CÂU GỐC: “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus-Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:8–10).
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Ê-phê-sô 1 – Ê-phê-sô 6.
Có người đã mô tả Ê-phê-sô như dãy Alps của Tân Ước. Phao-lô, người hướng dẫn leo núi của chúng ta, đưa chúng ta đi lên cao nhanh chóng với Ê-phê-sô 1. Quang cảnh vĩ đại tại đỉnh núi khiến chúng ta kinh ngạc và nín thở.
Suy gẫm Ê-phê-sô 1. Điều gì truyền cảm hứng cho bạn cách đặc biệt? Bạn nhìn thấy những đỉnh nào?
Ê-phê-sô 1:3–14 giống như một bản đồ tại thượng đỉnh chỉ tên các đỉnh núi khác ở phía chân trời, với Phao-lô định hướng để dẫn chúng ta đến địa điểm phước hạnh của mình trong phong cảnh bao la của kế hoạch cứu rỗi. Khung cảnh bao trùm toàn bộ lịch sử cứu rỗi, từ quá khứ vĩnh hằng, qua các hành động đầy ân điển của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ, cho đến tương lai vĩnh cửu. Sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời dành cho những người tin Chúa phản ảnh những kế hoạch thiêng liêng từ thuở “trước khi sáng thế” (1:4), hiện đang được thực hiện trong cuộc đời của chúng ta (1:7, 8, 13, 14). Những chiến lược có từ thuở trước sáng thế này sẽ được hoàn tất vào giai đoạn cuối (1:9, 10). Sau đó, “muôn vật,” cả “trên trời” và “dưới đất” sẽ được tập hợp lại với nhau hoặc hợp nhất trong Đấng Christ, và kế hoạch của Đức Chúa Trời “trong khi kỳ mãn” sẽ được hoàn thành (1:10). Sau đó, chúng ta sẽ kinh nghiệm trọn vẹn kế hoạch mầu nhiệm của Đức Chúa Trời (1:9). Hiện tại, chúng ta có thể chắc chắn rằng sự cứu rỗi với Đấng Christ là trọng tâm mà chúng ta đang đứng trong đó là một phần quan trọng trong kế hoạch rộng lớn của Đức Chúa Trời nhằm cứu chuộc “muôn vật”.
Được đứng trên đỉnh núi sẽ cho chúng ta cảm hứng để tạ ơn. Trong Ê-phê-sô 1:15–19, Phao-lô tạ ơn Đức Chúa Trời khi ông cầu nguyện cho các tín hữu có được trải nghiệm về sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã hoạch định cho họ. Chúng ta thấy mình leo một dốc cao khác khi Phao-lô chỉ chúng ta hướng lên một Đấng Christ đã phục sinh, đã thăng thiên, được tôn vinh, là Đấng cai trị mọi quyền lực có thể tưởng tượng được cho đến đời đời (Ê-phê-sô 1:20–23).
Nhờ ân điển của Đức Chúa Trời bày tỏ trong Chúa Giê-su Christ, chúng ta có thể sống ngày hôm nay trên đỉnh núi!
Ê-phê-sô 1:4 cho chúng ta biết rằng Đấng Christ “trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời.” Điều đó có nghĩa gì ? Được chọn trong Ngài trước khi thế giới được dựng nên! Điều này sẽ mang lại cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao nào về việc Đức Chúa Trời mong muốn chúng ta được cứu?
Khi đọc Ê-phê-sô 2, bạn hãy tìm cách trả lời câu hỏi này: Đức Chúa Trời đã làm gì cho chúng ta qua Con Ngài là Chúa Giê-su Christ?
“Nhưng Đức Chúa Trời . . . .” Bốn chữ đó chắc hẳn là những chữ tràn đầy hy vọng nhất mà loài người từng biết đến. Trong Ê-phê-sô 2:1–10, Phao-lô mô tả quá khứ nghiệt ngã của các thính giả của ông. Cùng trong hoàn cảnh khốn đốn với toàn thể nhân loại, họ có xu hướng nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời, cuộc sống của họ bị tội lỗi và Sa-tan thống trị (Ê-phê-sô 2:1–3). “Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót.” Và Đức Chúa Trời đã làm gì cho họ và cho chúng ta? 1. Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ—sự sống lại của Đấng Christ là của chúng ta. 2. Ngài nâng chúng ta lên với Đấng Christ—Sự thăng thiên của Đấng Christ là của chúng ta. 3. Trên thiên đàng, Ngài đặt chúng ta cùng ngồi với Đấng Christ—sự đăng quang của Đấng Christ là của chúng ta (Ê-phê-sô 2:4–7). Chúng ta không chỉ là những người ngoài cuộc trước những sự kiện thay đổi vũ trụ trong cuộc đời của Đấng Christ! Đức Chúa Trời thực hiện những hành động đáng kể này, không phải vì chúng ta có công trạng gì, mà vì ân điển của Ngài (Ê-phê-sô 2:8, 9), và Ngài muốn các tín đồ sống đoàn kết với Chúa Giê-su và làm “việc lành” (Ê-phê-sô 2:10).
Nếu Ê-phê-sô 2:1–10 dạy chúng ta sống trong tình đoàn kết với Chúa Giê-su, thì Ê-phê-sô 2:11–22 dạy chúng ta sống trong tình đoàn kết với những người khác như một phần của hội thánh Ngài. Cái chết của Chúa Giê-su có cả lợi ích theo chiều dọc—thiết lập mối liên hệ của người tin Chúa với Đức Chúa Trời; và theo chiều ngang—củng cố mối liên hệ của chúng ta với những người khác. Qua thập tự giá của Ngài, Chúa Giê-su phá bỏ tất cả những gì chia rẽ người ngoại tin Chúa với người Do Thái, kể cả việc lạm dụng Luật pháp để nới rộng hố sâu (Ê-phê-sô 2:11–18). Đức Chúa Giê-su cũng dựng một đền thờ mới tuyệt vời bao gồm các tín đồ. Dân ngoại, từng bị loại trừ khỏi việc thờ phượng ở những nơi linh thiêng của đền thờ, giờ đây cùng với các tín đồ Do Thái trở thành một. Chúng ta cũng trở thành một phần của hội thánh của Đức Chúa Trời, một “đền thờ thánh trong Chúa” (Ê-phê-sô 2:19–22).
Nhờ ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta hôm nay có đặc quyền sống trong tình liên đới với Chúa Giê-su và các người đồng đức tin.
Ê-phê-sô 2:8–10 đã góp phần trong việc tin đạo của nhiều người. Martin Luther tìm thấy trong những câu này một ân điển chiếm được trái tim ông, và ông cũng khám phá ra một số khẳng định trọng tâm của Phong trào Cải cách: sự cứu rỗi chỉ đến bởi đức tin, chỉ nhờ ân điển, chỉ bởi Đấng Christ, và chỉ cho vinh quang của Đức Chúa Trời mà thôi. Vào năm 1738, mười tám ngày sau khi trải qua sự cải đạo ở Phố Aldersgate của Luân Đôn, John Wesley đã thuyết giảng tại Đại học Oxford, đưa ra “tiếng khóc từ trái tim” và “tuyên ngôn của một phong trào mới”. Văn bản của Wesley? Ê-phê-sô 2:8. (A. Skevington Wood, “Strangally Warmed: The Wesleys and the Evangelical Awakening,” Christian History [tạp chí], tập 5, số 1 [1984]).
Tại sao việc trở thành một phần của hội thánh Đức Chúa Trời vừa quan trọng vừa hấp dẫn? Ê-phê-sô 3.
Chúng ta cảm thấy khích lệ khi nghe các tín hữu nói những điều khả quan về hội thánh. Tuy nhiên, những người nhiệt thành nhất giữa chúng ta cũng vẫn thua xa lời chứng hùng hồn của Phao-lô trong Ê-phê-sô 3 về hội thánh. Phao-lô bắt đầu với lời tường thuật về những lời cầu nguyện của ông cho các tín đồ ở Ê-phê-sô (Ê-phê-sô 3:1; so sánh 1:15–23) nhưng dừng lại để thảo luận về việc Đức Chúa Trời tạo dựng hội thánh (Ê-phê-sô 3:2–13), và sau đó hoàn tất sự cầu nguyện của mình (Ê-phê-sô 3:14–21). Theo đó, chúng ta hiểu được những điều quan trọng về “kế hoạch” hay “lẽ mầu nhiệm” của Đức Chúa Trời:
• Trong cõi đời đời, Đức Chúa Trời đã nhận thức về “lẽ mầu nhiệm” hay “kế hoạch” cho hội thánh (Ê-phê-sô 3:3–5, 9, 11).
• Qua cuộc đời và cái chết của Chúa Giê-su, kế hoạch được giấu kín từ lâu đó được “hoàn tất” (Ê-phê-sô 3:11 so sánh 2:11–22).
• Nhờ sự mặc khải, Phao-lô biết được “lẽ mầu nhiệm” của hội thánh và sự thật đáng kinh ngạc là Dân Ngoại cũng sẽ là những “kẻ đồng kế tự” trọn vẹn trong hội thánh (Ê-phê-sô 3:3–6).
• Phao-lô góp phần truyền bá tin lành này với tư cách là người rao giảng cho dân Ngoại về “sự giàu có không dò được của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 3:8, 9).
• Với nhiều người đã tin nhận Đấng Christ, hội thánh, bao gồm cả người Do Thái và người Ngoại, bày tỏ “sự khôn sáng mọi đường của Đức Chúa Trời cậy Hội thánh mà bày tỏ ra cho những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời,” (Ê-phê-sô 3:10), thông báo cho chúng biết số phận sắp đến của chúng (so sánh Ê-phê-sô 6:10–20). Kế hoạch hợp nhất muôn vật trong Đấng Christ (Ê-phê-sô 1:10) đang được tiến hành và thời gian của chúng không còn bao lâu nữa.
Sự hiểu biết này về hội thánh thúc đẩy Phao-lô cầu nguyện cho các tín đồ. Hãy tưởng tượng ông đang cầu nguyện lời cầu nguyện chân thành trong Ê-phê-sô 3:14–21 cho chính chúng ta. Hãy tưởng tượng Phao- lô cầu nguyện cho chính bạn được “đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 3:19) và bạn được tham gia trọn vẹn vào sự mầu nhiệm kỳ diệu đang diễn ra của một hội thánh hợp nhất?
Theo những gì Phao-lô đã viết, những cản trở nào không nên có giữa các tín đồ trong hội thánh? Bạn có thể làm gì để giúp loại bỏ chúng?
Trong Ê-phê-sô 4, Phao-lô yêu cầu các tín đồ ngừng làm một số điều và nên chắc chắn làm những điều khác. Đó là những điều gì?
Ê-phê-sô 4 bắt đầu và kết thúc với lời kêu gọi hãy chăm sóc nhau như là thành viên của hội thánh (Ê-phê-sô 4:1–3, 32). Giữa những lời mời này, Phao-lô ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng rằng chúng ta nên nuôi dưỡng sự hiệp một trong hội thánh. Ông bắt đầu bằng cách liệt kê bảy cái “một”: Một thân thể, một Thánh Linh, một hy vọng, một Chúa (Giê-su Christ), một đức tin, một phép báp-têm, một Đức Chúa Trời và Cha (Ê-phê-sô 4:4–6). Chúng ta bị ràng buộc với nhau bởi những thực tại thuộc linh này. Thật sự, chúng ta hiệp một.
Mặc dù sự hiệp một là một điều chắc chắn về mặt thần học, nhưng nó đòi hỏi sự gắng sức của chúng ta. Thế nên, chúng ta phải luôn luôn “dùng dây hoà bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh” (Ê-phê-sô 4:3). Chúng ta có thể thực hiện điều đó bằng cách mỗi cá nhân phải là một “phần” tích cực của thân thể Đấng Christ. Mỗi tín đồ là một bộ phận được ban cho của cơ thể và phải góp phần làm cho cơ thể khỏe mạnh (Ê-phê-sô 4:7, 16). Và tất cả sẽ được lợi ích nhờ công việc của các sứ đồ, tiên tri, người giảng phúc âm, mục sư và giáo sư (Ê-phê-sô 4:11, 12). Những chức vụ này, giống như dây chằng và gân, có chức năng thống nhất, giúp chúng ta cùng nhau lớn lên trong Đấng Christ, Đầu của thân thể (Ê-phê-sô 4:13, 15).
Tiếp theo, Phao-lô cũng nói với họ, “Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc” (Ê-phê-sô 4:14). Những lời này gợi ý rõ ràng rằng hội thánh đầu tiên phải đương đầu với một số tranh chấp nội bộ do “người ta lừa đảo”.
Khi Phao-lô hướng đến lời kêu gọi cuối cùng của mình, “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau” (Ê-phê-sô 4:32), ông khuyên bảo các tín độ tránh sự cứng lòng trước đây của họ (Ê-phê-sô 4:17–24) và cũng tránh sự căm giận và lời nói hung dữ, thay vào đó hãy dùng lời nói xây dựng và truyền đạt ân phước (Ê-phê-sô 4:25–31).
Khi mọi chuyện bình an, đọc chương nói về sự hiệp một này thật dễ. Nhưng khi chúng ta bị lôi kéo vào một cuộc xung đột nào đó, đọc thư sẽ khó khăn hơn. Bạn hãy nhớ mỗi ngày bạn phải kinh nghiệm sự hiệp một của thân thể Đấng Christ, sự hiệp một mà Ngài đã chết cho.
Chúng ta có thể đóng góp vào sự hợp nhất của hội thánh—ở cấp địa phương và trên toàn thế giới—bằng cách nào? Tại sao chúng ta phải làm những gì chúng ta có thể làm là điều quan trọng?
Khi đọc Ê-phê-sô 5, chúng ta hãy suy ngẫm về cách Phao-lô khuyên dạy chúng ta sống theo phúc âm trong mối liên hệ của chúng ta với những người khác. Lời khuyên nào của ông đặc biệt có ý nghĩa đối với bạn?
Khi đọc Ê-phê-sô 5, để không bỏ lỡ một chủ đề quan trọng của đoạn Kinh Thánh này, chúng ta nên bắt đầu với Ê-phê-sô 4:32. Trong câu này, Phao-lô bảo người Ê-phê-sô, “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.”
Là những người tin Chúa, chúng ta được kêu gọi phải đối xử với những người khác dựa trên sự tha thứ và ân điển của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Chúng ta phải noi gương Chúa! (So sánh Ma-thi-ơ 5:43–48.)
Phao-lô đối chiếu lối sống bắt chước tình yêu của Đức Chúa Trời này với lối sống thông thường của người ngoại giáo. Thay vì quý trọng người khác như anh chị em trong gia đình của Đức Chúa Trời, người ta thường hay lợi dụng người khác cho thú vui tình dục hay tham lam của mình rồi khoe khoang về điều đó (Ê-phê-sô 5:3, 4). Ông cảnh báo rằng lối sống như vậy không có tương lai trong thế giới mới mà Đức Chúa Trời đang hoạch định (Ê-phê-sô 5:5–7).
Thay vào đó, các tín đồ phải từ bỏ sự tối tăm của quá khứ và “bước đi như các con sáng láng” (Ê-phê-sô 5:8–10), bắt chước tình yêu thương của Đức Chúa Cha. Một lần nữa, Phao-lô cảnh báo chúng ta tránh xa “công việc vô ích của sự tối tăm” được thực hiện “cách kín giấu” (Ê-phê-sô 5:11, 12). Ngược lại, chúng ta phải sống trong ánh sáng của Đấng Christ (Ê-phê- sô 5:13, 14). Thay vì lãng phí cuộc đời mình trong say sưa, chúng ta sẽ “lợi dụng thì giờ” bằng cách dâng lời cảm tạ Chúa vì tình yêu thương của Ngài (Ê-phê-sô 5:15–21).
Phao-lô mở rộng chủ đề bắt chước tình yêu thương của Đức Chúa Trời khi ông khuyên các cặp vợ chồng tín đồ Cơ Đốc. Tình yêu hy sinh của Đấng Christ dành cho Hội thánh trở thành hình mẫu cho những người chồng Cơ Đốc (Ê-phê-sô 5:25–33), trong khi lòng trung thành của Hội thánh đối với Đấng Christ trở thành hình mẫu cho những người vợ Cơ Đốc (Ê-phê-sô 5:22–24). Thay vì sử dụng món quà tình dục của con người một cách đồi trụy và ích kỷ, vợ chồng Cơ Đốc nhân phải chú tâm vào việc quý trọng lẫn nhau, trở thành “một thịt”.
“Vậy anh em hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con cái rất yêu dấu của Ngài” (Ê-phê-sô 5:1). Nhờ ân điển của Đức Chúa Trời, hôm nay chúng ta được mời gọi để thực hiện lời khuyên đó trong các mối liên hệ của bạn với người khác.
Ê-phê-sô 5:2, bảo chúng ta “bước đi trong sự yêu thương”, giúp chúng ta hiểu ý của Phao-lô trong Ê-phê-sô 5:1 về việc “bắt chước Đức Chúa Trời” ra sao?
Chúng ta kết luận bằng cách suy gẫm Ê-phê-sô 6, nơi chúng ta khám phá ra rằng chúng ta, hội thánh, là đội quân gây hòa bình của Đức Chúa Trời. Trong Ê-phê-sô, Phao-lô miêu tả hội thánh là thân thể của Đấng Christ (1:22, 23), là đền thờ của Đức Chúa Trời (2:19–22) và là cô dâu của Đấng Christ (5:21–33). Trong Ê-phê-sô 6:10–20, Phao-lô mô tả hội thánh là quân đội của Đức Chúa Trời và đưa ra lời kêu gọi tham chiến hùng mạnh.
Đó là một đoạn văn mang lại nhiều lợi ích và có nguy cơ gây hiểu lầm. Chúng ta có thể hiểu lầm lời Phao-lô nói là lời kêu gọi cầm vũ khí quân sự hoặc hung hăng với người chung quanh. Tuy nhiên, Phao-lô luôn nhấn mạnh về sự hiệp nhất, lời nói xây dựng và lòng nhân từ (đặc biệt xin xem Ê-phê-sô 4:25–5:2). Ông mô tả tin tốt của Đức Chúa Trời là “tin lành bình an” (Ê-phê-sô 6:15). Qua phép ẩn dụ quân sự sống động này, hội thánh không được khuyến khích để gây chiến theo nghĩa truyền thống. Nhưng đúng ra, chúng ta phải gây hòa bình trong trận chiến thiêng liêng chống lại tà ác. Phao-lô bước ra chiến trường của cuộc tranh chấp vĩ đại và kêu gọi
chúng ta gia nhập đội quân của Đức Chúa Trời.
Chúng ta nên làm vậy với một ý thức thực tế về kẻ thù vì chúng ta
không bao giờ nên đánh giá thấp các lực lượng đang dàn binh chống lại chúng ta. Chúng ta không chỉ đối đầu với kẻ thù là người ta mà còn đối đầu với “các thần dữ ở các miền trên trời” (Ê-phê-sô 6:12), cầm đầu bởi một vị tướng quỷ quyệt—ma quỷ (Ê-phê-sô 6:11). Tuy nhiên, chúng ta không cần phải nản lòng trước kẻ thù của mình. Đức Chúa Trời hiện diện với chúng ta trong trận chiến (Ê-phê-sô 6:10) và đã cung cấp cho chúng ta vũ khí tốt nhất, áo giáp của chính Ngài, “mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 6:11; so sánh Ê-sai 59:15–17). Ngài đã đặt dưới quyền sử dụng của chúng ta lẽ thật, sự công chính, bình an, đức tin, sự cứu rỗi và Thánh Linh (Ê-phê-sô 6:13–17). Với Đức Chúa Trời đi trước chúng ta và chúng ta được trang bị từ đầu đến chân trong bộ áo giáp mà Ngài đã cung cấp, chúng ta không thể thất bại. Chiến thắng là bảo đảm.
ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Mặc dù chúng ta không được cứu bởi việc làm của mình, nhưng Phao- lô có ý gì khi viết rằng chúng ta “được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus- Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:10)? Vậy mục đích của những việc làm tốt của chúng ta là gì?
Phao-lô viết: “Vả, Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng” (Ê-phê-sô 3:20). Quyền năng nào hoạt động trong chúng ta, và quyền năng này nên được thể hiện như thế nào trong đời sống chúng ta?
CÂU GỐC: “Lại phải lấy thêm đức tin làm thuẫn, nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ; cũng hãy lấy sự cứu chuộc làm nón sắt, và cầm gươm của Đức Thánh Linh, là lời của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 6:16, 17).
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Ê-phê-sô 6:10–20; 1 Phi-e-rơ 4:11; T5:8; Ê-sai 59:17; 52:8–10; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:16–18.
Đọc Ê-phê-sô 6:10–20. Phao-lô nói gì về loại chiến tranh hội thánh đang tham gia? Có phải đó chỉ là trận chiến thuộc linh chống tà ác của mỗi cá nhân Cơ Đốc đồ, hay là trận chiến tập thể của Hội thánh chống lại tà ác?
Trong chiến tranh Hy Lạp và La Mã , chiến thắng tuỳ thuộc vào sự hợp tác của các binh sĩ trong đội binh và nhất là sự hỗ trợ lẫn nhau khi tác chiến. Chủ nghĩa cá nhân khi xung trận được xem là hành vi của những chiến binh man rợ, chỉ đem đến bại trận.
Có nhiều lý do quan trọng ủng hộ ý kiến cho rằng trong Ê-phê-sô 6:10– 20, Phao-lô, với kiến thức phù hợp với binh pháp thông thường này, đề cập chủ yếu đến một chiến trận chung mà hội thánh phải đối đầu chống lại tà ác: 1. Đoạn văn này là cao điểm của bức thư viết hoàn toàn về hội thánh. Nếu Phao-lô kết luận bức thư với hình ảnh của chỉ một chiến sĩ đơn độc chống lại kẻ thù của bóng tối thì cũng hơi lạ; 2. Ở cuối đoạn này, Phao-lô nêu bật tình bạn thân thiết của Cơ Đốc nhân trong lời kêu gọi cầu nguyện “cho các thánh đồ” (Ê-phê-sô 6:18–20); 3. Điều đáng chú ý nhất là trước đó, trong bức thư khi Phao-lô thảo luận về quyền lực của ma quỷ, ông đã đặt chúng chống lại Hội thánh chứ không phải chống từng cá nhân tín hữu: “Ấy vậy, hiện nay sự khôn sáng mọi đường của Đức Chúa Trời cậy Hội thánh mà bày tỏ ra cho những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời,” (Ê-phê-sô 3:10).
Do đó, Ê-phê-sô 6:10–20 không miêu tả một chiến sĩ đơn độc đối đầu với tà ác. Thay vào đó, Phao-lô như một tướng lãnh xem Hội thánh là một đạo quân. Ông kêu gọi chúng ta hãy trang bị đầy đủ chiến phục và, như là một đội quân thống nhất, hãy xông pha trận chiến cách dũng mãnh và đoàn kết. Phao-lô kết thúc bức thư nhấn mạnh về hội thánh, trong đó bao gồm những mô tả tiếp nối về hội thánh như thân thể của Đấng Christ (Ê-phê-sô 1:22, 23; 4:1–16), là đền thờ của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 4:1– 16; 2:19–22), là cô dâu của Đấng Christ (Ê-phê-sô 5:21–33), và trong ẩn dụ cuối cùng, hội thánh là đội quân của Đức Chúa Trời hằng sống. Vì chúng ta đang đến gần “ngày khốn nạn” (Ê-phê-sô 6:13), giai đoạn cuối của trận chiến trường kỳ chống lại sự ác, lúc này không phải là lúc chúng ta mơ hồ về cam kết của chúng ta với Đức Chúa Trời, hoặc lòng trung thành của chúng ta cho nhau như những người đồng đội của Đấng Christ.
Chúng ta, như một tập thể, có thể làm việc cùng nhau bằng cách nào để giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc tranh chấp vĩ đại chống lại tà ác, đến dưới bất kỳ hình thức nào?
Phao-lô hình dung ra sao việc các tín hữu bắt đầu chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại tà ác? Ê-phê-sô 6:14; xem thêm 1 Phi-e-rơ 4:1; 5:8; Rô- ma 8:37–39.
Phao-lô cảnh báo về một trận chiến khốc liệt (Ê-phê-sô 6:13) để chuẩn bị đọc giả về lời kêu gọi cuối của ông rằng hãy đứng vững và hãy chiến đấu (Ê-phê-sô 6:14–17). Phao-lô mô tả hành động “thắt lưng” (so sánh Ê-sai 11:5). Quần áo cổ xưa, rộng rãi cần được buộc quanh eo trước khi làm việc hoặc ra trận (so sánh Lu-ca 12:35, 37; Lu-ca 17:8). Phao-lô hình dung người tín đồ mặc áo giáp giống như lính lê dương La Mã, bắt đầu với dây nịt da có nhiều tấm đai và khóa. Quanh dây nịt treo lũng lẳng nhiều mề đai và những đĩa kim loại, mang như một huy hiệu cấp bậc rất đẹp mắt. Nhiệm vụ thiết yếu của dây nịt là cột áo xống chặt chẽ và giữ các vật khác có trật tự.
Lẽ thật không phải là của riêng các tín đồ; đó là món quà của Đức Chúa Trời (so sánh sự cứu rỗi trong Ê-phê-sô 2:8). Tuy nhiên, nó không phải là một tài sản trừu tượng, xa vời mà không có bất kỳ tác động biến đổi nào đối với cuộc sống của kẻ tin. Chúng ta phải “mặc lấy” lẽ thật của Đức Chúa Trời, để kinh nghiệm và sử dụng món quà thiêng liêng này. Không phải chúng ta sở hữu lẽ thật của Đức Chúa Trời mà là lẽ thật của Đức Chúa Trời sở hữu và bảo vệ chúng ta.
Tiếp theo, Phao-lô khuyên các tín hữu hãy mặc “áo giáp công bình” (so sánh 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:8). Giống như thắt lưng của lẽ thật, nó có nguồn gốc thiêng liêng, là một phần khí giới của Đức Giê-hô-va như là một chiến sĩ thiên thượng (Ê-sai 59:17). Áo giáp mà binh lính thời Phao-lô mặc được làm bằng giáp (các vòng sắt nhỏ đan vào nhau), áo giáp vảy (các vảy đồng hoặc sắt nhỏ xếp chồng lên nhau) hoặc các dải sắt xếp chồng lên nhau được buộc chặt vào nhau. Áo giáp này bảo vệ các bộ phận trọng yếu khỏi những cú đánh và lực đẩy của kẻ thù. Tương tự như vậy, các tín đồ phải kinh nghiệm được sự bảo vệ thuộc linh, được ban cho bởi sự công bình của Ngài. Trong sách Ê-phê-sô, Phao-lô liên kết sự công bình với sự thánh khiết, phước hạnh và lẽ thật (Ê-phê-sô 4:24; 5:9), coi đó là phẩm chất của sự đối xử công bằng và tốt đẹp với người khác, đặc biệt là các thành viên trong hội thánh.
Có bao giờ bạn đã kinh nghiệm rằng lòng tốt, sự thánh thiện và lẽ thật có thể là một sự bảo vệ?
Một người lính La Mã, khi chuẩn bị ra trận, sẽ mang một đôi dép nhà binh bền chắc. Đế có nhiều lớp với đinh đóng gồ ghề, giúp người lính tiếp tục không xê dịch và “đứng vững” (Ê-phê-sô 6:11, 13, 14). Phao-lô giải thích về loại giày quân sự này bằng ngôn ngữ từ Ê-sai 52:7, diễn tả sự hân hoan khi một sứ giả mang tin rằng trận chiến của Đức Giê-hô-va thay cho dân Ngài đã chiến thắng (Ê-sai 52:8–10) và hòa bình hiện đang ngự trị: “Những kẻ đem tin tốt, rao sự bình an, . . . chân của những kẻ ấy trên các núi xinh đẹp là dường nào!” (Ê-sai 52:7).
Ôn lại tám lần Phao-lô làm nổi bật sự bình an trong Ê-phê-sô. Tại sao ông lại dùng ẩn dụ quân sự cách chi tiết trong khi ông rất quan tâm đến hòa bình? Ê-phê-sô 1:2; 2:14, 15, 17; 4:3; 6:15, 23.
Phao-lô ăn mừng hòa bình vì đó là công vụ của Đấng Christ, “chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta”, Đấng “rao truyền sự hòa bình cho anh em là kẻ ở xa, và sự hòa bình cho kẻ ở gần” (Ê-phê-sô 2:14–17), thu hút người Do Thái và dân ngoại cùng nhau “lập nên một người mới” (Ê-phê-sô 2:15). Bằng cách duy trì sống động câu chuyện phúc âm về sự giải cứu của Đấng Christ và công việc sáng tạo hòa bình của Ngài, bằng cách ăn mừng chiến thắng của Ngài trong quá khứ và hướng tới tiếng reo mừng chiến thắng trong tương lai, Cơ Đốc đồ đã xỏ chân vào giày và sẵn sàng chiến đấu. Giống như sứ giả trong Ê-sai 52:7, những người tin Chúa là sứ giả công bố chiến thắng của Đấng Christ và sự bình an của Ngài.
Tuy nhiên, Phao-lô không muốn chúng ta nghĩ rằng lời kêu gọi võ trang của ông là lời kêu gọi chúng ta cầm vũ khí quân sự chống lại kẻ thù. Đó là lý do tại sao ông mô tả các tín đồ đang công bố “Tin lành bình an” (Ê-phê-sô 6:15). Ông cũng không muốn các tín hữu gây gổ trong mối liên hệ của họ với người khác, vì ông đã nhấn mạnh đến sự hiệp nhất, lời nói gây dựng và tấm lòng mềm mại (Ê-phê-sô 4:25–5:2). Hội thánh phải “gây hoà bình” bằng cách sử dụng kho vũ khí phúc âm đầy các đức tính như khiêm nhường, kiên nhẫn, tha thứ, v.v.; và các thực hành Cơ Đốc như cầu nguyện, thờ phượng. Đó là những chiến lược chỉ đến kế hoạch vĩ đại của Đức Chúa Trời nhằm hợp nhất vạn vật trong Đấng Christ (Ê-phê-sô 1:9,
10)N. hững hình ảnh lính tráng mà Phao-lô dùng có ý nghĩa gì trong đời sống tín giáo của chúng ta? “Chúa kêu gọi chúng ta mặc binh giáp vào. Chúng ta không muốn áo giáp của Sau-lơ, nhưng toàn bộ binh giáp của Đức Chúa Trời. Để rồi chúng ta có thể bắt tay vào công việc với tấm lòng tràn đầy sự dịu dàng, trắc ẩn và tình yêu thương giống như Đấng Christ”— Ellen G. White, Union Conference Record, 28/7/1899.
Các tín đồ với tư cách là chiến binh trong cuộc tranh chấp lớn nên sử dụng thuẫn, mũ sắt và gươm khi nào và như thế nào? Ê-phê-sô 6:16, 17.
Tấm thuẫn (còn gọi là khiên) của Phao-lô là một cái thuẫn hình chữ nhật lớn của lính lê dương La Mã. Được làm bằng gỗ và bọc da, các cạnh của nó cong vào trong để bảo vệ chống lại các cuộc tấn công từ hai bên. Khi ngâm trong nước, các tấm khiên “có thể dập tắt . . . các tên lửa”, dập tắt các mũi tên lửa nhúng trong hắc ín. Mô tả của Phao-lô về “đức tin làm thuẫn” phản ảnh việc Cựu Ước dùng khiên như một biểu tượng của Đức Chúa Trời, Đấng bảo vệ dân Ngài (Sáng thế Ký 15:1, Thi thiên 3:3). “Lấy thêm đức tin làm thuẫn” (Ê-phê-sô 6:16) là để bước vào trận chiến vũ trụ với lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, Đấng chiến đấu thay cho những kẻ tin Ngài, Đấng cung cấp cho họ vũ khí tốt nhất (Ê-phê-sô 6:10–13), và Đấng bảo đảm chiến thắng.
Đồng thời, nón ra trận của người La Mã được làm bằng sắt hoặc đồng để bảo vệ đầu. Quanh nón có thêm nhiều bảng kim loại để bảo vệ cổ, tai, trán và má. Cái nón sắt bảo vệ những bộ phận thiết yếu của đầu, “lấy sự cứu chuộc làm mão trụ” (Ê-phê-sô 6:17) tượng trưng cho sự cứu rỗi hiện tại mà các tín đồ kinh nghiệm được qua sự hiệp một với một Đấng Christ phục sinh, thăng thiên và cao trọng (Ê-phê-sô 2:6–10). “Lấy sự cứu chuộc làm mão trụ” có nghĩa là bác bỏ sự sợ hãi các quyền lực thuộc linh— chuyện thường thời ấy—và thay vào đó, tin cậy vào quyền năng tối cao của Đấng Christ (so sánh Ê-phê-sô 1:15–23; 2:1–10).
Vũ khí cuối cùng của bộ áo giáp là “cầm gươm của Đức Thánh Linh, là lời Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 6:17). Đây là thanh gươm ngắn hai lưỡi của lính lê dương La Mã. Chiến thuật đấu thông thường là ném hai mũi lao (Phao-lô không đề cập đến) rồi rút kiếm và xông tới, sử dụng thanh đoản kiếm theo chuyển động đâm. Thanh kiếm của các tín đồ là “gươm của Đức Thánh Linh” có nghĩa là nó được cung cấp bởi Thánh Linh, một vũ khí được xác định là “lời của Đức Chúa Trời”. Phao-lô bước lên phía trước như một vị tướng và kêu gọi các kẻ tin hãy chiến đấu, với lời hứa của hy vọng và chiến thắng từ Tổng tư lệnh thiêng liêng. Chính những lời hứa này, được ban hành trong Ê-phê-sô 6:10–20, tạo nên “lời của Đức Chúa Trời” như là vũ khí chính trong cuộc chiến chống lại tà ác. “Lời của Đức Chúa Trời” đề cập đến những lời hứa bao quát của phúc âm mà chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh.
Tuy chúng ta không thích cho lắm những hình ảnh quân sự, nhưng hình ảnh ẩn dụ này dạy chúng ta điều gì về sự thật của một tranh chấp vĩ đại và chúng ta phải thận trọng ra sao?
Khi kết thúc lời hô hào chiến đấu của mình, Phao-lô thúc dục các tín hữu—như là binh sĩ—hãy tham gia vào sự cầu nguyện cần yếu và liên tục “cho các thánh đồ” (Ê-phê-sô 6:18) và cho chính ông, một sứ giả bị cầm tù (Ê-phê-sô 6:19, 20). Lời kêu gọi cầu nguyện này có thể được xem như là phần nới rộng của hình ảnh quân sự, vì kêu cầu Chúa (hoặc các vị thần) trong lời cầu nguyện là một thông lệ trên chiến trường thời xưa. Một ví dụ trong Kinh Thánh: sau lời hô hào xung trận của Gia-ha-xi-ên, “Giô-sa- phát bèn cúi sấp mặt xuống đất; và cả Giu-đa và dân cư thành Giê-ru-sa- lem đều sấp mình xuống trước mặt Đức Giê-hô-va mà thờ lạy Ngài” (2 Sử ký 20:18). Mặc dù cầu nguyện không phải là món võ trang thứ bảy, nhưng đó là một phần không thể thiếu trong lời hịch ra trận và ẩn dụ quân sự của Phao-lô.
Trong hai lời xin cầu nguyện, thứ nhất, Phao-lô yêu cầu người nghe hãy tham gia vào lời cầu nguyện nhiệt thành, khẩn cấp và kiên trì “cho hết thảy các thánh đồ” (Ê-phê-sô 6:18). Nếu hội thánh muốn thành công trong cuộc chiến chống lại quyền lực của ma quỷ, thì hội thánh cần thực tập việc lệ thuộc vào Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện được Thánh Linh soi dẫn.
Lời xin cầu nguyện thứ hai của Phao-lô là cho chính ông: “Cũng hãy vì tôi mà cầu nguyện” (Ê-phê-sô 6:19). Ông xin cầu nguyện để Chúa có thể ban cho ông giảng dạy đúng thông điệp, đúng lúc, đúng cách, và giảng một chủ đề quan trọng nhất, “lẽ mầu nhiệm của đạo Tin lành” (Ê-phê-sô 6:19). Cụm từ cuối cùng này đề cập đến điều mà chúng ta có thể gọi là “bí mật công khai” về sự can thiệp của Đức Chúa Trời qua Đấng Christ để cứu chuộc dân ngoại cùng với người Do Thái (xem Ê-phê-sô 3:1–13), “lập nên một người mới trong Ngài” (Ê-phê-sô 2:15; Ê-phê-sô 2:11–22) như một dấu hiệu của kế hoạch bao quát “hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Christ” (Ê-phê-sô 1:10).
