những đội quân nhỏ lại chiến thắng trong các chiến tranh lớn. Một câu chuyện trong số đó kể về đội quân của Hannibal. Hannibal là một vị tướng đến từ thành Carthage trong thời Kinh Thánh khi La Mã là một vương quốc với lãnh thổ rộng khắp thế giới. Hannibal chỉ có 55,000 binh sĩ. Nhưng quân đội của ông đã đánh bại quân đội La Mã, có 80,000 người. Cormac O’Brien cũng kể câu chuyện đáng kinh ngạc về cách đội quân Hy Lạp của Alexander Đại Đế đánh bại đội quân hùng mạnh của Vương quốc Ba Tư như thế nào.

Chúng ta cũng đang trong một cuộc chiến sinh tử. Sa-tan, kẻ thù của chúng ta, ranh mãnh và gian xảo. Kẻ thù đông hơn chúng ta rất nhiều. Nên những binh lính của Sa-tan nghĩ rằng chúng không thể thua trận.

Đừng mất hy vọng. Kẻ thù có thể đông hơn chúng ta. Các cuộc tấn công của Sa-tan thật kinh khủng. Nhưng cuối cùng Đức Chúa Giê-su sẽ chiến thắng. Lẽ thật Kinh Thánh này là thông điệp của Khải huyền, sách cuối cùng trong Kinh Thánh. Đức Chúa Giê-su chiến thắng, còn Sa-tan thua cuộc. Chúng ta có thể đọc về cuộc chiến cuối cùng này trong Khải huyền đoạn 12, mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong tuần này. Nghiên cứu này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn Khải huyền đoạn 14 và Sứ Điệp Ba Thiên Sứ.

Khải huyền đoạn 12 cho chúng ta thấy cuộc chiến giữa thiện và ác trên vũ trụ này. Cuộc chiến bắt đầu trên thiên đàng và sẽ kết thúc trên đất này. Đoạn 12 cung cấp cho chúng ta thông tin quan trọng về cuộc chiến của Sa-tan trên trời và các cuộc tấn công của Sa-tan đối với dân sự của Đức Chúa Trời trên đất trong thời kỳ cuối cùng.

Đọc Khải huyền 12:7–9, có nói về cuộc chiến trên toàn thế giới giữa thiện và ác. Làm thế nào mà cuộc chiến này lại có thể xảy ra trên thiên đàng? Những câu này dạy chúng ta điều gì về sự tự do lựa chọn?

Quyền tự do lựa chọn là một phần quan trọng trong nước Đức Chúa Trời, trên trời cũng như ở dưới đất. Chúa không tạo dựng bất kỳ ai như là một người máy, cả trên trời cũng như ở trên đất này. Đức Chúa Trời khiến cả thiên sứ và con người được tự do lựa chọn giữa thiện và ác.

Quyền tự do lựa chọn của chúng ta được kết nối với quyền tự do yêu thương của chúng ta. Điều gì sẽ xảy ra nếu Đức Chúa Trời loại bỏ quyền tự do lựa chọn của con người? Vậy thì chúng ta không thể yêu một cách tự do. Tình yêu không thể bị ép buộc. Tình yêu là một sự tự do lựa chọn. Mỗi thiên sứ trên thiên đàng đều phải lựa chọn giữa tình yêu của Đức Chúa Trời hoặc lòng kiêu hãnh ích kỷ. Tương tự như vậy, sách Khải huyền cho chúng ta thấy rằng mỗi người phải lựa chọn giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan trong thời kỳ cuối cùng.

Mọi người phải lựa chọn giữa thiện và ác trong cuộc chiến cuối cùng trên trái đất. Chúng ta hoặc là vì Đức Chúa Giê-su, hoặc là chống lại Ngài (đọc Lu-ca 11:23). Mỗi thiên sứ đều chọn đứng về phía của Đức Chúa Giê-su hoặc theo phe của Sa-tan trong cuộc chiến trên thiên đàng. Vì vậy, tất cả con người cũng phải lựa chọn giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan trong thời kỳ cuối cùng. Chúng ta sẽ trung thành với ai? Chúng ta sẽ tôn thờ ai? Chúng ta sẽ tuân theo ai? Đây là những câu hỏi mà ai cũng phải trả lời.

