2023 - Q4 | Ê-PHÊ-SÔ

Bài Học 2, 7 Tháng 10 — 13 Tháng 10, 2023

Sứ Mạng Dành Cho Chúng Ta: Phần 2

CÂU GỐC: Giăng 20:21, 22; Ma-thi-ơ 28: 16–20; Khải huyền 14:6, 7; Phục truyền 7:6, 11, 12; Khải huyền 7:9, 10.

KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ” (Ma-thi-ơ 28:19).

Sứ mạng của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh phải có Đức Chúa Giê-su đứng đầu và là trọng tâm của con đường duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi. Chính Đấng Christ đã tuyên bố: “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6). Nhưng Đức Chúa Giê-su cũng giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của Ba Ngôi Đức Chúa Trời đối với sứ mạng của Ngài.

Mọi điều Đấng Christ đã làm đều là vì hoặc từ Cha Thiên Thượng của Ngài (xem Giăng 4:34; Giăng 5:30; Giăng 12:45). Tuy nhiên, chúng ta phải luôn nhớ rằng sứ mạng của Đức Chúa Giê-su không bắt đầu khi Ngài đến thế gian. Ngài đã nhận nó từ Đức Chúa Cha ngay cả trước khi thế gian của chúng ta được tạo dựng (so sánh với Ê-phê-sô 1:4, 1 Phi-e-rơ 1:20).

Do đó, Đức Chúa Trời đã lập kế hoạch tiếp cận nhân loại ngay cả trước khi Ngài đặt nền móng cho hành tinh của chúng ta, và Ngài chủ ý bước vào lịch sử nhân loại để hoàn thành mục đích này.

Con là đấng đã sáng tạo thế gian (Giăng 1:3) và khi “kỳ hạn đã được trọn” (Ga-la-ti 4:4), Đức Chúa Trời đã bày tỏ tình yêu của Ngài bằng cách sai Con đến đây (Giăng 3:16, 17). Đức Chúa Con đến thế gian, chết trên thập giá và chiến thắng sự chết. Sau đó, được sai đến từ Đức Chúa Cha, Đức Thánh Linh đến đây (Giăng 14:26, Giăng 16:7), cáo trách thế gian (Giăng 16:8–11), và ngày nay tiếp tục sứ mạng của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con bằng cách ban quyền năng và sai dân Chúa đi truyền giáo (Giăng 14:26; Giăng 16:13, 14).

Đọc Giăng 20:21, 22. Việc hiểu sứ mạng bắt nguồn từ Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Linh sẽ định hình sứ mạng của chúng ta như thế nào?

Mặc dù cụm từ “ba ngôi” không được tìm thấy trong Kinh Thánh, nhưng có rất nhiều bằng chứng cho thấy sứ mạng thiên thượng liên hệ đến cả Ba Ngôi của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, sau khi sống lại, Đấng Christ hiện đến với các môn đồ của Ngài và hứa với họ: “Ta đây sẽ ban cho các ngươi điều Cha ta đã hứa, còn về phần các ngươi, hãy đợi trong thành cho đến khi được mặc lấy quyền phép từ trên cao” (Lu-ca 24:48, 49). Ở đây, chúng ta tìm thấy thực tế về sứ mạng của Đức Chúa Trời trong một câu: lời hứa của Đức Chúa Cha, sự bảo đảm của Đức Chúa Con về việc thực hiện lời hứa, và chính lời hứa, sự giáng xuống của Đức Thánh Linh với các môn đồ (xem Lu-ca 3:16; Công vụ các Sứ đồ1:4 , 5, 8).

Chúng ta học được từ điều này rằng sứ mạng không phải của chúng ta. Nó thuộc về Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Vì vậy, sứ mạng ấy sẽ không thất bại.

Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Linh đều tham gia vào công việc cứu rỗi các linh hồn. Tại sao bạn thấy đây là một điều mang sự an lòng đến cho mình?

Đọc Ma-thi-ơ 28:16–20. Các yếu tố nào của vai trò môn đồ mà bạn có thể nhận ra được trong đoạn này?