Xem lại “những lời kêu gọi cầu nguyện” sau đây trong Tân Ước. Lời cầu nguyện nào cảm kích bạn nhất? Tại sao? Lu-ca 18:1–8; Phi-líp 4:6; Cô- lô-se 4:2; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:16–18.
Tại sao các tín đồ thường được khuyến khích tham gia cầu nguyện cách sốt sắng và kiên trì? Phép ẩn dụ về quân sự của Phao-lô gợi ý hai câu trả lời:(1) mối đe dọa của trận chiến thuộc linh chống lại một loạt kẻ thù siêu nhiên là rất nghiêm trọng và có thật; (2) Đức Chúa Trời hứa ban cho sức mạnh thuộc linh và chiến thắng được minh họa qua hình ảnh quân đội của Phao-lô (Ê-phê-sô 6:10–17). Sự cầu nguyện tha thiết, kiên trì tạo cơ hội cho chúng ta lắng nghe cẩn thận các lời hứa này, hoan nghênh chúng và cảm tạ Đức Chúa Trời về những nguồn ân điển của Ngài.
“Một đội binh trong chiến trận có thể trở nên rối loạn và suy yếu khi các binh sĩ không phối hợp với nhau. Nếu những người lính cứ tự ý hành động theo những ý tưởng bốc đồng của họ, không cần tham khảo vị trí và công việc của nhau, thì họ chỉ như là một tập hợp các nguyên tử độc lập; không thể đảm nhiệm công việc của một cơ quan có tổ chức. Vì vậy, những chiến sĩ của Đấng Christ phải hành động trong hòa hợp. Không có sự yêu chuộng riêng ai. Nếu họ làm như vậy, dân sự của Chúa ở một nơi có sự hoàn toàn hòa hợp, đồng tâm, nhất trí, và hiến dâng cho một mục tiêu lớn lao, sẽ thấy những nỗ lực họ không có kết quả, thời gian và khả năng của họ bị lãng phí. Đoàn kết là sức mạnh. Một vài linh hồn tin đạo, hành động trong hòa hợp và cho một mục đích lớn, dưới sự chỉ huy của một người, sẽ giành được chiến thắng trong mọi cuộc chạm trán.”—Ellen G. White, Spalding and Magan Collection, trang 121.
Việc Phao-lô gán cho mình “sứ giả ở trong vòng xiềng xích” (Ê-phê-sô 6:20) có ý nghĩa gì?
Vai trò của các đại sứ trong thời chiến rất là quan trọng nên cách Phao- lô mô tả chính mình phù hợp với ẩn dụ quân sự của ông. Các đại sứ phải được sự kính nể dành cho chính nhân vật hay quốc gia đã cử họ đến. Vì vậy, chúng ta thấy có sự tương phản rõ rệt giữa địa vị của Phao-lô với tư cách là đại sứ cho Đấng Cai trị Tối cao của Vũ trụ và sự vô cùng bất kính thể hiện qua xiềng xích của ông. Tuy nhiên, vì các đại sứ cũng đeo “xiềng xích văn phòng”, nên việc Phao-lô đề cập đến “vòng xiềng xích” có thể “thêm gia vị mỉa mai”, trong đó ông coi xiềng xích của mình là “một vật trang trí được đeo cách hãnh diện.”—David J. Williams, Paul’s Metaphors: their Context and Character (Peabody, MA: Hendrickson, 1999), trang 152.
ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Tại góc trời của bạn trong một thế giới chia rẽ và chiến tranh, việc “gây hòa bình” có ý nghĩa gì đối với bạn và hội thánh? Làm thế nào chúng ta có thể là người gây hòa bình trong một thế giới ngày càng hung hăng và bạo lực?
Những “tên lửa” cụ thể nào đang được ném về phía bạn? Làm thế nào bạn có thể chắc chắn rằng “thuẫn đức tin” của bạn đã sẵn sàng để dập tắt chúng?
Đôi khi chúng ta nói về “những chiến sĩ cầu nguyện.” Làm thế nào chúng ta có thể tiến hành “chức vụ cầu nguyện” dựa trên Ê-phê-sô 6:18–20?
Chúng ta nên đối xử thế nào với những người bị thương trên chiến trường của cuộc tranh chấp vĩ đại? Chúng ta nên đối xử thế nào với tín đồ Đấng Christ, những người trong lúc trận chiến sôi động, đã chạy trốn vì sợ hãi hoặc công khai đầu hàng phía bên kia?
CÂU GỐC: “Vả lại, anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài. Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ” (Ê-phê-sô 6:10, 11).
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Ê-phê-sô 6:10–20; Phục truyền 20:2– M4; Rô-ma 13:11–14; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:6–8; 1 Cô-rinh-tô 15:23, 24.
Nghiên cứu phần kết luận hùng hồn trong bức thư của Phao-lô, Ê-phê- sô 6:10–20. Lời gọi giao chiến của Phao-lô có ý nghĩa gì đối với chúng ta hôm nay, là những chiến sĩ trong cuộc tranh chấp vĩ đại?
Phao-lô kết thúc thư Ê-phê-sô với lời kêu gọi chiến đấu, thúc giục mọi kẻ tin hãy giữ vững lập trường trong cuộc chiến tranh chống lại điều ác (Ê-phê-sô 6:10–20). Ông bắt đầu bằng một lời khuyên bao quát là “anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa”, mà ông lặp lại như một lời kêu gọi “Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời.” Ông hỗ trợ lời kêu gọi này bằng cách nêu lên một mục đích: để có thể đứng vững mà chống lại những âm mưu của ma quỷ (6:11), một lý do:trận chiến là để chống lại những thế lực thuộc linh xấu xa và hùng mạnh (6:12). Sau đó, Phao-lô tuyên bố lại lời kêu gọi trang bị khí giới với nhiều chi tiết. Các tín đồ “hãy lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời” để đứng vững trong trận chiến (6:13), thắt lưng, áo giáp, giày, khiên, mũ sắt và gươm (6:14–17). Phao-lô kêu gọi các tín đồ, giờ đã được trang bị đầy đủ và sẵn sàng bước vào cuộc chiến, hãy làm những gì mà những người lính trên chiến trường thời xưa đã làm—đó là cầu nguyện (6:18–20).
Bằng cách lặp lại những lời cổ võ chiến đấu hoặc những bài diễn văn khích lệ trước khi giao chiến trong Cựu Ước, Phao-lô dùng ngôn ngữ quân sự tác chiến và vũ khí để nói về sứ mạng của hội thánh. Trong mệnh lệnh đầu tiên, bao quát của ông, Phao-lô nhấn mạnh: “phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài” (Ê-phê-sô 6:10).
Những lời hô hào xung trận trong Cựu Ước (xem Phục truyền 20:2–4; Các Quan Xét 7:15–18; 2 Sử Ký 20:13–20; 2 Sử Ký 32:6–8; Nê-hê-mi 4:14, 19, 20) nhấn mạnh ý tưởng rằng sự thành công của Y-sơ-ra-ên trong trận chiến không tuỳ thuộc vào việc họ có vũ khí trội hơn hoặc quân đội họ đông hơn kẻ thù. Thay vào đó, chiến thắng là kết quả của việc tùy thuộc vào sự hiện diện và quyền năng của Đức Chúa Trời. Chìa khóa thành công không phải là sự tự tin vào bản thân mà là sự tin tưởng vững chắc vào quyền năng của Đức Chúa Trời và sự chu cấp của Ngài. Phao-lô mạnh dạn sử dụng những chủ đề này để khích lệ các tín đồ: (1) tích cực theo đuổi sứ mạng của hội thánh; (2) chú tâm đến những chiều hướng vô hình gây ảnh hưởng đến đời sống và việc làm chứng của họ; (3) nhận thức được sự trợ giúp thiên liêng cho họ thành công; và (4) luôn ý thức tầm quan trọng của sự hiệp một và cộng tác giữa các tín hữu.
Lời cảnh báo của Phao-lô rằng chúng ta không phải đánh trận cùng thịt và huyết mà là cùng những kẻ thù siêu nhiên dạy chúng ta biết đâu là niềm hy vọng chiến thắng duy nhất của chúng ta ?
Phao-lô kết thúc bức thư với lời kêu gọi chiến đấu mạnh mẽ, gom góp lại các chủ đề và ý tưởng quan trọng cho toàn bộ bức thư. Chủ đề bao quát của phần kết luận, được nhấn mạnh như lời hô hào của một người chỉ huy trước khi ra trận: “anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài” (6:10). Phần còn lại của đoạn văn (câu 11–20) minh họa và giải thích chủ đề lớn này.
Đọc lại Ê-phê-sô 6:10–20. Trọng tâm của những điều Phao-lô muốn nêu ra là thực tế của cuộc tranh chấp vĩ đại dính dấp đến những quyền lực siêu nhiên. Tại sao điều này lại là quan trọng trong bước đi mỗi ngày của chúng ta với Đức Chúa Trời?
Phao-lô dùng cụm từ “mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài” xác định Đấng Christ là Nguồn của sức mạnh cho các tín đồ. Phao- lô dùng chữ “Chúa” cũng là Đấng Christ nhiều lần trong Ê-phê-sô (2:21; 4:1, 17; 5:8; 6:1, 21). “Sức mạnh của Giáo hội nằm trong sức mạnh toàn năng của Chúa phục sinh, Vị chỉ huy chiến trận của Giáo hội.”—G. G. Findlay, The Epistle to the Ephesians (New York: 1931), trang 398.
Phao-lô lặp lại nhiều lần ý tưởng trong Ê-phê-sô 6:10, dùng những chữ có đồng nghĩa quyền lực và sức mạnh để nhấn mạnh quan điểm của mình: quyền lực được bày tỏ bởi hội thánh không phải là có sẵn trong các tín đồ mà là đến từ một nguồn. Nó đến từ Chúa, từ Đấng Christ. Phao-lô tóm tắt ở đây một chủ đề quan trọng của bức thư: quyền năng của Đức Chúa Trời được chia sẻ với những người tin Chúa (Ê-phê-sô 1:19–22; 2:4–6; 3:16, 17). Sức mạnh cho mọi cuộc xung đột hiện tại và tương lai là được tìm thấy trong tình đoàn kết của các kẻ tin với Đấng Christ phục sinh và cao trọng.
Không chỉ Đấng Christ tích cực trong việc cung cấp sức mạnh cho các tín đồ (Ê-phê-sô 6:10), mà cả ba Đấng của Ngôi Trời cách đều tham gia vào việc củng cố họ để đánh trận thuộc linh chống lại điều ác. Đức Chúa Trời (Cha) cung cấp vũ khí của chính Ngài là “mọi khí giới của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 6:11, 13; so sánh Ê-sai 59:17). Phao-lô cũng đã xác định Đức Thánh Linh tích cực củng cố các tín đồ bằng cách cầu nguyện rằng Đức Chúa Trời “khiến anh em được quyền phép bởi Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng” (Ê-phê-sô 3:16). Ở đây, chính Đức Thánh Linh ban gươm, “cầm gươm của Đức Thánh Linh, là lời Đức Chúa Trời” (6:17). Ngoài ra, các tín đồ phải luôn cầu nguyện và nài xin trong Thánh Linh ( 6:18). Phao- lô muốn đọc giả hiểu rằng ba ngôi Đức Chúa Trời hoàn toàn tham gia vào việc trang bị cho họ để chiến đấu chống lại những thế lực gian ác này.
Đọc Rô-ma 13:11–14, 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:6–8, và 2 Cô-rinh-tô 10:3–6. So sánh những câu này với Ê-phê-sô 6:10–20 ? Bạn nghĩ tại sao Phao-lô dùng những hình ảnh này?
Trong các bức thư, Phao-lô thường dùng ngôn ngữ và hình ảnh quân sự, kêu gọi các tín đồ bắt chước hành vi gương mẫu của người lính. Ê-phê- sô 6:10–20 dùng ngôn ngữ quân sự, một trong những phương pháp chính ông dùng để giảng về câu chuyện phúc âm. Sau khi chiến thắng “chủ quyền cùng thế lực” tại thập tự giá (Cô-lô-se 2:15), Đấng Christ cao trọng nay thi hành kết quả của chiến thắng ấy từ địa vị cao trọng của Ngài trên các thế lực (Phi-líp 2:9–11). Chiêu mộ những người theo Ngài như là chiến sĩ trong cuộc chiến vũ trụ, Đấng Christ dẫn dắt đội quân ánh sáng hướng tới ngày chiến thắng trọng đại (1 Cô-rinh-tô 15:54–58; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:8, Rô-ma 16:20).
Thu thập những cách Phao-lô sử dụng biểu tượng quân sự, chúng ta thấy rằng ông hiểu sự xung đột giữa thiện và ác là “một cuộc chiến tranh vũ trụ trường kỳ: những trận chiến khi lên khi xuống giữa hai đạo quân đối đầu nhau qua các thời đại cho đến khi một bên giành chiến thắng trong cuộc đối đầu cuối cùng.”—Peter W. Macky, St. Paul’s Cosmic War Myth: A Military Version of the Gospel (New York: Peter Lang Publishing, Inc., 1998), trang 1.
Chủ đề thường xuyên của Phao-lô về chiến tranh vũ trụ cũng là một phần của sách Ê-phê-sô. Trong lời kêu gọi chiến đấu (Ê-phê-sô 6:10–20), Phao-lô tập hợp các yếu tố của cuộc xung đột vũ trụ mà ông đã dùng: a. Đức Chúa Trời ban cho tín đồ “sức mạnh” bao la (Ê-phê-sô 1:18–20; 3:16, 20); b. Chiến thắng và vinh quang của Đấng Christ đối với các thế lực (Ê-phê-sô 1:20–23);
c. Các tín đồ như một đoàn quân, tưởng như đã chết, nay được hồi sinh và được ban cho quyền năng nhờ danh tính của họ cùng với Đấng Christ cao trọng, có thể chiến đấu chống lại chủ nhân đen tối trước đây của họ (Ê-phê-sô 2:1–10); d. Vai trò của hội thánh trong việc tiết lộ cho các thế lực về kết cuộc sắp đến của chúng (Ê-phê-sô 3:10); e. Dùng Thi thiên 68:18 để miêu tả Đấng Christ như một chiến tướng thiên thượng, chinh phục (Ê-phê-sô 4:7–11); và f. lời kêu gọi các tín đồ “mặc lấy” áo giáp phúc âm (Ê-phê-sô 4:20–24). Khi được gọi để mặc lấy “bộ áo giáp đầy đủ” của Đức Chúa Trời, chúng ta đã chuẩn bị kỹ càng để không những hiểu vai trò chính trong cuộc xung đột vũ trụ, và đồng thời, chúng ta cũng phải vững chắc trong niềm tin rằng mình được tham gia vào sự chiến thắng cuối cùng của Đấng Christ.
Cá nhân bạn có trải nghiệm gì về thực tế a) của cuộc xung đột vũ trụ này? b) của chiến thắng mà chúng ta có thể dành lấy cho chính mình trong Chúa Giê-su? Tại sao hiểu được điều ấy (chiến thắng của Ngài cho chúng ta) là nền tảng cho hy vọng và kinh nghiệm của chúng ta?
Đọc Ê-phê-sô 6:10–20, lưu ý mỗi lần Phao-lô sử dụng một số dạng của động từ đứng. Tại sao ý tưởng này lại quan trọng với ông như vậy?
Chúng ta phải hiểu ẩn dụ quân sự của Phao-lô trong bối cảnh chiến trường thời xưa. “Đứng” có nghĩa gì (Ê-phê-sô 6:11, 13, 14)? Có phải động từ gợi ý cho một tư thế cho phòng thủ mà thôi? Trong các tác phẩm của Thucydides, một trong những tác giả cổ điển vĩ đại của văn học chiến đấu, những bài viết về trận chiến có nêu rõ ba hành động liên tiếp phải xảy ra nếu một phe muốn thắng: (1) binh lính phải “áp cận kẻ thù”, nghĩa là họ phải tiến quân để gặp đối phương; (2) sau đó, họ phải tấn công và “đứng vững,” “chiến đấu tay đôi với kẻ thù của họ”; (3) Cuối cùng, họ phải “đánh trả kẻ thù” (Thucydides, The Peloponnesian War [New York: E. P. Dutton, 1910], 4.10.1–5).
Trong chiến trận thuở xưa, giây phút then chốt xảy ra với hành động thứ hai, khi hai phe xáp vào nhau trong “âm thanh rối loạn khủng khiếp của đồng, gỗ, thịt, máu” mà tác giả cổ đại Xenophon gọi là “tai nạn khủng khiếp.”—Victor Davis Hanson, The Western Way of War (New York: Oxford University Press, 1989), trang 152, 153. Đứng vững, giữ vững chỗ đứng vào thời điểm chiến lược này, là thách thức lớn của các trận chiến thời xưa. Trong tác chiến xảy ra sau đó, mỗi bên sẽ hết sức tìm kiếm mọi động lực để áp đảo đối phương.
Lời kêu gọi tham chiến của Phao-lô phản ảnh trận chiến trong đó những người lính “chụm lại với nhau, cho ra và nhận vào hàng trăm cú đòn kề sát.”—Victor Davis Hanson, The Western Way of War, trang 152. Phao-lô miêu tả trận chiến của hội thánh chống lại kẻ thù như một cuộc đô vật (Ê-phê-sô 6:12; xem phần nghiên cứu ngày Thứ Năm). Ông dùng động từ không chỉ “đứng” mà phải là “đứng vững vàng” trong câu 13: “hầu cho trong ngày khốn nạn . . . anh em được đứng vững vàng.”
Đây không phải là đứng cách thoải mái! Vậy thì “đứng vững vàng” có nghĩa là hăng hái tham chiến, sử dụng mọi vũ khí trong trận tác chiến, một điểm rõ ràng từ hình ảnh quân sự trong lời khuyên trước đó của Phao-lô là “một lòng đứng vững, đồng tâm chống cự vì đức tin của đạo Tin lành” (Phi-líp 1:27).
Đọc Hê-bơ-rơ 12:4. Câu này giúp gói gọn ý nghĩa của việc đứng vững trong Chúa ra sao?
Bạn nghĩ mục đích của Phao-lô là gì khi liệt kê đủ loại danh hiệu cho các thế lực thuộc linh tà ác mô tả trong Ê-phê-sô 1:21; 3:10 và 6:10–20?
Phao-lô viết “vì chúng ta đánh trận” (Ê-phê-sô 6:12), dùng một từ Hy Lạp để chỉ sự cạnh tranh giữa các đô vật (palé). Vì đô vật được coi là một chuẩn bị tuyệt hảo cho chiến trận, mô tả này thích hợp để nói về việc vũ khí–chống–vũ khí hoặc chiến đấu tay đôi diễn ra khi hai đạo quân xung đột. Phao-lô nhấn mạnh thực tế của việc tín đồ phải chống chọi tận tay với các thế lực gian ác.
Đây là những tên hiệu ông đặt cho họ:
Ê-phê-sô 1:21 : kẻ cầm quyền, mọi thế lực, mọi quân chủ, mọi danh Ê-phê-sô 3:10 : kẻ làm đầu, bậc cầm quyền
Ê-phê-sô 6:12 : chủ quyền, mọi thế lực, vua chúa thế gian mờ tối, thần
dữ các miền trên trời
Trong phần mô tả tổng quát của ông (“mọi danh” Ê-phê-sô 1:21); (“các
thần dữ ở các miền trên trời” 6:12) Phao-lô xác định rằng mọi quyền lực tà ác và siêu nhiên đều bị khuất phục bởi Đấng Christ (Ê-phê-sô 1:21). Tuy nhiên, trong bất kỳ trận chiến nào, việc coi thường lực lượng của đối phương không bao giờ là một chiến lược tốt. Phao-lô cảnh báo rằng chúng ta không chỉ đối đầu với kẻ thù có xương thịt, mà còn với “các thần dữ ở các miền trên trời”, cầm đầu bởi một vị tướng quỷ quyệt—ma quỉ (Ê-phê- sô 6:11). Tuy nhiên, trong khi chúng ta phải cảnh giác trước những kẻ thù hùng mạnh, chúng ta không cần phải để chúng khiến chúng ta nản lòng. Đức Chúa Trời hiện diện với chúng ta trong chiến trận và cung cấp cho chúng ta vũ khí tốt nhất, áo giáp của chính Ngài, “khí giới của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 6:11; so sánh Ê-sai 59:15–17). Ngài đã đặt dưới quyền sử dụng của chúng ta lẽ thật, sự công bình, sự bình an, đức tin, sự cứu rỗi và Đức Thánh Linh của Ngài (Ê-phê-sô 6:13–17). Với Đức Chúa Trời đi trước chúng ta và chúng ta được trang bị từ đầu đến chân trong bộ khí giới mà Ngài đã cung cấp, chúng ta không thể thất bại (Rô-ma 16:20; 1 Cô-rinh-tô 15:23, 24; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:8).
Thực tế của những quyền lực ma quỷ siêu nhiên này—mà chính chúng ta hoàn toàn bất lực trước chúng—dạy gì về lý do tại sao chúng ta phải nắm lấy Chúa Giê-su, Đấng không những vĩ đại hơn những quyền lực này mà còn đã đánh bại chúng?
“Công việc của chúng ta là phải mạnh dạn, và với tư cách là những người lính trung thành của Chúa Giê-su, chúng ta phải mang ngọn cờ nhuốm máu tiến vào chính những đồn lũy của kẻ thù. ‘Chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối này, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy.” Nếu chúng ta thoả thuận bỏ vũ khí xuống, hạ các cờ xống vấy máu, để trở thành tù nhân và tôi tớ của Sa-tan, chúng ta có thể được giải thoát khỏi xung đột và đau khổ. Nhưng để đạt được sự bình an này chúng ta sẽ phải mất Đấng Christ và thiên đàng. Chúng ta không thể chấp nhận hòa bình với những điều kiện như vậy. Hãy để nó là chiến tranh, chiến tranh, cho đến tận cùng lịch sử trái đất, hơn là hòa bình qua sự bội đạo và tội lỗi.”—Ellen G. White, The Review and Herald, 8/5/1888.
Ê-phê-sô 6:10–20 liên quan như thế nào đến sách Khải huyền? Đoạn văn thể hiện cùng một quan điểm cơ bản về các việc xảy ra trong ngày sau cùng, hay thuyết cánh chung (eschatology), giống như ý tưởng chiến trận trong sách Khải huyền (xem Khải huyền 12; 16:12–16; 19:17–21; 20:7–10). Trong cả hai trường hợp, dân của Đức Chúa Trời đang bị tấn công bởi kẻ thù “ở các nơi trên trời” và “đang hoạt động ráo riết và hùng mạnh trong thời đại hiện tại”. Trong cả hai trường hợp, dân Đức Chúa Trời được khích lệ bởi “bức tranh về tương lai”. Hơn nữa, “cả hai quang cảnh đều rõ ràng chỉ đến trận chiến cuối cùng khi kẻ thù sẽ bị chinh phục hoàn toàn, sau đó thời đại mới sẽ được thiết lập vĩnh viễn”. Đó là một thời đại mới trong đó “sự vinh hiển cuối cùng của dân Đức Chúa Trời” và “sự diệt vong đời đời của kẻ thù” sẽ được thấy rõ ràng. (Xem Yordan Kalev Zhekov, Eschatology of the Ephesians, (Osijek, Croatia: Evangelical Theological Seminary, 2005), trang 217, 233–235.)
ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Đã có khi nào bạn đương đầu cách rõ ràng với quyền lực của bóng tối? Bạn đã tìm thấy những chiến lược hữu ích nhất vào thời điểm đó là gì?
Qua Ê-phê-sô 6:10–20 bạn học được gì để giúp một người giống như đang bị áp đảo bởi “các thế lực thuộc linh của ma quỷ”?
Cách tốt nhất để chúng ta phân biệt và bác bỏ “mưu kế của ma quỷ” (Ê-phê-sô 6:11) là gì? Chẳng hạn, có lúc nào bạn cảm thấy như muốn bỏ cuộc, muốn từ bỏ đức tin vì nhận thấy mình quá tội lỗi, quá bại hoại để được cứu không? Ai đặt ý tưởng đó vào đầu bạn—Đấng Christ hay thế lực bóng tối? Vào những lúc như thế, tại sao bạn cần phải đòi lấy những lời hứa diệu kỳ mà chúng ta đã được ban cho qua Đức Chúa Giê-su?
CÂU GỐC:“Hỡi anh em là người làm chủ, hãy đối đãi kẻ tôi tớ mình đồng một thể ấy, đừng có ngăm dọa chúng nó, vì biết rằng mình với chúng nó đều có một chủ chung ở trên trời, và trước mặt Ngài chẳng có sự tây vị ai hết” (Ê-phê-sô 6:9).
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Ê-phê-sô 6:1–9; Mác 10:13–16; Cô-lô-se 3:21; 1 Phi-e-rơ 2:18–25; 2 Cô-rinh-tô 5:10; Cô-lô-se 3:24, 25.
Phao-lô có lời khuyên nào cho con cái, và ông hỗ trợ lời khuyên đó với Cựu Ước như thế nào? Ê-phê-sô 6:1–3. (Cũng xem Ma-thi-ơ 18:1–5, 10; Mác 10:13–16.)
Để hiểu được thông suốt lời khuyên của Phao-lô cho kẻ làm con cái, chúng ta phải hình dung lời này được đọc trong các điểm nhóm tại gia trong đô thị phồn thịnh Ê-phê-sô. Chữ “con cái” (tiếng Hy Lạp, ta tekna) có thể bao gồm nhiều độ tuổi khác nhau, vì con cái vẫn ở dưới quyền của người cha cho đến khi người cha 60 tuổi (theo truyền thống Hy Lạp) hoặc cho đến khi cha qua đời (theo truyền thống La Mã). Tuy nhiên, những “con cái” nói đến đây vẫn còn nhỏ tuổi, đang ở dưới sự huấn dạy của cha mẹ (Ê-phê-sô 6:4) nhưng chính bản thân chúng cũng đủ lớn để trở thành môn đồ.
Chúng ta nghe Phao-lô kêu gọi con cái, những người đang thờ phượng tại các điểm nhóm Cơ Đốc, hãy vâng lời và hiếu kính cha mẹ mình “trong Chúa”, tức là trong Đấng Christ (so sánh Ê-phê-sô 5:22; 6:4, 5, 7–9). Ở đây chúng ta được khuyến khích nên tôn trọng chúng vì chúng là môn đồ của Đấng Christ, và cũng nên để chúng tham gia tích cực vào việc thờ phượng. Đoạn Kinh Thánh này đã trở nên một nền tảng cho việc nuôi dạy và dẫn dắt con cái.
Mệnh lệnh “hãy vâng phục cha mẹ” của Phao-lô không phải là tuyệt đối. Khi những mệnh lệnh của cha mẹ “trái ngược với những đòi hỏi của Đấng Christ, thì dù đau lòng đến đâu, chúng [con cái] phải vâng lời Đức Chúa Trời và giao phó mọi hậu quả nơi Ngài.”—Ellen G. White, The Adventist Home, trang 293.
Phao-lô hoàn thành lời khuyên của mình cho con cái bằng cách trích dẫn Điều Răn thứ năm, cho thấy tầm quan trọng ông dành cho Mười Điều Răn như một nguồn hướng dẫn cho các tín hữu Cơ Đốc (một đặc điểm rõ ràng của Ê-phê-sô 4:1–6:9; đặc biệt là Ê-phê 4:25, 28; 5:3–14). Ông bắt đầu câu trích dẫn “Hãy tôn kính cha mẹ”, ngắt lời nó bằng một lời bình luận riêng (“ấy là điều răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo” Ê-phê-sô 6:2), và sau đó tiếp tục phần trích dẫn “hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất” (Ê-phê-sô 6:3). Điều răn thứ năm làm chứng rằng việc hiếu kính cha mẹ là một phần của kế hoạch Đức Chúa Trời giúp con người phát triển. Việc kính trọng cha mẹ, dù họ có thể không hoàn hảo, sẽ giúp nuôi dưỡng sức khỏe và hạnh phúc.
Những câu Kinh Thánh trên đã củng cố tầm quan trọng của mối liên hệ gia đình ra sao?
So sánh Ê-phê-sô 6:4 và Cô-lô-se 3:21. Cô-lô-se 3:21 cung cấp động lực nào để tránh chọc tức con cái?
Sirach, một tài liệu Do Thái có vào thời Phao-lô, khuyên những người cha về cách đối xử với con trai mình: “Thương con cho roi cho vọt . . . Nuông chiều một đứa trẻ, nó sẽ khủng bố bạn; chơi với nó, nó sẽ làm bạn đau buồn. . . . Hãy kỷ luật con trai của bạn và làm cho ách của nó nặng nề, để bạn không bị xúc phạm vì sự vô liêm sỉ của nó” (Sirach 30:1, 9, 13).
Lời khuyên của Phao-lô mang một giọng điệu rất khác. Đầu tiên, ông đưa ra mệnh lệnh ở thể phủ định cho những bậc làm cha mẹ: “chớ chọc cho con cái mình giận dữ,” tiếp theo là mệnh lệnh tích cực: “hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó” (Ê-phê-sô 6:4). Vào thời của Phao-lô, người cha có toàn quyền hợp pháp đối với con cái, những đứa trẻ được coi là tài sản của ông. Những người cha có quyền trừng phạt con cái bằng bạo lực, thậm chí mang lại cái chết. Đúng vậy, ở vài khía cạnh, quyền lực của người cha đối với con cái vượt quá quyền lực của chủ nhân đối với nô lệ của mình. Phao-lô không ủng hộ quyền lực đó nhưng mạnh dạn làm sáng tỏ và định dạng lại các mối liên hệ gia đình. Trong bối cảnh của lòng trung thành tuyệt đối với Đấng Christ, Phao-lô mời những người cha Cơ Đốc nhân suy nghĩ lại về việc sử dụng quyền lực của mình vì khi con cái bị chọc cho giận dữ, chúng sẽ không ở trong trạng thái yên tỉnh để chấp nhận “sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa” (Ê-phê-sô 6:4).
“Hỡi các bậc làm cha mẹ, trong nhà, anh chị là đại diện cho tâm tính của Đức Chúa Trời. Anh chị đòi hỏi sự vâng lời, không phải bằng lời nói như cơn bão, mà bằng thái độ tử tế, yêu thương. .
“Hãy dễ chịu trong nhà. Hãy kiềm chế mọi lời nói có thể kích thích sự hung hăng không thánh thiện gơi dậy tâm tính không thánh thiện. ‘Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ’, là một mệnh lệnh thiêng liêng. . . .
“Lời Đức Chúa Trời không cho phép cha mẹ đối xử nghiêm khắc và áp bức, hoặc con cái bất hiếu với cha mẹ. Luật pháp của Đức Chúa Trời, trong đời sống gia đình và trong các chính phủ của các quốc gia, bắt nguồn từ một trái tim của tình yêu vô hạn.”—Ellen G. White, Child Guidance, trang 259.
Mặc dù bài học ở đây đối phó đến sự liên hệ giữa cha mẹ và con cái, nhưng chúng ta có thể rút ra những nguyên tắc nào để cư xử với những người khác?
Đọc những lời khuyên dành cho nô lệ và chủ nhân trong các đoạn sau:Ê- phê-sô 6:5–9; Cô-lô-se 3:22–4:1; 1 Cô-rinh 7:20–24; 1 Ti-mô-thê 6:1, 2; 1 Phi-e-rơ 2:18–25. Bạn có thể tóm tắt lời khuyên này ra sao?
Thật hơi sửng sốt khi nghe Phao-lô khuyên dạy các chủ nhân Cơ Đốc và khi tưởng tượng những nô lệ và chủ nhân, tất cả đều là Cơ Đốc nhân cùng nhau nhóm họp tại các điểm nhóm tại gia ở Ê-phê-sô. Chế độ nô lệ trong thế giới Hy Lạp – La Mã có thể khác nhiều với chế độ nô lệ sau này ở Thế giới Mới. Nó không tập trung vào một nhóm dân tộc duy nhất. Những nô lệ thành thị, hay nô lệ hầu việc nhà đôi khi có được cơ hội học hành và có thể làm việc như kiến trúc sư, bác sĩ và triết gia. Những nô lệ thuộc gia đình cũng có cơ hội được trả tự do sau một thời gian phục vụ nhưng hấu hết các nô lệ không bao giờ lấy lại được tự do. Trong nỗ lực thừa nhận những khác biệt như vậy, một số bản Kinh Thánh gần đây đã dịch thuật ngữ tiếng Hy Lạp doulos (“nô lệ”) trong Ê-phê-sô 6:5–8 là “tôi tớ”.
Tuy nhiên, những đặc điểm kể trên thực hiện không được đồng đều, với nô lệ ở các vùng nông thôn thường phải lao động nặng nhọc. Bất kể phục vụ ở đâu, nô lệ đều phải tuân theo quyền lực gần như vô hạn và thẩm quyền của chủ nhân, người sở hữu họ và cả vợ/chồng con cái họ. Lời than khóc của cựu nô lệ Publilius Syrus thật đầy ám ảnh: “Đẹp thay cái chết hơn là sống tủi nhục như một tên nô lệ.” Với thực trạng này, dịch doulos là “nô lệ” đúng nghĩa hơn, nhất là những nô lệ này luôn sống dưới sự đe dọa của chủ nhân (Ê-phê-sô 6:9).
Chế độ nô lệ luôn hiện diện trong thế giới của Phao-lô. Ông đề cập đến nó, không phải với tư cách là một nhà cải cách xã hội mà với tư cách là một mục sư tư vấn cho các tín đồ cách đối phó với thực tại. Ông đưa ra một tầm nhìn mới tập trung vào sự thay đổi của mỗi cá nhân, điều mà sau này có thể có ý nghĩa rộng lớn hơn đối với xã hội nói chung: “Tầm nhìn của Phao- lô không phải để điều động cho việc chế tạo nô lệ trong Đế quốc La Mã. Đúng ra, quan điểm của ông là về một mối thông công xây dựng trên tình huynh đệ mới—một tình huynh đệ căn cứ trên việc họ đã được Đức Chúa Trời nhận làm con. . . . Đối với Phao-lô, cuộc cách mạng xã hội sẽ phải xảy ra trong hội thánh, trong thân thể Đấng Christ, ở cấp địa phương, trong hội thánh tại gia và trong gia đình Cơ Đốc nhân.”—Scot McKnight, The Letter to Philemon (Eerdmans Publishing Company , 2017), trang 10, 11.
Một trong những vết nhơ lớn trong lịch sử đạo Chúa là cách một số người dùng những đoạn Kinh Thánh về chế độ nô lệ này để biện minh cho việc tiếp tục tệ đoan nô lệ. Chúng ta học được điều quan trọng nào về việc chúng ta phải cẩn thận trong cách sử dụng Lời Chúa?
Phao-lô đòi hỏi các nô lệ Cơ Đốc nhân điều gì qua những lời khuyên dạy ông dành cho họ? Ê-phê-sô 6:5–8.
Phao-lô yêu cầu các nô lệ Cơ Đốc nhân phải vâng lời chủ và hầu việc hết lòng, xuất sắc. Điều đáng chú ý là rất nhiều lần ông nhắc nhở họ về một sự thay thế lớn mà ông muốn họ phải làm. Họ không được đặt chủ nhân của mình vào vị trí của Đấng Christ, dâng cho ông ta lòng trung thành chỉ được thuộc về Đấng Christ. Vậy nên, trong những cam kết và lòng trung thành thúc đẩy sự hầu việc tận tâm và xuất sắc của họ với người chủ, họ phải thay thế, nay cho Đấng Christ, Chúa. Khi khuyến khích sự thay thế thiết yếu này, Phao-lô cống hiến cho tín đồ một sự hiểu biết mới về mối quan hệ chủ–tớ.
Lưu ý cách Phao-lô nhấn mạnh sự thay thế này đối với họ:
* Các chủ nô lệ của họ chỉ là “chủ mình theo phần xác”; Phao-lô muốn hướng họ về một Chủ thật và ở trên trời (Ê-phê-sô 6:5).
* Họ phải phục vụ “hãy run sợ, lấy lòng thật thà mà vâng phục kẻ làm chủ mình theo phần xác, như vâng phục Đấng Christ” (Ê-phê-sô 6:5)
* Phao-lô cho thấy sự thay thế này rõ ràng nhất với lập luận rằng các người nô lệ Cơ Đốc phải có sự phục vụ chân chính với tư cách là nô lệ, không phải chỉ với chủ nhân của họ, mà như là “tôi tớ của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 6:6).
* Khi làm việc, họ phải làm như thể phục vụ “lấy lòng tốt làm theo ý muốn Đức Chúa Trời”, dâng sự phục vụ chân thành hướng về Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 6:6).
* Phao-lô khuyến khích sự hầu việc có động cơ tích cực, được dâng hiến “như hầu việc Chúa, chẳng phải như hầu việc người ta” (Ê-phê-sô 6:7).