Khải huyền đoạn 12 cho chúng ta hy vọng và một số thông điệp quan trọng: Đức Chúa Giê-su chiến thắng trong cuộc chiến giữa thiện và ác. Tất cả những gì chúng ta cần làm là chọn ở bên Đức Chúa Giê-su. Phía Ngài là phía chiến thắng.

Hãy suy nghĩ về quyền tự do để lựa chọn giữa đúng và sai. Đây là một món quà vô cùng quý giá và thánh khiết. Đức Chúa Giê-su đã ban cho nhân loại món quà này. Nhưng chúng ta đã làm gì với món quà này? Chúng ta đã chọn tội lỗi và điều ác. Vì vậy, Đức Chúa Giê-su đã phải chết trên thập tự giá (đọc 2 Ti-mô-thê 1:9). Nhưng điều đó có ngăn Đức Chúa Giê-su cho chúng ta quyền tự do lựa chọn không? Không, dù sao thì Ngài cũng đã cho chúng ta món quà quý giá này.

Lẽ thật Kinh Thánh này dạy chúng ta điều gì về cách chúng ta phải cẩn thận với món quà này? Nó đã khiến Đức Chúa Giê-su phải trả giá bao nhiêu?

Ngay từ đầu, Sa-tan đã cố gắng tiêu diệt Đức Chúa Giê-su Christ (Khải huyền 12:4, 5). Sa-tan lần nào cũng thất bại. Khi Đức Chúa Giê-su được sinh ra, một thiên sứ đã cảnh báo Giô-sép và Ma-ri về những kế hoạch xấu xa của Vua Hê-rốt. Vì vậy, Giô-sép và Ma-ri đã trốn sang Ai Cập. Nhiều năm sau, Đức Chúa Giê-su gặp Sa-tan trong đồng vắng. Sa-tan cố gắng khiến Ngài phạm tội. Nhưng Chúa đã đáp lại mọi thủ đoạn của Sa-tan bằng Lời trong Kinh Thánh. Đức Chúa Giê-su bảo vệ chính Ngài bằng lẽ thật trong Kinh Thánh. Khi Đức Chúa Giê-su chết trên thập tự giá, Ngài cho thấy Ngài yêu thương chúng ta nhiều biết bao. Ngài đã cứu chúng ta khỏi hình phạt của tội lỗi. Khi Đức Chúa Giê-su phục sinh từ cõi chết, Ngài đã lên thiên đàng để giúp chúng ta. Bây giờ Đức Chúa Giê-su làm việc trong đền thờ của Đức Chúa Trời để cứu chúng ta khỏi tội lỗi.

Đọc Khải huyền 12:4–6, 9; Ê-phê-sô 5:25–27, 32; và Thi thiên 2:7–9. Những câu này cho chúng ta thấy ba biểu tượng hoặc chữ tượng hình: một người đàn bà, một bé trai, và một “cây gậy sắt” (Khải huyền 12:5). Các biểu tượng này có ý nghĩa gì?

Người đàn bà

Đứa trai

Cây gậy sắt

Trong Kinh Thánh, cây gậy là một chữ tượng hình hoặc biểu tượng cho một vị vua quyền lực. Cây gậy sắt là biểu tượng cho một chính phủ toàn năng. Những hình ảnh này cho chúng ta thấy điều gì? Chúng cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Giê-su là một vị vua quyền năng. Đức Chúa Giê-su đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Sa-tan trong khi Ngài còn sống trên đất. Đức Chúa Giê-su đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Sa-tan khi Ngài phục sinh từ cõi chết. Bởi vì Đức Chúa Giê-su đã chiến thắng, chúng ta cũng có thể chiến thắng. Sa-tan đã cố gắng khiến Đức Chúa Giê-su phạm tội bằng mọi cách thì hắn cũng cố gắng khiến chúng ta phạm tội. Vì vậy, Đức Chúa Giê-su hiểu trải nghiệm của chúng ta. Chắc chắn, Sa-tan là kẻ thua cuộc. Nhưng cuộc chiến giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan trên thế giới này vẫn chưa kết thúc.