Ma-thi-ơ 28:16–20 tuyên bố mạng lệnh trong Kinh Thánh, thường được gọi là Đại Mạng Lệnh (Ma-thi-ơ 28:18–20), trong đó Chúa Giê- su chỉ bảo các môn đồ của Ngài phải bước tiến ra ngoài và đào tạo môn đồ, dạy dỗ họ trong đức tin và vỡ lòng họ vào sự thông công của kẻ đồng môn. (Xin xem thêm Mác 16:15, 16; Lu-ca 24:44–49; Giăng 20:21–23; Công vụ các Sứ đồ 1:8).

Các thành phần căn bản của Ma-thi-ơ 28:16–20 có thể được nhìn thấy trong bốn khía cạnh đơn giản: (1) Đức Chúa Giê-su ra lệnh cho các môn đồ của Ngài đi đến Ga-li-lê để gặp Ngài (Ma-thi-ơ 28:16, 17), (2) Đức Chúa Giê-su đến với họ , công bố thẩm quyền và quyền tể trị của Ngài (Ma-thi-ơ 28:18), (3) Sau đó, Đức Chúa Giê-su giao cho các môn đồ của Ngài một nhiệm vụ cụ thể—tức là đào tạo môn đồ (“dạy dỗ muôn dân”)—(Ma-thi-ơ 28:19, 20); và cuối cùng, (4) Đức Chúa Giê-su hứa ở cùng các môn đồ cho đến tận thế (Ma-thi-ơ 28:20).

Đào tạo môn đồ là trọng tâm chính của Đại Mạng Lệnh, và là nhiệm vụ chính của sứ mạng truyền giáo. Theo nghĩa đen, trong nguyên ngữ Hy Lạp, phần đầu của (Ma-thi-ơ 28:18) mục tiêu nói rằng vậy hãy đi đào tạo môn đồ. Chữ “vậy” ở đây muốn nhấn mạnh quyền năng, thẩm quyền và quyền tể trị của Đức Chúa Giê-su—tất cả những điều này đến từ chiến thắng đạt được trong sự phục sinh của Ngài.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là động từ hành động duy nhất có sự bắt buộc trong Đại Mạng Lệnh là “đào tạo môn đồ.” Giảng dạy mọi người, làm phép báp-têm cho họ và chia sẻ những lời dạy của Đức Chúa Giê-su cho toàn thế giới là những đặc điểm của quá trình môn đồ hóa. Ở đây, Đức Chúa Giê-su rõ ràng đang hướng các môn đồ của Ngài đến một mục đích: đào tạo môn đồ. Đây thực sự là một trong những đoạn nói về công việc truyền giáo vĩ đại nhất trong toàn bộ Kinh Thánh. Nó kết thúc với lời hứa của Đức Chúa Giê-su về sự Ngài sẽ luôn luôn ở cùng với những người theo Ngài.

Rõ ràng, Đại Mạng Lệnh không chỉ dành cho các môn đồ đầu tiên trong thời điểm duy nhất ấy. Họ không thể tự mình đi đến “muôn dân” để hoàn thành sứ mạng mới được giao phó là đào tạo môn đồ. Do đó, sứ mạng này có phạm vi phổ quát: mọi tín đồ chân chính của Đức Chúa Giê-su Christ phải tham gia vào việc đào tạo môn đồ. Hơn nữa, sứ điệp được truyền đạt—phúc âm hay tin lành đời đời của Đức Chúa Giê-su Christ—là dành cho toàn thế giới, không có giới hạn về địa lý, xã hội hay sắc tộc.

Sứ mạng của Chúa là “đào tạo môn đồ.” Nhiệm vụ này của Ngài ảnh hưởng đến cách bạn sống và phục sự người khác như thế nào? Bạn có thể làm gì để tham gia nhiều hơn vào những gì mình đã được kêu gọi để làm?