Vì hết lòng phục vụ, các người Cơ Đốc nô lệ có thể mong đợi một phần thưởng trọn vẹn khi Đấng Christ trở lại. Họ đã làm công việc của họ cho Ngài và có thể mong đợi phần thưởng từ Ngài, một ý tưởng đặc biệt hấp dẫn đối với những nô lệ không được trả công. Một nô lệ có thể cảm thấy không được coi trọng hoặc bị khinh miệt bởi người chủ trần thế (so sánh 1 Phi-e-rơ 2:19, 20). Tuy nhiên, người nô lệ có đạo có một Chủ nhân luôn quan tâm, chú ý đến “việc lành mình đã làm” (Ê-phê-sô 6:8), và ban chắc phần thưởng.
Dầu chúng ta mong muốn Kinh Thánh công khai lên án tệ đoan nô lệ khủng khiếp này đến đâu, nhưng Kinh Thánh không làm vậy. Tuy nhiên, chúng ta có thể rút ra các nguyên tắc nào từ lời của Phao-lô để áp dụng trong bối cảnh của thời đại chúng ta trong cách đối xử với những người chúng ta làm việc với?
Trong những lời cuối cùng của Phao-lô với những người nô lệ, “bất luận tôi mọi hay tự chủ” (Ê-phê-sô 6:8), chữ “tự chủ” ám chỉ những người chủ nô lệ, Phao-lô chuyển lời khuyên sang nhóm người này, các chủ nhân ông. Phao-lô viết cho họ trong khi tưởng tượng quang cảnh lúc nô lệ và chủ nhân cùng đứng ngang hàng nhau trước Đấng Christ trong sự phán xét (so sánh 2 Cô-rinh-tô 5:10; Cô-lô-se 3:24, 25).
Giả sử bạn là một Cơ Đốc đồ làm chủ nô lệ; bạn dự phiên thờ phượng tại gia và nghe thư Ê-phê-sô được đọc, trong sự hiện diện của các nô lệ của bạn. Bạn sẽ có phản ứng thế nào trước lời khuyên của Phao-lô? Ê-phê-sô 6:9.
Trong lời khuyên dạy các chủ nhân nô lệ, Phao-lô đã làm nổi bật sự tương phản rõ rệt giữa “tự chủ” (tiếng Hy Lạp, hoi kurioi, được dịch là “người làm chủ”)—những người có thói quen “ngăm dọa” nô lệ của họ, và “Chúa” (ho kurios), Đấng Christ, Đấng “chẳng có sự tây vị”.
Phao-lô yêu cầu những người chủ đối đãi các nô lệ “đồng một thể ấy”, điều sẽ gây sốc cho một chủ nô vào thế kỷ thứ nhất. Các chủ nên đáp lại những người nô lệ của mình bằng những hành động nhân hậu bởi do lòng trung thành của họ với Đấng Christ, tương ứng với điều mà Phao-lô cũng đòi hỏi với những người nô lệ (Ê-phê-sô 6:5–8). Ông bảo các chủ ngừng đe dọa các nô lệ, một thực hành phổ biến vào thời đó, khi chủ có thể thi hành nhiều hình phạt , kể cả đánh đập (1 Phi-e-rơ 2:20), lạm dụng tình dục, bị bán (và lìa xa những người thân yêu), lao động cực khổ, đói khát, gông cùm, đóng dấu và ngay cả cái chết.
Phao-lô kêu gọi các chủ nô nhìn xa hơn các cấu trúc xã hội của thế giới Hy Lạp – La Mã, và ông hỗ trợ các mệnh lệnh của mình với hai động lực:1. Họ và những “nô lệ” là đồng nô lệ của một Chủ duy nhất (“vì biết rằng mình với chúng nó đều có một chủ chung ở trên trời”) (so sánh Cô-lô-se 4:1); 2. Chúa / Chủ xét xử không thiên vị ai. Vì Chủ của họ đối xử bình đẳng với những người bị coi là nô lệ , nên họ cũng vậy (so sánh Phi-lê-môn 15, 16).
Phần lớn ngôn ngữ của Phao-lô trong thư Ê-phê-sô sẽ đặc biệt làm phấn khởi các người Cơ Đốc nô lệ: sự được nhận làm con (Ê-phê-sô 1:5); sự cứu chuộc (Ê-phê-sô 1:7); thừa kế (Ê-phê-sô 1:11, 14; Ê-phê-sô 3:6); được đồng ngôi với Chúa Giê-su (Ê-phê-sô 2:6); trở thành “đồng quốc”, “là người nhà của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2:19; so sánh 3:14, 15) và là những bộ phận trong thân thể Đấng Christ (Ê-phê-sô 3:6, 4:1–16). Ê-phê- sô 6:5–9 kích hoạt tất cả sự dạy dỗ trong bức thư công hiệu cho mối liên hệ giữa nô lệ và chủ nô, bao gồm lời khuyên về ngôn ngữ (Ê-phê-sô 4:25–32) và đạo đức tình dục (Ê-phê-sô 5:1–14).
Việc Phao-lô kính trọng con cái và xem chúng như những người đồng đức tin (Ê-phê-sô 6:1–3) khiến chúng ta quan tâm hơn về cách chúng bị đối xử trong thế giới hiện đại. Lời ông khuyên bảo những bậc làm cha mẹ (Ê-phê-sô 6:4) mời chúng ta xem xét trách nhiệm của cha mẹ. Việc áp dụng lời khuyên của Phao-lô cho những người nô lệ (Ê-phê-sô 6:5–8), và đặc biệt là lời khuyên của ông cho những người chủ nô lệ (Ê-phê-sô 6:9), là một thách thức lớn hơn, vì bối cảnh xã hội thời Phao-lô xem như xa vời đối với nhiều người trong chúng ta, và cũng vì chúng ta biết rằng chế độ nô lệ, dưới mọi hình thức, là một trong những tệ đoan đạo đức lớn nhất. Tuy nhiên, vì đây là những lời được soi dẫn và là một phần của Kinh Thánh, chúng ta nên suy ngẫm về cách áp dụng chúng ngày nay. Cùng với các tín đồ ở Ê-phê-sô vào thế kỷ thứ nhất, chúng ta có đặc quyền và trách nhiệm áp dụng các giá trị của phúc âm vào các mối liên hệ của mình.
ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Đối với những người theo đạo Cơ Đốc Phục Lâm, tình yêu thương dành cho con cái được coi là bằng chứng của việc “sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng”. Điều đó có nghĩa gì? Lu-ca 1:17 (trích dẫn Ma-la- chi 4:6).
Trách nhiệm của chúng ta là gì trong việc mở rộng sự chăm sóc của Đấng Christ cho những trẻ em đã từng bị bạo hành, lạm dụng tình dục và xấu hổ trong những năm đầu đời? Theo bài nghiên cứu về tác động sâu sắc của Trải nghiệm Bất lợi Thời thơ ấu (hoặc ACE; xem https:// www.cdc.gov/violenceprevention/), trách nhiệm của chúng ta đối với chúng là gì?
Để tiếp tục sự kính trọng mà Phao-lô dành cho con trẻ và sự chăm sóc của Chúa Giê-su đối với chúng, hội thánh có trách nhiệm gì trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ trẻ em dưới sự chăm sóc của hội thánh? Những hệ thống và thủ tục nào cần phải có sẵng để làm việc ấy?
Lời khuyên của Phao-lô cho nô lệ và chủ nô, Ê-phê-sô 6:5–9, thường được áp dụng cho mối quan hệ giữa người làm công và người chủ. Điều này có thể thích hợp theo những cách nào? Những nguy hiểm nào xuất hiện khi làm như vậy?
Chế độ nô lệ vẫn là một thực tế nhức nhối trong thế giới của chúng ta, với hơn 40 triệu người bị bắt làm nô lệ (theo “The Global Slavery Index,” http://www.globalslaveryindex.org/). Là những người tự do mà tổ tiên thuộc linh đã kiên quyết cam kết bãi bỏ chế độ nô lệ, trách nhiệm của chúng ta đối với những người con trai và con gái của Chúa bị làm nô lệ này là gì khi chúng ta hát về Đấng Christ: “Ngài sẽ bẻ gãy xiềng xích, vì người nô lệ là anh em của chúng ta, và nhân danh Ngài mọi áp bức sẽ chấm dứt” (lời bài hát “O Holy Night”)?
CÂU GỐC: “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh, để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Đạo làm cho Hội tinh sạch, đặng tỏ ra hội thánh đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài” (Ê-phê-sô 5:25–27).
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Ê-phê-sô 5:21–33; Phi-líp 2:3, 4; TÊ-xê-chi-ên 16:1–14; 2 Cô-rinh-tô 11:1–4; Sáng thế Ký 2:15–25.
Phao-lô bắt đầu với một câu khớp nối Ê-phê-sô 5:21, nối Ê-phê-sô 5:1– 20 và Ê-phê-sô 5:22–33, trong đó ông ủng hộ các tín hữu trong hội thánh vâng phục nhau (so sánh Mác 10:42–45; Rô-ma 12:10; Phi-líp 2:3, 4). Các tín đồ phải làm như vậy “Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau” (Ê-phê-sô 5:21). Đây là lần đầu tiên Phao-lô xác định mối liên hệ với Đấng Christ là điều quan trọng và xác định nhất đối với các tín đồ.
Phao-lô có ý gì khi khuyên các tín hữu “vâng phục nhau”? Bạn hiểu ý ấy ra sao? Ê-phê-sô 5:21.
Phao-lô cũng khuyến khích những người vợ Cơ Đốc hãy “vâng phục chồng mình, như vâng phục Chúa” (Ê-phê-sô 5:22), (xem thêm 1 Phi-e- rơ 3:1, 5). Khi Phao-lô nói vậy, “như vâng phục Chúa,” có phải ông muốn nói rằng người vợ phải vâng phục chồng mình như thể ông chồng là Đấng Christ; hay thật ra, ông muốn nói rằng Đấng Christ là tiêu điểm thật nhất và cao nhất trong sự vâng phục của người vợ?
Theo Ê-phê-sô 6:7, chúng ta thấy những người nô lệ được bảo hãy hầu việc chủ “cũng như hầu việc Chúa, chẳng phải như hầu việc người ta”, và Cô-lô-se 3:18, trong đó những người vợ được yêu cầu hãy vâng phục chồng mình “y như điều đó theo Chúa đáng phải nên vậy”, vậy quan điểm thứ hai được xem là thích hợp hơn. Chính những người vợ cũng là tín đồ, những người dầu gì cũng phải tôn vinh Đấng Christ hơn chồng của họ.
Trong cả hai sách Cô-lô-se và Ê-phê-sô, Đấng Christ—và chỉ Đấng Christ—được xác định là Đầu của hội thánh, hội thánh là thân thể Ngài (Ê-phê-sô 1:22; 5:23; Cô-lô-se 1:18): “Đấng Christ là đầu Hội thánh, Hội thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội thánh” (Ê-phê-sô 5:23). Tương tự như vậy, người chồng là “đầu của vợ”, và sự chung thủy của hội thánh với Đấng Christ là hình mẫu cho lòng thủy chung của người vợ đối với chồng. Đoạn văn giả định một cuộc hôn nhân đầy yêu thương, chăm sóc cho nhau chứ không phải là một cuộc hôn nhân rối loạn chức năng. Câu Kinh Thánh này không nên được giải thích để cho phép bất kỳ hình thức đàn áp lạm dụng nào trong gia đình.
Dựa trên những gì chúng ta vừa đọc, tại sao lời khuyên sau đây rất quan trọng để ghi nhớ? Nếu chồng “là người lỗ mãng, thô bạo, huênh hoang, tự cao tự đại, hà khắc, hống hách thì tuyệt đối người chồng đó không được nói chồng là đầu vợ và buộc vợ phải phục tùng trong mọi sự; vì ông ấy không phải là Chúa, ông ấy không phải là chồng theo đúng nghĩa của chữ này.”—Ellen G. White, The Adventist Home, trang 117.
So sánh Ê-phê-sô 5:25–27, 29 với câu chuyện đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi trong Ê-xê-chi-ên 16:1–14. Những yếu tố nào của câu chuyện đó được Phao lô phản ảnh qua hình ảnh ông phác họa?
Khi Phao-lô, trong Ê-phê-sô 5:25–27, 29, dùng đám cưới—hôn nhân như một ẩn dụ cho hội thánh và mối quan hệ của hội thánh với Đấng Christ, ông đã dựa trên các phong tục và vai trò của đám cưới thời xưa. Trong mối liên hệ với Hội thánh như là cô dâu, Đấng Christ là Chàng Rể thiêng liêng, Người:
(1) Yêu Hội Thánh như cô dâu (Ê-phê-sô 5:25). Chúng ta đừng bao giờ quên rằng Ngài yêu thương chúng ta!
(2) Tự hiến mình làm giá cưới. Trong bối cảnh tổ chức đám cưới cổ xưa, chàng rể sẽ “mua” cô dâu với “giá cô dâu”, thường là một khoản tiền lớn và những vật có giá trị, lớn đến mức nó ảnh hưởng đến nền kinh tế của các làng mạc thời xưa. Đấng Christ trả giá cao nhất cho Hội thánh với tư cách là cô dâu của Ngài vì Ngài “phó chính mình vì Hội thánh” (Ê-phê-sô 5:25). Bởi hóa thân làm người và chịu chết trên thập giá, Ngài hiến chính mình làm “giá cô dâu”.
(3) Tắm cho cô dâu của Ngài. Việc chuẩn bị cô dâu là một phần quan trọng trong lễ cưới cổ xưa. Ngày nay cũng vậy, chính các phù dâu và họ hàng nữ của cô dâu đã chuẩn bị cho buổi lễ. Tuy nhiên, Phao-lô tưởng tượng ra Chàng Rể thiêng liêng chuẩn bị cô dâu của Ngài cho lễ cưới! Chính Ngài là Đấng thánh hóa và tẩy sạch nàng dâu bằng cách “lấy nước rửa” (Ê-phê-sô 5:26), một ám chỉ có thể liên quan đến phép báp-têm.
(4) Cho lời hứa. Sự rửa sạch này được thực hiện “bằng nước, tức Lời Ngài” (Ê-phê-sô 5:26), ám chỉ đến lời hứa mà Chàng Rể thiêng liêng nói với cô dâu của Ngài, có lẽ trong bối cảnh của lễ hứa hôn (so sánh Ê-phê-sô 1:3–14; 2:1–10, lưu ý những lời hứa của Đức Chúa Trời cho những người tin vào thời điểm họ theo đạo). Lễ Hứa hôn thời xưa là hình thức tương tự như lễ đính hôn thời nay, nhưng nghiêm túc hơn nhiều. Đó là một loạt các cuộc đàm phán, bao gồm một thỏa thuận bằng văn bản về giá cô dâu (mà chú rể phải cung cấp) và của hồi môn (tài sản mà cô dâu sẽ mang về nhà chồng).
(5) Chuẩn bị và trang điểm cho cô dâu. Cuối cùng, khi cô dâu được ra mắt Chú Rể của mình, cô ấy xinh đẹp lạ thường, xuất hiện trong vẻ lộng lẫy không tì vết (Ê-phê-sô 5:27). Đấng Christ không chỉ tắm cho cô dâu; Ngài cũng chuẩn bị và trang điểm cho nàng.
Những câu Kinh Thánh trên giúp chúng ta hiểu thế nào về tấm lòng của Đấng Christ đối với chúng ta? Tại sao điều này cho chúng ta nhiều an ủi?
Phao-lô dùng các yếu tố của lễ cưới thời xưa để khuyến dụ các Cơ Đốc nhân tại Cô-rinh-tô ra sao? Khi nào cô dâu được trình diện? (2 Cô-rinh- tô 11:1–4).
Sử dụng một yếu tố cuối cùng của lễ cưới thời xưa, Phao-lô, trong Ê-phê-sô 5:25–27, miêu tả Đấng Christ là Đấng: (6) đưa cô dâu ra mắt (cho chính Ngài!). Thời xưa, cô dâu được đưa ra mắt bởi người phù rể, hoặc cha của cô ấy. Không bao giờ bởi chú rể của nàng! Tuy nhiên ở đây, Phao-lô hình dung Đức Chúa Giê-su giới thiệu hội thánh như cô dâu của chính Ngài.
Phao-lô sử dụng các phong tục và vai trò trong hôn nhân để làm nổi bật mối liên hệ của Đấng Christ với hội thánh theo một khuôn mẫu diễn ra theo thứ tự thời gian: 1. Lễ Hứa hôn. Đấng Christ đã dâng chính Ngài cho hội thánh (với tư cách là “giá cô dâu”) và vì thế đã trở nên đính hôn với nàng (Ê-phê-sô 5:25). 2. Chuẩn bị tổ chức lễ cưới. Chàng rể tiếp tục chú tâm trong mọi phương tiện của mình để thánh hóa và tẩy sạch cô dâu (Ê-phê-sô 5:26). 3. Tại chính lễ cưới. Mọi điều quan tâm của Đức Chúa Giê-su Christ là vào “sự trình diện” cô dâu trong tiệc cưới (Ê-phê-sô 5:27). Yếu tố cuối cùng này hướng đến lễ cưới trọng đại khi Ngài trở lại—khi Đấng Christ, Chàng Rể, sẽ đến nhận Hội thánh là cô dâu và trình diện Hội thánh cho chính Ngài (Ê-phê-sô 5:27; so sánh 2 Cô-rinh-tô 11:1, 2; Cô-lô- se 2:21–23, 28).
Đám cưới thời xưa thường bắt đầu bằng cuộc diễn hành vào ban đêm (xin xem Ma-thi-ơ 25:1–13). Chàng rể và đoàn tùy tùng của anh sẽ tập trung tại nhà trai—ngôi nhà mới của đôi lứa—và với nghi lễ long trọng bắt đầu một đám rước. Với những ngọn đuốc thắp sáng và kèm theo tiếng nhạc vui tươi, phấn khởi và niềm hân hoan tột độ, đám đông chen bước về phía nhà của cha cô dâu. Hoặc cô dâu được đón ở đó, hoặc họ gặp đoàn tiễn dâu trên đường đi, đoàn diễn hành sẽ đưa cặp đôi về nhà mới, nơi quan khách sẽ dự một bữa tiệc kéo dài cả tuần, kết thúc với lễ cưới, khi cô dâu sẽ được giới thiệu trước chàng rể.
Khi Phao-lô miêu tả Đấng Christ trình diện hội thánh cho chính Ngài, ông ám chỉ đến cuộc diễn hành long trọng này và thời điểm trình diện. Khi làm như vậy, ông cung cấp một bức chân dung cảm động về sự tái lâm của Đấng Christ như một lễ cưới trong tương lai, khi lễ hứa hôn lâu dài giữa Đấng Christ và Hội thánh của Ngài hoàn tất, và lễ cưới được cử hành.
Chúng ta có thể rút ra thông điệp gì qua tất cả những quang cảnh phấn khởi, hạnh phúc và đầy hy vọng này?
Phao-lô dùng lý lẽ mới nào để khuyến khích người chồng thể hiện tình yêu thương dịu dàng đối với vợ? Ê-phê-sô 5:28–30.
Các quy tắc của Phao-lô dành cho gia đình Cơ Đốc nhân (Ê-phê-sô 5:21–6:9) tiết lộ một bối cảnh xã hội với nhiều vấn đề. Trong Ê-phê-sô 5:28–30, Phao-lô đề cập đến những người chồng có hành động theo lề lối được chấp thuận thời đó—có thể chọn “ghét chính thân mình”, ngược đãi và đánh đập vợ. Trong thế giới Hy Lạp – La Mã vào thời Phao-lô, quyền lực hợp pháp của “người cha trong gia đình” (tiếng La-tinh, pater familias) rất lớn. Ông ta có quyền trừng phạt nghiêm khắc hoặc thậm chí giết vợ con, các nô lệ của mình (mặc dù việc thực thi cách cực đoan các quyền lực đó càng ngày càng bị hạn chế bởi dư luận).
Trong Ê-phê-sô 5:25–27, Phao-lô đã vẽ ra chi tiết của một tình yêu tối thượng, tình yêu của Đấng Christ dành cho hội thánh, trình bày hình mẫu một người chồng hoàn toàn khác so với hình mẫu thông thường. Giờ đây, trước khi đưa ra một lập luận mới, Phao-lô chỉ ra ví dụ tuyệt vời đó, và khuyến khích những người chồng đáp lại “cũng một thể ấy” (Ê-phê-sô 5:28) giống như Đức Chúa Giê-su, Đấng đã “phó chính mình” vì cô dâu của Ngài—Hội thánh, và đáp ứng mọi nhu cầu của nàng. Phao-lô thách thức những người chồng Cơ Đốc từ bỏ những tập tục được chấp nhận vào thời của họ và tìm cách noi theo tình yêu thương dịu dàng của Đấng Christ.
Trong Ê-phê-sô 5:28–30, Phao-lô nêu thêm một lý do mới để ủng hộ tình yêu của những người chồng Cơ Đốc dành cho vợ: Yêu bản thân. Phao-lô đưa ra một sự thật hiển nhiên: “Vì chẳng hề có người nào ghét chính thân mình.” Các ông chồng không tự hại bản thân hoặc đánh đập chính thân thể mình. Thay vào đó, họ “nuôi nấng săn sóc nó” (5:29). Trong nỗ lực loại bỏ sự khắc nghiệt và bạo lực đối với người vợ Cơ Đốc, Phao-lô mời người chồng Cơ Đốc hãy cùng như một với vợ mình. Phao-lô lập luận rằng chồng vợ là một, nếu chồng làm tổn thương vợ thì chẳng khác gì tự làm hại bản thân, và hầu hết những người có đầu óc minh mẫn đều không làm như vậy.
Quay trở lại ví dụ về Chúa Giê-su, Phao-lô lập luận rằng chính Đấng Christ đang thực hành việc chăm sóc yêu thương dịu dàng trong việc trân trọng yêu mến những tín đồ là “chi thể của thân Ngài” (Ê-phê-sô 5:29, 30). Phao-lô nói, hãy cư xử với vợ mình theo cách bạn cư xử với bản thân, và nhất là theo cách Đấng Christ đối xử với bạn.
Phao-lô nêu gương của Chúa Giê-su cho cả vợ và chồng. Chúng ta có thể học được gì từ Chúa Giê-su về việc yêu thương những người trong vòng gia đình của chúng ta?
Ôn lại câu chuyện tạo thế trong Sáng thế Ký 2:15–25. Điều gì đã xảy ra trước khi có lời tuyên bố rằng vợ chồng là “một thịt” (2:24)?
Để áp dụng lời khuyên dạy của Phao-lô cho vợ và chồng, chúng ta nên xem việc ông trích Sáng thế Ký 2:24 (trong Ê-phê-sô 5:31) như là điểm then chốt. Khi suy ngẫm về câu chuyện Sáng tạo trong sách Sáng thế Ký, Phao-lô xem xét nhu cầu của các hội chúng Cơ Đốc và tình trạng sức khỏe của mối liên hệ gia đình trong vòng các kẻ tin. Ông thấy Sáng thế Ký 2:24 là một thông điệp vang vọng xuyên thời gian. Theo chủ tâm của Đức Chúa Trời, hôn nhân được dự định là mối liên hệ “một thịt”, với sự hợp nhất về tình dục được phản ánh trong sự hợp nhất về tình cảm và thuộc linh, và sự hợp nhất này mang lại ý nghĩa cho mối quan hệ tình dục.
Hãy lưu ý rằng khi chọn Sáng thế Ký 2:24, Phao-lô chọn một câu nói về hôn nhân được phát biểu trước khi có Sự Sa ngã, và áp dụng điều ấy trong mối liên hệ giữa vợ chồng Cơ Đốc nhân. Trong thế giới hậu Sa ngã của chúng ta, việc lợi dụng loạn xạ mối quan hệ tình dục giữa người nam và người nữ cho thấy rằng ý nghĩ dùng sự kết hợp tình dục để khuất phục người phụ nữ đã ăn sâu vào các nền văn hóa hiện đại như thế nào. Phao-lô lập luận rằng mối liên hệ tình dục, như được phản ánh trong Sáng thế Ký, không phải là mối liên hệ khuất phục mà là sự hợp nhất. Nó không tượng trưng hay hiện thực hóa sự thống trị của nam giới mà là sự kết hợp giữa vợ và chồng, đến mức họ trở thành “một thịt”. Vậy nên, chúng ta có thể nhìn đến Ê-phê-sô 5:21–33 và Sáng thế Ký 2:24 để tìm một quan điểm thần học quan trọng, ngược văn hóa, và điều chỉnh về hôn nhân và tình dục.
Cũng với bối cảnh này, trong câu tiếp theo, Phao-lô nói về một “Sự mầu nhiệm ấy là lớn” (Ê-phê-sô 5:32). Điều này bao gồm cả hai mặt của phép ẩn dụ kép mà Phao-lô đang thảo luận: hôn nhân Cơ Đốc được hiểu dưới ánh sáng của mối liên hệ của Đấng Christ với Hội thánh của Ngài và mối quan hệ của Đấng Christ với Hội thánh của Ngài được hiểu dưới ánh sáng của hôn nhân Cơ Đốc (Ê-phê-sô 5:32).
Hôn nhân Cơ Đốc giáo được nâng cao bằng cách so sánh nó với mối liên hệ giữa Đấng Christ và hội thánh. Thêm vào đó, bởi suy nghĩ về mối quan hệ của hội thánh với Đấng Christ qua lăng kính của một cuộc hôn nhân Cơ Đốc đầy yêu thương, các tín đồ có được sự minh bạch mới về mối quan hệ chung của họ với Đấng Christ.
Ê-phê-sô 5:33 được dùng như bản tóm tắt ngắn gọn về lời khuyên của Phao-lô trong Ê-phê-sô 5:21–32 ra sao? Nếu đã kết hôn, bạn có thể tìm cách thực hiện đầy đủ hơn những nguyên tắc này trong hôn nhân của mình ra sao?
Ellen G. White luôn luôn khuyến khích các cặp vợ chồng nên từ bỏ những phương cách dùng để kiềm chế nhau: “Đừng cố ép buộc người kia phải chiều theo ý muốn của mình. Bạn không thể làm điều này và giữ được tình yêu cho nhau. Hãy tử tế, kiên nhẫn và chịu đựng, ân cần và nhã nhặn.”—The Adventist Home, trang 118.
Bà trực tiếp giải thích và áp dụng Cô-lô-se 3:18 (và Ê-phê-sô 5:22–24): “Người ta thường đặt câu hỏi: ‘Vợ không được có ý riêng sao?’ Kinh Thánh nói rõ ràng rằng người chồng là chủ gia đình. ‘Hỡi người làm vợ, hãy vâng phục chồng mình’. Nếu lệnh này kết thúc ở đây, chúng ta có thể nói rằng địa vị của người vợ không phải là một địa vị đáng ganh tị. . . Nhiều người chồng chỉ đọc có phần đầu: ‘hãy vâng phục chồng’; nhưng chúng ta phải đọc phần kết luận của cùng huấn thị, đó là, ‘y như điều đó theo Chúa đáng phải nên vậy’ (Cô-lô-se 3:18). Đức Chúa Trời đòi hỏi người vợ phải luôn kính sợ và tôn vinh Đức Chúa Trời. Tất cả sự vâng phục là chỉ dành cho Đức Chúa Giê-su Christ, Đấng đã chuộc nàng làm con của chính Ngài bằng giá vô hạn của mạng sống Ngài. . . . Có một Đấng đứng cao hơn chồng đối với vợ; đó là Đấng Cứu Chuộc của nàng, và sự vâng phục của cô ấy đối với chồng mình phải được thực hiện như Đức Chúa Trời đã chỉ dẫn—‘y như điều đó theo Chúa đáng phải nên vậy.’”—The Adventist Home, trang 115, 116.
ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Ví dụ có người cho rằng Ê-phê-sô 5:21-33 là đoạn Kinh Thánh lỗi thời không đáp ứng với các liên hệ gia đình Cơ Đốc thời hiên đại vì nó đặt ra một mô hình hôn nhân tập trung vào quyền lực và sự thống trị của người chồng. Bạn sẽ trả lời thế nào?
Với những người đang gặp khó khăn ở trong các mối liên hệ gia đình đầy thách thức, Ê-phê-sô 5:21–33 có thể giúp được gì cho họ?
Một số Cơ Đốc nhân tranh luận rằng câu chuyện Sáng tạo trong Sáng thế Ký 1 và 2 chỉ là một phép ẩn dụ và nó không mô tả hết những gì thực sự đã xảy ra, đó là hàng tỷ năm tiến hóa. Việc Phao-lô trích dẫn câu chuyện này theo như lời Kinh Thánh ghi chép dạy chúng ta điều gì?
Suy gẫm hơn về chủ đề “một thịt”. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn thế nào về sự thiêng liêng của hôn nhân và tại sao các cặp vợ chồng phải làm mọi thứ có thể để bảo vệ sự thiêng liêng ấy?
CÂU GỐC: “Vậy, hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan. Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu. Vậy chớ nên như kẻ dại dột, nhưng phải hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào” (Ê-phê-sô 5:15–17).
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Ê-phê-sô 5:1–20; 1 Cô-rinh-tô 5:1–11; Khải huyền 16:1–16; Cô-lô-se 4:5; Châm ngôn 20:1; Châm ngôn
Phao-lô muốn các tín đồ phải “bắt chước Đức Chúa Trời” theo cách nào? Ê-phê-sô 5:1, 2.
Phao-lô khuyến khích các tín đồ ở Ê-phê-sô bước đi trong tình yêu thương, một lời kêu gọi quan trọng ở đây (Ê-phê-sô 5:8, 15). “Bước đi trong sự yêu thương” này được mô phỏng theo tình yêu thương của chính Đấng Christ dành cho chúng ta bày tỏ trong sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Phao-lô khẳng định bốn điều về sự hy sinh đó: 1. Nó được thúc đẩy bởi tình yêu thương của Đức Chúa Cha cùng với Đấng Christ (Ê-phê-sô 5:1, 2); 2. Đó là sự thay thế, với Đấng Christ chết thay cho chúng ta. Đấng Christ không phải là nạn nhân thụ động ở đây, nhưng đã phó chính Ngài vì chúng ta; 3. Dưới hình ảnh của nghi lễ thánh trong Cựu Ước, cái chết của Đấng Christ cũng là một của lễ hy sinh dâng lên Đúc Chúa Trời; 4. Của tế lễ được Đức Chúa Trời chấp nhận vì đó là “một thức hương có mùi thơm” (Ê-phê-sô 5:2; so sánh Xuất Ê-díp-tô Ký 29:18, Lê-vi Ký 2:9, Phi-líp 4:18).
Tiếp đó, Ê-phê-sô 5:3–5 là phần bày tỏ mối quan tâm đối với đạo đức tình dục. Những người trẻ theo đạo tại Ê-phê-sô có nguy cơ quay lại đường cũ, và bị lôi cuốn trở lại những hành vi tình dục, những điều có thể phủ nhận đức tin Cơ Đốc của họ (so sánh 1 Cô-rinh-tô 5:1–11; 6:12–20; 2 Cô- rinh-tô 12:21).
Một mặt, thế giới Hy Lạp – La Mã của thế kỷ thứ nhất đã trưng bày sự suy đồi đạo đức và trụy lạc như đã mô tả trong Tân Ước ( xem 1 Cô- rinh-tô 6:9, Ga-la-ti 5:19, Ê-phê-sô 4:17–19, Cô-lô-se 3:5). Ví dụ, tiệc tùng của người giàu có thường có những trò mà Phao-lô lên án trong Ê-phê-sô 5:3–14, say sưa, nói năng thô tục, giải trí liều lĩnh và những hành vi vô đạo đức. Thêm vào đó, nhờ sự ẩn danh và dễ dãi tại chốn thị thành, các hành vi tình dục vô luân càng thêm nảy nở. Mặt khác, cũng có nhiều người trong xã hội đó sống một cuộc đời có đạo đức và họ ủng hộ cho một luân lý nghiêm khắc. Khi Tân Ước cung cấp các danh sách về những tập tính đồi bại với đạo đức, và quy tắc gia đình (ví dụ: Ê-phê-sô 5:21–6:9, Cô-lô-se 3:18–4:1), các tác giả đã phản ảnh các khuynh hướng trong thế giới Hy Lạp – La Mã rộng lớn hơn. Thế giới ấy, vừa trụy lạc vừa đạo đức, giúp giải thích lời răn dạy của Phao-lô rằng đọc giả nên tránh những hành vi vô đạo đức do dân ngoại thực hiện trong khi mong muốn các tín đồ cẩn trọng trong cách cư xử của mình và nhờ đó có được vị thế tốt giữa những người ngoại.
Những lời Phao-lô viết về hành vi tình dục đúng như thế nào trong nền văn hóa của bạn, bất kể bạn sống ở đâu?
Phao-lô viết: “Đừng để cho ai lấy lời giả trá phỉnh dỗ anh em; vì ấy là nhân những điều đó mà cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời giáng trên các con bạn nghịch” (Ê-phê-sô 5:6).
Phao-lô đã điểm danh những người phạm nhiều tội lỗi khác nhau mà không biết xấu hổ hay ăn năn, “kẻ gian dâm, ô uế, tham lam” (Ê-phê-sô 5:5). Ông đã đưa ra một đánh giá thẳng thắn:Những ai ở trong Đấng Christ và được định sẵn là những người dự phần vào nước trong tương lai của Ngài thì không nên hành động như những người không có phần trong đó (Ê-phê-sô 5:5). Phao-lô lo lắng về tác dụng của “lời giả trá phỉnh dỗ anh em”; nghĩa là, các tín đồ có thể bị lừa dối bởi tin vào những lời dối trá rằng tội lỗi tình dục không phải là điều cấm kỵ, hoặc thậm chí chính họ có thể bị lôi kéo vào những tội lỗi đó (Ê-phê-sô 5:6). Phao-lô cảnh báo rằng những người để bị lừa dối như vậy, họ có nguy cơ bị Đức Chúa Trời phán xét vào thời kỳ cuối cùng, “cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời giáng trên các con bạn nghịch” (Ê-phê-sô 5:6).
Cụm từ “cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời” là một cụm từ đầy thách thức. Đó là cơn thịnh nộ hay sự giận dữ của Đức Chúa Trời cho thấy một sự tương phản với sự tức giận của con người (so sánh Ê-phê-sô 4:31). Đó là phản ứng chính đáng của một Đức Chúa Trời kiên nhẫn và công chính đối với sự ngoan cố làm điều ác—chứ không phải là phản ứng bùng lên như núi lửa đối với vài vi phạm nhỏ nhặt. Hơn nữa, những đề cập trong Kinh Thánh đến cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời thường xuất hiện trong bối cảnh của những lời cảnh báo được soi dẫn về sự phán xét sắp tới của Đức Chúa Trời (ví dụ: Khải huyền 6:12–17; 16:1–16; 19:11–16). Đức Chúa Trời cảnh báo về sự phán xét sắp đến của chính Ngài—một hành động ân điển, vì con người “tự nhiên làm con của sự thạnh nộ” (Ê-phê-sô 2:3), phải chịu những sự phán xét đó.
Tại sao Phao-lô khuyên các tín đồ đừng trở thành “đồng bọn” hoặc “thông công” với những người phạm tội? (Ê-phê-sô 5:7–10).
Phao-lô khuyên: “Hãy bước đi như các con sáng láng” (Ê-phê-sô 5:8) và tiếp tục với mệnh lệnh xa hơn: “Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa” (Ê-phê- sô 5:10). Người ngoại giáo tìm kiếm thú vui qua sự “gian dâm, ô uế, tham lam” (Ê-phê-sô 5:3). Mục tiêu của tín đồ khác hẳn, không phải để thoả mãn chính mình mà là để làm vui lòng Đức Chúa Trời (so sánh Rô-ma 12:1, 2 Cô-rinh-tô 5:9, Hê-bơ-rơ 13:21). Người theo Chúa tìm cách phản ảnh sự hy sinh quên mình của Đấng Christ. “Hãy bước đi trong sự yêu thương, cũng như Đấng Christ đã yêu thương anh em, và vì chúng ta phó chính mình Ngài…” (Ê-phê-sô 5:2).
Đâu là một số “lời giả trá phỉnh dỗ” trong thời đại của chúng ta mà chúng ta cần phải đề phòng?
Đọc Ê-phê-sô 5:11–14. Phao-lô đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ nào ở đây, và điều này áp dụng thế nào cho hoàn cảnh hiện tại của chúng ta?