Bằng đức tin chúng ta tin nhận những gì Đức Chúa Giê-su đã làm cho mình. Đức Chúa Giê-su đã tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Đức Chúa Trời bao phủ chúng ta bằng sự sống thánh khiết của Đức Chúa Giê-su, như thể quần áo bao phủ cơ thể con người. Vì vậy, chúng ta được hoàn hảo trước mặt Chúa. Phao-lô giải thích lẽ thật Kinh Thánh tuyệt vời này bằng những lời sau: “Và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin” (Phi-líp 3:9). Khi chúng ta tiếp nhận Đức Chúa Giê-su bởi đức tin, Ngài ban cho chúng ta tất cả những gì Ngài đã chiến thắng.

Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Giê-su không bao giờ thua trong cuộc chiến với Sa-tan. Đức Chúa Giê-su là một chiến binh dũng cảm. Đức Chúa Giê-su chiến thắng đội quân gian ác của Sa-tan. Vì vậy, chúng ta phải tin rằng tất cả những gì Đức Chúa Giê-su đã chiến thắng, thì Ngài cũng chiến thắng cho chúng ta.

Đọc Khải huyền 12:10. Câu này nói, “vì kẻ kiện cáo anh em chúng ta, kẻ ngày đêm kiện cáo chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời, nay đã bị quăng xuống rồi.” Người kiện cáo là ai? Tại sao bạn nên được khích lệ bởi lẽ thật này về những gì đã xảy ra với Sa-tan?
Vâng, cuộc chiến vũ trụ giữa thiện và ác vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Nhưng Sa-tan đã thua. Đó là tin tốt lành! Đức Chúa Giê-su sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống lại điều ác trong Sự Tái Lâm của Ngài. Và tin lành này càng ngày càng rõ nét hơn. Đức Chúa Giê-su cũng sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống lại điều ác trong đời sống cá nhân của chúng ta. Một số Cơ Đốc nhân sống trong sợ hãi. Họ luôn lo lắng để chiến đấu với tội lỗi bằng chính sức riêng của mình. Họ không thực sự hiểu trong cuộc sống cá nhân của họ Đức Chúa Giê-su đã chiến thắng cho họ bao nhiêu.

Đọc Khải huyền 12:11. Đức Chúa Giê-su cho chúng ta hy vọng chiến thắng nào trong câu này?

Đức Chúa Giê-su đưa ra các thông điệp cho từng hội thánh trong số bảy hội thánh trong sách Khải huyền. Trong mỗi thông điệp, Đức Chúa Giê-su nói về “Những người chiến thắng tội lỗi” (Khải huyền 2:7, 11, 17, 26; Khải huyền 3:5, 12, 21). Từ được viết là “chiến thắng” bắt nguồn từ từ “Nikao” trong tiếng Hy Lạp. “Nikao” có thể có nghĩa là “chiến thắng” hoặc “thắng lợi trong một cuộc chiến.” Bạn có thấy trong những câu này bằng cách nào Đức Chúa Giê-su nói bảy lần rằng chúng ta có thể chiến thắng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi không? Khải huyền 12:11 cho chúng ta biết cách chúng ta chiến thắng. Chúng ta chiến thắng “bởi huyết Chiên Con và bởi lời làm chứng của mình; chúng chẳng tiếc sự sống mình cho đến chết.”