Bài Học 1, 1 Tháng 10 — 8 Tháng 10, 2023

Sứ Mạng Dành Cho Chúng Ta: Phần 1

CÂU GỐC: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời kêu A-đam mà phán Shỏi rằng: Ngươi ở đâu?” (Sáng thế Ký 3:9).

KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Sáng thế Ký 3:9-15; Sáng thế Ký 28:15; Xuất Ê-díp-tô Ký 29:43, 45; Ma-thi-ơ 1:18-23; Giăng 1:14-18; Giăng 3:16; Giăng 14:1-3.

Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng ta giống như Ngài và theo hình ảnh của Ngài. Ngài đã ban cho chúng ta một thế giới hoàn hảo, và mục đích của Ngài là chúng ta sẽ sống trong mối tương quan hoàn hảo với Ngài, một mối quan hệ tập trung vào thuộc tính quý giá nhất của Ngài: tình yêu thương. Nhưng để thể hiện tình yêu rõ hơn, Đức Chúa Trời còn ban cho chúng ta một món quà quý giá khác: ý chí tự do—sự tự do lựa chọn con đường để đi theo. Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời đã chỉ dẫn rõ ràng cho A-đam và Ê-va về sự nguy hiểm và hậu quả chết người của việc không vâng lời (Sáng thế Ký 2:16, 17). Ngược lại, Sa-tan thuyết phục Ê-va một cách lừa bịp rằng bà có thể ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác mà không gây ra bất kỳ hậu quả bất lợi nào. Ngược lại, hắn còn tuyên bố rằng họ sẽ “giống như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác” (Sáng thế Ký 3:5). Thật không may, Ê-va đã chọn ăn và đưa trái cây cho A-đam, người cũng chọn làm điều tương tự. Kể từ đó, vật thọ tạo hoàn hảo đã bị vấy bẩn bởi tội lỗi.

Khoảnh khắc đó đã thay đổi kế hoạch và mục đích ban đầu của Đức Chúa Trời đối với hành tinh Địa cầu mà Ngài vừa tạo dựng. Sứ mạng cứu rỗi, vốn đã được thiết kế “từ trước khi sáng thế” (Ê-phê-sô 1:4), giờ đây phải được thực hiện.

Đọc Sáng thế Ký 3:9-15. Những lời đầu tiên của Đức Chúa Trời nói với A-đam sau khi ông và Ê-va sa ngã là gì, và tại sao lời nói đó rất quan trọng về mặt thần học ngay cả ngày nay?

Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời biết chính xác họ đang ở đâu. Bị nỗi sợ hãi chi phối, A-đam và Ê-va là những người cần xem chuyện gì đang xảy ra. Nhưng họ cũng cần phải đương đầu để có thể hiểu được hậu quả khủng khiếp của tội lỗi họ gây ra. Sa-tan cũng cần phải bị đánh bại. Vì thế, Đức Chúa Trời bắt đầu trình bày sứ mạng của Ngài: kế hoạch cứu chuộc (xem Sáng thế ký 3:14, 15)—hy vọng duy nhất là “làm cho thế gian được hòa thuận với Ngài” (2 Cô-rinh-tô 5:19).

Tuy nhiên, chúng ta cần hết sức chú ý đến sự kiện là trước khi có sự đối đầu và lời hứa làm hòa, Đức Chúa Trời đã tìm đến con người sa ngã. Bất chấp tình huống dường như vô vọng, trên căn bản, Đức Chúa Trời đã giải quyết hai vấn đề trong câu hỏi của Ngài dành cho A-đam: tình trạng sa ngã của chúng ta và bản chất rao truyền sứ mạng của Ngài. Chúng ta bị hư mất và đang rất cần sự cứu rỗi. Ngài là Đấng tìm đến chúng ta với quyết tâm cứu vớt và ở cùng chúng ta.

Trong suốt toàn lịch sử, Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục hỏi: “Ngươi ở đâu?” Theo kinh nghiệm cá nhân của bạn, điều này có ý nghĩa gì đối với bạn, và bạn đã trả lời Ngài như thế nào?