Để hiểu Ê-phê-sô 5:11–14, chúng ta nên lưu ý rằng Phao-lô nhiều lần đưa ra hai lời khuyên: (1) sống một lối sống tôn vinh Đức Chúa Trời vì chúng ta là “các con sáng láng” (Ê-phê-sô 5:8; xem thêm Ê-phê-sô 5:1, 2, 4, 9–10, 11, 13, 14); (2) đừng sống một lối sống tình dục vô luân, chống đối Đức Chúa Trời, phô bày “công việc vô ích của sự tối tăm” (Ê-phê-sô 5:11; 5:3, 4, 5–8, 12).
Chúng ta có thể khai thác những lời khuyên trong Ê-phê-sô 5:8–10 để hiểu Ê-phê-sô 5:11. Những người tin Chúa phải sống sao cho những người “ngoại” thấy “sáng láng trong Chúa” và biết họ là “các con sáng láng” (Ê-phê-sô 5:8). Toàn bộ mục đích của việc làm như vậy là để mọi người thấy rõ ràng rằng “vì trái của sự sáng láng ở tại mọi điều nhân từ, công bình và thành thật” (Ê-phê-sô 5:9). Do đó, Phao-lô ủng hộ một chiến lược làm nổi bật lòng nhân từ của Đức Chúa Trời. Các tín hữu phải vạch trần những công việc vô ích của bóng tối và chỉ cho mọi người biết chúng nên được thay thế với sự công bình.
Hai câu 13, 14 được xem như là lời Phao-lô khẳng định táo bạo rằng các tín hữu, bằng cách bày tỏ “trái của sự sáng láng” (Ê-phê-sô 5:9), có thể mang những ai chưa tin đến niềm tin nơi Đấng Christ: “Nhưng hết thảy mọi sự đã bị quở trách đều được tỏ ra bởi sự sáng; phàm điều chi đã tỏ ra thì trở nên sự sáng vậy.” Khi lối sống suy đồi bị ánh sáng phơi bày, người thế gian có thể nhìn thấy hành vi của họ rõ ràng (“nó trở nên hữu hình”), vô tương lai và sẽ rơi vào cơn thịnh nộ của Đức Chua Trời (Ê-phê-sô 5:5, 6). Họ sẽ trải nghiệm sự biến đổi từ bóng tối thành ánh sáng, chính sự biến đổi mà các độc giả Ê-phê-sô của Phao-lô đã trải nghiệm như là những người tin Chúa (Ê-phê-sô 5:8).
Chúng ta hiểu gì về bài thơ / thánh ca Ê-phê-sô 5:14, sử dụng ngôn ngữ liên quan đến sự sống lại của người chết vào thời kỳ cuối cùng (so sánh với Ê-phê-sô 2:1, 5)? Câu này như là tiếng kèn oang oang đánh thức chúng ta dậy từ sự mê ngủ thuộc linh để chúng ta có thể kinh nghiệm sự hiện diện đổi đời của Đấng Christ. Vì Phao-lô dường như đang suy gẫm Ê-sai 60:1–3, đoạn Kinh Thánh nói về Y-sơ-ra-ên, dân sự Đức Chúa Trời, nên chúng ta có thể xem bài thánh ca / bài thơ trong Ê-phê-sô 5:14b như một lời kêu gọi nồng hậu đến với các tín hữu Cơ Đốc giáo rằng họ hãy thức tỉnh trong vai trò của họ như những người truyền giáo, những người phản chiếu ánh sáng của Đấng Christ trong một thế giới tối tăm (so sánh Phi-líp 2:14–16, Ma-thi-ơ 5:16).
Bạn sống một nếp sống như thế nào để có thể vạch trần những công việc của bóng tối?
Phao-lô kết thúc Ê-phê-sô 5:1–20 với hai cụm lời khuyên, Ê-phê-sô 5:15–17 và 5:18–20, hoàn tất một chương sách quan tâm đến sự trong sạch về tình dục. Cụm đầu tiên bắt đầu với lời khuyên: “Vậy, hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan” (5:15), được nhấn mạnh trở lại trong câu 17: “Vậy chớ nên như kẻ dại dột, nhưng phải hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào.” Ở giữa là lời kêu gọi “Hãy lợi dụng thì giờ” (5:16).
Hãy cân nhắc những lời khuyên của Phao-lô để đời sống chúng ta phản ảnh sự khôn ngoan sáng suốt và cầu nguyện (Ê-phê-sô 5:15–17). Điều gì là sự khác biệt giữa cách bước đi không như những kẻ ngốc mà là như ngừơi “khôn ngoan”? Ngoài ra, “Hãy lợi dụng thì giờ” (hay “chuộc lại thời gian”) có nghĩa là gì?
Hãy cân nhắc những lời khuyên của Phao-lô để đời sống chúng ta phản ảnh sự khôn ngoan sáng suốt và cầu nguyện (Ê-phê-sô 5:15–17). Điều gì là sự khác biệt giữa cách bước đi không như những kẻ ngốc mà là như ngừơi “khôn ngoan”? Ngoài ra, “Hãy lợi dụng thì giờ” (hay “chuộc lại thời gian”) có nghĩa là gì?
Trong sách Ê-phê-sô, Phao-lô đã nhiều lần sử dụng phép ẩn dụ phổ biến của Cựu Ước, dùng chữ “bước đi” để nói về cách sống của một người (Ê-phê-sô 2:2, 10; 4:1, 17; 5:2, 8). Ở đây, ông sử dụng phép ẩn dụ để khuyến khích sự trưởng thành trong việc theo Chúa. Giống như chúng ta phải cẩn thận “coi chừng bước chân mình” khi đi trên con đường gồ ghề hoặc tối tăm, các tín đồ nên “nhìn cẩn thận cách mình đi” (hãy giữ cho khéo về sự ăn ở) (Ê-phê-sô 5:15). Vì Ê-phê-sô 5:15 tương ứng với Ê-phê-sô 5:17, nên chúng ta có thể tìm ở đó một định nghĩa về ý nghĩa của việc sống như một người khôn ngoan. Chúng ta không nhìn vào bên trong để tìm sự khôn ngoan. Khôn ngoan là vượt khỏi chính mình, để “hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào” (Ê-phê-sô 5:17).
Phao-lô cũng khuyến khích sự trưởng thành trong đức tin với một hình ảnh sống động. Trong cụm từ “lợi dụng thì giờ” (Ê-phê-sô 5:16), Phao-lô sử dụng động từ exagorazō (so sánh Cô-lô-se 4:5). Đây là một từ của nơi chợ búa, mạnh hơn động từ “mua”, có nghĩa là “chộp lấy những món hời” đang bày bán, như chúng ta đang chờ đợi ngày Chúa tái lâm. “Thì giờ” ở đây là từ tiếng Hy Lạp kairos, mô tả một khoảnh khắc của cơ hội. “Thì giờ” cho đến khi kết thúc là một khoảng thời gian đầy hứa hẹn phải được sử dụng hết mức. Đây cũng là một thời gian đầy thử thách “vì những ngày là xấu” (Ê-phê-sô 5:16; so sánh Ê-phê-sô 6:13, Ga-la-ti 1:4) và vì “thói quen của đời này” đã bị thống trị bởi “vua chúa cầm quyền chốn không trung” (Ê-phê-sô 2:2).
Khi các tín đồ trông đợi sự tái lâm của Đấng Christ, họ sống trong một thời kỳ khó khăn, thời kỳ mà Phao-lô miêu tả là một thời kỳ nguy hiểm nhưng bổ ích. Họ phải chú ý đến việc sử dụng thời gian còn lại giống như những người đi lùng kiếm món hời giảm giá trong một khoảng thời gian “sale” ngắn hạn. Mặc dù chúng ta không thể mua được sự cứu rỗi, nhưng hình ảnh này vẫn thích hợp: hãy nhanh chóng chộp lấy những gì được ban cho chúng ta trong Đấng Christ.
Trong Ê-phê-sô 5:18–20, Phao-lô hình dung các Cơ Đốc nhân nhóm lại để thờ phượng. Ông miêu tả họ làm gì trong buổi thờ phượng đó?
Trong phần cuối của Ê-phê-sô 5:1–20, Phao-lô khuyến khích các tín hữu từ bỏ thói quen uống rượu làm tê liệt tâm trí và thay vào đó, cùng nhau kinh nghiệm sự hiện diện và quyền năng của Đức Thánh Linh. Phao- lô cấm say rượu (có lẽ với một câu trích dẫn từ Châm ngôn 23:31 trong bản tiếng Hy Lạp của Cựu Ước), cho thấy ông đã ghi nhớ các lệnh cấm sử dụng rượu trong Châm ngôn (Châm ngôn 20:1; 23:29–35). Những điều xấu xa đến sau cơn say bao gồm lời nói thô lỗ, tục tĩu, thiếu suy nghĩ, vô luân và thờ hình tượng (Ê-phê-sô 5:3–14). Những điều này phải được bỏ đi để đổi lấy sự thờ phượng Đức Chúa Trời cách chu đáo và đầy sự soi dẫn của Đức Thánh Linh. Được đầy dẫy Đức Thánh Linh là một điều quan trọng và điều ấy đã được áp dụng qua một loạt động từ trong Ê-phê-sô 5:19–21 (“đối đáp”; “ca vịnh”; “hát mừng” ; “tạ ơn”).
Ở đây, Phao-lô áp dụng lời khuyên “phải đầy dẫy Đức Thánh Linh” (Ê-phê-sô 5:18) một cách tập thể, tưởng tượng các tín đồ nhóm lại trong sự thờ phượng được soi dẫn bởi Đức Thánh Linh, và qua đó tình đoàn kết được nuôi dưỡng (Ê-phê-sô 4). Sự thờ phượng này tương phản với hành vi tự tôn, ích kỷ, của sự thờ phượng ngoại giáo (Ê-phê-sô 5:1–18). Trong bức tranh phác thảo về sự thờ phượng của các Cơ Đốc nhân ban đầu này, sự ca ngợi bằng âm nhạc chiếm ưu thế. Có quan niệm cho rằng hội thánh được sinh ra qua ca nhạc; và đoạn này, cùng với Cô-lô-se 3:16, đã cung cấp bằng chứng hùng hồn cho lời tuyên bố ấy (so sánh Công vụ 16:25, Gia-cơ 5:13).
Sự thờ phượng có một yếu tố “chiều ngang” vì khi ca hát thơ thánh, các tín hữu như thể “đối đáp cùng nhau” (Ê-phê-sô 5:19). Tuy nhiên, đối tượng chính của sự ca hát tôn vinh là Chúa, như được chỉ ra trong Ê-phê-sô 5:20, “nhơn danh Đức Chúa Jêsus Christ” và “tạ ơn Đức Chúa Trời”. Trong cụm từ “bài hát thiêng liêng” (thuộc linh), tĩnh từ “thuộc linh” (tiếng Hy Lạp, pneumatikos) làm nổi bật vai trò của Đức Thánh Linh trong sự thờ phượng vì chữ này mô tả các bài hát được Đức Thánh Linh soi dẫn hoặc đầy dẫy Đức Thánh Linh. Phao-lô phác họa một bức tranh cho thấy sự tham gia tích cực của Ba Ngôi Chúa Trời trong các buổi thờ phượng của những Cơ Đốc nhân đầu tiên.
Bạn có thể sử dụng âm nhạc như thế nào để nâng cao kinh nghiệm thờ phượng của chính mình?
Nhìn lại toàn bộ Ê-phê-sô 5:1–20, chúng ta thấy Phao-lô có lập trường mạnh mẽ chống lại tội lỗi và điều ác, đặc biệt là dưới hình thức gian dâm và lời nói thô tục. Ông không muốn chấp nhận sự hiện diện của hành vi đồi bại trong vòng dân sự Chúa. Thay vào đó, ông kêu gọi các tín hữu ở Ê-phê- sô nên có tiêu chuẩn đạo đức cao và nắm giữ danh tính của họ là “con cái rất yêu dấu” của Đức Chúa Trời và là “các thánh đồ” hay những người thánh (Ê-phê-sô 5:1–10). Ông dám tin rằng khi các Cơ Đốc nhân trong cộng đồng làm như vậy, họ sẽ chiếu ánh sáng vào bóng tối, kéo những người lân cận của họ ra khỏi lối sống tự hủy mình để đến với ân điển và lẽ thật của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 5:11–14).
Phao-lô hình dung ra hội thánh, phấn khởi với một cam kết mới rằng sẽ “bước đi như các con sáng láng” trong khi chờ đợi Đấng Christ trở lại (Ê-phê-sô 5:8, 15, 16) và được ban phước bởi sự hiện diện của Đấng Christ (Ê-phê-sô 5:14), nhóm lại để thờ phượng. Khi họ được thúc đẩy bởi được làm “con cái rất yêu dấu” của Đức Chúa Trời và bởi sự chết thay của Đấng Christ (Ê-phê-sô 5:1, 2) và được đầy dẫy Thánh Linh (Ê-phê-sô 5:18), sự thờ phượng chung của họ sẽ toả ra đầy năng lực và vui mừng khi họ cùng nhau hát lời cảm tạ ngợi khen Chúa của họ, Đức Chúa Giê-su Christ, và Đức Chúa Cha. Nắm chắc những thực tại trên trời, họ đón mừng niềm hy vọng về tương lai, biết được những gì Đức Chúa Trời đã làm, đang làm và sẽ hoàn thành qua Đấng Christ, Chúa của họ (Ê-phê-sô 5:18–20).
Hiểu được như vậy, đoạn Kinh Thánh này không chỉ là một tập hợp các mệnh lệnh rời rạc về đời sống Cơ Đốc nhân. Nó là một lời kêu gọi tiên tri liên quan đến danh tính, sự cam kết, cộng đồng và sự thờ phượng của Cơ Đốc nhân trong những ngày sau rốt. Đây là lời mời nhiệt tình rằng chúng ta hãy “chộp lấy những món hời” có được trong những ngày trước khi Đấng Christ trở lại (Ê-phê-sô-5:16).
ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Ngày nay, chúng ta đương đầu với một nền văn hóa truyền nhiễm rao giảng các giá trị của nó 24/7/365 qua đủ mọi phương tiện truyền thông, làm sao chúng ta có thể áp dụng các tiêu chuẩn cao của Phao-lô?
Các tín đồ ngày nay có thể sử dụng những chiến lược nào để “xét điều chi vừa lòng Chúa” (Ê-phê-sô 5:10) và để “hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào” (Ê-phê-sô 5:17)?
Một số người luận rằng vì Phao-lô cấm các tín đồ hàn huyên về chuyện tình dục vô luân (Ê-phê-sô 5:3, 4), có nghĩa là chúng ta không nên đương đầu với các vấn đề liên can đến chuyện sai quấy hay lạm dụng tình dục. Tại sao đó là một kết luận không thích đáng?
Xã hội trong thời đại của chúng ta phản ảnh những thực hành ngoại giáo tương tự như thời Phao-lô ra sao?
CÂU GỐC: “Rằng anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành, mà phải làm nên mới trong tâm chí mình, và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật” (Ê-phê-sô 4:22–24).
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Ê-phê-sô 4:17–32; Cô-lô-se 3:1–17; JXa-cha-ri 3:3–5, 8:16; Ê-sai 63:10; Rô-ma 8:16, 26, 27.
So sánh Ê-phê-sô 4:17–32 với Cô-lô-se 3:1–17. Phao-lô khuyên dạy các tín hữu sống như thế nào để khuyến khích sự hiệp một của hội thánh?
Trong Ê-phê-sô 4:1–16, chủ đề của Phao-lô là sự hiệp nhất của hội thánh. Khi so sánh Ê-phê-sô 4:1 và 4:17, chúng ta lưu ý hai lời khuyên này khá giống nhau về cách ăn ở hoặc cách sống. Sự giống nhau này gợi ý rằng Phao-lô đề cập đến cùng một chủ đề—sự đoàn kết và lối cư xử hỗ trợ nó— nhưng từ một quan điểm mới và bắt đầu ở điểm tiêu cực.
Trong Ê-phê-sô 4:17–24, Phao-lô so sánh lối sống của dân ngoại, mà ông cho là làm suy yếu sự hiệp một (4:17–19), với lối sống Cơ Đốc thật sự nuôi dưỡng nó (4:20–24). Khi đọc lời phê bình sắc bén của Phao-lô về lối sống trụy lạc của dân ngoại, chúng ta nên nhớ lại sự tin tưởng chắc chắn của ông rằng dân ngoại cũng được Đức Chúa Trời cứu chuộc qua Đấng Christ và được nhận làm dân sự Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:11–22; 3:1– 13). Do đó, trong Ê-phê-sô 4:17–19, ông đưa ra một mô tả hạn chế và tiêu cực về “Vậy, anh em, theo xác thịt là người ngoại” (Ê-phê-sô 2:11).
Phao-lô không chỉ quan tâm đến những tội lỗi hoặc hành vi cụ thể của dân ngoại. Ông quan tâm đến phong cách cư xử mà họ thể hiện, một lối sống tụt dốc trong vòng kìm kẹp của tội lỗi. Trọng tâm của Ê-phê-sô 4:17–19 là bức chân dung của một đời sống thuộc linh chai lì: “vì lòng họ cứng cỏi nên trí khôn tối tăm, xa cách sự sống của Đức Chúa Trời” (4:17, 18). Tâm linh chai lì này là nguồn gốc của sự hiểu biết tối tăm được nêu bật ở đầu đoạn văn (“họ đã mất cả sự cảm biết, đành bỏ mình trong một đời buông lung, đem lòng mê đắm không biết chán mà phạm hết mọi điều ô uế” (4:18, 19) và việc thực hành tình dục đồi trụy được nêu lên ở phần cuối. Bởi xa cách Đức Chúa Trời, họ không biết phải sống như thế nào, và vì tách rời khỏi ân điển cứu rỗi của Ngài, họ tiếp tục sa vào vòng xoáy đi xuống của tội lỗi và sa đọa.
Bạn có kinh nghiệm riêng nào về sức mạnh của tội lỗi đã tiếp tục lôi kéo một người tuột dốc càng ngày càng sâu trong tội lỗi?
Khi nói về sự hoán cải của những người tin Chúa, Phao lô muốn đọc giả phải nhận thức được điều quan trọng nào? (Ê-phê-sô 4:20–24).
Sau khi tả lại lối sống “ngoại đạo” cũ của những người đã hoán cải (Ê-phê-sô 4:17–19), Phao-lô không nói: “Đó không phải là điều anh chị em học về Đấng Christ”. Thay vào đó, ông thốt lên: “Nhưng anh em học cho biết Đấng Christ thì chẳng phải như vậy” (Ê-phê-sô 4:20). Lưu ý rằng những người tiếp nhận “đã nghe Ngài” [Đấng Christ], và được dạy dỗ “trong Ngài” (Ê-phê-sô 4:21) hoặc “bởi Ngài”, Phao-lô tiếp tục ủng hộ việc chấp nhận một lối sống uốn nắn theo Đấng Christ với cụm từ “y theo lẽ thật trong Đức Chúa Jêsus” (Ê-phê-sô 4:21). Đối với Phao-lô, trung tâm của việc đến với đức tin là mối liên hệ cá nhân với Đấng Christ, một mối liên hệ sống động và thực tế đến mức có thể được mô tả là “học cho biết Đấng Christ”. Chúng ta công nhận rằng một Đức Chúa Giê-su phục sinh và cao trọng đang sống và hiện diện với chúng ta. Chúng ta được uốn nắn bởi những lời giảng dạy và tấm gương của Ngài; và chúng ta bày tỏ sự trung tín với Ngài là Chúa hằng sống của chúng ta. Đời sống chúng ta được bành trướng qua sự hướng dẫn và chỉ bảo tích cực của Thánh Linh và Ngôi Lời.
Phao-lô cho chúng ta biết rằng việc áp dụng lối sống theo khuôn mẫu của Đấng Christ đòi hỏi ba quá trình mà ông thể hiện qua hình ảnh y phục: (1) “thoát lốt” hoặc từ bỏ lối sống cũ (Ê-phê-sô 4:22); (2) kinh nghiệm sự đổi mới bên trong (Ê-phê-sô 4:23); và (3) “mặc lấy” lối sống mới, giống như Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 4:24). Phép ẩn dụ của Phao-lô phản ánh việc sử dụng quần áo trong Cựu Ước như một biểu tượng cho cả tội lỗi (ví dụ: Thi thiên 73:6; Xa-cha-ri 3:3, 4; Ma-la-chi 2:16) lẫn sự cứu rỗi (ví dụ: Ê-sai 61:10 ; Ê-xê-chi-ên 16:8; Xa-cha-ri 3:4, 5).
Vào thời xưa, đàn ông mặc áo trong dài đến đầu gối và áo choàng ngoài để chống nắng. Tương tự, đàn bà mặc áo dài trong và áo choàng ngoài. Các nền văn hoá được phản ảnh trong Kinh Thánh là những nền văn hoá sơ đẳng. Áo quần may mặc rất quý và đắt tiền, và được dùng lâu dài. Rất ít ai có hơn một bộ áo quần. Chất lượng và phong cách của bộ quần áo biểu hiện giai cấp hoặc danh tính người mặc. Thay đổi y phuc, đổi một bộ quần áo này lấy một bộ quần áo khác, là một sự kiện bất thường và quan trọng (chứ không phải là chuyện vặt vãnh như ở nhiều nền văn hóa ngày nay). Trong bối cảnh thế kỷ thứ nhất, Phao-lô hình dung sự thay đổi trong đời sống cũng đáng chú ý và quan trọng như việc thay đổi y phục.
Lời khuyên nào của Phao-lô liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ giữa các tín đồ là quan trọng nhất đối với bạn lúc này? Tại sao? (Ê-phê-sô 4:25–29).
Trong Ê-phê-sô 4:25–32 chúng ta nên chú ý cách Phao-lô hay dùng những câu hỏi trong thể phủ định, chẳng hạn như mệnh lệnh “phải chừa sự nói dối”; và một mệnh lệnh xác định tiếp theo: “hãy nói thật với kẻ lân cận mình”; và sau đó là lý do căn bản “vì chúng ta làm chi thể cho nhau”. Nó có nghĩa là “vì chúng ta là chi thể của một thân thể, do đó chúng ta có liên quan với nhau như các bộ phận của thân thể đó”. Lời khuyên của Phao-lô “hãy nói thật” không phải là một lời mời các hội viên trong hội thánh hãy đối chất nhau một cách nặng nề với một danh sách dài đầy những bằng chứng cụ thể. Phao-lô ám chỉ đến Xa-cha-ri 8:16, khuyến khích việc nói sự thật như một cách bồi đắp bình an.
Trong Ê-phê-sô 4:31, Phao-lô trục xuất sự tức giận và lời nói giận dữ, nên những lời dạy dỗ của ông trong Ê-phê-sô 4:26 không cho phép sự tức giận bộc lộ trong hội thánh. Phao-lô thừa nhận sự tức giận có thể xảy ra, nhưng đồng thời ông giới hạn cách diễn đạt cảm xúc tức giận ấy rằng: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội;”
Phao-lô cắt ngang lời khuyên dạy về cách ăn nói với một mệnh lệnh phủ định về trộm cắp: “Kẻ vốn hay trộm cắp chớ trộm cắp nữa” (Ê-phê-sô 4:28). Về mặt xác định: “nhưng thà chịu khó, chính tay mình làm nghề lương thiện” (Ê-phê-sô 4:28; xem thêm 1 Cô-rinh-tô 4:12, 1 Tê-sa-lô 4:11) dựa trên lý do, “đặng có vật chi giúp cho kẻ thiếu thốn thì hơn”. Phao-lô chuyển sang lời răn dạy cho những kẻ trộm cắp ở đây có lẽ vì mối liên hệ giữa hành vi trộm cắp và lời nói dối trá qua câu chuyện A-na-nia và Sa-phi- ra trong Công vụ 5:1–11. Sự tin tưởng của Phao-lô vào quyền năng biến đổi của Đấng Christ mạnh đến nỗi ông hình dung ra những tên trộm cắp trở thành người giúp đỡ kẻ khác.
Sau đó, Phao-lô ra lệnh: “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em” (Ê-phê-sô 4:29). Nó mô tả lời nói tai hại không gì ngăn cản nỗi sắp lìa khỏi miệng để thực hiện việc phá hoại của nó. Phao-lô hình dung một cách xác định rằng bất kỳ lời nói dữ nào phải nên bị chận lại và thay thế vào đó bằng những lời nói thể hiện ba tiêu chuẩn: (1) “có ích cho sự xây dựng,” (2) “phù hợp với hoàn cảnh,” và (3) mang lại “ân phước” cho những ai nghe” (Ê-phê-sô 4:29, “nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến”). Phải chi tất cả lời nói của chúng ta có thể được như vậy!
Khi bàn luận về tội lỗi của lời nói trong cộng đồng Cơ Đốc giáo, Phao- lô chia sẻ với các tín hữu lời khuyên bảo nào về sự hiện diện của Đức Thánh Linh? Ê-phê-sô 4:30.
Phao-lô đưa ra cùng một lúc lời cảnh báo nghiêm trọng lẫn lời hứa ấm lòng. Tội lỗi chúng ta phạm với nhau trong hội thánh không phải là những chuyện nhỏ nhặt có hậu quả không đáng quan tâm: điều làm buồn lòng Đức Thánh Linh là việc chúng ta lạm dụng ngôn ngữ, một ân tứ Đức Chúa Trời ban cho, để miệt hạ người khác (Ê-phê-sô 4:25–27, 29, 31, 32). Việc Phao-lô lặp lại Ê-sai 63:10 nhấn mạnh lời cảnh báo nghiêm trọng: “Song họ đã bội nghịch, đã làm cho Thần thánh Ngài buồn rầu, Ngài bèn trở làm cừu thù với họ, và chính mình Ngài chinh chiến cùng họ.”
Trong một lời hứa trấn an, Phao-lô khẳng định rằng Đức Thánh Linh đóng dấu ấn cho những người tin Chúa từ lúc họ tiếp nhận Đấng Christ (Ê-phê-sô 1:13, 14) cho đến “ngày cứu chuộc” (Ê-phê-sô 4:30). Mối quan hệ của Thánh Linh với tín đồ không là mong manh nhưng rất vững chắc. Khi các tín đồ coi thường sự hiện diện của Thánh Linh ngự trị trong lòng và dùng lời nói—sự ban cho của Đức Chúa Trời, thì Thánh Linh không phải là bỏ đi nhưng đau buồn. Đức Thánh Linh có ý định tiếp tục hiện diện với các tín đồ, đánh dấu họ là sở hữu và được bảo vệ bởi Đức Chúa Trời cho đến khi Đấng Christ trở lại.
Phao-lô nhấn mạnh thần tính trọn vẹn của Thánh Linh như “Thánh Linh của Đức Chúa Trời” và làm nổi bật nhân vị tính của Thánh Linh bằng cách miêu tả Đức Thánh Linh cũng đau buồn. (Xem Rô-ma 8:16, 26, 27; 1 Cô-rinh-tô 2:10, 13; 1 Cô-rinh-tô 12:11; Ga-la-ti 5:17, 18).
Chúng ta phải thận trọng khi thảo luận về bí ẩn của Ngôi Trời. Đức Thánh Linh vừa là Một vừa khác biệt với Chúa Cha và Chúa Con. “Thánh Linh có ý riêng của Ngài và lựa chọn tuỳ theo đó. Ngài có thể bị đau buồn và bị xúc phạm. Những biểu lộ như vậy xem ra không phù hợp với một quyền lực hay thế lực đơn thuần mà là đặc điểm của một con người. Vậy thì Thánh Linh có phải là một người giống như bạn và tôi không? Không! Ngôn ngữ của chúng ta quá giới hạn để mô tả thần thánh, và Thánh Linh là điều mà con người không bao giờ có thể trở thành được.”—Paul Petersen, God in 3 Persons—In the New Testament (Silver Spring, MD: Biblical Research Institute, 2015), trang 20.
Chính “Thánh Linh của Đức Chúa Trời” sống trong sự tiếp xúc mật thiết với chúng ta đến nỗi hành động của chúng ta được xem là có ảnh hưởng đến Ngài. Chúng ta chia sẻ cuộc sống với một thành viên của NGÔI TRỜI, Đấng đã cam kết với chúng ta trong một mối liên hệ bền vững gắn bó chúng ta cho đến tận thế. Đức tin của chúng ta nên phản ứng thế nào trước sự thật diệu kỳ này?
Phao-lô đề cập đến “ngày cứu chuộc” (Ê-phê-sô 4:30) để mời đọc giả hãy thận trọng với lời nói của mình trong bối cảnh Chúa Giê-su tái lâm. Thế nên, Ê-phê 4:31, 32 có thể được hiểu là sự dạy dỗ về cách giữ gìn lời ăn tiếng nói khi chúng ta chờ đời ngày trọng đại đó.
Trong ánh sáng của sự trở lại của Đấng Christ, chúng ta nên loại bỏ những hành vi thái độ nào trong lời ăn tiếng nói của chúng ta? Những thái độ và hành vi nào nên được noi theo? Ê-phê-sô 4:31, 32.
Trong lời khuyên cuối cùng của Ê-phê-sô 4:17–32, Phao-lô một lần nữa đưa ra mệnh lệnh ở thể phủ định, nêu ra sáu tật xấu chúng ta ta phải bỏ đi (4:31); và mệnh lệnh xác định là chúng ta phải nhân từ, thương xót, và tha thứ (4:32), với một lý do. Tín đồ phải tha thứ cho nhau “như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy”. Danh sách sáu tật xấu bắt đầu và kết thúc với những mô tả từ tổng quát bao gồm tất cả, “những cay đắng” và “mọi điều hung ác”. Ở giữa là bốn từ bổ sung: “giận dữ”, “thịnh nộ”, “la lối”, “vu khống (hay mắng nhiếc)” (Ê-phê-sô 4:31).
Chữ vu khống dịch từ tiếng Hy Lạp phạm thượng, mà tiếng Anh đã mượn như một thuật ngữ chuyên môn có nghĩa là lời nói hạ cấp chống lại Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chữ tiếng Hy Lạp xác định lời nói phỉ báng hoặc Đức Chúa Trời hoặc những người khác là “sự vu khống” hoặc “lời nói ác”. Trong danh sách trên, thái độ (cay đắng, phẫn nộ, tức giận) dường như sôi sục để thành lời nói giận dữ (la hét, vu khống). Nói tóm lại, Phao-lô phi quân sự hóa lời nói của người theo Chúa. Những thái độ thúc đẩy lời nói giận dữ, và các mưu kế để sử dụng nó phải được loại bỏ khỏi kho vũ khí của Cơ Đốc nhân. Cộng đồng Cơ Đốc nhân sẽ phát triển và sự hiệp nhất của hội thánh được nuôi dưỡng (so sánh Ê-phê-sô 4:1–16) chỉ khi những điều này được đặt sang một bên.
Tuy nhiên, lời nói độc ác không phải là chỉ nên bị kiềm chế, mà nó phải được thay thế. Lời nói và việc làm của chúng ta trong hay ngoài gia đình Cơ Đốc, không nên bị thúc đẩy bởi sự tức giận mà phải được thúc đẩy bởi lòng nhân từ, sự dịu dàng, và lòng vị tha dựa trên tiêu chuẩn cao nhất của tất cả—sự tha thứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta trong Đấng Christ (Ê-phê-sô 4:32). Phao-lô trình bày “sự tha thứ theo chiều dọc” (do Đức Chúa Trời ban cho chúng ta) làm kiểu mẫu cho “sự tha thứ theo chiều ngang” (điều mà chúng ta dành cho nhau; so sánh Cô-lô-se 3:13; Ma-thi-ơ 6:12, 14, 15).
Hãy suy nghĩ về sức mạnh của lời nói của bạn. Bạn nên sử dụng chúng như thế nào để nâng cao tinh thần, khích lệ và xây dựng đức tin?
“Chúng ta phải cẩn thận trong lời ăn nói của mình để chúng ta không cần phải ăn năn. ‘Chớ làm buồn Thánh Linh của Đức Chúa Trời vì nhờ Ngài, anh chị em được đóng ấn cho ngày cứu chuộc.’ . . . Nếu bạn có tình yêu thương trong lòng, bạn sẽ tìm cách thiết lập và xây dựng anh em mình trong đức tin thánh khiết nhất. Nếu một lời nói nào đó có thể làm tổn thương đến phẩm giá của bạn bè hoặc anh chị em mình, đừng khuyến khích cái ngôn ngữ xấu xa này. Đó là công tác của kẻ thù. Xin vui lòng nhắc người phát ngôn rằng lời Đức Chúa Trời cấm hàn huyên kiểu đó.”—Ellen G. White, Advent Review and Sabbath Herald, ngày 5/6/1888.
Giáo hội của chúng ta sẽ thay đổi như thế nào nếu bạn và mỗi thành viên chấp nhận và sống theo một lời cam kết bao gồm những lời như sau: 1. Tôi ước mong ảnh hưởng của tôi trong và ngoài gia đình Giáo hội Cơ
Đốc Phục Lâm là tích cực, nâng đỡ, xây dựng đức tin và thúc đẩy tinh thần (Ê-phê-sô 4:29).
2. Ghi nhớ lời Đấng Christ kêu gọi về sự hiệp một và tình yêu thương, tôi sẽ dành nhiều năng sức hơn khuyến khích những việc làm và lời nói (mà tôi tin là) tốt thay vì chỉ chỏ những thiếu sót của những người khác (mà tôi cho là sai) (Giăng 13:34, 35; 17:20–23; Ê-phê-sô 4:1–6; 1 Tê-sa-lô- ni-ca 5:9–11).
3. Khi không đồng ý với ai đó, tôi sẽ bày tỏ rõ ràng sự tôi tôn trọng người anh chị em đồng đức tin. Tôi sẽ giả định sự chính trực và lòng cam kết của anh/chị ấy với Đấng Christ. Tôi sẽ đưa ra quan điểm khác biệt của mình một cách nhẹ nhàng, không gay gắt (Ê-phê-sô 4:31, 32).
4. Tôi sẽ sống vui vẻ, tìm kiếm mọi cơ hội để xây dựng và khẳng định các thành viên trong hội thánh của mình trong khi tôi chờ đợi ngày tái lâm của Đấng Christ (Ê-phê-sô 4:29, 30; Ga-la-ti 6:2; Hê-bơ-rơ 10:24, 25 ).
ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Hãy ôn lại trong Ê-phê-sô, Phao-lô 11 lần mô tả Ba Ngôi của Đức Chúa Trời phối hợp chặt chẽ với nhau để cứu rỗi nhân loại. Sự nhấn mạnh nhiều lần này giúp chúng ta hiểu thế nào về Ngôi Trời? Ê-phê-sô 1:3–14; 1:15–23; 2:11–18; 2:19–22; 3:1–13; 3:14–19; 4:4–6; 4:17–24; 4:25–32; 5:15–20; 6:10–20 (“Chúa” trong Ê-phê-sô 6:10 ám chỉ Đấng Christ).
Lời khuyên của Phao-lô về lời nói của tín đồ Đấng Christ (Ê-phê-sô 4:25–32) áp dụng như thế nào trong thời đại “giao tiếp qua trung gian máy tính”, khi nó đựơc dùng cách ẩn danh để bắt nạt trên mạng, hay ám sát phẩm giá một cá nhân trên mạng.
CÂU GỐC: “Ấy chính Ngài đã cho người này làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành,kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức vụ và sự gây dựng thân thể đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:11–12).
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Ê-phê-sô 4:1–16; Phi-líp 2:3; Thi Mthiên 68:18; Công vụ 2; 1 Cô-rinh-tô 12:4–11, 27–30; Ê-sai 5:4.
Đọc Ê-phê-sô 4:1–16. Phao-lô khuyến khích các tín đồ nuôi dưỡng sự hiệp một của hội thánh như thế nào?
Sứ đồ Phao-lô bắt đầu nửa phần sau của sách Ê-phê-sô (chương 4 – 6) với lời kêu gọi rất cảm kích cho sự hiệp một, qua hai điểm chính. (1) Thứ nhất, trong Ê-phê-sô 4:1–6, ông kêu gọi các tín đồ nuôi dưỡng “sự hiệp một của Thánh Linh” bằng cách thể hiện các đức tính xây dựng sự hiệp một (Ê-phê-sô 4:1–3), một lời kêu gọi mà ông ủng hộ bằng một danh sách gồm bảy cái “một” (Ê-phê-sô 4:4–6). (2) Thứ hai, trong Ê-phê-sô 4:7–16, Phao-lô xác định một Đức Chúa Giê-su chiến thắng, vinh quang là Nguồn ân điển cho những người dẫn đầu trong việc chia sẻ phúc âm (Ê-phê-sô 4:7–10). Ông cũng mô tả cách họ cùng với tất cả các thành viên hội thánh khác, góp phần vào việc gây dựng, tăng trưởng và hiệp một của thân thể Đấng Christ (Ê-phê-sô 4:11–16).