Trong Khải huyền 5:6, Đức Chúa Trời ban cho Giăng một giấc mơ đặc biệt về thiên đàng. Sứ đồ Giăng nhìn thấy một con Chiên trong giấc mơ của mình. Con chiên này trông như thể nó đã bị giết. Chiên Con này là một hình ảnh biểu tượng cho Đức Chúa Giê-su. Giấc mơ của Giăng cho chúng ta thấy rằng cả thiên đàng đang chú ý đến Đức Chúa Giê-su và sự hy sinh của Ngài vì chúng ta trên thập tự giá. Thập tự giá cho thấy tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta hơn bất cứ điều gì khác có thể. Vì vậy, chúng ta phải tin nhận bằng đức tin đối với tất cả những gì Đức Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta. Sau đó Đức Chúa Trời sẽ tha tội cho chúng ta (Cô-lô-se 1:14; Ê-phê-sô 1:7; Cô-lô-se 2:14). Hãy ngợi khen Đức Chúa Trời rằng Sa-tan, kẻ tố cáo bạn và tôi, đã bị đuổi ra khỏi thiên đàng! Chúng ta được cứu bởi Đức Chúa Giê-su.

Đọc Khải huyền 12:6 và so sánh với Khải huyền 12:14–16. Những câu này nói về cuộc tấn công của Sa-tan với người đàn bà. Người đàn bà là một hình ảnh để chỉ về hội thánh của Đức Chúa Trời. Cuộc tấn công của Sa-tan với người đàn bà tiếp tục trong bao lâu?

Khải huyền 12:6 nói rằng Đức Chúa Trời đã chăm gìn “người đàn bà” trong vòng 1.260 ngày. 1.260 ngày trong Khải huyền tương đương ba năm rưỡi trong Khải huyền 12:14. Kinh Thánh cũng nói về thời điểm này trong Đa-ni-ên 7:25, Khải huyền 11:2, 3 và Khải huyền 13:5. Người đàn bà trong Khải huyền chương 12 không phải là một người đàn bà thật. (Người đàn bà thật với đôi cánh sẽ không đi vào đồng vắng!) Vì vậy, chúng ta hiểu rằng hình ảnh người đàn bà mang tính chất biểu tượng. Chúng ta cũng hiểu rằng thời gian trong những câu trong Đa-ni-ên và Khải huyền cũng là hình ảnh mang tính biểu tượng. Chúng ta phải sử dụng quy tắc ngày–năm để hiểu những thời gian này có nghĩa là gì. Kinh Thánh cho chúng ta biết quy tắc ngày–năm trong Dân số Ký 14:34 và Ê-xê-chi-ên 4:4–6. Quy tắc ngày–năm giúp chúng ta hiểu rằng một ngày cũng giống như một năm trong thông điệp đặc biệt về thời gian. Nghiên cứu Kinh Thánh của Đại học Andrews cho biết, “Xuyên suốt lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu Kinh Thánh tin rằng 1.260 ngày là 1.260 năm. 1.260 năm bắt đầu vào năm 538 SCN và kết thúc vào năm 1798.”—Trang 1.673, chú thích về Khải huyền 11:2. Trong suốt 1.260 năm, giáo hội vào thời Trung Cổ đã thông đồng với các vua chúa của Châu Âu để tấn công những người trung thành với Đức Chúa Trời.

Các cuộc tấn công chống lại dân sự của Đức Chúa Trời trong suốt 1.260 năm là một phần của cuộc chiến trên toàn thế giới giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan. Trong thời gian này, mọi người bắt đầu học Kinh Thánh. Họ thấy rằng mọi thứ cần phải thay đổi trong hội thánh. Mọi người, nam cũng như nữ cần phải lựa chọn. Liệu họ có vâng lời Chúa và Kinh Thánh không? Hay họ sẽ chấp nhận những lời dạy của hội thánh? Nhiều người đã chọn vâng lời Chúa. Đáng buồn phải nói, hội thánh đã làm tổn thương những người này vì đức tin của họ vào những lời dạy của Kinh Thánh.