Đọc Sáng thế Ký 17:7, Sáng thế Ký 26:3, và Sáng thế Ký 28:15. Trọng tâm chính của lời hứa của Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham và dòng dõi của ông trong các câu này là gì?

Trong lời trình thuật của Cựu Ước, Đức Chúa Trời tiếp tục hành động theo bản chất truyền giáo của Ngài để hoàn thành các mục đích của Ngài. Thí dụ, sau Nước Lụt, người ta đã tập hợp lại một nơi để xây tháp Ba-bên, là một tòa tháp họ muốn lên cao đến tận trời. Nhưng Đức Chúa Trời đã can thiệp và Ngài khiến ngôn ngữ của họ bị lộn xộn với mục đích phân tán họ đi khắp thế giới (Sáng thế Ký 11:1-9). Và từ đó, Ngài mở rộng sứ mạng của Ngài, kêu gọi Áp-ram (người sau này gọi là Áp-ra-ham) trở thành “con rạch” để dẫn các phước lành của Ngài cho toàn thế giới (Sáng thế Ký 12:1-3). Những lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho Áp-ra-ham và con cháu của ông thì đa dạng, nhưng có một điều nổi bật hơn tất cả. Nhiều lần Đức Chúa Trời đã tuyên bố chắc chắn với họ rằng, “Ta sẽ là Đức Chúa Trời [các ngươi]” “Ta sẽ ở bên ngươi” “Ta ở cùng ngươi” (xem Sáng thế ký 17:7, 8; 26:3; 28:15).

Và lịch sử tiếp diễn, Giô-sép kết cuộc đến ở Ê-díp-tô, nhưng chính là một công cụ cứu rỗi cho dân Đức Chúa Trời. Trong mỗi bước kinh nghiệm của Giô-sép—kể cả trong những thời khắc khó khăn nhất của đời ông—Kinh Thánh khẳng định rằng “Chúa ở cùng” ông (Sáng thế Ký 39:2, 21, 23). Rồi nhiều thế hệ sau, để hoàn thành sứ mạng của mình, Đức Chúa Trời đã gửi Môi-se đến gặp Pha-ra-ôn với tư cách là người giải cứu dân Ngài khỏi ách nô lệ của người Ê-díp-tô. Trong thời gian Môi-se nhận lãnh trọng trách làm công việc Chúa, Đức Chúa Trời phán với ông, “Ta sẽ ở cùng ngươi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:12). Hết lần này đến lần khác, Đức Giê-hô-va xác nhận ước muốn sâu xa của Ngài là được ở với dân Ngài.

Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 29:43, 45. Một trong những mục đích chính của đền thánh trong Cựu Ước là gì? Đức Chúa Trời đã quyết định ở với con cái của Ngài theo một cách khác. Trong việc xây dựng đền tạm, Ngài đã xác nhận với Môi-se rằng Ngài khao khát được ngự giữa vòng con cái Y-sơ-ra-ên; và đó để thiết lập một hệ thống rất có chủ ý và mục đích, ấy là sẽ hướng về công cụ tối hậu cho sứ mạng của Ngài: Đức Chúa Giê-su Christ. “Các của lễ hy sinh, và chức tế lễ của hệ thống Do Thái, được thiết lập để tượng trưng cho cái chết và chức vụ hòa giải của Đấng Christ. Tất cả những nghi lễ đó đều không có ý nghĩa và không có giá trị gì nếu chúng không liên quan đến Đấng Christ.”—Ellen G. White, The Advent Review and Herald of the Sabbath, ngày 17 tháng 12 năm 1872.

Có những cách nào để bạn kinh nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống của mình?