Chương sách bắt đầu với lời Phao-lô mời khuyên các Cơ Đốc nhân “phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em” (4:1). Ông sử dụng động từ “ăn ở” cũng có nghĩa như là “cư xử” theo nghĩa bóng hoặc “sống” (xem Ê-phê-sô 2:2, 10; 4:17; 5:2, 8, 15). Khi Phao-lô đề cập đến sự Chúa “gọi anh em”, ông muốn nói đến sự kêu gọi nhận biết đức tin Cơ Đốc (Ê-phê-sô 1:18; Ê-phê-sô 2:4–6, 13). Phao-lô khuyến khích các tín đồ nên thực hành những lối cư xử mang lại sự hiệp một để phản ảnh kế hoạch tối thượng của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 4:9, 10). Ông nhấn mạnh điều đó với lời kêu gọi tín hữu hãy thực hành các đức tính dẫn đến sự hợp nhất (Ê-phê-sô 4:1–3), chẳng hạn như khiêm nhường, mềm mại và nhịn nhục.
Chúng ta sẽ xem xét từng từ ngữ.
Phao-lô giải thích chữ khiêm nhường dùng trong Ê-phê-sô 4:2 như là “coi người khác như tôn trọng hơn mình” (Phi-líp 2:3). Vì vậy, khiêm nhường không phải là một đức tính tiêu cực của sự tự ti (xem Cô-lô-se 2:18, 23) mà là một đức tính tích cực của việc đánh giá cao và phục vụ người khác.
Sự mềm mại (Ê-phê-sô 4:2) có thể được giải thích như “ đức tính không bị ấn tượng quá mức về tầm quan trọng của chính bản thân” và cũng có nghĩa là “hoà nhã, ân cần, nhu mì.”—Frederick Danker, ed. , Greek/English Lexicon of the New Testament (Chicago: Nhà xuất bản Đại học Chicago, 2000), trang 861.
Cuối cùng, sự nhịn nhục (kiên nhẫn) có nghĩa là đủ sức chịu đựng khi bị khiêu khích hoặc thử thách.
Tất cả những đức tính này tập trung quanh chủ đề rằng chúng ta hãy quên bớt “cái tôi” và việc coi trọng bản thân và thay vào đó, chúng ta thêm chú ý vào giá trị của người khác.
Khiêm tốn, hòa nhã, nhẫn nại. Những đức tính này sẽ giúp chúng ta, dân sự Đức Chúa Trời, hiệp một ra sao? Làm sao chúng ta có thể trau dồi những đức tính này?
Phao-lô nêu lên bảy điều “một” nào để ủng hộ chủ đề “hiệp một” của hội thánh? Ông muốn nhấn mạnh điều gì với danh sách này? (Ê-phê-sô 4:4–6).
Danh sách bảy điều “một” trong sách Ê-phê-sô đọc như một bài thơ hay một bài thánh ca. Danh sách bắt đầu bằng cách đề cập đến hai “cái một” cùng nhau: “Một thân thể” (ám chỉ hội thánh là thân thể của Đấng Christ, Ê-phê-sô 4:12, 16; 1:23; 5:23, 29, 30) và “Một Thánh Linh” (Ê-phê-sô 4:4). Điều thứ ba là “Một sự trông cậy” (Ê-phê-sô 4:4; so sánh 4:1).
Sau đó, danh sách cung cấp thêm ba yếu tố, “Một Chúa” (ám chỉ đến Đấng Christ), “Một đức tin” (nghĩa là những gì Cơ Đốc nhân tin tưởng, Ê-phê-sô 4:13; Cô-lô-se 1:23; Cô-lô-se 2:7; Ga-la-ti 1:23; 1 Ti-mô-thê 4:1, 6), và “Một phép báp têm” (so sánh Ê-phê-sô 5:26) trước khi kết thúc bằng một mô tả nới rộng về Đức Chúa Trời như là “một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người” (Ê-phê-sô 4:6).
Phao-lô muốn truyền đạt điều gì qua sự mô tả bằng thơ này về Đức Chúa Trời là Cha? Bởi Ngài là “Cha của mọi người”, nên Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. Phần còn lại của câu ấy mô tả cách Đức Chúa Trời liên hệ đến “vạn vật”, với mọi thứ mà Ngài đã tạo ra, một khi thế giới đã được dựng nên. Phao-lô không đào sâu vào dị giáo của thuyết phiếm thần, hay thuyết đa thần, nhưng đúng hơn, Phao-lô công bố sự siêu việt (“Ngài là trên cả mọi người”), quy tắc hoạt động (“giữa mọi người ”) và sự bất tử (“ở trong mọi người) của Đức Chúa Trời.
Chúng ta nên lưu ý cẩn thận hai ý tưởng về sự hợp nhất của hội thánh (Ê-phê-sô 4:1–6). Thứ nhất, sự hợp nhất là một điều hiển nhiên thuộc linh, bắt nguồn từ bảy điều “một” này, một thực tại cần được ăn mừng (Ê-phê- sô 4:4–6). Thứ hai, sự hợp nhất này đòi hỏi sự nhiệt tâm của chúng ta để nuôi dưỡng và phát triển nó (Ê-phê-sô 4:3). Chúng ta rồi sẽ gặp những rắc rối khiến chúng ta buồn khóc trước những thất bại của mình trong việc thực hiện sự hiệp nhất này. Tuy nhiên, bất kể thất bại, chúng ta nên vui mừng trong công việc của Đức Chúa Trời / Đấng Christ thống nhất hội thánh, vui mừng về “sự hiệp một của Thánh Linh” (Ê-phê-sô 4:3). Có vậy, điều ấy sẽ giúp chúng ta không nản lòng đến bỏ cuộc trong công tác khó khăn thúc đẩy sự hiệp một này, nhưng vẫn giữ vững niềm tin rằng chúng ta đang hoàn thành công việc của chính Đức Chúa Trời.
Đọc lại Ê-phê-sô 4:4–6. Bạn nên cảm thấy thế nào về sự hiệp một của chúng ta trong và với Đức Chúa Trời qua Đấng Christ?
“Nhưng, đã ban ân điển cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ. Vậy nên có chép rằng: Ngài đã lên nơi cao, dẫn muôn vàn kẻ phu tù, Và ban các ơn cho loài người.
Vả, những chữ “Ngài đã lên” có nghĩa gì, há chẳng phải là Ngài cũng đã xuống trong các miền thấp ở dưới đất sao? Đấng đã xuống tức là Đấng đã lên trên hết các từng trời, để làm cho đầy dẫy mọi sự” (Ê-phê-sô 4:7–10). Phao-lô muốn nói gì trong những câu này?
Phao-lô đã trích Thi thiên 68:18, “Chúa đã ngự lên trên cao, dẫn theo những phu tù; Chúa đã nhận lễ vật giữa loài người, và giữa kẻ phản nghịch cũng vậy, Hầu cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời được ở với chúng nó.” Thi thiên 68:18 miêu tả Đức Giê-hô-va, như một vị tướng chinh phạt, Đấng đã chiến thắng kẻ thù của Ngài, ngự lên ngọn đồi trên đó thủ đô của Ngài được xây cất, dẫn theo những phu tù, (xin xem Thi thiên 68:1, 2). Sau đó, Ngài tiếp nhận lễ vật từ những kẻ thù đã bị chinh phục (lưu ý rằng Phao-lô điều chỉnh hình ảnh này thành hình ảnh Đấng Christ cao trọng “ban ân điển”, dựa trên bối cảnh rộng hơn của Thi thiên, xem Thi thiên 68:35).
Nếu chúng ta theo thứ tự của Thi thiên 68:18, sự ngự trên cao—sự thăng thiên của Đấng Christ (Ê-phê-sô 1:21–23)—xảy ra trước tiên, tiếp theo là sự hạ thế trong đó một Chúa Giê-su phục sinh và cao trọng sẽ ban ân điển và làm trọn mọi điều. Đây là cách Phao-lô mô tả sự tuôn tràn của Đức Thánh Linh trong Lễ Ngũ Tuần (xem Công vụ 2). Quan điểm này được xác nhận bởi Ê-phê-sô 4:11, 12, trong đó những ân điển mà Đức Chúa Giê-su ban bố chính là những ban cho của Đức Thánh Linh.
“Đấng Christ đã thăng thiên trên cao, dẫn đi những kẻ bị giam cầm, và ban quà cho loài người. Sau khi Đấng Christ thăng thiên, Đức Thánh Linh ngự xuống như đã hứa, như một cơn gió ào ạt, mạnh mẽ, tràn ngập khắp nơi các môn đồ nhóm họp. Và hiệu quả là gì? Hàng nghìn người đã được chuyển đổi trong một ngày.”—Ellen G. White, Ye Shall Receive Power, trang 158.
Mặc dầu các câu Kinh Thánh này trong Ê-phê-sô rất sâu xa (khó hiểu) nhưng chúng ta vẫn tìm được sự an ủi thoả lòng qua các lời ấy vì nó cho chúng ta biết những gì Đấng Christ đã và sẽ làm cho chúng ta, nhất là khi chính Ngài sẽ làm trọn “mọi sự trong mọi loài” (Ê-phê-sô 1:23).
Dựa trên Thi thiên 68:18, Phao-lô mô tả một Chúa Giê-su phục sinh, cao trọng, chiến thắng đang ban bố ân sủng cho dân Ngài từ trên cao. Chúa Giê-su đã ban cho những “món quà” nào, và nhằm mục đích gì? Ê-phê-sô 4:11–13.
Phao-lô xác định bốn nhóm người “được sự ban cho” như một phần của kho tàng của Đức Chúa Giê-su mà Ngài dành cho hội thánh Ngài: (1) các sứ đồ; (2) các nhà tiên tri; (3) các nhà truyền giáo; (4) mục sư và giáo sư (cấu trúc của cụm từ tiếng Hy Lạp cho thấy đây là chung một nhóm). Đấng Christ ban cho những ân tứ này để hoàn thành công việc quan trọng: “để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:12) và “cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:13).
Điểm cuối cùng này là đặc biệt quan trọng đối với những người Cơ Đốc Phục Lâm đầu tiên, khi họ suy gẫm về những ân tứ thuộc linh của Ellen G. White. Kinh Thánh có xác định rằng ơn nói tiên tri trong hội thánh chỉ xuất hiện vào thời các sứ đồ mà thôi? Hay là ơn ấy được tiếp tục cho đến khi Chúa Giê-su tái lâm? Những người Cơ Đốc Phục Lâm đầu tiên đã tìm thấy câu trả lời trong Ê-phê-sô 4:13 và chia sẻ nó qua câu chuyện về người thuyền trưởng của một con tàu phải tuân theo các lời hướng dẫn cung cấp cho cuộc hành trình. Khi con tàu gần đến cảng, thuyền trưởng thấy có chỉ thị rằng một hoa tiêu sẽ lên tàu để giúp hướng dẫn con tàu. Để theo đúng với chỉ thị nguyên thuỷ, thuyền trưởng phải cho phép hoa tiêu lên tàu và tuân theo các chỉ thị kế tiếp. “Vậy ai bây giờ vâng theo tập chỉ thị nguyên thuỷ? Những người từ chối hoa tiêu, hay những người tiếp nhận ông ta, như cuốn sách đó đã chỉ bảo? Bạn nghĩ thế nào?”—Uriah Smith, “Do We Discard the Bible by Endorsing the Visions?”, Review và Herald, 13/1/1863, trang 52.
Chúng ta nên thận trọng khi xác định “mục sư”, “giáo viên” và “người truyền bá phúc âm”, vì chúng ta nghĩ về những chức vụ này trong bối cảnh và thời gian của chúng ta. Nhưng vào thời của Phao-lô, tất cả những người này đều là những nhà lãnh đạo giáo dân đang phục vụ các hội thánh tư gia ở Ê-phê-sô (so sánh 1 Phi-e-rơ 2:9, Công vụ 2:46, Công vụ 12:12).
Đọc Ê-sai 5:4, “Có điều chi nên làm cho vườn nho ta mà ta không làm cho nó chăng?” Hãy suy nghĩ về câu này trong bối cảnh những gì Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta qua chức vụ của Ellen G. White. Nó áp dụng ra sao?
Nguy cơ nào đe dọa sự trưởng thành giống như Đấng Christ của hội thánh? Ê-phê-sô 4:14.
Môi trường của Phao-lô thời ấy không khác gì môi trường của chúng ta hôm nay, trong đó nhiều ý tưởng khác nhau, chẳng hạn như “mỗi luồng gió của các dị thuyết” và “âm mưu lừa dối” đang đổ dồn lên các tín đồ. Ông sử dụng ba bộ hình ảnh để mô tả những nguy hiểm của thần học sai lầm: (1) sự non nớt của tuổi thơ, “chúng ta không như trẻ con nữa”; (2) nguy hiểm trên biển cả, “day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc”; (3) bị lừa bởi những người xảo quyệt như những tay người chơi cờ bạc thực hành những trò bạc bịp. Phao-lô dùng từ ngữ Hy Lạp kubeia (“ném xúc xắc”) để mô tả “gian xảo” hay “mưu mẹo”.
Phao-lô tin rằng sự chia rẽ là một dấu hiệu quan trọng của việc đi sai đường: Điều gì nuôi dưỡng và phát triển cơ thể và giúp chúng gắn bó với nhau là điều tốt trong khi điều gì làm suy kiệt và chia rẽ thân thể là điều xấu. Bởi từ bỏ những dạy dỗ gây chia rẽ và chuyển sang những dạy dỗ của những giáo sư đã được thử nghiệm và đáng tin cậy (Ê-phê-sô 4:11), họ sẽ trưởng thành như một Cơ Đốc nhân thật sự và giữ những vai trò hiệu quả trong thân thể của Đấng Christ (Ê-phê-sô 4:12, 13; so sánh với 4:15, 16).
Một hội thánh khoẻ mạnh sinh hoạt như một thân thể tráng kiện theo những cách nào? Ê-phê-sô 4:15, 16.
Trong Ê-phê-sô 4:1–16, Phao-lô ủng hộ sự hiệp một của hội thánh và kêu gọi mọi người tích cực bồi đắp điều ấy. Mặc dù sự hiệp một là điều chắc chắn về mặt thần học (Ê-phê-sô 4:4–6), nó đòi hỏi chúng ta phải gắng công (Ê-phê-sô 4:3). Chúng ta phải là những “bộ phận” tích cực hoạt động của thân thể Đấng Christ (Ê-phê-sô 4:7–16). Mỗi người chúng ta phải là một bộ phận đóng góp vào sức khỏe và sự phát triển của cơ thể. Tất cả chúng ta đều sẽ được hưởng lợi ích từ công vụ của các sứ đồ, các nhà tiên tri, các nhà truyền giáo và các mục sư, giáo sư (Ê-phê-sô 4:11). Những điều này, như dây chằng, dây gân và “khớp” (Ê-phê-sô 4:16), có chức năng hợp nhất, giúp chúng ta cùng nhau lớn lên trong Đấng Christ, Đấng là đầu của thân thể (Ê-phê-sô 4:13, 15 ).
Một số “chiều gió của đạo lạc” thổi qua hội thánh của chúng ta ngày nay là gì, và làm thế nào chúng ta có thể đứng vững trước chúng? Mang câu trả lời của bạn đến lớp vào ngày Sa-bát.
Hai ghi chú sau đây có thể giúp chúng ta nới rộng việc nghiên cứu Ê-phê-sô 4:7–10:
1. Dịch Ê-phê-sô 4:9. Một số bản dịch viết rằng sự hạ xuống xảy ra trước khi ngự lên (ví dụ:“Ngài đã xuống trước”). Các bản dịch khác dịch sát văn bản tiếng Hy Lạp hơn, không xác định thời gian ngự lên và hạ xuống (ví dụ: “Ngài đã lên có nghĩa là gì ngoại trừ việc Ngài cũng đã xuống các vùng thấp hơn trên trái đất?”), cho phép quan điểm được bày tỏ trong bài học hôm thứ Ba, rằng thứ tự tường thuật của Thi thiên 68:18 nên được tuân theo, với Đấng Christ được tôn vinh trên trời (“Ngài đã lên nơi cao”) xảy ra trước, sau đó là sự “xuống thế” của Ngài trong Thánh Linh.
2. Dẫn theo những phu tù. Khi trích dẫn Thi thiên 68:18 từ Cựu ước tiếng Hy Lạp, Phao-lô sử dụng một cụm từ trong Ê-phê-sô 4:8 đọc theo nghĩa đen, “Ngài bắt giữ các tù binh”. Người Cơ Đốc Phục Lâm thường hiểu cụm từ này chỉ về hành động của Đấng Christ là lúc Ngài thăng thiên sau khi phục sinh, Ngài mang theo những người được sống lại trong sự phục sinh đặc biệt vào thời điểm Ngài sống lại (Ma-thi-ơ 27:51–53). Những điều này tạo thành một “làn sóng”, những hoa trái đầu tiên của những người được cứu chuộc mà Ngài sẽ trình dâng với Cha khi Ngài trở lại các tòa án thiên đàng (xem SDA Bible Commentary, tập 6, trang 1022; The Desires of Ages, trang 834 , so sánh The Desire of Ages, trang 785, 786). Ngoài ra, phù hợp với Cô-lô-se 2:15, đoạn văn này có thể được coi như một bức tranh mô tả cuộc chinh phục của Đấng Christ đối với kẻ thù của Ngài—Sa-tan và các thiên thần gian ác—những kẻ được miêu tả là những tù nhân bại trận.
ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
So sánh danh sách “các ân tứ thuộc linh” trong Ê-phê-sô 4:11 với danh sách trong 1 Cô-rinh-tô 12:4–11, 27–30; Rô-ma 12:4–8; và 1 Phi-e-rơ 4:10, 11. Bạn quan sát thấy những điểm khác biệt và giống nhau nào?
Trong lớp, hãy nói về một số “chiều gió của đạo lạc” thổi vào nhà thờ ngày nay. Hãy lưu ý cách Phao-lô nói rằng chúng ta không nên bị thổi bay bởi những cơn gió này. Những cách cụ thể nào để chúng ta có thể giúp bảo vệ bản thân và những người khác trong hội thánh khỏi những thiệt hại mà những luồng gió này có thể gây ra cho chúng ta?
Phao lô qua Ê-phê-sô nhấn mạnh chủ đề “hiệp một”. Nhưng chúng ta có tìm kiếm sự hiệp một bằng mọi giá không? Nói cách khác, khi nào thì ước vọng hợp nhất trở nên phản tác dụng?
CÂU GỐC: “Vả, Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng, nguyền Ngài được vinh hiển trong Hội thánh, và trong Đức Chúa Jêsus Christ, trải các thời đại, đời đời vô cùng! A-men” (Ê-phê- sô 3:20, 21).
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Ê-phê-sô 3; Gióp 11:5–9; Ê-xê-chi-ên T43:13–16; A-mốt 7:7, 8; Khải huyền 11:1, 2.
Đọc Ê-phê-sô 3. Trong khi đọc, hãy nhận biết một hoặc hai chủ đề chính. Phao-lô đưa ra những điểm chính nào?
Ê-phê-sô 3 trình bày một cấu trúc thú vị. Phao-lô bắt đầu chương này với những lời này: “Ấy bởi điều đó, mà tôi, Phao-lô, vì anh em là người ngoại mà làm kẻ tù của Đức Chúa Jêsus Christ…” (Ê-phê-sô 3:1). Sau đó, ông tập trung vào công việc sứ đồ cho dân ngoại (Ê-phê-sô 3:2-13). Sau những lời dài dòng ấy, ông báo hiệu sự trở lại dòng suy nghĩ ban đầu của mình bằng cách lặp lại cụm từ, “Vì lý do này” (Ê-phê-sô 3:14), với các câu 14–21 tiếp tục lời cầu nguyện tường trình đã bị gián đoạn của ông.
Trong Ê-phê-sô 3:1, Phao-lô tự nhận mình là “kẻ tù của Đức Chúa Giê- su Christ”, cách ông lập luận rằng mặc dù ông có thể sống trong cảnh giam cầm của người La Mã và dường như ở dưới quyền của Đế chế La Mã, nhưng có một ý nghĩa sâu sắc hơn, mục đích thiêng liêng đang được thực hiện trong cuộc sống của ông. Ông không phải là tù nhân của Rô-ma mà là “kẻ tù của Đức Chúa Giê-su Christ”! (so sánh Ê-phê-sô 4:1).
Việc Phao-lô đề cập đến việc “sự hoạn nạn tôi chịu” của mình (Ê-phê- sô 3:13), và sau đó ông đề cập đến xiềng xích của mình (Ê-phê-sô 6:20), cho thấy rằng ông không được quản thúc tại gia tương đối thoải mái (so sánh với Công vụ 28:16) nhưng đang ở trong tù. Ở trong tù vào thế kỷ thứ nhất và trong ngục tối La Mã là một thử thách đáng sợ. Đế chế La Mã điều hành các nhà tù cách vô tổ chức về vấn đề vệ sinh, và tù nhân không được cho ăn uống thường xuyên. Trên thực tế, đế chế thật chẳng cần đến nhà tù vì việc giam giữ không được dùng để trừng phạt. Mọi người chỉ bị tống vào tù trong khi chờ xét xử hoặc hành quyết. Các tù nhân phải tự lo cho bản thân và phụ thuộc vào người thân và bạn bè để cung cấp thực phẩm và các nhu cầu khác.
Nỗi lo lắng chính của Phao-lô có lẽ là vào “xin anh em chớ nhân sự hoạn nạn tôi chịu vì anh em mà ngã lòng”. Vì sa vào vòng lao lý tù tội, làm tù nhân là một điều cực kỳ xấu hổ về mặt xã hội trong bối cảnh của nền văn hóa thời ấy, một văn hóa chú trọng đến vinh danh và xấu hổ. Ông có thể sợ rằng một số người sẽ hỏi: “Làm sao Phao-lô có thể là sứ đồ và sứ giả của Đấng Christ cao cả mà lại là một tù nhân bị khinh bỉ?” Vì vậy, ông trình bày lại việc bị giam cầm của mình, để giúp các tín đồ có thể xem đó là một phần trong kế hoạch của Đức Chúa Trời. Ngài đang đau khổ vì họ và những gì có vẻ là nguồn gốc của sự xấu hổ thực ra lại là vì “vinh hiển” cho họ (Ê-phê-sô 3:13).
Làm thế nào chúng ta có thể học cách tin cậy nơi Chúa và đường lối của Ngài giữa những hoàn cảnh có thể rất khó khăn?
Điều mầu nhiệm nào đã được giao phó cho Phao-lô? Ê-phê-sô 3:1–6.
Khi bạn nghiên cứu Ê-phê-sô 3:1–6, hãy lưu ý những điều sau:
Trước nhất, Phao-lô viết phần này của bức thư một cách đặc biệt cho các tín hữu người Ngoại trong các hội thánh tại gia ở Ê-phê-sô (Ê-phê-sô 3:1). Thứ hai, Phao-lô tuyên bố mình là người nhận được một điều gì đó mà ông gọi là quyền quản lý “Đức Chúa Trời ban chức cho tôi, là ân điển mà Ngài vì anh em phó cho tôi” là các tín hữu gốc dân ngoại (Ê-phê-sô 3:2). Chức vụ quản lý này, hay chức vụ ân điển này, là cách Phao-lô mô tả sứ mệnh được giao cho ông là rao giảng phúc âm (“ân điển của Đức Chúa
Trời”) cho dân ngoại.
Thứ ba, Phao-lô tuyên bố rằng một điều mầu nhiệm đã được bày tỏ cho
ông, một chủ đề mà ông đã viết trong bức thư (đặc biệt xem Ê-phê-sô 1:9, 10; Ê-phê-sô 2:11–22), “lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 3:3, 4). Phao-lô không muốn người ta tưởng rằng ông là người phát minh ra phúc âm, nhưng ông khẳng định mình được Đức Chúa Trời ban cho một chức vụ để rao truyền phúc âm.
Thứ tư, Phao-lô không phải là người duy nhất nhận được sự mặc khải cao cấp về điều mầu nhiệm này, vì Đức Thánh Linh cũng đã tiết lộ điều đó cho “các thánh sứ đồ và tiên tri” của Đấng Christ trong một cách vượt qua sự mặc khải về kế hoạch của Đức Chúa Trời cho các thế hệ trước đó (Ê-phê-sô 3:5). Cách dùng chữ “tiên tri” ở đây có lẽ đề cập đến những người có được và dùng ân tứ tiên tri trong các hội thánh Cơ Đốc giáo tại gia đầu tiên hơn là về các tiên tri của Cựu Ước. Điều bí ẩn đã từng bị che giấu, giờ đây đã trở thành cái mà chúng ta có thể gọi là “bí ẩn tỏ bày”.
Cuối cùng, ông tuyên bố: “Lẽ mầu nhiệm đó tức là: Dân ngoại là kẻ đồng kế tự, là các chi của đồng một thể, đều có phần chung với chúng ta về lời hứa đã nhờ Tin lành mà lập trong Đức Chúa Jêsus Christ;” (Ê-phê-sô 3:6).
Phao-lô yêu mến phúc âm và vì phúc âm và nhất là về cách nó được thể hiện trong hội thánh, là nơi có cả người Do Thái và người ngoại. Hai nhóm này đã trở thành những viên gạch lớn xây dựng nên cộng đồng mới của Đức Chúa Trời. Đây là “thương hiệu mới” vì nhân loại của Ngài, tức là hội thánh (xin xem Ê-phê-sô 2:14–16). Có thể nói giờ đây họ được biến đổi từ kẻ thù thành “đồng kế tự”, “đồng một thể” (bao gồm trong một thân thể duy nhất, thân thể của Đấng Christ), và “đều có phần chung” về lời hứa phúc âm (xin xem Ê-phê-sô 3:6).
Có những thái độ nào, kể cả thái độ ở bên dưới bề mặt, của bạn mà mâu thuẫn với tính bao hàm mà phúc âm đã dạy? Làm thế nào để bạn gạt bỏ được chúng?
Phao-lô nói gì về Đức Chúa Trời và các hành động của Đức Chúa Trời trong Ê-phê-sô 3:7–13?
Phao-lô một lần nữa khẳng định mình là “kẻ giúp việc Tin lành” nhờ “ân điển Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 3:7; so sánh Ê-phê-sô 3:1, 2). Ân tứ này, giống như phúc âm, không được ban vì giá trị của người nhận, nhưng nhờ ân điển của Đức Chúa Trời. Phao-lô nhấn mạnh điểm này bằng cách tự mô tả mình là “kẻ hèn hơn hết mọi thánh đồ” (Ê-phê-sô 3:8).
Có một sự tiến triển thú vị trong sự tự biết mình của Phao-lô. Chúng ta có thể thấy rõ điều ấy khi xem qua các thư tín của Phao-lô theo thứ tự chúng được viết. Lúc ban đầu ông đã khẳng định mình là sứ đồ được Đức Chúa Trời bổ nhiệm (Ga-la-ti 1:1). Tuy nhiên, sau đó, ông tự giới thiệu mình là “kẻ hèn mọn hơn hết” trong vòng các sứ-đồ và “không đáng gọi là sứ đồ”! (1 Cô-rinh-tô 15:9). Cuối cùng, ông tự mô tả mình là “trong những kẻ có tội đó ta là đầu” (1 Ti-mô-thê 1:15).
Có lẽ lối suy nghĩ này của Phao-lô có thể giúp giải thích câu nói nổi tiếng này của Ellen G. White: “Càng đến gần Đức Chúa Giê-su, bạn càng thấy mình có nhiều lỗi lầm trong chính mắt mình; vì tầm nhìn của bạn sẽ rõ ràng hơn, và sự không hoàn hảo của bạn sẽ được nhìn thấy một cách sáng tỏ tương phản với bản chất hoàn hảo của Ngài.”—Con Đường Giải Thoát, trang 64, Nhà In Tiếng Nói Hy Vọng.
Sau đó Phao-lô tiếp, trong Ê-phê-sô 3:10, “hiện nay sự khôn sáng mọi đường của Đức Chúa Trời cậy Hội thánh mà bày tỏ cho những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời”. Những kẻ ấy là ai? Hội thánh công bố sự khôn ngoan “mọi đường” hay nhiều phương diện của Đức Chúa Trời cho các kẻ cầm quyền ấy như thế nào? Mặc dù Ê-phê-sô 3:10 không mô tả bản chất của các quyền lực, nhưng có vẻ đúng nhất là nên xem đó là những kẻ ác được mô tả chi tiết hơn trong Ê-phê-sô 6:11, 12. Nếu vậy, thành phần của hội thánh, liên hiệp người Do Thái và dân ngoại, trước từng là những phần rất chia rẽ của nhân loại, trở thành một tuyên cáo vang dội cho “những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời” thuộc về ma quỷ, biết về kế hoạch của Đức Chúa Trời cho tương lai, để “hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Christ, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất” ( Ê-phê-sô 1:10). Các kẻ ấy được thông báo rằng kế hoạch của Đức Chúa Trời đang được tiến hành và sự diệt vong của họ là chắc chắn. Bản chất thật của một hội thánh hiệp một là báo hiệu cho các kẻ ấy biết chung cuộc thất bại của chúng.
Nếu hội chúng của hội thánh bạn coi trọng “bản mô tả công việc” của hội thánh do Phao-lô liệt kê trong Ê-phê-sô 3:10, thì điều đó có thể thay đổi thế nào mối tương quan của bạn hay các thành viên trong hội thánh với nhau?
So sánh lời cầu nguyện trước đó của Phao-lô, Ê-phê-sô 1:16–19, với lời cầu xin của ông dành cho các tín hữu trong Ê-phê-sô 3:14–19. Hai yêu cầu giống nhau ở điểm nào?
Trong bản dịch tiếng Anh của Ê-phê-sô 3:14, 15 là một cách chơi chữ quan trọng. Khi Phao-lô nói rằng ông quì gối trước mặt “Cha”, là Đấng từ đó mọi gia đình trên trời và dưới đất được đặt tên, thì ông đang khám phá mối liên hệ về mặt ngữ âm giữa danh từ tiếng Hy Lạp dành cho Cha, patēr, và danh từ tiếng Hy Lạp dành cho gia đình, patria. Trong sách Ê-phê-sô, Phao-lô ca ngợi bản chất toàn diện của kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời, kế hoạch này liên quan đến mọi sự (Ê-phê-sô 1:9, 10) cho đến mọi thời (Ê-phê-sô 1:21). Và tại đây, ông tuyên bố “mọi gia đình trên trời và dưới đất” đều thuộc về “Cha”. Mỗi gia đình (patria) lấy tên từ Cha (patēr). Đây là một tin rất tốt!
Hãy suy gẫm ý nghĩ này:Gia đình của bạn, mặc dù không hoàn hảo và thiếu sót, nhưng vẫn thuộc về Đức Chúa Trời. Gia đình bạn không bị sự nghiệt ngã của số phận kìm kẹp, mà nằm trong bàn tay chăm sóc của Chúa. Chúa yêu những gia đình không hoàn hảo. Họ mang tên thiên thượng. Họ mang dấu ấn quyền sở hữu của Ngài.
Trong Ê-phê-sô 3:16–19, Phao-lô cầu xin Đức Chúa Trời ban cho các tín hữu một kinh nghiệm thuộc linh dư dật được đánh dấu bởi sức mạnh nội tâm qua sự hiện diện của Đức Thánh Linh (câu 16), sự thân mật với Đấng Christ, Đấng cũng được mô tả là ngự trị trong lòng, và một bản sắc thuộc linh ổn định, an toàn “đâm rễ vững nền trong sự yêu thương” (câu 18).
Khi Phao-lô tìm cách dâng lời ngợi khen Đức Chúa Trời về phạm vi rộng lớn của các phước lành được ban cho các tín hữu, ông không bao gồm ba khía cạnh, mà là bốn khía cạnh—“bề rộng, bề dài, bề cao và bề sâu” (câu 18). không xác định rõ ràng những kích thước này áp dụng cho điều gì, mặc dù chúng rõ ràng mô tả kích thước rộng lớn của một điều gì đó quan trọng. Những khía cạnh này có mô tả sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời không (so sánh Gióp 11:5–9, sử dụng bốn khía cạnh), quyền năng của Đức Chúa Trời (so sánh Ê-phê-sô 3:16, 17), hoặc có lẽ là đền thờ thuộc linh trong Ê-phê-sô 2:19–22 (so sánh Ê-xê-chi-ên 43:13–16, sử dụng bốn chiều; A-mốt 7:7, 8; Khải huyền 11:1, 2)? Tốt nhất nên xem bốn khía cạnh này như mô tả sự bao la của “sự yêu thương của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 3:19), xem xét cụm từ “hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu” (Ê-phê-sô 3:18, so sánh Rô-ma 8:35–39 ). Nhưng chúng ta biết chắc những lời Phao-lô nói đây, chúng là tin tốt.
Phao-lô kết thúc bản tường trình cầu nguyện của mình bằng một bài tán tụng, một câu ngắn gọn, nên thơ ngợi khen Đức Chúa Trời. Ông ngợi khen Chúa vì điều gì? Ê-phê-sô 3:20, 21.
Phao-lô đã ghi lại những lời cầu nguyện của ông cho các tín đồ (Ê-phê- sô 3:14–19). Bây giờ ông cầu nguyện trực tiếp và mạnh mẽ. Nhưng lời tán tụng của Phao-lô trong Ê-phê-sô 3:21 đưa đến chúng ta hai câu hỏi:
1. Có phải đoạn văn đã nâng cao hội thánh một cách không thích hợp, đặt nó ngang hàng với Đấng Christ, trong cụm từ “nguyền Ngài được vinh hiển trong Hội thánh, và trong Đức Chúa Jêsus Christ”? Trong khi Phao-lô rất quan tâm đến hội thánh ở Ê-phê-sô, thì rõ ràng Đấng Christ là Cứu Chúa của hội thánh vì chính Đấng Christ ngự trong lòng các tín đồ (Ê-phê-sô 3:17). Trong lời chúc tụng, Phao-lô ca ngợi Đức Chúa Trời về sự cứu rỗi được ban cho hội thánh qua Đức Chúa Giê-su Christ.
2. Có phải cụm từ “trải các thời đại, đời đời vô cùng” miêu tả một tương lai vô tận trên đất của hội thánh, với sự tái lâm của Đấng Christ bị trì hoãn chăng? Ê-phê-sô thể hiện một kỳ vọng mạnh mẽ cho tương lai. Ví dụ, Ê-phê-sô 4:30 hướng tới “ngày cứu chuộc”. Ngoài ra, các tín hữu sẽ kinh nghiệm quyền năng tối cao, vô hạn của Đấng Christ trong “thời đại sắp đến”. Bài tán tụng của Phao-lô nên được đọc như một sự tán dương quyền năng vô tận của Đấng Christ được thực thi vì các tín đồ.
Nhìn lại lời tường thuật cầu nguyện thứ hai của Phao-lô (Ê-phê-sô 3:14–21; so sánh Ê-phê-sô 1:15–23), chúng ta thấy Phao-lô tìm được sức mạnh trong phạm vi chăm sóc của Cha (câu 14, 15), sự sẵn có của Đức Thánh Linh (câu 16), sự cộng tác của chính Đấng Christ (câu 17), và tình yêu không thể đo lường được của Đấng Christ (câu 18, 19). Điều này đúng đến nỗi ông hình dung các tín hữu được đầy dẫy “mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời” và ca ngợi những thực tại thuộc linh này, một lần nữa kinh ngạc trước quyền năng dồi dào của Đức Chúa Trời ban cho các thánh đồ (câu 20, 21).
Bất cứ khi nào lòng bị đè nặng bởi các nan đề, cám dỗ hoặc hồ nghi, chúng ta có thể tìm đến sự sôi nổi này trong những lời cầu nguyện của Phao-lô. Vị sứ đồ bị cầm tù nâng tầm nhìn của chúng ta đến chân trời rộng lớn về mục đích và ân điển của Đức Chúa Trời, nhắc nhở chúng ta rằng, bất kể hoàn cảnh hiện tại của chúng ta là gì, chúng ta đều là những người dự phần vào kế hoạch tối hậu của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 1:9, 10), và quyền năng của Ngài đang hành động trong chúng ta .
Những phước lành nào từ Đức Chúa Trời đặc biệt quí giá đối với bạn? Thực hành soạn một lời cầu nguyện ngợi khen để ca ngợi Chúa về các ơn phước ấy.