Khải huyền 12 cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời quan tâm đến hội thánh của Ngài nhiều như thế nào. Trong Khải huyền 12:6, Đức Chúa Trời dành một nơi an toàn cho người đàn bà. Khải huyền 12:14 nói rằng Đức Chúa Trời chăm gìn người đàn bà ấy. Khải huyền 12:16 nói rằng “Nhưng đất tiếp cứu người đàn bà.” Vì vậy, Đức Chúa Trời đã chăm sóc Hội Thánh của Ngài khi Sa-tan tấn công nó. Đức Chúa Trời cũng sẽ làm như vậy đối với hội thánh thời kỳ cuối cùng của Ngài.

Hãy nghĩ về khoảng thời gian khó khăn trong cuộc sống của bạn khi Chúa chăm sóc bạn. Đức Chúa Trời đã hỗ trợ bạn như thế nào khi bạn cần nhất?

Như chúng ta đã thấy vào đầu tuần này, Sa-tan bắt đầu cuộc chiến trên trời chống lại Đức Chúa Trời. Sa-tan đã chiến đấu với Đức Chúa Giê-su kể từ đó (Khải huyền 12:7). Kế hoạch của Sa-tan bây giờ cũng giống như lúc đó. Hắn muốn kiểm soát mọi thứ trên trời và dưới đất (đọc Ê-sai 14:12–14). Sa-tan sẽ thực hiện một cuộc tấn công đặc biệt vào dân sự của Đức Chúa Trời trong thời kỳ cuối cùng. Khải huyền 12:17 cho biết con rồng (hình ảnh ám chỉ Sa-tan) đang tức giận với người đàn bà (hội thánh). Con rồng gây chiến với con cái của người đàn bà. Một từ khác dành cho các con cái của người đàn bà là “còn sót lại”. Kinh Thánh King James sử dụng từ này. Còn sót lại là một mảnh vải còn thừa từ một cuộn vải lớn hơn. Theo cách tương tự, phần còn sót lại là một nhóm nhỏ người trong hội thánh của Đức Chúa Trời. Nhóm người này luôn trung thành với Đức Chúa Trời và tuân theo lẽ thật trong Kinh Thánh. Họ có đức tin vào vương quốc của Đức Chúa Trời.

Những người còn sót lại của Đức Chúa Trời trong Khải huyền 12:17. Phần còn sót lại là hình ảnh chỉ về hội thánh trong thời kỳ cuối cùng của Đức Chúa Trời. Câu này dạy chúng ta điều gì về những người còn sót lại của Đức Chúa Trời? Họ là ai và họ làm gì khiến họ trở nên đặc biệt?

Trong Khải huyền 12:17, Sa-tan (con rồng) tức giận với người đàn bà, hội thánh thời kỳ cuối của Đức Chúa Trời. Ma quỷ tức giận vì hội thánh này tuân giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Vì vậy, Sa-tan sẽ làm mọi cách để tiêu diệt chúng.

Cuối cùng, Sa-tan đưa ra luật chống lại dân sự của Đức Chúa Trời để họ không thể mua cùng bán được. Dân sự của Đức Chúa Trời sẽ bị tù đày hoặc bị xử tử (đọc Khải huyền 13:14–17). Sa-tan cố gắng tiêu diệt Đức Chúa Giê-su. Nhưng hắn đã thất bại. Vì vậy, bây giờ Sa-tan sẽ cố gắng phá hủy điều mà Đức Chúa Giê-su yêu thương nhất: là hội thánh của Ngài. Cuộc chiến cuối cùng trên trái đất sẽ không xảy ra ở Trung Đông. Cuộc chiến này sẽ xảy ra trong lòng chúng ta. Cuộc chiến này là giữa Đức Chúa Giê-su Christ và Sa-tan. Mọi người trên trái đất phải chọn một bên.

Câu hỏi quan trọng nhất trong cuộc chiến cuối cùng là, “Ai có lòng trung thành và tình yêu của chúng ta? Ai có được tấm lòng của chúng ta?” Bạn có cảm động trước tình yêu của Đức Chúa Giê-su không? Bạn đã được cứu bởi lòng thương xót của Ngài chưa? Bạn đã hiến mạng sống của mình để phục vụ Ngài chưa? Thánh Linh của Ngài có điều khiển cuộc sống của bạn không? Bạn có tuân theo mệnh lệnh của Ngài không? Bạn có sẵn sàng chết cho Đấng đã chết vì bạn không? Cuộc chiến cuối cùng đang đến. Vì Đức Chúa Giê-su, chúng ta sẽ chiến thắng nếu chúng ta tiếp tục tương giao với Ngài bằng đức tin. Sự lựa chọn là của chúng ta.