Phao-lô viết thư Ê-phê-sô để được đọc to trong các nhà thờ tư gia của những tín đồ ở toàn vùng Ê-phê-sô. Trong những năm từ khi Phao-lô rời Ê-phê-sô, phong trào Cơ Đốc giáo ở Ê-phê-sô đã phát triển và số các điểm nhóm tại tư gia đã tăng lên gấp bội. Đối với những tín đồ lúc ban đầu, có được Ty-chi-ớt, là người đại diện thân cận của sứ đồ sáng lập Phao-lô có mặt giữa vòng họ và chia sẻ một bức thư từ ông là một sự kiện quan trọng. Theo như đề nghị của chính bức thư, nhóm người tập họp có thể bao gồm các thành viên của gia đình chủ nhà—cha, mẹ, con cái và các kẻ nô lệ (Ê-phê-sô 5:21–6:9). Vào thời điểm đó, một hộ gia đình bao gồm cả những người khác—các thân chủ (những người tự chủ nhưng phụ thuộc vào chủ hộ để được hỗ trợ) và thậm chí cả khách hàng. Vì vậy, những người này cũng có thể có mặt, cũng như các thành viên của các hộ gia đình khác.

Cùng với dàn bài của bức thư dưới đây, hãy đọc toàn bức thư tín, tốt nhất là đọc to (sẽ mất khoảng 15 phút để làm như vậy). Những chủ đề nào vang vọng qua toàn bức thư?

I. Lời đạt và chào thăm (Ê-phê-sô 1:1, 2)
II. Lời chúc phước (Ê-phê-sô 1:3–14)
III. Cầu nguyện cho các tín đồ nhận được sự khôn ngoan hiểu trọn Đấng Christ (Ê-phê-sô 1:15–23)
IV. Đã chết về mặt tâm linh; Nay giờ được tôn cao với Đấng Christ (Ê-phê-sô 2:1–10)
V. Sự thiết lập hội thánh bởi Đấng Christ từ người Do Thái và dân ngoại (Ê-phê-sô 2:11–22)
VI. Phao-lô với tư cách là Người rao giảng về Đấng Christ cho dân ngoại (Ê-phê-sô 3:1–13)
VII. Cầu nguyện cho các tín hữu cảm nghiệm được Tình yêu của Đấng Christ (Ê-phê-sô 3:14–21)
VIII. Giữ vững sự hiệp nhất do Thánh Linh soi dẫn (Ê-phê-sô 4:1–16)
IX. Sống đời sống mới, nuôi dưỡng sự hiệp nhất (Ê-phê-sô 4:17–32)
X. Bước đi trong Tình yêu, Ánh sáng và Sự khôn ngoan (Ê-phê-sô 5:1–20)
XI. Thực hành đời sống theo hình ảnh vóc dạng như Đấng Christ trong Gia đình Cơ Đốc (Ê-phê-sô 5:21–6:9)
XII. Sát cánh cùng nhau:Hội thánh với tư cách là Quân đoàn của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 6:10–20)
XIII. Lời chào kết thúc (Ê-phê-sô 6:21–24)

Chủ đề quan trọng nào dường như được gửi đến trong bức thư này? Nó nói gì với bạn? Những điểm cụ thể hoặc những điểm nào bạn thấy liên hệ với mình?

Cựu Ước trình bày cách Đấng Tạo Hóa bắt đầu thực hiện một kế hoạch qua một dân tộc được chọn để làm đại diện cho bản chất và mục đích của Ngài đối với thế gian. Mọi việc Đức Chúa Trời thực hiện đều theo chiến lược truyền giáo của Ngài. Qua nhà tiên tri Ê-sai, Chúa đã phán, “Ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống như Ta. Ta đã rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên. Ta phán rằng: Mưu của Ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý” (Ê-sai 46:9, 10). Tuy nhiên, trong Tân Ước, ước muốn của Đức Chúa Trời ở với nhân loại mang một tầm vóc mới. Qua sự nhập thể của Đấng Christ, điều chỉ là một lời hứa trong Vườn Ê-đen (Sáng 3:15) đã trở thành hiện thực.

Đọc lại trong Ma-thi-ơ 1:18-23 về lời loan báo về sự giáng sinh của Đức Chúa Giê-su. Lời tường thuật này cho chúng ta biết những điều yếu tố nào về Đức Chúa Trời?