“Làm thế nào chúng ta có thể hài hòa tình trạng thuộc linh thấp kém của mình với những lời ghi trong Ê-phê-sô 3:14–19, là lời mô tả sự thông sáng hoàn toàn mà chúng ta có đặc quyền sở hữu được? Làm sao Thiên đàng có thể nhìn đến chúng ta, là những kẻ đã có mọi lợi thế thuộc linh và vật chất để có thể lớn lên trong ân điển, mà chúng ta lại không cải thiện các cơ hội của mình? Vị sứ đồ không viết những lời này để trêu ngươi, lừa dối chúng ta, hoặc nâng cao kỳ vọng của chúng ta chỉ để khiến cho những kỳ vọng ấy thành thất vọng trong kinh nghiệm của chúng ta. Ông đã viết những lời này để cho chúng ta thấy chúng ta có thể và phải như thế nào, nếu muốn là người thừa hưởng vương quốc của Đức Chúa Trời. Làm sao chúng ta có thể là những người cùng làm việc với Đức Chúa Trời, nếu chúng ta có một kinh nghiệm thấp bé? Chúng ta biết về đặc ân của Cơ Đốc nhân, và nên tìm kiếm sự hiểu biết thuộc linh sâu sắc ấy trong những điều thuộc về Đức Chúa Trời mà Chúa đã muốn chúng ta có được.
“Chúng ta có thực sự tin vào Kinh Thánh không? Chúng ta có thực sự tin rằng chúng ta có thể đạt được sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được trình bày trước mặt chúng ta trong các câu Kinh Thánh này không? Chúng ta có tin mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời không? Chúng ta có tin những lời đã được nói bởi các vị tiên tri và sứ đồ, bởi Đức Chúa Giê-su Christ, Đấng là tác giả của mọi ánh sáng và phước lành, và trong Ngài ngự trị mọi sự giàu có và sung mãn không? Chúng ta có thật sự tin nơi Đức Chúa Trời và nơi Con Ngài không?”—Ellen G. White, The Advent Review and Sabbath Herald, ngày 1-10-1889.
ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
So sánh bài tán tụng của Phao-lô trong Ê-phê-sô 3:20, 21 với những bài tán tụng khác trong Tân Ước—Rô-ma 11:33–36; Rô-ma 16:25–27; Phi-líp 4:20; 2 Phi-e-rơ 3:18; Giu-đe 24, 25. Những chủ đề hoặc ý tưởng nào được truyền đạt qua các đoạn này? Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng thái độ ngợi khen và thờ phượng mà chúng minh họa?
So sánh bốn cách Phao-lô sử dụng từ Hy Lạp plēroma (“sự viên mãn”) trong Ê-phê-sô (Ê-phê-sô 1:10, 23; Ê-phê-sô 3:19; Ê-phê-sô 4:13). Tại sao bạn nghĩ rằng ý tưởng này là quan trọng đối với Phao-lô?
Trong tất cả các hành động của Đức Chúa Trời mà Phao-lô ca ngợi trong Ê-phê-sô 3, điều nào truyền cảm hứng nhất cho bạn? Tại sao?
Phao-lô kết thúc nửa đầu thư Ê-phê-sô giống như khi ông bắt đầu (Ê-phê-sô 1:3-21), sử dụng ngôn ngữ cầu nguyện và ngợi khen. Ông ca ngợi quyền năng của Đức Chúa Trời, hiện diện trong đời sống của các tín hữu nhờ Đấng Christ và Thánh Linh (Ê-phê-sô 3:16–21). Như Ellen G. White đã viết ở trên, làm thế nào chúng ta có thể trải nghiệm quyền năng này tốt hơn trong cuộc sống của mình?
CÂU GỐC: “Nhưng trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ huyết Đấng Christ mà được gần rồi. Vì, ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai lại làm một” (Ê-phê-sô 2:13, 14).
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Ê-phê-sô 2:11–22; Rô-ma 3:31; Rô- Bma 7:12; Ê-sai 52:7; Ê-sai 57:19; Giăng 14:27; 1 Cô-rinh-tô 3:9–17.
So sánh Ê-phê-sô 2:1–3, phần mô tả trước đó của Phao-lô về quá khứ người ngoại với các người đọc thư ông trong Ê-phê-sô 2:11, 12. Ông nhấn mạnh điều gì trong phần mô tả mới về quá khứ của họ?
Những người ngoại nay là những người tin vào Đấng Christ và là một phần của “thân thể” Ngài, tức hội thánh. Trước kia họ đã từng hoàn toàn bị tách khỏi Y-sơ-ra-ên và sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời ban cho. Phao-lô cho rằng điều quan trọng là họ phải “nhớ” (Ê-phê-sô 2:11) quá khứ này. Lúc đó họ “không có Đấng Christ,” Đấng Được Xức Dầu, Đấng Mê-si của Y-sơ-ra- ên. Họ “bị ngoại quyền công dân trong Y-sơ-ra-ên.” Và họ “chẳng dự vào giao ước của lời hứa,” không biết gì về những lời hứa cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã ban cho qua lịch sử cứu rỗi. Sự xa cách của họ với Y-sơ-ra-ên và với sự cứu rỗi được ban cho qua Y-sơ-ra-ên có nghĩa là họ đã từng “không có sự trông cậy” và “không có Đức Chúa Trời” trong thế gian (Ê-phê-sô 2:12).
Ngoài ra, trong quá khứ, dân ngoại đã vướng vào mối thù lớn giữa họ và người Do Thái. Phao-lô cho thấy ý nghĩa của sự căm ghét sâu xa này khi ông đề cập đến một triệu chứng của nó, đó là sự sỉ nhục. Người Do Thái coi dân ngoại là “người không chịu cắt bì” và dân ngoại cũng coi thường người Do Thái là “người chịu cắt bì” (Ê-phê-sô 2:11).
Tuy nhiên, Ê-phê-sô 2:13 chỉ ra một điều hoàn toàn khác bây giờ. Phao- lô viết:“Nhưng trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ huyết Đấng Christ mà được gần rồi.”
Khi Phao-lô mô tả các tín đồ người Ngoại là một thời “xa vời,” ông mượn từ lời của Ê-sai 57:19, “Đức Giê-hô-va phán rằng: Ta dựng nên trái của môi miếng: bình an, bình an cho kẻ ở xa cùng cho kẻ ở gần; ta sẽ chữa lành kẻ ấy” (so sánh Ê-phê-sô 2:17, 18). Trong Đấng Christ và qua thập tự giá của Ngài, các tín đồ người Ngoại đã được mang đến gần với tất cả những gì mà họ đã bị phân rẽ—Đức Chúa Trời, niềm hy vọng và các anh chị em Do Thái của họ. Đây là tin tốt lành hùng hồn mà Phao-lô đã diễn đạt: rằng thập tự giá của Đấng Christ có thể hàn gắn vết nứt lớn giữa người Do Thái và dân ngoại có nghĩa là tất cả mối thù và sự chia rẽ của chúng ta có thể được giải quyết ở đó. Tin mừng này mời chúng ta xem xét những chia rẽ tồn tại trong cuộc sống của chúng ta và trong hội thánh và suy gẫm về sức mạnh của thập tự giá để thay thế chúng.
Đức Chúa Giê-su đã cứu chuộc bạn khỏi tình trạng nào? Tại sao điều quan trọng đối với bạn là phải thường xuyên nhớ lại mình đã ở đâu khi Ngài tìm thấy bạn và hiện tại bạn có thể ở đâu nếu Ngài đã không tìm thấy bạn?
“Vì, ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức tường ngăn cách, là sự thù nghịch đã phân rẽ ra, bởi vì Ngài đã đem thân mình mà trừ bỏ luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ. Như vậy, khi làm cho hòa nhau, Ngài muốn lấy cả hai lập nên một người mới trong Ngài và vì bởi thập tự giá Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2:14–16).
Phao-lô mô tả thập tự giá và tác động của công việc của Đấng Christ tại đó như thế nào trong mỗi đoạn này trong sách Ê-phê-sô? Làm thế nào bạn có thể tóm tắt những gì Phao-lô nói về thập tự giá và cách nó biến đổi các mối quan hệ của chúng ta? (Xem Ê-phê-sô 1:7, 8; Ê-phê-sô 4:32; Ê-phê-sô 2:13, 14; Ê-phê-sô 2:16; Ê-phê-sô 5:2, 25).
Trong bối cảnh của các câu Kinh Thánh của chúng ta trong tuần này, Ê-phê-sô 2:11–22, thập tự giá mang lại ba lợi ích lớn cho mọi tín đồ:(1) Dân ngoại, những người “xa cách” Đức Chúa Trời và dân Ngài, được “mang đến gần” (Ê-phê-sô 2:13) với Chúa và dân Ngài, và nay là con trai và con gái của Ngài và là anh chị em của các tín đồ Do Thái (Ê-phê-sô 2:19); (2) “sự thù nghịch” giữa các tín hữu Do Thái và dân ngoại tự nó bị “tiêu diệt” (Ê-phê-sô 2:16). Thập tự giá của Đấng Christ loại bỏ điều vốn là tình trạng thù nghịch và tranh chấp thường trực trong đó người Do Thái và dân ngoại xem nhau là kẻ thù không đội trời chung (Ê-phê-sô 2:17); (3) hòa giải thay cho hận thù. Mục đích của Đấng Christ là “nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2:16; so sánh Cô-lô-se 1:19–22).
Hòa giải trông như thế nào? Cảm giác được làm hòa như thế nào? Giả sử có hoàn cảnh hờn giận mà giữa hai mẹ con, người mẹ và con gái mình đã xảy ra qua bao năm dài. Hãy tưởng tượng mối hiềm khích này tan biến bởi ân sủng và lòng tha thứ và đưa đến cuộc hội ngộ đoàn tụ sau đó giữa hai người. Đó là hòa giải. Sự hòa giải được trải nghiệm, chẳng hạn khi một thành viên trong hội thánh bỏ sang một bên bất kỳ vấn đề nào gây chia rẽ với một thành viên khác và thừa nhận người kia là anh chị em yêu quý trong Chúa. Hòa giải không phải là một danh từ máy móc hay pháp lý mà là một danh từ nhân tính ca ngợi việc hàn gắn các mối quan hệ đã đổ vỡ. Phao-lô dám tưởng tượng công việc đầy quyền năng của Đấng Christ trên thập tự giá sẽ tác động đến các mối quan hệ, không chỉ giữa các cá nhân mà còn giữa các nhóm người. Ông tưởng tượng nó xâm chiếm cuộc sống của chúng ta và phá hủy sự chia rẽ của chúng ta, giải quyết những cuộc cãi vã của chúng ta và nối lại mối thông công và hiểu biết lẫn nhau của chúng ta.
Bạn có thể cần phải áp dụng các nguyên tắc ở đây theo những cách nào để hòa giải với người khác? Bạn thực hiện điều ấy như thế nào?
Phao-lô nói Đấng Christ đã có hành động gì đối với “luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ”? Tại sao Ngài thực hiện hành động này? (Xin xem Ê-phê-sô 2:14, 15).
Phao-lô có lẽ ám chỉ ở đây đến hành lang hoặc hàng rào bao quanh sân của Y-sơ-ra-ên trong Đền thờ (do vua Hê-rốt xây), với mối đe dọa chết người của nó. Phao-lô hình dung bức tường này sẽ sụp đổ và dân ngoại được cho phép đến gần để thờ phượng Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:18). Phao-lô nói, bất kỳ bức tường nào như vậy đều bị phá đổ bởi Thập tự giá. Bởi vì chúng ta biết rằng hai dân tộc này, Do Thái và Dân Ngoại, thực sự là một.
Một số người tin rằng Ê-phê-sô 2:14, 15 dạy rằng Mười Điều Răn, kể cả điều răn về ngày Sa-bát, bị thập tự giá “bãi bỏ” hoặc “đặt sang một bên”. Tuy nhiên, trong Ê-phê-sô, Phao-lô thể hiện sự tôn trọng sâu sắc của mình với Mười Điều Răn như là một nguồn lực để hình thành tinh thần môn đồ Đấng Christ. Ông trích dẫn điều răn thứ năm (Ê-phê-sô 6:2, 3) và ám chỉ đến những điều răn khác (ví dụ: điều răn thứ bảy, Ê-phê-sô 5:3–14, 21–33; điều răn thứ tám, Ê-phê-sô 4:28; điều răn thứ chín, Ê-phê-sô 4:25; thứ mười, Ê-phê-sô 5:5). Điều này phù hợp với những khẳng định trước đó của Phao-lô về luật pháp (Rô-ma 3:31, Rô-ma 7:12). Ông đề cập đến việc lạm dụng luật pháp, nhưng ông tôn trọng chính luật pháp và thừa nhận tính liên tục của nó. Do đó, sử dụng những câu này để bãi bỏ Mười Điều Răn, đặc biệt là dựa trên tất cả những câu khác trong Kinh Thánh về tính vĩnh viễn của luật pháp, rõ ràng là một sự giải thích sai về ý định của Phao-lô ở đây.
Thay vào đó, bất kỳ việc sử dụng luật pháp nào để chia rẽ người Do Thái và dân ngoại, đặc biệt là để loại trừ người ngoại khỏi sự dự phần toàn diện giữa vòng dân Chúa và quyền được thờ phượng, là bị Phao-lô chống đối triệt để. Ông xem đó là lạm dụng ý định thiêng liêng đối với luật pháp. “Luật pháp” trong Ê-phê-sô 2:14, 15 “luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ” có nghĩa là hoặc các khía cạnh nghi lễ của luật pháp hay là toàn bộ Luật cũ, đã phân cách người Do Thái và dân ngoại. Câu 15 của ông có thể cho rằng toàn hệ thống các luật lệ trong Cựu Ước, qua cách chúng được giải thích, bổ sung và lạm dụng đã là một bức tường để ngăn cách người Do Thái với người ngoại.
Những căng thẳng nào giữa vòng những người Cơ Đốc Phục Lâm hoặc giữa các thành viên của cộng đồng Cơ Đốc giáo nói chung, cần phải đối diện và khắc phục? Tại sao tình yêu chung của chúng ta với Đấng Christ phải đủ để vượt qua những căng thẳng này?
Phao-lô tóm tắt chức vụ của Đấng Christ như thế nào trong Ê-phê-sô 2:17, 18?
Khái niệm về bình an hay hòa bình rất quan trọng trong thư Ê-phê-sô, với bức thư bắt đầu và kết thúc bằng lời chúc bình an “từ nơi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và từ nơi Đức Chúa Jêsus Christ” (Ê-phê-sô 1:2; so sánh Ê-phê-sô 6:23). Trước đó trong Ê-phê-sô 2:11–22, Phao-lô lập luận rằng Đấng Christ tượng trưng cho sự bình an, “Vì chính Ngài là sự bình an của chúng ta,” và Thập tự giá của Ngài tạo nên sự bình an đó (Ê-phê-sô 2:14–16). Đấng Christ không chỉ hủy diệt một điều gì đó—sự thù nghịch giữa người Do Thái và dân ngoại (Ê-phê-sô 2:14, 15)—Ngài còn tạo ra một nhân loại mới, được đánh dấu bằng các mối quan hệ hòa giải và hòa bình (Ê-phê-sô 2:15–17). Sự bình an như vậy không chỉ là không có xung đột mà còn cộng hưởng với khái niệm shalom (bình an) của người Hê-bơ-rơ, kinh nghiệm về sự trọn vẹn và hạnh phúc, cả trong mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời (Rô-ma 5:1) và với người khác.
Phao-lô hình dung thế nào về việc các tín đồ tham gia chia sẻ thông điệp bình an của Đức Chúa Giê-su? Ê-phê-sô 4:3; Ê-phê-sô 6:14, 15; so sánh Rô-ma 10:14, 15 với Ê-phê-sô 2:17–19, Ê-sai 52:7, Ê-sai 57:19.
Các sách Phúc âm chứa đựng những ví dụ về Đức Chúa Giê-su là người rao giảng hòa bình. Trong những bài giảng từ biệt của Ngài cho các môn đồ, Ngài hứa với họ—và chúng ta—“Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi” (Giăng 14:27). Và Ngài kết luận: “Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!” (Giăng 16:33). Sau khi sống lại, khi hiện ra với các môn đồ, Ngài nhiều lần nói với họ: “Bình an cho các ngươi” (Giăng 20:19, 21, 26).
Trong Ê-phê-sô 2:17, 18, Phao-lô muốn chỉ ra rằng việc rao giảng sự bình an của Đấng Christ không chỉ cho thời gian Ngài thi hành chức vụ trên đất. Ngài đã “rao giảng sự bình an” trong hiện tại cho cả những kẻ “ở xa” (các tín hữu gốc dân ngoại trước khi họ được cải đạo) và kẻ “ở gần” (các tín hữu Do Thái; so sánh Ê-phê-sô 2:11–13). Khi chấp nhận lời tuyên bố này, tất cả các tín đồ đều cảm nhận được một phước lành sâu xa.
Làm thế nào chúng ta có thể học cách trở thành những người rao giảng hòa bình thay vì là mối dây mang sự xung đột? Đối với những tình huống nào, ngay bây giờ, bạn có thể giúp mang lại sự chữa lành?
Phao-lô dùng hình ảnh cao trọng nào trong Ê-phê-sô 2:11–22 để nói lên sự hiệp nhất giữa người Do Thái và dân Ngoại (không Do Thái) trong hội thánh?
Ôn lại Ê-phê-sô 2, chúng ta nhớ lại rằng các câu 1–10 dạy rằng chúng ta sống trong tình đoàn kết với Đức Chúa Giê-su, trong khi các câu 11–22 dạy rằng chúng ta sống trong tình đoàn kết với những người khác như một phần của hội thánh Ngài. Sự chết của Đức Chúa Giê-su có cả lợi ích theo chiều dọc trong việc thiết lập mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:1–10) và lợi ích theo chiều ngang trong việc củng cố mối quan hệ của chúng ta với người khác (Ê-phê-sô 2:11–22). Qua Thập tự giá, Đức Chúa Giê-su phá bỏ tất cả những gì chia rẽ các tín đồ dân ngoại với những người Do Thái, kể cả việc lạm dụng Luật pháp để nới rộng hố sâu (Ê-phê- sô 2:11–18). Đức Chúa Giê-su cũng xây dựng một điều nữa—ấy là một đền thờ mới tuyệt vời bao gồm mọi tín hữu. Dân ngoại, từng bị loại trừ khỏi việc thờ phượng ở những nơi linh thiêng của đền thờ, giờ đây cùng với các tín hữu Do Thái trở thành đền thờ mới. Tất cả chúng ta đều trở thành một phần của hội thánh của Đức Chúa Trời, “một đền thờ thánh trong Chúa” (Ê-phê-sô 2:19–22) và có đặc ân được sống trong tình đoàn kết với Đức Chúa Giê-su và các anh chị em của chúng ta trong Đấng Christ.
Việc Phao-lô dùng phép ẩn dụ về hội thánh là đền thờ trong Ê-phê-sô 2:19–22 so sánh với cách dùng trong các đoạn văn sau đây như thế nào? 1 Cô-rinh-tô 3:9–17; 2 Cô-rinh-tô 6:14–7:1; 1 Phi-e-rơ 2:4–8.
Phao-lô sử dụng phép ẩn dụ về hội thánh là đền thờ như một hình ảnh đỉnh cao về sự bao gồm đầy đủ những người ngoại bang trong hội thánh. Từng bị cấm thờ phượng trong “Sân của Y-sơ-ra-ên” trong đền thờ, giờ đây họ không những được vào (Ê-phê-sô 2:18) mà còn trở thành vật liệu xây dựng cho một đền thờ mới được thiết kế là “nhà ở của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh” ( Ê-phê-sô 2:22).
Các tác giả Tân Ước sử dụng phép ẩn dụ đền thờ để hình dung sự thiêng liêng của hội thánh, vai trò của Đức Chúa Trời trong việc thành lập và phát triển hội thánh cũng như sự đoàn kết của các tín đồ trong hội thánh. Phép ẩn dụ được sử dụng cùng với ngôn ngữ sinh học (xin xem Ê-phê-sô 2:21, nơi đền thờ “mọc lên”), và quá trình xây dựng thường được nhấn mạnh (xin xem Ê-phê-sô 2:22, “Anh em đã được dựng lên”). Thay vì một hình ảnh bất động, hội thánh có thể thừa nhận danh tính của mình là “đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống” (2 Cô-rinh-tô 6:16).
Bối cảnh cụ thể nào mà vì đó Phao-lô viết Ê-phê-sô 2:11–22 khi ông mô tả những tác động sâu rộng của Thập tự giá đối với các mối quan hệ của con người? Ông đang giải quyết các mối quan hệ giữa các tín đồ Do Thái và dân ngoại, những người cùng là thành viên của hội thánh. Ông bày tỏ mối quan tâm rõ ràng rằng họ hiểu và sống cùng nhau, hòa hợp nhau với tư cách là thành viên trong nhà của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:19). Tuy nhiên, trong bối cảnh của toàn bộ bức thư, Phao-lô cho thấy một mục đích rộng lớn và sâu xa. Chủ đề của ông là kế hoạch vĩ đại, tối hậu của Đức Chúa Trời nhằm hiệp nhất mọi vật trong Đấng Christ (Ê-phê-sô 1:9, 10) và phạm vi của ông bao gồm “cả nhà (mọi gia đình) trên trời và dưới đất” (Ê-phê-sô 3:15).
Điều quan trọng là sự hiệp nhất của các thành viên trong hội thánh— chủ đề cụ thể mà ông nói đến trong Ê-phê-sô 2:11–22—bản thân nó có một mục đích rộng lớn hơn mà Phao-lô tiết lộ trong Ê-phê-sô 3:10, “Ấy vậy, hiện nay sự khôn sáng mọi đường của Đức Chúa Trời cậy Hội thánh mà bày tỏ ra cho những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời”. Thông qua việc hiện thực hóa sự hiệp nhất mà Đấng Christ đã giành được trên thập tự giá, các tín đồ phải báo hiệu rằng kế hoạch cuối cùng của Đức Chúa Trời nhằm hiệp nhất vạn vật trong Đấng Christ đang được tiến hành. Mối quan hệ được hòa giải của họ báo hiệu kế hoạch của Đức Chúa Trời về một vũ trụ thống nhất trong Đấng Christ. Vì vậy, khi chúng ta xem Ê-phê-sô 2:11–22, được đặt trong bối cảnh của toàn thể người Ê-phê-sô, giúp chúng ta biết các nguyên tắc Kinh Thánh liên quan đến một chủ đề quan trọng ngày nay:mối quan hệ giữa các nhóm người hoặc chủng tộc.
ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Ê-phê-sô 2:11–22 cung cấp những nguyên tắc Kinh Thánh nào liên quan đến quan hệ sắc tộc? Làm thế nào đoạn văn đưa ra một cách tiếp cận đặc biệt, với Đấng Christ là tâm điểm, đối với chủ đề về mối tương quan phải có với nhau giữa các nhóm sắc tộc khác nhau của hội thánh Chúa?
Với chương trình mà Đức Chúa Trời đã có cho tương lai của loài người (Ê-phê-sô 1:9, 10; Ê-phê-sô 2:11–22), việc hội thánh giải quyết các vấn đề nội bộ và xung đột giữa các chủng tộc có tầm quan trọng như thế nào?
Những vấn đề nung nấu nào giữa các nhóm sắc tộc, mà tất cả thường có thể bị che giấu hoặc bỏ qua, đang tồn tại trong cộng đồng của bạn? Làm thế nào hội thánh của bạn có thể đóng một vai trò tích cực trong việc hiện thực hóa công việc hiệp nhất mà Đấng Christ đã hoàn thành trên thập tự giá? Làm thế nào bạn có thể tham gia vào công việc đó?
CÂU GỐC: “Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ—ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu” (Ê-phê-sô 2:4, 5).
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Ê-phê-sô 2:1–10; Ê-phê-sô 5:14; Rô-ma 5:17; Ê-phê-sô 5:6; 2 Ti-mô-thê 1:7.
Đọc Ê-phê-sô 2:1–10. Ý tưởng chính mà Phao-lô đang cho chúng ta ở đây về những gì Đức Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta là gì?
Phao-lô đã mô tả sự cứu rỗi ban cho các tín đồ Đấng Christ (Ê-phê-sô 1:3–14, 15–23) và kể vắn tắt câu chuyện của các tín đồ ở Ê-phê-sô (Ê-phê- sô 1:13). Trong Ê-phê-sô 2:1–10, giờ đây Phao-lô sẽ kể câu chuyện cải đạo của họ chi tiết hơn, và cũng gần gũi hơn. Ông cho thấy sự khác biệt của sự sống trong tội lỗi của họ trong quá khứ (Ê-phê-sô 2:1–3) với các phước lành của sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, mà ông mô tả như là sự dự phần vào sự phục sinh, thăng thiên và tôn vinh của Đấng Christ (Ê-phê-sô 2:4– 7), và ông ca tụng nền tảng của sự cứu rỗi đó trong ân điển và công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:8–10).
Ba phần này của các câu này được tóm tắt gọn ghẽ trong các câu sau của Ê-phê-sô 2:5:(1) “nên đang khi chúng ta chết vì tội mình”, (2) [Đức Chúa Trời] “làm cho chúng ta sống với Đấng Christ”, (3) “ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu”.
Trong Ê-phê-sô 2:1, 2, Phao-lô nhấn mạnh thực tế đáng buồn về sự hiện hữu của khán giả mình trước khi họ cải đạo, bằng cách lưu ý rằng họ đã chết thuộc linh, coi việc vi phạm và tội lỗi như một nếp sống thường xuyên của họ (Ê-phê-sô 2:1) và bị Sa-tan khống chế (Ê-phê-sô 2:2). Vì Phao-lô viết cho những người đang sống, nên ông ám chỉ họ đã từng là “kẻ chết” theo nghĩa ẩn dụ (so sánh Ê-phê-sô 5:14). Tuy nhiên, hoàn cảnh của họ rất thực tế và thảm khốc vì họ từng bị xa cách với Đức Chúa Trời, là Nguồn Sự Sống (so sánh Cô-lô-se 2:13, Rô-ma 5:17, Rô-ma 6:23).
Suy gẫm về cuộc sống trước kia của các khán giả của mình, Phao-lô xác định có hai thế lực bên ngoài đã chi phối họ. Thứ nhất là “thói quen đời này” (Ê-phê-sô 2:2)—các phong tục và hành vi trong xã hội rộng lớn hơn của Ê-phê-sô đã biến cuộc sống con người trở thành phản loạn chống lại Đức Chúa Trời.
Thứ hai là Sa-tan, và nó được mô tả theo hai cách mà đã là thế lực thống trị sự cuộc sống của họ trước đây. Nó đã là “vua cầm quyền chốn không trung” (Ê-phê-sô 2:2) vì “không trung” (hay “những nơi trên trời”) được xác định là vị trí của các sức mạnh siêu nhiên, bao gồm cả những thế lực ác (so sánh với Ê-phê-sô 1:3, Ê-phê-sô 3:10, Ê-phê-sô 6:12). Ngoài ra, Sa-tan cũng đang hoạt động trên đất vì nó là “thần hiện đương hành động trong các con bạn nghịch” (Ê-phê-sô 2:2).
Các câu này dạy gì về thực tế của cuộc tranh chấp vĩ đại, thiện ác đấu tranh? Đồng thời, làm thế nào chúng ta có thể an ủi và hy vọng khi biết rằng Đức Chúa Giê-su đã chiến thắng và chúng ta có thể chia sẻ sự chiến thắng của Ngài ngay bây giờ?
“Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác” (Ê-phê-sô 2:3).
Ở ngoài sự can thiệp của Đức Chúa Trời, sự hiện hữu của con người không chỉ bị chi phối bởi những thế lực bên ngoài được đề cập trong Ê-phê-sô 2:2, mà còn bởi những nội lực bên trong:“các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, thực hiện những ham muốn của thể xác và tâm trí” (Ê-phê-sô 2:3; so sánh Gia-cơ 1:14, 15; 1 Phi-e-rơ 1:14).
Phao-lô có ý gì khi nói rằng những người nghe ông đã từng là “làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác” (Ê-phê-sô 2:3)”? So sánh Ê-phê-sô 2:3 và Ê-phê-sô 5:6.
Thực tế hiện tại của một cuộc sống lạc mất đã đủ đau khổ, nhưng những hệ lụy ngày cuối cùng của nó vẫn còn đáng sợ hơn. Con người, tự bản chất là “con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác” (Ê-phê-sô 2:3) đứng trước sự đe dọa của sự phán xét của Đức Chúa Trời trong thời kỳ cuối cùng.
Các chữ “ làm con của sự thạnh nộ” (Ê-phê-sô 2:3) cũng chỉ ra một thực tế đáng buồn khác. Trong khi vẫn là những kẻ được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, chúng ta đã hiểu rằng có một điều gì đó vô cùng sai sót trong chúng ta. Vì vậy, sống theo đời sống Cơ Đốc nhân không chỉ là vấn đề chiến thắng một hai thói quen xấu, hay vượt qua một “tội lỗi” nguy hiểm nào đó (Ê-phê-sô 2:1). Chúng ta không chỉ tranh đấu với các tội lỗi mà còn với chính tội lỗi. Chúng ta có khuynh hướng nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời và tự hủy hoại bản thân. Con người, vốn sinh ra trong tội lỗi, bị mắc vào một khuôn mẫu hành vi tội lỗi, tự hủy hoại bản thân, theo lệnh của Sa-tan (Ê-phê-sô 2:2) và những ham muốn tội lỗi bẩm sinh của chúng ta (Ê-phê-sô 2:3). Những người tin Chúa đã từng là “con của sự thịnh nộ”.
Điều quan trọng cần lưu ý là Phao-lô sử dụng thì quá khứ—bản chất chúng ta đã từng “là con của sự thịnh nộ” (Ê-phê-sô 2:3). Điều này không có nghĩa là khuynh hướng nghiêng về điều ác không còn là hiện thực đối với các tín đồ. Phao-lô dành một phần đáng kể trong thư của mình, Ê-phê-sô 4:17–5:21, cảnh báo rằng những hành vi tội lỗi, bắt nguồn từ bản chất tội lỗi, vẫn là mối đe dọa đối với các tín đồ của Đấng Christ. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là “con người cũ” này không còn chi phối người tin Chúa nữa, người mà nhờ quyền năng của Đấng Christ có thể “dẹp bỏ con người cũ của bạn” và “mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật” (Ê-phê-sô 4:22–24).
Ai lại không từng trải nghiệm bản chất của chúng ta là hư hỏng đến đâu, ngay cả sau khi chúng ta đã dâng đời mình cho Đức Chúa Giê-su? Điều này dạy gì cho chúng ta về tầm quan trọng của việc chúng ta phải bám chặt lấy Ngài mỗi giây phút của cuộc đời mình?
“Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta” (Ê-phê-sô 2:4). Ở đây, dùng các chữ thật mạnh, “Nhưng Đức Chúa Trời”, Phao-lô chuyển hướng từ bức tranh sầu thảm về đời sống cũ của khán giả (Ê-phê-sô 2:1–3) sang thực tế mới, tràn đầy hy vọng đánh dấu cuộc đời họ là những người tin Chúa (Ê-phê-sô 2:4–10).
Các tín đồ dự phần vào sự phục sinh, thăng thiên và tôn cao của Đấng Christ theo nghĩa nào? Khi nào thì sự dự phần này xảy ra? Ê-phê-sô 2:6, 7.
Chúng ta đã lưu ý rằng Ê-phê-sô là một bức thư ngập tràn hình ảnh Đấng Christ nêu lên sự liên kết chặt chẽ của các tín đồ với Ngài. Trong Ê-phê-sô 2:5, 6, Phao-lô khai triển chủ đề này bằng cách dùng ba động từ ghép để rao báo lẽ thật tuyệt vời rằng, chính Đức Chúa Trời đã khởi xướng trước việc mọi kẻ tin Chúa được dự phần vào các sự kiện quan trọng của lịch sử cứu rỗi mà trung tâm là Đấng Mê-si, Đức Chúa Giê-su.
Những người tin Chúa được:(1) sống lại với Đấng Christ; (2) sống chung với Đấng Christ (mà Phao-lô có lẽ dùng để chỉ sự tham gia vào việc Đấng Christ lên trời của những kẻ tin Ngài); (3) cùng ngồi với Đấng Christ “ở các nơi trên trời”, nghĩa là các tín đồ dự phần vào “chỗ ngồi” của Đấng Christ trên ngôi của vũ trụ. Họ được đồng tôn cao với Đức Chúa Giê-su.
Để cảm thấu được sức mạnh lập luận của Phao-lô, chúng ta phải xem lại Ê-phê-sô 1:19–23 và nhớ lại rằng trong sự chết, sự phục sinh, thăng thiên và tôn cao của Ngài, Đấng Christ đã chiến thắng mọi quyền lực ma quỷ và thuộc linh, mọi kẻ đã từng thống trị cuộc sống của các tín đồ. Trong sự phục sinh, thăng thiên và tôn cao của Chúa, các quyền năng này—tuy vẫn còn hoạt động và đe dọa đến sự tồn tại của con người—đã phải nhường chỗ và bị thay thế hoàn toàn. Vũ trụ đã chuyển mình. Thực tế đã thay đổi. Các kẻ tin không chỉ là khán giả của những sự kiện này mà còn chính họ dự phần tham gia cách mật thiết trong các sự kiện ấy. Việc chúng ta được đồng phục sinh, đồng thăng thiên và đồng tôn cao với Đức Chúa Giê-su sẽ mở ra cho chúng ta một loạt những khả dĩ hoàn toàn mới. Chúng ta có quyền chuyển từ một hiện hữu trong sự thống trị của ma quỷ sang một cuộc sống dồi dào thuộc linh và quyền năng trong Đấng Christ (2 Ti-mô- thê 1:7).
“Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và dè giữ” (2 Ti-mô-thê 1:7). Làm thế nào những câu mà chúng ta xem hôm nay giúp chúng ta hiểu những gì Phao-lô viết ở đây?
So sánh kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời ghi trong Ê-phê-sô 1:3, 4 với kết quả vĩnh cửu của kế hoạch đó được mô tả trong Ê-phê-sô 2:7. Các yếu tố và mục tiêu thiết yếu của “kế hoạch cứu rỗi” của Đức Chúa Trời là gì?
Những buổi lễ tốt nghiệp là những lễ kỷ niệm tuyệt vời, cho dù đối với em nhỏ xong trường mẫu giáo hay văn bằng Tiến sĩ. Lễ tốt nghiệp đánh dấu một thành tựu quan trọng, bước chuyển sang một giai đoạn khác của cuộc đời hoặc sự nghiệp. Với tư cách là những tín đồ, điều quan trọng đối với chúng ta là hiểu một lẽ thật sâu xa của phúc âm: chúng ta không bao giờ hoàn tất (để tốt nghiệp) chương trình ân điển. Không bao giờ có một lễ kỷ niệm rằng chúng ta đã đạt được bằng Tiến sĩ của ân điển hoặc tốt nghiệp để không còn cần ở trong chương trình ân điển nữa.
Phao-lô khẳng định lẽ thật này trong Ê-phê-sô 2:7, nhấn mạnh nó bằng một trình tự thời gian mở rộng. Trong quá khứ, Đức Chúa Trời đã hành động trong Đấng Christ để cứu chuộc chúng ta, và cho chúng ta mang danh hiệu với Con Ngài, Đức Chúa Giê-su Christ, để chúng ta là những người hiện tại cùng được dự phần vào sự phục sinh, thăng thiên và tôn cao của Ngài (Ê-phê-sô 2:4–6). Tuy nhiên, kế hoạch của Đức Chúa Trời không kết thúc với một quá khứ đầy ân sủng và một hiện tại được ngập tràn lòng thương xót. Kế hoạch của Đức Chúa Trời, bắt nguồn từ trước khi sáng thế (Ê-phê-sô 1:4), trải dài mãi mãi đến tương lai. Nó bao trùm cả “về đời sau” (Ê-phê-sô 2:7). Kế hoạch của Ngài cho tương lai vĩnh cửu được thành lập dựa trên nguyên tắc giống như các hành động của Ngài trong quá khứ và hiện tại—nguyên tắc ân điển. “Về đời sau,” Đức Chúa Trời mong muốn thể hiện “sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài, mà Ngài bởi lòng nhân từ đã dùng ra cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Ê-phê-sô 2:7).
Phao-lô coi ân điển của Đức Chúa Trời như một kho tàng hoặc gia tài có giá trị không đo lường được (so sánh Ê-phê-sô 1:7, Ê-phê-sô 3:8) mà từ đó các tín đồ có thể rút ra để đáp ứng bất kỳ nhu cầu nào. Sự hào phóng vĩ đại này của Đức Chúa Trời đối với chúng ta cho thấy một sư trưng bày hùng hồn, vượt thời gian và bao trùm toàn vũ trụ của ân điển của Ngài.