Cuộc chiến giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan đang diễn ra như thế nào trong đời sống của chính bạn?

Chúng ta có thể tranh luận rằng Đức Chúa Trời thực sự không có lựa chọn nào khác: nếu Ngài muốn chúng ta yêu Ngài một cách tự do, Ngài phải dựng cho chúng ta có sự tự do. Nếu chúng ta không tự do, thì chúng ta không thể yêu. Cuộc sống trên trời hay dưới đất là gì nếu không có tình yêu? Nếu chúng ta không tự do, thì chúng ta cũng giống như máy móc hay người máy. Máy móc và người máy thực hiện công việc mà chúng được tạo ra để làm. Nhưng chúng không thể tự do lựa chọn. Đó là một cách sống đáng buồn, phải không? Chúng ta có thể vui mừng vì Kinh Thánh dạy rằng chúng ta được tự do lựa chọn để yêu mến Đức Chúa Trời và vâng lời Ngài.

“Luật của Đức Chúa Trời là tình yêu. Tình yêu là luật của nước Ngài. Khi các thiên sứ và những người trên thiên đàng tuân giữ luật này, thì họ rất vui mừng. Đức Chúa Trời muốn mọi người phục vụ Ngài vì họ yêu mến Ngài. Chúng ta sẽ muốn phục vụ Đức Chúa Trời nhiều hơn khi chúng ta biết Ngài thực sự là ai. Đức Chúa Trời không vui khi con người cảm thấy bị bắt buộc phải vâng lời Ngài. Vì vậy, Chúa cho con người có sự tự do. Ngài cho họ sự lựa chọn. Lúc đó, họ có thể chọn để phục vụ Ngài hoặc không.

“Khi mọi người trung thành với Đức Chúa Trời và phục vụ Ngài xuất phát từ tình yêu thương, thì trên thiên đàng có sự bình an. Các thiên sứ cảm thấy vui mừng khi làm bất cứ điều gì Chúa yêu cầu. Họ vui mừng cho những người khác và các thiên sứ thấy rằng Đức Chúa Trời rất quyền năng và tràn đầy tình yêu thương. Các thiên sứ thích ca ngợi Chúa. Các thiên sứ yêu Chúa hơn họ yêu bất cứ thứ gì khác. Tình yêu của họ dành cho nhau không hề ích kỷ. Không có tội lỗi hay hành vi ích kỷ nào phá hủy sự bình yên mà các thiên sứ cảm thấy”—Ellen G. White, Patriarchs and Prophets, trang 34, 35, phỏng trích.

CÂU HỎI THẢO LUẬN:

  1. Khải huyền chương 12 là một phần giới thiệu hữu ích về Sứ điệp Ba Thiên Sứ như thế nào? Làm thế nào Khải huyền chương 12 giúp chúng ta hiểu điều gì sẽ xảy ra trong thời kỳ cuối cùng?
  2. Làm thế nào Khải huyền chương 12 mang lại cho bạn hy vọng mạnh mẽ trong tất cả các thử nghiệm và khó khăn mà bạn gặp phải mỗi ngày?
  3. Một số người tin rằng chúng ta không được tự do lựa chọn cách chúng ta sẽ cư xử. Những người này tin rằng chúng ta cư xử theo cách chúng ta làm bởi vì chúng ta được sinh ra theo cách đó hoặc bởi vì chúng ta được sinh ra ở đâu và khi nào. Bạn có đồng ý không? Giải thích câu trả lời của bạn. Làm thế nào để sự lựa chọn của chúng ta kiểm soát hành vi của chúng ta?