“Bằng cách đến ở giữa vòng chúng ta, Đức Chúa Giê-su đã bày tỏ Đức Chúa Trời cho cả loài người và các thiên thần. . . Nhưng sự mặc khải này không chỉ dành cho các con cái sinh ra trên thế gian của Ngài. Thế giới nhỏ bé của chúng ta là cuốn sách bài học của vũ trụ. Mục đích tuyệt vời của ân điển của Đức Chúa Trời, sự huyền nhiệm của tình yêu cứu chuộc, là chủ đề mà ‘các thiên thần mong muốn được nhìn thấy’ và đó sẽ là đề tài nghiên cứu của họ trong suốt mọi thời đại vô tận. Hết thảy, những kẻ được cứu chuộc cùng những kẻ bất toàn sẽ đồng tìm thấy trong thập tự giá của Đấng Christ, khoa học và bài ca của họ. Người ta sẽ thấy rằng vinh quang chiếu ngời trên gương mặt Đức Chúa Giê-su là vinh quang của tình yêu xả thân quên mình.”—Ellen G. White, The Desire of Ages, trang 19, 20.
Đọc ngược lại qua Ê-phê-sô 2:1–10, tập trung vào kết luận của Phao-lô trong các câu 8–10. Ông đã nhấn mạnh những điểm nào khi kết thúc đoạn văn này?
Trong Ê-phê-sô 2:1–3, Phao-lô ghi lại rằng sự cứu rỗi của những người tin Chúa ở Ê-phê-sô có được không phải vì hành vi tốt hoặc đức tính tốt của họ. Khi bắt đầu, họ đã là những kẻ đã chết về mặt tâm linh. Không có một tia sống hay giá trị nào trong họ (Ê-phê-sô 2:1). Họ đã hoàn toàn bị chinh phục bởi tội lỗi (Ê-phê-sô 2:1). Họ không thể hiện sáng kiến cá nhân mình mà chỉ bị chính Sa-tan dẫn dắt đi trong những đam mê của bản năng và các ảo tưởng trong tinh thần của họ (Ê-phê-sô 2:2, 3).
Họ chẳng biết rằng họ đang ở một vị trí tồi tệ hơn nhiều chứ không chỉ đơn giản là không có đời sống tâm linh hoặc đức hạnh. Cùng đi chung với toàn nhân loại, họ nay kẻ thù của Đức Chúa Trời Thật và đang tiến dần tới một ngày định mệnh của sự phán xét thiên thượng. Họ là “con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác” (Ê-phê-sô 2:3).
Sự cứu rỗi của họ, chẳng phải bởi các phẩm hạnh của cá nhân họ, bèn là do nơi tình yêu không ai có thể hiểu thấu được của Đức Chúa Trời—một tình yêu không thể giải thích dựa trên bất kỳ một giá trị nào nơi những kẻ được yêu bởi tình yêu ấy. Trong lòng thương xót và tình yêu thương, Đức Chúa Trời, vì họ, hành động qua Đức Chúa Giê-su Christ (Ê-phê-sô 2:4), phục sinh họ khỏi cái chết thuộc linh. Nhờ sự can thiệp của Đức Chúa Trời, họ được trải qua một cuộc hành trình tuyệt vời theo vòng quỹ đạo của chính Đức Chúa Giê-su. Từ đáy sâu tột cùng của cái chết hoàn toàn của đời sống thuộc linh và sự nô lệ tàn tệ, họ được sống lại và được đưa đến “các nơi trên trời” và ngồi với Đấng Christ trên ngai vũ trụ (Ê-phê-sô 2:5, 6). Tuy nhiên, sự can thiệp chớp nhoáng của thiên thượng không phải là hiện tượng nhất thời. Nó có quyền năng tồn tại thực sự, có độ bền vĩnh cửu, bởi vì Đức Chúa Trời có ý định bày tỏ ân điển của Ngài đối với họ trong Đức Chúa Giê-su Christ suốt đời đời (Ê-phê-sô 2:7).
Trong phần kết luận cho Ê-phê-sô 2:1–10, các câu 8–10, Phao-lô quay trở lại căn bản này, với chủ đích để bảo đảm rằng quan điểm của ông là đúng:sự cứu rỗi của các tín đồ là công việc của Đức Chúa Trời, không phải của con người. Nó không bắt nguồn từ chúng ta mà là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Không con người nào có thể tự hào rằng mình là kẻ đã khơi nguồn cho ân điển ấy (Ê-phê-sô 2:8, 9). Đứng trong ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta, những kẻ tin vào ân điển ấy, là sự trưng bày cho thế gian thấy thế nào là ân điển của Ngài, và chỉ là bởi ân điển của Ngài mà thôi. Chúng ta là kiệt tác của Ngài, được tạo ra bởi Đức Chúa Trời “trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Ê-phê-sô 2:10).
Tại sao rất quan trọng cho mỗi người chúng ta là phải hiểu rằng sự cứu rỗi của mình đến từ Đức Chúa Trời chứ không xuất phát từ giá trị hoặc nỗ lực của bản thân chúng ta?
Thư Ê-phê-sô nằm trên một câu chuyện hay một chủ đề thường được nhắc đến. Các sự kiện chính trong câu chuyện là:
1. Sự Đức Chúa Trời lựa chọn dân Ngài từ “trước khi sáng thế” (Ê-phê- sô 1:4, 5, 11).
2. Quá khứ, sự hiện hữu đã mất của họ (Ê-phê-sô 2:1–3, 11, 12; Ê-phê- sô 4:17–19, 22; Ê-phê-sô 5:8).
3. Sự can thiệp của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ để cứu họ (Ê-phê- sô 1:7, 8; Ê-phê-sô 2:4–6, 13–19; Ê-phê-sô 4:1, 20, 21; Ê-phê-sô 5:2, 8, 23, 25, 26).
4. Họ chấp nhận phúc âm (Ê-phê-sô 1:12, 13 và hàm ý ở những chỗ khác). Họ đã từng bị xem là “không còn hy vọng” (Ê-phê-sô 2:12), giờ đây họ có “một niềm hy vọng” mà theo đó các tín hữu tiến bước đến (Ê-phê-sô 4:4; so sánh Ê-phê-sô 1:18).
5. Cuộc sống hiện tại của các độc giả là những môn đồ. Tuy dù họ đang sống trong thời kỳ đầy dẫy hiểm nguy và sự chống đối của các thế lực tà ác, nhưng họ có thể sử dụng các nguồn tài nguyên do Chúa Cao Cả của họ ban cho (Ê-phê-sô 1:15–23, Ê-phê-sô 2:6, Ê-phê-sô 3:14–21, Ê-phê-sô 4:7–16, Ê-phê-sô 6:10–20).
6. Trong đỉnh cao của lịch sử trong tương lai, vai trò “bảo đảm” của Thánh Linh (Ê-phê-sô 1:13, 14), hay “ấn tín” (Ê-phê-sô 4:30), đạt kết quả. Trong khoảnh khắc đăng quang này, những người nhận giải sẽ được tưởng thưởng vì lòng trung thành của họ bằng cách sở hữu “cơ nghiệp” đã được ban cho họ trong Đấng Christ (Ê-phê-sô 2:7; Ê-phê-sô 6:8, 9); và nhờ đức tin nơi Đấng Christ, họ sẽ được ban cho một vị trí trong thời đại sắp tới lấy Đấng Christ làm trung tâm (Ê-phê-sô 1:21; Ê-phê-sô 2:7, 19–22; Ê-phê-sô 4:13, 15; Ê-phê-sô 5:27).
ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Câu chuyện căn bản của Ê-phê-sô (xem ở trên) không chỉ là câu chuyện của các tín hữu trong thế kỷ thứ nhất. Đó là câu chuyện của chính chúng ta. Bước hoặc giai đoạn chính nào của câu chuyện đó mang lại cho bạn nhiều hy vọng nhất trong thời điểm này?
Bạn nghĩ tại sao Phao-lô thường xuyên nhắc lại quá khứ tội lỗi của các thính giả của mình, mời họ suy ngẫm về cuộc sống trước khi cải đạo của họ?
So sánh phần tóm tắt phúc âm của Phao-lô trong Ê-phê-sô 2:8–10 với phần tóm tắt trước đó của ông trong Rô-ma 1:16, 17. Những chủ đề tương tự nào xuất hiện? Trong những cách khác nhau?
Mặc dù những việc làm tốt của các tín đồ không đóng vai trò gì trong việc cứu chuộc họ, vì chúng không bao giờ có thể mang lại cho mọi người công đức cứu rỗi trước mặt Đức Chúa Trời, nhưng chúng đóng vai trò quan trọng nào trong kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho các tín đồ? Ê-phê-sô 2:10.
CÂU GỐC: “Và biết quyền vô hạn của Ngài, đối với chúng ta có lòng tin, là lớn dường nào, y theo phép tối thượng của năng lực mình, mà Ngài đã tỏ ra trong Đấng Christ, khi khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời” (Ê-phê-sô 1:19, 20).
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Ê-phê-sô 1:15–23; Ê-phê-sô 3:14–21; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:16–18; Phục truyền 9:29; 1 Cô-rinh-tô 15:20–22; Thi thiên 110:1.
Được thúc đẩy bởi tin tức rằng các tín đồ ở Ê-phê-sô đang phát triển mạnh mẽ trong đức tin đối với Đức Chúa Giê-su và có được tình yêu thương đối với nhau, Phao-lô nói cho họ biết ông đã cầu nguyện cho họ như thế nào.
So sánh hai lời tường trình về sự cầu nguyện của Phao-lô trong sách Ê-phê-sô — Ê-phê-sô 1:15–23 và Ê-phê-sô 3:14–21. Chủ đề nào cả hai phân đoạn này chia sẻ?
Đôi khi giọng điệu thông thường của chúng ta trong lời cầu nguyện có thể đầy thở than hay ta thán trước thử thách này hoặc vấn đề kia. Các bản tường trình về lời cầu nguyện của Phao-lô trong sách Ê-phê-sô gợi ý rằng sự tạ ơn là ngôn ngữ chính của lời cầu nguyện. Chúng ta thu thập các phước lành của Đức Chúa Trời và cảm ơn Ngài về chúng. Chúng ta tìm cách nhận biết Đức Chúa Trời đang làm việc trong những hoàn cảnh khó khăn và ngợi khen Ngài vì sự hiện diện của Ngài mang sự biến đổi trong cuộc sống của chúng ta. Vui mừng tuyên bố về ân điển và quyền năng của Đức Chúa Giê-su cao cả (Ê-phê-sô 1:20–23), chúng ta cảm tạ Ngài đã ban phước cho những người trong vòng ảnh hưởng của chúng ta. Đây là bí quyết biến đổi của Phao-lô để cầu nguyện:cầu nguyện là chìa khóa của sự ngợi khen và cảm tạ.
Phao-lô cũng nói rằng ông “vì anh em cảm tạ không thôi, thường nhắc đến anh em trong khi cầu nguyện” (Ê-phê-sô 1:16; xin xem thêm Phi-líp 1:3, 4; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:2; và 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:16–18).
“Cầu nguyện không thôi” thực sự có nghĩa là gì (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17)? Nó không có nghĩa là chúng ta luôn luôn quỳ gối trước Chúa để cầu nguyện. Nó có nghĩa là, được ban phước bởi Thần Linh của Đức Chúa Trời, chúng ta bước đi trong cuộc sống với tấm lòng rộng mở đón nhận sự hiện diện và quyền năng của Đức Chúa Trời, tìm kiếm những dấu hiệu để tạ ơn Ngài. Nó có nghĩa là sự sẵn sàng để hành xử các vấn đề của cuộc sống trong sự hiện diện của Chúa, tìm kiếm lời khuyên của Ngài khi chúng ta trải qua những khúc quanh và ngã rẽ mà cuộc đời mang đến. Nó có nghĩa là không phải sống trong sự xa cách với Đức Chúa Trời nhưng trong sự gắn bó với Ngài, và tâm hồn chúng ta luôn luôn sẵn sàng đón nhận sự dẫn dắt của Ngài.
Chúng ta cũng thường xem việc cầu nguyện như một hành động hay ho, một sự bổ sung cho tư cách của người môn đồ mà chỉ cần được thực hiện khi thuận tiện. Sứ đồ Phao-lô cho thấy một quan điểm khác. Ông xem việc cầu nguyện cho các tín đồ ở Ê-phê-sô là một nhiệm vụ quan trọng; ông làm vậy bằng cách tạ ơn họ (Ê-phê-sô 1:16; so sánh Ê-phê-sô 1:3–14) và bằng cách cầu thay cho họ (Ê-phê-sô 1:17–23; so sánh Ê-phê-sô 3:14–21). Đối với ông, cầu nguyện là nhiệm vụ chính yếu, hay thậm chí là trọng tâm của đức tin Cơ Đốc. Các câu này mang lại một lời kêu gọi cảm động để cầu nguyện, một lời mời cho mỗi người chúng ta xem xét “chức vụ cầu nguyện” của cá nhân mình qua những lời đặc biệt ưu ái của Phao-lô nói về sự cầu nguyện.
Tại sao luôn cảm tạ Chúa trong lời cầu nguyện là điều quan trọng đối với những gì bạn phải biết ơn?
“Tôi vì anh em cảm tạ không thôi, thường nhắc đến anh em trong khi cầu nguyện. Tôi cầu Đức Chúa Trời của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Cha vinh hiển, ban thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra cho anh em, để nhận biết Ngài,” (Ê-phê-sô 1:16, 17).
Khi tường thuật lại những lời cầu nguyện của mình, Phao-lô ghi lại một yêu cầu chính mà ông đặt trước ngai của Đức Chúa Trời. Ông đã lưu ý rằng Đức Thánh Linh đã đến trong cuộc sống của các tín đồ vào thời điểm họ cải đạo (Ê-phê-sô 1:13, 14). Giờ đây, Phao-lô cầu xin một phước lành mới mẻ của Thánh Linh để ban cho sự hiểu biết thiêng liêng cần thiết, tập trung vào sự hiểu biết sâu sắc về Đức Chúa Giê-su (“để nhận biết Ngài,” Ê-phê-sô 1:17).
Phao-lô cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ mang lại sự hiểu biết đặc biệt cho các tín hữu về ba chủ đề nào? Xem Ê-phê-sô 1:17–19.
Khi Phao-lô cầu nguyện để họ hiểu rõ về “biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào” (Ê-phê-sô 1:18), ông cầu nguyện rằng họ sẽ cảnh giác với những hành động trong quá khứ mà Đức Chúa Trời đã thực hiện để cứu rỗi họ (Ê-phê-sô 1:3–9, 11–13) và tương lai vinh quang mà Ngài đã hoạch định cho họ (Ê-phê-sô 1:10, 14).
Khi cầu nguyện để có cái nhìn sâu sắc về “sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao” (Ê-phê-sô 1:18), Phao-lô đang nhắc lại ý tưởng của Cựu Ước về những người tin Chúa là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời (Phục truyền 9:29, Phục truyền 32:9, Xa-cha-ri 2:12, so sánh Ê-phê-sô 1:11). Ông muốn họ biết rằng họ không chỉ sở hữu cơ nghiệp từ Đức Chúa Trời, mà họ còn là cơ nghiệp của Ngài, và Phao-lô muốn họ hiểu giá trị của mình đối với Đức Chúa Trời.
Khi Phao-lô cầu nguyện để có cái nhìn sâu sắc thiêng liêng về “biết quyền vô hạn của Ngài, đối với chúng ta có lòng tin, là lớn dường nào” (Ê-phê-sô 1:19), ông tưởng tượng Đức Thánh Linh mang lại sự hiểu biết mới mẻ về quyền năng bao la của Đức Chúa Trời và hiện thực hóa nó trong kinh nghiệm của họ.
Trong tất cả những lời cầu nguyện này, Phao-lô muốn những người này tự mình trải nghiệm những gì họ đã được ban cho trong Đức Chúa Giê-su.
Làm thế nào bạn có thể trải nghiệm rõ hơn “quyền vô hạn của Ngài, đối với chúng ta có lòng tin”? Điều này có ý nghĩa gì trong cuộc sống hàng ngày?
Trong các câu còn lại của bản tường trình lời cầu nguyện của Phao-lô, Ê-phê-sô 1:20–23, Phao-lô mở rộng chủ đề hiểu biết thứ ba mà ông hy vọng rằng Đức Thánh Linh sẽ mang đến cho các tín đồ: sự vĩ đại của quyền năng Đức Chúa Trời mà Ngài thực hiện thay mặt họ. Ông bắt đầu bằng cách chỉ vào hai sự kiện lịch sử cứu rỗi như là những minh họa đầu tiên về quyền năng của Đức Chúa Trời:(1) sự sống lại của Đức Chúa Giê-su từ kẻ chết; (2) việc tôn vinh Đức Chúa Giê-su lên ngai của toàn vũ trụ (Ê-phê-sô 1:20).
Quyền năng của Đức Chúa Trời được thể hiện như thế nào qua sự sống lại của Đức Chúa Giê-su? Ê-phê-sô 1:20; 1 Cô-rinh-tô 15:20–22; Phi-líp 3:8–11; Hê-bơ-rơ 13:20, 21; 1 Phi-e-rơ 1:3.
Sự phục sinh của Chúa Giê-su là niềm tin không thể thương lượng của đức tin Cơ Đốc (1 Cô-rinh-tô 15:14, 17). Chính vì Đấng Christ đã sống lại nên các tín đồ trung thành đang chờ đợi sự phục sinh vĩ đại, trong tương lai để có được sự sống đời đời khi Đấng Christ trở lại (1 Cô-rinh-tô 15:20–23). Chính vì Đấng Christ đã sống lại mà ngày nay chúng ta có thể hướng lên Ngài để nhận được tất cả các phước lành của phúc âm, kể cả sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong đời sống của chúng ta.
Hình ảnh Đức Chúa Trời “làm cho [Đấng Christ] ngồi bên hữu mình” (Ê-phê-sô 1:20), được rút ra từ Thi thiên 110:1, đoạn được trích dẫn thường xuyên nhất trong Tân Ước (tất cả các đoạn vừa được trích dẫn dường như rút ra từ đó). Thư Ê-phê-sô đặt nặng sự tôn vinh của Đấng Christ. Các kẻ tin Chúa được “đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Ê-phê-sô 2:6). Ngoài ra, Phao-lô đề cập đến việc Đấng Christ đã lên (trời) như một khúc dạo đầu cho việc Đấng Christ sẽ làm đầy mọi vật và ban ân tứ cho hội thánh của Ngài (xin xem Ê-phê-sô 4:8–11).
Trong Ê-phê-sô 4:8–11, Phao-lô cảnh báo chúng ta không nên chấp nhận một hình ảnh tĩnh lặng đơn thuần về Đấng Christ trên ngai Cha, mà đúng hơn ông trình bày là “hình ảnh Tân Ước về Đấng Christ được tôn vinh và Ngài tiến ra bởi Thánh Linh của Ngài trên khắp thế gian đã và đang chinh phục.”—F. Bruce, The Epistles to the Colossians, to Philemon, and the Ephesians (Grand Rapids, MI:Eerdmans, 1984), trang 133. Vì vậy, Phao-lô miêu tả sự tôn vinh / đăng quang của Đấng Christ không chỉ đơn giản là một minh họa về quyền năng thiêng liêng được ban cho các tín đồ, nhưng là nguồn gốc của quyền năng ấy.
Có những cách nào mà bạn cần quyền năng của Đấng Christ trong cuộc sống của mình, và làm thế nào chúng ta có thể tận dụng quyền năng đó một cách tốt hơn? Những cách sống nào có thể cản trở chúng ta tiếp cận quyền năng của Ngài?
Phao-lô đã vui mừng chúc tụng sự tôn vinh của Đức Chúa Giê-su, là Đấng hiện đang ngồi với Đức Chúa Cha trên ngai của vũ trụ. Sau khi xác định vị trí của Đấng Christ trong mối quan hệ với Đức Chúa Cha (“ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời” (Ê-phê-sô 1:20), ông chuyển sang mối quan hệ của Chúa Giê-su với “mọi thế lực”. Là đấng đồng cai trị với Cha, Đức Chúa Giê-su “cao hơn hết” tất cả họ (Ê-phê-sô 1:21).
So sánh việc Phao-lô đề cập đến điều ác, thế lực thuộc linh trong Ê-phê- sô 1:21, Ê-phê-sô 2:2 và Ê-phê-sô 6:12. Bạn nghĩ tại sao Phao-lô lại quan tâm đến những quyền năng hay thế lực này?
Công vụ 19:11–20, với câu chuyện về bảy người con trai của Sê-va, là một minh họa cho chúng ta thấy Ê-phê-sô vào thời Phao-lô là trung tâm của ma thuật và phú phép. “Điểm nổi bật của việc thực hành ma thuật trong toàn thế giới Hy Lạp cổ là tin vào một thế giới thần linh có khả năng hành động và quyền lực chúng ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống. Mục tiêu của nhà ảo thuật là để phân biệt những thần linh hữu ích từ những thần linh có hại và tìm hiểu sự khác biệt của các hoạt động cũng như thế lực và quyền hạn tương đối của các thần linh. Nhờ kiến thức này, các nhà ma thuật (hay phù thủy) có thể tạo các phương cách (như cùng các công thức bằng lời hoặc bằng chữ viết, các bùa hộ mệnh, v.v.) để điều khiển các thần linh hồn vì lợi ích của cá nhân. Với công thức thích hợp, một căn bệnh do thần linh gây ra có thể được chữa khỏi, [hoặc] có thể cả chiến thắng một cuộc đua xe ngựa.”—Clinton E. Arnold, Power and Magic: The Concept of Power in Ephesians, trang 18.
Việc đặt tên để gọi các vị thần và các ma quyền trong các câu thần chú hay phép bùa là một nét đặc trưng của đời sống tôn giáo ở Ê-phê-sô (xem Công vụ 19:13), và ngay cả ngày nay, tại một số nơi. Phao-lô muốn làm rõ mối quan hệ giữa Đấng Christ và “các thế lực”: Đức Chúa Giê-su được tôn vinh là “cao hơn hết mọi quyền, mọi phép, mọi thế lực, mọi quân chủ cùng mọi danh vang ra,” (Ê-phê-sô 1:21).
Để chắc chắn rằng khán giả của mình hiểu rằng không có quyền năng nào ngoài quyền tể trị của Đức Chúa Giê-su, Phao-lô nói thêm để ám chỉ đến việc thực hành mà các thầy pháp làm là gom góp tất cả tên các thần linh trong các câu thần chú:“cùng mọi danh vang ra” (Ê-phê-sô 1:21). Và Phao-lô cũng đã chuyển từ chiều không gian sang chiều thời gian, ông nhấn mạnh quyền năng cai trị cao cả của Đức Chúa Giê-su là không giới hạn. Quyền cai trị của Ngài đối với mọi thế lực “không những trong đời nầy, mà cũng trong đời hầu đến nữa” (Ê-phê-sô 1:21).
Một số biểu hiện ngày nay của những thế lực tà ác này là gì, và làm thế nào chúng ta có thể bảo đảm rằng mình không bị cuốn vào bất kỳ thế lực nào trong số chúng?
Các Cơ Đốc nhân thời kỳ ban khai của hội thánh Chúa đã thấy trong Thi thiên 110:1 một lời tiên tri về sự tôn cao của Đức Chúa Giê-su:“Đức Giê-hô-va phán cùng Chúa tôi rằng:Hãy ngồi bên hữu ta, Cho đến chừng ta đặt kẻ thù nghịch ngươi làm bệ chân cho ngươi.” Họ đọc Thi thiên 8 theo cách tương tự, với lời khẳng định rằng Đức Chúa Trời đã “Khiến muôn vật phục dưới chân người” (Thi thiên 8:6), đôi chân của “Con loài người” (Thi thiên 8:4). Trong khi họ tin rằng có quyền lực của bóng tối ở các nơi trên trời đang ngự trị trên đầu họ và đe dọa sẽ khuất phục họ, họ đã nắm chắc sự thật rằng những quyền lực đó nằm dưới chân Đức Chúa Giê-su Christ.
Hãy cẩn thận lưu ý rằng khi “đã bắt muôn vật phục dưới chân Đấng Christ,” Đức Chúa Cha “ban cho Đấng Christ làm đầu Hội thánh,” (Ê-phê- sô 1:22). Trong khi “mọi sự” là một thuật ngữ phổ quát, bao hàm, thì trong tâm trí Phao-lô vẫn ghi nhớ “những quyền năng” được đề cập trong Ê-phê- sô 1:21. Tất cả mọi sự—bao gồm cả vũ trụ, siêu nhiên, sức mạnh tâm linh —đều ở dưới chân của Đấng Christ, phục tùng Ngài.
Việc tôn vinh Đấng Christ lên ngôi của vũ trụ và quyền cai trị của Ngài trên mọi vật trên trời và dưới đất mang lại lợi ích gì cho Hội thánh của Ngài? Ê-phê-sô 1:22, 23.
Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng Christ chiến thắng mọi quyền lực ma quỷ. Hội thánh, được xem như là hình ảnh chặt chẽ với Đấng Christ và được Ngài cung cấp tất cả những gì nó cần, và chính nó được bảo đảm sự chiến thắng trước những kẻ thù ấy. Quyền năng của Đức Chúa Trời, được bày tỏ qua sự phục sinh và sự tôn cao của Ngài (Đấng Christ) trên mọi quyền lực vũ trụ, đã được kích hoạt cho hội thánh. Đức Chúa Trời đã ban một Đấng Christ của khải hoàn cho hội thánh, hội thánh được kết hợp với Ngài đến nỗi được gọi là thân thể của Ngài.
Làm thế nào mà chúng ta là những tín đồ của Chúa có thể biết Đấng Christ đã tôn cao và cảm nghiệm được quyền năng của Đức Chúa Trời trong đời sống mình? Phao-lô không viết ra cho chúng ta bất kỳ kế hoạch đặc biệt nào để noi theo, hoặc điều chúng ta phải làm để biến kinh nghiệm này thành hiện thực. Nhưng Phao-lô cho chúng ta một gợi ý trong bài cầu nguyện của mình về cách chúng ta có thể nhận được sức mạnh của Đức Chúa Trời. Phao-lô cầu nguyện rằng Đức Chúa Trời sẽ giúp các tín đồ Đấng Christ ở Ê-phê-sô biết Ngài và quyền năng của Ngài. Ông tin rằng Đức Chúa Trời sẽ nhậm lời cầu nguyện của ông. Ông khẳng định hiệu quả của việc ca tụng quyền năng của Đức Chúa Trời, được bày tỏ trong Đấng Christ, trong sự hiện diện của chính Đức Chúa Trời và yêu cầu quyền năng đó hoạt động tích cực trong đời sống của các tín đồ.
Kinh nghiệm của riêng bạn với sức mạnh của lời cầu nguyện là gì? Nghĩa là, không chỉ những lời cầu nguyện được đáp lời mà còn là sự cầu nguyện nói chung, và làm thế nào để lời cầu nguyện kéo chúng ta đến gần Đức Chúa Trời và quyền năng được ban cho chúng ta trong Đức Chúa Giê-su?
Nghiên cứu hai sự mô tả sau đây về sự tôn cao của Đấng Christ qua các tác phẩm của Ellen G. White:
“Khi Đấng Christ đi ngang qua các cổng thiên đàng, Ngài đã được đăng quang giữa sự tôn thờ của các thiên sứ. Vừa khi nghi lễ này hoàn tất, Đức Thánh Linh được đổ tuôn tràn ban xuống trên các môn đồ, và Đấng Christ đã thực sự được tôn vinh, bằng cả cùng sự vinh quang mà Ngài đã có với Chúa Cha từ muôn thuở. Sự tuôn đổ trong ngày lễ Ngũ tuần là lời truyền thông của Thiên đàng rằng lễ khánh thành của Chúa Cứu Thế đã hoàn tất. Theo lời hứa của Ngài, Ngài đã ban Đức Thánh Linh từ trời xuống cho các môn đồ của Ngài như một dấu hiệu mà Ngài, trong tư cách là thầy tế lễ và vua, đã nhận mọi quyền hành trên trời và dưới đất, và là Đấng được xức dầu trên dân sự của Ngài.”—The Acts of the Apostles, trang 38, 39.
“Cánh tay của Đức Chúa Cha bao bọc Con Ngài, và lời được ban ra,‘Mọi thiên sứ của Đức Chúa Trời phải thờ lạy Con’ (Hê-bơ-rơ 1:6).
“Với niềm vui mừng vô tả, các nhà cai trị và các vua chúa và mọi thế lực thừa nhận uy quyền tối cao của Hoàng tử sự sống. Thiên sứ chủ lễ phủ phục trước mặt Ngài, trong khi tiếng reo vui mừng vang dội khắp các triều đình của thiên đàng:‘Chiên Con đã chịu giết đáng được quyền phép, giàu có, khôn ngoan, năng lực, tôn quí, vinh hiển và ngợi khen!’ (Khải huyền 5:12).
“Các bài ca khải hoàn hòa cùng tiếng nhạc từ đàn hạc thiên thần, cho đến khi thiên đàng dường như tràn ngập niềm vui và sự ca ngợi. Tình yêu đã chinh phục. Những kẻ lạc mất đã được tìm thấy. Thiên đàng reo vang đồng một lời tuyên dương:‘Chúc cho Đấng ngồi trên ngôi cùng Chiên Con được ngợi khen, tôn quí, vinh hiển và quyền phép cho đến đời đời!’ Khải huyền 5:13”—Desire of Ages, trang 834, 835.
ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Suy gẫm về “bây giờ” và “chưa” về sự tôn cao của Đức Chúa Giê-su. Theo nghĩa nào thì Đức Chúa Giê-su đã là Chúa của “mọi vật”, với các quyền năng ma quỷ phải phục tùng Ngài—tức là “bây giờ”? Và trong nghĩa nào thì sự cai trị trọn vẹn của Ngài trên mọi sự nói về tương lai —“chưa”? (Xin xem 1 Cô-rinh-tô 15:24–28.)
Bạn đang sống dưới sự cai trị của Đấng Christ trên mọi sự ở mức độ nào? Hay bạn đang sống ở mức độ nào dưới quyền của những thế lực khác là những thế lực sa ngã, mà quyền lực của chúng đang dần mất đi? Làm thế nào để bạn biết đó là cái nào, và làm thế nào bạn có thể thoát khỏi thế lực của cái ác, mặc dù chắc chắn bị đánh bại, vẫn còn hành động trong thế giới của chúng ta?
CÂU GỐC: “Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời” (Ê-phê-sô 1:3).
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Ê-phê-sô 1:3–14; Ê-phê-sô 2:6; HÊ-phê-sô 3:10; Cô-lô-se 1:13, 14; Phục truyền Luật lệ Ký 9:29.
Khi viết một thiệp cám ơn, người ta thường ghi lời mô tả về món quà hoặc các món quà mình nhận được. Trong Ê-phê-sô 1:13–14, Phao-lô ghi ra một danh sách dài những ân tứ khi ông cảm tạ Đức Chúa Trời về những ơn phước trong phúc âm.
Phao-lô ca ngợi Chúa về sự thật rằng “Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng-liêng ở các nơi trên trời” (Ê-phê-sô 1:3). Những ơn phước này là những ơn phước tâm linh (Tiếng Hy Lạp, pneumatikos) gợi ý rằng chúng đến từ Thánh Linh (pneuma), để nói về sự đóng lại những ơn phước của Phao-lô, và từ đó mà ăn mừng công việc của Thánh Linh trên cuộc sống của những người tin Chúa (Ê-phê-sô 1:13, 14).
Ê-phê-sô 1:3–6 mang một ngôn ngữ đầy cảm hứng về việc Chúa nhìn nhận chúng ta trong Đấng Christ như thế nào. Trước khi thế gian được tạo dựng, Đức Chúa Trời đã chọn chúng ta trong Đấng Christ và xác quyết rằng chúng ta, trước mặt Ngài, là con trai và con gái yêu dấu bởi đức hạnh của Đấng Christ trong cả Sự Sáng Tạo lẫn Sự Cứu Rỗi (Ê-phê-sô 1:5), phải là “nên thánh không chỗ trách được” (Ê-phê-sô 1:4 so sánh với Ê-phê-sô 5:27). Kể từ khi mặt trời bắt đầu soi sáng, Ngài đã có kế hoạch rằng chúng ta sẽ được “ân điển Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài!” (Ê-phê-sô 1:6). Nói ngắn gọn, Chúa có ý định rằng chúng ta sẽ được cứu. Chúng ta đánh mất sự cứu rỗi vì những lựa chọn tội lỗi của mình.
Cụm từ “ở các nơi trên trời” nghĩa là gì trong sách Ê-phê-sô (nơi duy nhất nó được dùng đến trong Kinh Thánh Tân Ước)? Nghiên cứu cách cụm từ này được sử dụng. (Xem Ê-phê-sô 1:3, 20; Ê-phê-sô 2:6; Ê-phê- sô 3:10; Ê-phê-sô 6:12; so sánh với việc cụm từ “ở trên trời” được dùng, Ê-phê-sô 3:15; Ê-phê-sô 4:10; Ê-phê-sô 6:9).
Trong sách Ê-phê-sô cụm từ “ở các nơi trên trời” và “trên các tầng trời” hoặc “ở trên trời” chỉ ra rằng thiên đàng là nơi ở của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 1:3; Ê-phê-sô 6:9), đó cũng là nơi của các nguồn sức mạnh tâm linh (Ê-phê-sô 1:10, 20, 21; Ê-phê-sô 3:10, 15; Ê-phê-sô 6:12), và đó cũng là nơi mà Đấng Christ sống lại và ngồi bên phải Đức Chúa Cha (Ê-phê-sô 1:20). Hiện nay, những người tin Chúa có thể đến được cõi của “những nơi trên trời” này—là nơi mà mọi ơn phước thiêng liêng được ban cho bởi Đấng Cứu Thế (Ê-phê-sô 1:3; Ê-phê-sô 2:6). Tuy “những nơi trên trời” đã trở thành nơi tràn đầy ơn phước đối với những người tin Chúa, đó vẫn là nơi có sự tranh chấp chống lại các quyền lực ác ma đòi tranh giành quyền thống trị với Đấng Cứu Thế (Ê-phê-sô 3:10; Ê-phê-sô 6:12).
Ê-phê-sô 1:4 nói rằng chúng ta đã được lựa chọn trong Ngài, trong Đấng Christ, “trước khi sáng thế”, điều này có nghĩa là gì? Làm thế nào mà điều đó bày tỏ cho chúng ta tình yêu Đức Chúa Trời dành cho chúng ta và khao khát của Ngài muốn chúng ta được cứu?
Trong quá khứ, tội lỗi đã cầm quyền cuộc sống của những người mà Phao-lô gửi thư này. Đó là lý do tại sao ông nói rằng độc giả của ông chẳng khác nào những kẻ tuy sống nhưng chẳng khác chi những kẻ đã chết:“Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình” (Ê-phê-sô 2:1). Họ “chết” bởi vì họ đang làm những điều mà Sa-tan truyền cho họ phải làm (Ê-phê-sô 2:1–3). Họ là nô lệ cho tội lỗi và Sa-tan mà tự sức họ không thể dành được tự do. Họ cần được cứu vớt. Đức Chúa Trời đã cứu họ bởi ân điển Ngài trong Đấng Christ, và Phao-lô ca tụng hai ân phước mà lòng thương xót và ân điển của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta:sự tha thứ và được cứu.
“Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài, mà Ngài đã rải ra đầy dẫy trên chúng ta cùng với mọi thứ khôn ngoan thông sáng,” (Ê-phê-sô 1:7, 8). Điều đó có nghĩa là chúng ta được “mua và thả tự do”? Phao-lô nói về cùng ý tưởng này trong Cô-lô-se 1:13, 14; Tít 2:13, 14; và Hê-bơ-rơ 9:15. Làm thế nào các câu này nói về cùng một điều mà chúng ta đọc trong Ê-phê-sô 1:7, 8?
Những từ ngữ được viết là “được tự do” (Ê-phê-sô 1:7) bắt nguồn từ chữ Hy Lạp: “apolutrōsis”. Chữ này có nghĩa là mua sự tự do của kẻ nô lệ hoặc trả tiền chuộc cho ai đó để giải phóng một kẻ nô lệ. Những người nô lệ bị xem là tài sản của chủ nên họ trị giá cao. Vì vậy, khi Phao-lô nói về cách Đức Chúa Trời giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, ông muốn chúng ta hiểu rằng Đức Chúa Trời đã trả một giá cao để cho chúng ta được tự do.
Đức Chúa Trời đã trả giá cho sự tự do khỏi tội lỗi của chúng ta như thế nào? Như chúng ta vừa đọc, “Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội” (Ê-phê-sô 1:7). Chắc chắn, Đức Chúa Trời đã trả một giá rất đắt để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Và nhờ nơi Chúa Giê-su, chúng ta không còn là nô lệ của tội lỗi nữa!
“Được chuộc là được xem là một con người, không phải chỉ là một vật gì đó không phải là con người. Nghĩa là để được trở thành một công dân của thiên đàng chứ không là một kẻ nô lệ trong thế gian.”—Allister E. McGrath, What Was God Doing on the Cross? (Grand Rapids, MI:Zondervan, 1992), trang 78.
Hãy lưu ý là tư tưởng rằng Đức Chúa Trời trả giá chuộc cho Sa-tan là một tư tưởng của thời trung cổ, không phải là của Kinh Thánh. Đức Chúa Trời không nợ hay trả cho Sa-tan điều gì cả.
Sự chết của Đức Chúa Giê-su trên thập tự giá đã ban cho chúng ta nhiều phước lành. Ngài đã ban cho chúng ta món quà của sự tha thứ (Ê-phê-sô 1:7). Ngài đã chấp nhận cái giá phải trả vì tội lỗi chúng ta, cả trong quá khứ và tương lai (Cô-lô-se 2:14). Vừa làm công việc cứu chuộc và cả tha thứ qua Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã hành động như một người Cha rộng lượng, “theo sự dư dật của ân điển Ngài, mà Ngài đã rải ra đầy dẫy trên chúng ta” (Ê-phê-sô 1:7, 8).
Có nghĩa gì với bạn rằng nhờ sự hy sinh chuộc tội của Đấng Christ bạn được tha thứ và được cứu rỗi? Nếu bạn cảm thấy mình không xứng đáng với điều đó thì sao? (Gợi ý:bạn không xứng đáng; đó là toàn bộ mấu chốt của thập tự giá).
Điều gì là “sự định trước đó trong khi kỳ mãn” của Đức Chúa Trời và chương trình ấy rộng rãi bao quát đến mức nào? Ê-phê-sô 1:9, 10.
Phao-lô sử dụng ba cách nói cho kế hoạch của Chúa. Đó là (1) “sự bí ẩn trong ý định của Ngài”, (2) “mục đích của Ngài”, và (3) “một chương trình cho kỳ viên mãn”. Đâu là kế hoạch sau chót, cuối cùng của Đức Chúa Trời? Để thống nhất tất cả mọi thứ, tất cả mọi nơi, trong Đức Chúa Giê-su.
Phao-lô dùng một chữ trong tiếng Hy Lạp để diễn tả ý niệm này. Tiếng Hy Lạp có chữ anakephalaiosasthai. Từ ngữ to lớn này có nghĩa là “góp lại” tất cả mọi thứ. Vào thời Tân Ước, khi một nhà kế toán cộng lại một cột số, họ đặt tổng số ở đầu cột. Tương tự theo cách ấy, Đức Chúa Giê-su đứng đầu trong kế hoạch tối thượng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã lập kế hoạch này trước khi Ngài dựng nên trời đất (Ê-phê-sô 1:4). Kế hoạch của Ngài vĩ đại đến độ nó là kế hoạch dành cho mọi thời đại và cho mọi vật.
Toàn bộ kế hoạch của Đức Chúa Trời để cứu chúng ta đều là về Đức Chúa Giê-su. Ấy là, kế hoạch lớn của Đức Chúa Trời là về cái chết của Đức Chúa Giê-su trên thập tự giá, sự phục sinh từ kẻ chết, sự thăng thiên của Ngài và việc Ngài được tôn vinh trước mặt các thiên sứ (Ê-phê-sô 1:15– 2:10). Kế hoạch của Đức Chúa Trời cũng bao gồm việc bắt đầu xây dựng Hội thánh trên đất. Hội thánh sẽ giúp kết hợp con người lại với nhau, cả người Do Thái và người không phải Do Thái (Ê-phê-sô 2:11–3:13).
Bằng cách này, hội thánh cho Sa-tan và những người theo hắn biết rằng kế hoạch của Đức Chúa Trời đang hoạt động và vương quốc của Sa-tan sẽ kết thúc (Ê-phê-sô 3:10). Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng ngày cuối cùng của Sa-tan sắp đến: “Vì ma quỉ biết thì giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi” (Khải huyền 12:12).
Phần nửa cuối bức thư của Phao-lô bắt đầu bằng lời thông báo về sự bình an và hòa thuận trong hội thánh (Ê-phê-sô 4:1–16). Sau đó, Phao-lô bảo hội thánh phải tránh hành vi phá hủy sự đồng ý với nhau. Ông bảo các thành viên trong hội thánh phải hòa thuận với nhau (Ê-phê-sô 4:17–6:9). Phao-lô kết thúc bức thư của mình bằng một chữ tượng hình rất mạnh mẽ. Ông so sánh nhà thờ với một đội quân tinh nhuệ. “Đội quân” này làm việc cùng nhau để tạo hòa bình trên trái đất trong danh Đức Chúa Giê-su (Ê-phê-sô 6:10–20).
Làm thế nào bạn có thể ca tụng lòng thương xót cứu độ và sự tha thứ mà Đức Chúa Giê-su ban cho mình? Bạn cảm thấy thế nào khi nhớ rằng lòng thương xót và sự tha thứ của Đức Chúa Trời là một phần trong kế hoạch lớn của Ngài? Nghĩa là, lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài là một phần trong kế hoạch của Ngài để cứu loài người khỏi tội lỗi và kết nối với nhau trong Đấng Christ?
“Ấy cũng là trong Ngài mà chúng ta đã nên kẻ dự phần kế nghiệp, như đã định trước cho chúng ta được điều đó, theo mạng của Đấng làm mọi sự hiệp với ý quyết đoán, hầu cho sự vinh hiển của Ngài nhờ chúng ta là kẻ đã trông cậy trong Đấng Christ trước nhứt mà được ngợi khen” (Ê-phê-sô 1:11, 12).
Những tín hữu ở thành Ê-phê-sô dường như đã không còn cảm nhận rõ ràng họ là ai nữa. Họ đã “ngã lòng” (Ê-phê-sô 3:13). Cùng một cách như thế với những gì ông đã khẳng định trước đó (Ê-phê-sô 1:3–5), một lần nữa, Phao-lô nói rằng ông mong họ đánh bóng ý thức mình là những Cơ Đốc nhân. Những người tin Chúa không phải là nạn nhân của sự vô tổ chức, của những điều quyết định tuỳ nghi bởi các thần thánh hoặc từ tử vi thiên văn. Họ là con cái của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 1:5) và đã trải nghiệm rất nhiều ơn phước của Đấng Christ dựa trên sự dạy dỗ sâu sắc và những quyết định vĩnh cửu của Đức Chúa Trời. Đó là mục đích, sự dạy dỗ và ý định của Chúa (Ê-phê-sô 1:11) được thực hiện trong cuộc sống của họ theo cùng một cách với kế hoạch lớn lao chắc chắn của Đức Chúa Trời để hợp nhất tất cả mọi thứ trong Đấng Christ (Ê-phê-sô 1:10). Họ có thể có sự tự tin không thể lay chuyển về việc họ đứng trước mặt Đức Chúa Trời và về giá trị những ơn phước mà Ngài ban cho. Cuộc sống của họ nên bày tỏ ra thông điệp trong Ê-phê-sô 1:3–14: Cảm tạ ơn phước từ Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta!
So sánh việc sử dụng danh từ “cơ nghiệp” trong Ê-phê-sô 1:11, 14, 18. Theo bạn tại sao ý tưởng này là quan trọng đối với Phao-lô?
Đã có bao giờ bạn đã nhận được hay là người thừa kế của tài sản do ai đó qua đời để lại cho bạn chưa? Có thể một người thân thích nào đó để lại cho bạn một tài sản có giá trị hoặc một số tiền đáng kể. Theo như cái nhìn của sứ đồ Phao-lô, bởi cái chết của Đức Chúa Giê-su, những Cơ Đốc nhân đã nhận được cơ nghiệp từ Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 1:14) và trở thành “kẻ thừa kế” đối với Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 1:18).
Trong Kinh Thánh Cựu Ước, dân của Đức Chúa Trời thỉnh thoảng được nhắc đến như là “cơ nghiệp” của Ngài, hoặc kẻ kế nghiệp (Phục truyền Luật lệ Ký 9:29; Phục truyền Luật lệ Ký 32:9, Xa-cha-ri 2:12). Cảm giác của sự thuộc về Chúa hoặc trở thành cơ nghiệp của Đức Chúa Trời trở nên rõ ràng trong Ê-phê-sô 1:18 và cũng cùng một ý nghĩa với khái niệm trong Ê-phê-sô 1:11 (cái mà sau đó được dịch, “Ấy cũng là trong Ngài mà chúng ta đã nên kẻ dự phần kế nghiệp”). Như một yếu tố trọng tâm trong danh tính Cơ Đốc nhân của họ, Phao-lô mong muốn rằng những người tin Chúa hiểu giá trị của họ trước mặt Chúa. Họ không chỉ là kẻ nhận cơ nghiệp đến từ Chúa (Ê-phê-sô 1:14, Ê-phê-sô 3:6, so sánh với Ê-phê-sô 5:5), mà họ chính là cơ nghiệp của Ngài.
Đâu là sự khác biệt giữa làm việc để nhận được một điều gì đó và thay vào đó là thừa kế nó? Làm thế nào mà ý tưởng này giúp chúng ta hiểu những gì chúng ta được ban cho trong Đức Chúa Giê-su?
Trong Ê-phê-sô 1:13, 14, Phao-lô kể một cách ngắn gọn câu chuyện ông đã được cải đạo cho độc giả của mình. Quá trình ấy của ông có những bước nào?
Để giải thích cho tầm quan trọng của Đức Thánh Linh trong cuộc sống của những người tin Chúa, Phao-lô đã dùng hai hình ảnh hay ẩn dụ chỉ về Đức Thánh Linh. Đầu tiên ông tả Đức Thánh Linh như là một con dấu hay “dấu triện”, xác nhận sự đóng dấu triện của Đức Thánh Linh xảy ra bắt đầu vào thời điểm của sự cải đạo. Trong thời cổ đại, con dấu được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau: để xác thực các bản sao chép của các điều luật hay giao ước, để làm triện bảo đảm những gì nằm trong một văn thư hay vật đựng là hợp pháp và có giá trị (ví dụ, Ê-xê-chi-ên 28:12) hoặc để làm chứng các giao dịch mua bán (ví dụ, Giê-rê-mi 32:10–14), khế ước, các bức thư (ví dụ, 1 Các Vua 2:18), di chúc và bảo lãnh. Khi một vật được đóng dấu, dấu triện ấy nói lên cả quyền sở hữu lẫn sự bảo vệ. Sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong cuộc sống của họ là dấu ấn rằng những người tin này đã thuộc về Đức Chúa Trời và đang bày tỏ lời hứa rằng Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ họ (so sánh với Ê-phê-sô 4:30). Họ đã được “ấn chứng bằng Đức Thánh Linh là Đấng Chúa đã hứa” (Ê-phê-sô 1:13).
Phao-lô khẳng định rằng vào thời điểm một người trao cuộc sống của mình cho Đức Chúa Giê-su và tin vào Ngài thì Đức Thánh Linh sẽ đóng dấu (Tiếng Hy Lạp: sphragizo) người tin ấy trong Đức Chúa Giê-su trong ngày cứu chuộc. Quả là một chân lý về sự tự do và sự đảm bảo tuyệt vời! Thánh Linh của Đức Chúa Trời đóng dấu những người theo Đấng Christ bằng dấu ấn của sự cứu rỗi ngay thời điểm khi họ bắt đầu tin.”—Jiri Moskala, trích từ “Những Diễn Giải Sai về Thời Kỳ Cuối Cùng: 5 Điều Huyễn Hoặc trong Niềm Tin Chúa Phục Lâm”, Tuần san của Hiệp hội Thần học Cơ Đốc Phục Lâm, tập 28, số 1 (2017), trang 95.
Hình ảnh thứ hai Phao-lô sử dụng để chỉ về Đức Thánh Linh là “sự đảm bảo”. Đức Thánh Linh là sự đảm bảo về cơ nghiệp chúng ta sẽ được nhận, tới tận thời điểm mà cơ nghiệp ấy sẽ được ban cho một cách đầy đủ (so sánh với 2 Cô-rinh-tô 1:22 và 2 Cô-rinh-tô 5:5).
Chữ dùng để dịch sang “sự đảm bảo” (arrabon) là một chữ trong tiếng Hê-bơ-rơ được sử dụng rộng rãi trong tiếng Hy Lạp trong thời Tân Ước để nói về “khoản tiền trả đầu tiên”, “khoản đặt cọc” hoặc “khoản tiền đảm bảo” mà đòi hỏi người trả cần phải trả thêm phần còn lại.
Xin lưu ý rằng những người tin Chúa không phải trả khoản tiền đảm bảo này nhưng được nhận nó từ Đức Chúa Trời. Sự hiện diện quý báu của Đức Thánh Linh trong cuộc sống của những người tin Chúa, được sứ đồ Phao-lô nói rằng là khoản tiền trả đầu tiên toàn phần cơ nghiệp của sự cứu rỗi và cứu chuộc mà sẽ đến khi Đấng Christ trở lại. Việc chúng ta cần làm là đón nhận với lòng biết ơn và sự khiêm nhường những điều mà chúng ta được ban cho trong Đức Chúa Giê-su.
Có phải Ê-phê-sô 1:3–14 dạy rằng Chúa đã định từ trước tương lai của nhân loại, dự đoán trước ai sẽ được nhận sự sống vĩnh cửu và ai sẽ phải nhận sự chết đời đời? Không may, có rất nhiều người lại tin vào điều này. Chúng ta hãy quan tâm đến các ý tưởng dưới đây mà Phao-lô muốn nói:
1. Trong đoạn Kinh Thánh này, vai trò của Đấng Christ đã được định trước, kể từ khi thiên thượng đã có sự lựa chọn thiêng liêng để nhận chúng ta làm con Ngài “bởi Đức Chúa Giê-su Christ” (Ê-phê-sô 1:5) hoặc “trong Đấng Christ” (Ê-phê-sô 1:4, 11). Điều này cho biết rằng sự tuyển chọn và sự định trước của Chúa xảy ra đối với tất cả những người chọn tin vào Đấng Cứu Thế chứ không là lựa chọn ai được cứu hoặc lạc mất dựa trên từng hoàn cảnh thậm chí trước khi người ấy sinh ra. Sự lựa chọn của Đức Chúa Trời là một câu trả lời của thiên thượng, và đã được nghiên cứu, đã được định trước cho những người nào thực hành đức tin trong Đức Chúa Giê-su.
2. Ê-phê-sô 1:3–14 sử dụng ngôn ngữ sống động về công việc cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là “Cha” và chúng ta là những “con nuôi” của Ngài (Ê-phê-sô 1:3–5), những người mà được nhận ơn phước vô lường của Ngài (Ê-phê-sô 1:8). Chúng ta phải hiểu ngôn ngữ về sự lựa chọn và sự định trước của Chúa tiềm ẩn trong giọng văn dồi dào phong phú này. Đức Chúa Trời không phải là một Đấng phán xét xa cách, không có cảm xúc, đưa ra những sắc lệnh từ xa nhưng là một người Cha quan tâm đến tất cả những đứa con của Ngài (xem Ê-phê-sô 3:15).
3. Đức Chúa Trời tôn trọng lựa chọn của nhân loại được phản ảnh trong Ê-phê-sô 1:3–14 (đặc biệt trong Ê-phê-sô 1:13 khi mà “nghe” và “tin” được đánh giá là quan trọng), ở những nơi khác trong bức thư (Ê-phê-sô 2:8; Ê-phê-sô 3:17; Ê-phê-sô 4:1–6:20; tất cả những điều này nhấn mạnh hoặc chắc chắn về sự xảy ra của lựa chọn và câu trả lời đối với đức tin) và trong những đoạn Kinh Thánh khác của sách Tân Ước (ví dụ, 1 Ti-mô-thê 2:4; Công vụ 17:22–31). Hoặc, như Ellen G. White đã nói như sau: “Trong món quà vô song của Con Ngài, Đức Chúa Trời đã bao bọc toàn thế gian bằng một bầu khí quyển của ân điển, chẳng khác nào không khí lưu thông quanh cả địa cầu. Tất cả những người lựa chọn thở trong bầu khí quyển ban sự sống này sẽ sống và phát triển trở thành những người nam và người nữ vĩ đại trong Đức Chúa Giê-su.”—Con Đường Giải Thoát, trang 68.
ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Lời biện luận bạn có thể thêm vào những điều ghi trên để hỗ trợ cho ý tưởng rằng Đức Chúa Trời không lựa chọn ai sẽ được cứu và ai sẽ bị lạc mất từ trước khi chúng ta được sinh ra?
Sự chọn lựa của ai, cuối cùng sẽ quyết định một người có được sự cứu rỗi trong Đức Chúa Giê-su hay không?
“Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài” (Ê-phê-sô 1:7). Làm thế nào mà câu Kinh Thánh này thể hiện tính thực tế của sự cứu rỗi chỉ bởi đức tin mà không phải bằng việc làm theo luật pháp?
CÂU GỐC: “Khiến chúng ta biết sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài, theo ý định mà Ngài đã tự lập thành trước trong lòng nhân từ Ngài — để làm sự định trước đó trong khi kỳ mãn — hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Christ, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất” (Ê-phê-sô 1:9, 10).
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Công vụ 18:18–21; Công vụ 19:13-20:1; Công vụ 20:17–38; Ê-phê-sô 1:1, 2; Ê-phê-sô 6:21–24; Ê-phê-sô 3:13; Ê-phê-sô 1:9, 10
Trong chuyến đi truyền giáo lần thứ nhì của mình, lần đầu tiên Phao-lô ghé lại Ê-phê-sô, ông đã làm điều gì? (Công vụ 18:18–21).
Ê-phê-sô là một trong những thành phố lớn nhất của Đế chế La Mã, với dân số khoảng 250,000 người. Đó là thủ phủ của một trong những tỉnh giàu có nhất của La Mã; tỉnh ở Châu Á, bao gồm phần lớn những gì chúng ta biết ngày nay là Tiểu Á. Vào thời của Phao-lô, tỉnh này đang có một thời kỳ phát triển và thịnh vượng. Là một thành phố có hải cảng, Ê-phê-sô cũng nằm ở ngã tư của các tuyến đường bộ quan trọng. Dân cư ở đầy thờ lạy đủ loại thần, nhưng họ xem Ạt-tê-mi là nữ thần bảo vệ thành của họ, là tối cao. Sự tôn thờ nữ thần này là trọng tâm của các nghi lễ công cộng, của các trò chơi thể thao và các lễ kỷ niệm hàng năm. (Ạt-tê-mi được người La Mã gọi là Đi-anh; xem Công vụ 19:24, 35).
Về sau, Phao-lô đã trở lại Ê-phê-sô trong chuyến hành trình truyền giáo thứ ba của ông (Công vụ 19:1–12), và đã ở đó “trong ba năm” (Công vụ 20:31). Vị sứ đồ đã dành một thời gian đáng kể cho Ê-phê-sô, với ý định xây dựng nền mống Cơ Đốc giáo vững vàng ở đó.
Sự kiện kỳ lạ nào dẫn đến việc nhiều người nghe về sự tôn kính đối với “Chúa Giê-su” ở Ê-phê-sô? (Công vụ 19:13–20).
Lu-ca chia sẻ câu chuyện kỳ lạ về bảy người Do Thái chuyên hành nghề trừ tà đuổi quỷ lưu động trong thành phố. Việc họ mạo danh cả Đức Chúa Giê-su và Phao-lô trộn lẫn trong các câu thần chú của họ là một sự lầm lẫn trong việc mưu sinh của những người hành nghề trừ tà này. Khi tin tức chuyền ra các phố phường về việc ấy “thì sợ hãi, và danh Đức Chúa Jêsus được tôn trọng” (Công vụ 19:17). Sự kiện này cũng có tác động sâu sắc đến một số người vốn đã là tín đồ, và họ đã công khai đốt những cuốn sổ tay và vật liệu ma thuật đắt tiền trị giá “năm muôn đồng bạc” (Công vụ 19:19). Với các cư dân khắp nơi trong thành phố, các tín đồ học được rằng việc thờ phượng Đức Chúa Giê-su không được pha loãng bởi việc thờ phượng bất cứ thứ gì hay bất kỳ ai khác.
Việc đốt các sách của chính bản thân họ có ý nghĩa gì, ngay cả khi đó là một sự mất mát giá trị cho họ? Điều đó nói gì về sự cam kết hoàn toàn với Chúa?
Đọc Công vụ 19:21–20:1. Chúng ta có thể rút ra bài học gì từ câu chuyện này?
Việc làm chứng đạo của Phao-lô tại thành phố Ê-phê-sô, một thành phố lớn và văn hóa cao, rất hiệu quả, đến mức nó tác động đến một động cơ kinh tế quan trọng của thành phố ấy là ngành du lịch viếng thăm Đền thờ Ạt-tê-mi. Và đền thờ này là cả một công trình kiến trúc huy hoàng! Ngôi đền tráng lệ này được chống đỡ bởi 127 cây cột, mỗi cây cao 60 feet, bằng đá cẩm thạch Pa-ri-an, một loại đá cẩm thạch trắng tinh, hoàn mỹ rất cao giá cho các tác phẩm điêu khắc. Ba mươi sáu cây cột trong số này được điêu khắc và dát vàng, khiến ngôi đền trở nên nổi tiếng là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại.
Tuy nhiên những bài giảng luận của Phao-lô chống lại sự thờ tà thần lại gây sự lo ngại cho một người thợ bạc tên Đê-mê-triu, vì nó gây thất lợi cho anh ta khi người ta không còn mua bán thờ cúng tượng Ạt-tê-mi nữa. Người này bèn tụ họp các đồng nghiệp của mình xui họ giận dữ chống đối Phao-lô vì các luận điệu của người làm đền thờ kiệt quệ tài chính (Công vụ 19:27). Một đám đông ngày càng đông hơn kéo xuống đường và họ tràn từ khu chợ vào nhà hát lớn ngoài trời, nơi chứa được khoảng 25 nghìn người. Ở đó, sự náo động tiếp tục, và trong hai giờ liên tục họ kêu gào “Lớn thay là nữ thần Đi-anh của người Ê-phê-sô!” (Công vụ 19:34). Sau khi đám đông được giải tán bởi thơ ký thành phố, Phao-lô gặp gỡ với các tín đồ và rời thành phố.
Vào cuối cuộc hành trình truyền giáo thứ ba, Phao-lô gặp gỡ các trưởng lão của hội thánh Ê-phê-sô. Bạn có thể tóm tắt mối quan tâm của Phao- lô như thế nào? (Xem Công vụ 20:17–38).
Tuần tự diễn tiến của mối quan hệ của Phao-lô với hội thánh Ê-phê-sô:
Năm 52 SCN: Chuyến thăm ngắn ngủi đầu tiên của Phao-lô đến Ê-phê- sô (Công vụ 18:18–21).
Năm 53–56 SCN: Mục vụ ba năm của Phao-lô ở Ê-phê-sô (Công vụ 19:1–20:1). Ông viết bức thư 1 Cô-rinh-tô gần cuối thời gian ở đó (1 Cô- rinh-tô 16:5–9).
Năm 57 SCN: Khi ở Mi-lê, Phao-lô gặp gỡ các trưởng lão từ Ê-phê-sô (Công vụ 20:17–38).
Năm 62 SCN: Phao-lô viết thư cho người Ê-phê-sô, có lẽ là từ nơi giam cầm ở Rô-ma.
Phao-lô nói:“Vậy, hãy tỉnh thức, nhớ lại rằng trong ba năm hằng đêm và ngày, tôi hằng chảy nước mắt ra mà khuyên bảo cho mọi người luôn” (Công vụ 20:31). Bạn nghĩ Phao-lô sẽ cảnh báo hội thánh chúng ta về điều gì ngày nay, và tại sao?
Phao-lô viết thư Ê-phê-sô để được đọc to trong các nhà thờ tư gia của những tín đồ ở toàn vùng Ê-phê-sô. Trong những năm từ khi Phao-lô rời Ê-phê-sô, phong trào Cơ Đốc giáo ở Ê-phê-sô đã phát triển và số các điểm nhóm tại tư gia đã tăng lên gấp bội. Đối với những tín đồ lúc ban đầu, có được Ty-chi-ớt, là người đại diện thân cận của sứ đồ sáng lập Phao-lô có mặt giữa vòng họ và chia sẻ một bức thư từ ông là một sự kiện quan trọng. Theo như đề nghị của chính bức thư, nhóm người tập họp có thể bao gồm các thành viên của gia đình chủ nhà—cha, mẹ, con cái và các kẻ nô lệ (Ê-phê-sô 5:21–6:9). Vào thời điểm đó, một hộ gia đình bao gồm cả những người khác—các thân chủ (những người tự chủ nhưng phụ thuộc vào chủ hộ để được hỗ trợ) và thậm chí cả khách hàng. Vì vậy, những người này cũng có thể có mặt, cũng như các thành viên của các hộ gia đình khác.
Cùng với dàn bài của bức thư dưới đây, hãy đọc toàn bức thư tín, tốt nhất là đọc to (sẽ mất khoảng 15 phút để làm như vậy). Những chủ đề nào vang vọng qua toàn bức thư?
I. Lời đạt và chào thăm (Ê-phê-sô 1:1, 2)
II. Lời chúc phước (Ê-phê-sô 1:3–14)
III. Cầu nguyện cho các tín đồ nhận được sự khôn ngoan hiểu trọn Đấng Christ (Ê-phê-sô 1:15–23)
IV. Đã chết về mặt tâm linh; Nay giờ được tôn cao với Đấng Christ (Ê-phê-sô 2:1–10)
V. Sự thiết lập hội thánh bởi Đấng Christ từ người Do Thái và dân ngoại (Ê-phê-sô 2:11–22)
VI. Phao-lô với tư cách là Người rao giảng về Đấng Christ cho dân ngoại (Ê-phê-sô 3:1–13)
VII. Cầu nguyện cho các tín hữu cảm nghiệm được Tình yêu của Đấng Christ (Ê-phê-sô 3:14–21)
VIII. Giữ vững sự hiệp nhất do Thánh Linh soi dẫn (Ê-phê-sô 4:1–16)
IX. Sống đời sống mới, nuôi dưỡng sự hiệp nhất (Ê-phê-sô 4:17–32)
X. Bước đi trong Tình yêu, Ánh sáng và Sự khôn ngoan (Ê-phê-sô 5:1–20)
XI. Thực hành đời sống theo hình ảnh vóc dạng như Đấng Christ trong Gia đình Cơ Đốc (Ê-phê-sô 5:21–6:9)
XII. Sát cánh cùng nhau:Hội thánh với tư cách là Quân đoàn của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 6:10–20)
XIII. Lời chào kết thúc (Ê-phê-sô 6:21–24)
Chủ đề quan trọng nào dường như được gửi đến trong bức thư này? Nó nói gì với bạn? Những điểm cụ thể hoặc những điểm nào bạn thấy liên hệ với mình?
Phao-lô bắt đầu và kết thúc bức thư của mình gửi các tín đồ ở Ê-phê-sô như thế nào? Chúng ta học được gì về những mong muốn sâu sắc nhất của ông đối với họ? Xem Ê-phê-sô 1:1, 2; Ê-phê-sô 6:21–24.
Mở đầu bức thư, Phao-lô tự nhận mình là tác giả (Ê-phê-sô 1:1). Gần giữa bức thư, Phao-lô một lần nữa tự nhận mình bằng tên, tự cho mình là “Ấy bởi điều đó, mà tôi, Phao-lô, vì anh em là người ngoại mà làm kẻ tù của Đức Chúa Jêsus-Christ…” (Ê-phê-sô 3:1), giới thiệu một phản ánh cá nhân về chức vụ sứ đồ của ông (Ê-phê-sô 3:1–13). Ở gần cuối bức thư, ông lại đề cập đến việc bị giam cầm (Ê-phê-sô 6:20) và kết thúc bằng những lời thân tình cá nhân (Ê-phê-sô 6:21, 22). Trong khi có vài học giả phủ nhận rằng bức thư được viết bởi Phao-lô, điều quan trọng cần lưu ý là thư rõ ràng khẳng định Phao-lô là tác giả của nó. Hầu hết các Cơ Đốc nhân chấp nhận, và đúng như vậy, Phao-lô là tác giả.
Phao-lô lo lắng thế nào về ảnh hưởng của việc bị giam cầm đối với những người tin Chúa ở Ê-phê-sô? Xem Ê-phê-sô 3:13.
Thư Ê-phê-sô dường như có cùng thời gian và hoàn cảnh chung với những bức thư khác mà Phao-lô viết từ trong tù như thư cho người Cô- lô-se (xem đặc biệt Cô-lô-se 4:7, 8) và cho Phi-lê-môn. Ngoài ra, một thời gian đáng kể dường như đã trôi qua kể từ khi sứ vụ của Phao-lô ở Ê-phê-sô (Ê-phê-sô 1:15; Ê-phê-sô 3:1, 2). Phao-lô có lẽ đã viết thư Ê-phê-sô trong nhà tù ở Rô-ma vào khoảng năm 62 SCN.
Trong sách Ê-phê-sô, Phao-lô cho chúng ta biết một số thông tin cụ thể về tình hình của độc giả tại Ê-phê-sô. Phạm vi ông để tâm đến rất bao quát. Ông đề cập đến một khoảng thời gian lớn, bắt đầu từ những quyết định của Đức Chúa Trời được đưa ra “trước khi sáng thế” (Ê-phê-sô 1:4), và phản ánh rộng rãi về các chủ đề vĩ đại về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời được ban trong Đấng Christ. Trong lối viết ấy, bức thư thể hiện một lối hành văn văn hoa, với các câu dài, cách diễn đạt lặp đi lặp lại và các ẩn dụ được phát triển. Phao-lô có thể cũng sử dụng cách hành văn ấy ở các nơi khác (thí dụ, Rô-ma 8:31–39), nhưng trong Ê-phê-sô, có rất nhiều lối văn này, qua đó chúng ta thấy nhiều ngôn ngữ ca ngợi, cầu nguyện và thờ phượng (Ê-phê-sô 1:3–14, Ê-phê-sô 1:15–23, Ê-phê-sô 3:14–21) và nhiều đoạn văn được trau chuốt cẩn thận, đầy tính chất hùng biện (thí dụ:Ê-phê- sô 4:1–16, Ê-phê-sô 5:21–33, Ê-phê-sô 6:10–20).
Phao-lô công bố chủ đề của bức thư như thế nào? Ê-phê-sô 1:9, 10.
Làm thế nào có thể tóm tắt thông điệp của Ê-phê-sô? Từ trong tù, Phao-lô đưa ra viễn tượng về kế hoạch lấy Đấng Christ làm trung tâm từ lúc ban đầu cho đến thời kỳ cuối cùng và vai trò của Hội thánh trong đó. Đức Chúa Trời đã hành động trong Đấng Christ để khởi xướng kế hoạch của Ngài “hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Christ, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất” (Ê-phê-sô 1:10), và Ngài đã làm như vậy bằng cách dựng nên Hội thánh như một thực thể của một nhân loại mới gồm cả người Do Thái và dân ngoại (Ê-phê-sô 2:14). Những người tin Chúa được kêu gọi để hành động cùng với kế hoạch thiêng liêng này, báo hiệu cho các quyền lực tà ác rằng mục đích cuối cùng của Đức Chúa Trời đang được thực hiện (Ê-phê-sô 3:10).
Như Ê-phê-sô 1:9, 10 công bố, sự hiệp nhất mà Đức Chúa Trời nghĩ đến là sự hiệp nhất với trung tâm là Đấng Christ. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi khám phá ra rằng Ê-phê-sô là một bức thư đẫm màu sắc của Đấng Christ, ở khắp mọi nơi ca ngợi các hành động của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ và vui mừng kỷ niệm việc các tín đồ có thể đến được với các nguồn tài nguyên thiêng liêng được cung cấp cho họ trong Đấng Christ. Phao-lô sử dụng cụm từ “trong Đấng Christ” và các cụm từ tương tự hơn ba mươi lần, và ở khắp mọi nơi đều ca ngợi Đức Chúa Giê-su. Khi bạn đọc lá thư, hãy để ý những cụm từ này và chú ý đến các cách mà Phao- lô tập trung vào Chúa Giê-su.
Phao-lô tìm cách khơi dậy niềm cam kết thuộc linh của các tín đồ ở Ê-phê-sô bằng cách nhắc nhở họ rằng họ là một phần của hội thánh, là trọng tâm trong kế hoạch của Đức Chúa Trời nhằm hiệp nhất mọi sự trong Đấng Christ. Khi ông dùng từ “hội thánh” (tiếng Hy Lạp, ekklēsia) trong thư mình, ông hàm ý là hội thánh “phổ quát” hoặc toàn hội thánh (hay giáo hội) nói chung (chứ không phải là một hội thánh địa phương).
Một chiến lược chính mà Phao-lô dùng là nói về hội thánh, và ông làm như vậy bằng cách sử dụng các phép ẩn dụ sống động. Bốn cách trong số đó ông đã khai triển khá chi tiết:
1. Hội thánh như thân thể (Ê-phê-sô 1:22, 23; Ê-phê-sô 2:16; Ê-phê-sô 3:6; Ê-phê-sô 4:1–16, 25; Ê-phê-sô 5:23, 29, 30).
2. Hội thánh như một tòa nhà / đền thờ (Ê-phê-sô 2:19–22).
3. Hội thánh như cô dâu (Ê-phê-sô 5:22–27).
4. Hội thánh như một đội quân (Ê-phê-sô 6:10–20).
Mỗi hình ảnh này, theo cách riêng của nó, tiết lộ mục đích và ý định của Đức Chúa Trời đối với hội thánh của Ngài là gì.
Trong hội thánh mà bạn là thuộc viên: Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm, Đức Chúa Trời đang thu hút một cộng đồng đa quốc gia, đa ngôn ngữ, đa chủng tộc, đa văn hóa (Khải huyền 14:6, 7) hướng đến sự hoàn thành của kế hoạch của Ngài là để hiệp nhất mọi sự trong Đức Chúa Giê-su (Ê-phê-sô 1:9, 10). Làm thế nào chúng ta có thể làm việc phù hợp với kế hoạch vĩ đại của Đức Chúa Trời?
Câu chuyện về những người trừ quỷ lạm dụng danh Đức Chúa Giê-su và Phao-lô (Công vụ 19:13–20; xem lại bài học của ngày Thứ Nhất) giúp giải thích lý do tại sao Phao-lô dùng rất nhiều lời nói về quyền lực trong thư Ê-phê-sô. Một số tín đồ mới, dưới niềm tin mới về chủ quyền của Đức Chúa Giê-su, ném các sách hướng dẫn ma thuật đắt tiền của họ vào ngọn lửa. Nhờ khảo cổ phát hiện ra khoảng 250 trang giấy có liên quan đến ma thuật cũng như các thứ tìm thấy khác, chúng ta có nhiều hình ảnh khái niệm về các nghi lễ, phép thuật, công thức, lời nguyền, v.v., tương tự như những nghi thức có trong các sách hướng dẫn ma thuật này. Các bộ sách này đã khuyên các kẻ tin theo ma thuật cách tiến hành các nghi thức thế nào để thuyết phục các vị thần, nữ thần và sức mạnh tâm linh để làm bất cứ điều gì chúng yêu cầu.
Lu-ca cho chúng ta biết rằng các bộ sách này có giá trị 50 ngàn đồng tiền bằng bạc, hoặc 50 ngàn ngày tiền lương (theo thời giá ngày nay, nếu cho là một ngày lương khoảng $80 đô-la, thì số tiền này lên đến $4 triệu đô-la!). Chi tiết này cho thấy tầm quan trọng và vai trò của các tập sách mà cuộc sống hàng ngày của người ta xoay quanh chúng. “Cần có sự can thiệp có chủ quyền của Đức Chúa Trời để có thể kết án họ cách hiệu lực rằng họ phải hoàn toàn ăn năn về việc sử dụng bùa hộ mệnh, bùa chú, thần chú và các phương tiện truyền thống để có được sức mạnh tâm linh.”—Clinton E. Arnold, Ephesians (Grand Rapids, MI:Zondervan, 2010), trang 34.
Chúng ta hiểu rằng Ê-phê-sô được viết cho các tín đồ cần “hướng dẫn về cách đối phó với ảnh hưởng và tấn công liên tục của các ‘sức mạnh vũ trụ độc ác.”—Clinton E. Arnold, Power and Magic:The Concept of Power in Ephesians (Grand Rapids, MI:Baker Books, 1992), trang 165. Phao-lô đã viết thư cho người Ê-phê-sô để trả lời nan đề ấy, và trong thư, ông chỉ vào Đấng Christ là Đấng đã được tôn vinh trên mọi quyền lực (Ê-phê-sô 1:20–23) và nhấn mạnh vào quyền năng tối thượng của Đức Chúa Trời có thể ban cho mọi tín đồ. (Ê-phê-sô 2:15–19; Ê-phê-sô 3:14–21, Ê-phê-sô 6:10–20).
ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Trường Sa-bát được bảo trợ bởi Cơ Quan Tiếng Nói Hy Vọng | Donate