Em-ma-nu-ên tức là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.” Đức Chúa Trời đã ngự giữa dân Ngài trong đền thánh, và bây giờ Ngài cư ngụ giữa vòng họ trong con người thể chất của Đức Chúa Giê-su người Na-xa-rét. Thật vậy, với sự giáng sinh của Đức Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời đã thể hiện một cách cụ thể ước muốn liên tục của Ngài là ở với chúng ta trong bản chất và sứ mạng: Con Chúa Trời hoàn toàn là con người và hoàn toàn là thiên thượng, và Ngài là Đấng đã khẳng định: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6).

Đọc Giăng 1:14-18. Bạn có thể học được gì về sứ mạng của Đức Chúa Trời đối với chúng ta qua sự nhập thể của Đấng Christ?

Đức Chúa Trời xúc tiến sứ mạng của Ngài, và sau đó, qua Đức Chúa Giê-su Christ, hiện diện bằng xương bằng thịt giữa vòng các con cái của Ngài. “Vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha” (Giăng 1:14), đã ứng nghiệm các lời tiên tri trong Cựu Ước và đúng theo kế hoạch thiên thượng, trở nên một với chúng ta, Đức Chúa Trời trong thân xác con người. Đức Chúa Trời của sứ mạng đang tiếp tục hoàn tất mục đích của Ngài.

Hãy nghĩ xem tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta lớn đến nỗi Ngài phải đến với chính nhân tính của loài người. Chúng ta nên đáp lại tình yêu này như thế nào, đặc biệt là trong sứ mạng đối với người khác?

Đọc Giăng 14:1-3. Theo những cách nào nó liên quan đến thông điệp về thời kỳ cuối cùng được tìm thấy trong Kinh Thánh?

Trong thời gian hành đạo của Ngài trên đất, một trong những lời hứa quý giá nhất của Đấng Christ, niềm hy vọng phước hạnh, một lần nữa phản ảnh ước muốn của Đấng Tạo Hóa là được ở với chúng ta đời đời. Đức Chúa Giê-su đã khẳng định, “Ta sẽ trở lại và đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:3).

Theo sứ đồ Giăng, lời hứa cuối cùng sẽ trở thành thực tế. “Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: Này, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng” (Khải huyền 21:3).

“Công việc cứu chuộc sẽ hoàn tất. Ở nơi mà tội lỗi đầy dẫy, thì ân điển của Đức Chúa Trời càng dư dật hơn nhiều. Chính trái đất, chính cánh đồng mà Sa-tan tuyên bố là của hắn, không chỉ được chuộc mà còn được tôn cao. . . . Nơi đây, nơi Con Chúa Trời ngụ giữa nhân loại; nơi mà Vị Vua vinh quang đã sống, chịu thống khổ và chết,—tại đây, khi Ngài làm cho vạn vật trở nên mới, đền tạm của Đức Chúa Trời sẽ ở với loài người. . . . Và qua vô số thời đại khi những người được cứu chuộc bước đi trong ánh sáng của Chúa, họ sẽ ca ngợi Ngài về Món quà khôn tả của Ngài—Em-ma-nu-ên, ‘Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.’ ”—Ellen G. White, The Desire of Ages, tr. 26.

Ở đây chúng ta tìm thấy bức tranh đẹp nhất về Sự Cứu chuộc. Chung cuộc, Đức Chúa Trời của sứ mạng sẽ hoàn thành ước muốn của Ngài là ở với con cái Ngài mãi mãi. Thật là một đặc ân to lớn khi được là một phần của thực tế này!

Thách Thức Hằng Tuần. Trong suốt ba tháng này, bạn sẽ được mời tham gia vào sứ mạng cứu linh của Chúa. Đây sẽ là cơ hội để nhìn thấy và trải nghiệm sứ mạng của Ngài đang hành động trong cuộc sống của bạn. Tận dụng thời điểm này để suy gẫm để sẵn sàng chia sẻ những gì bạn đã học được với lớp của mình hằng tuần. Ngoài ra, Việc Thực hiện Thách thức sẽ khuyến khích bạn tăng cường tham gia vào sứ mạng của Chúa.

THÁCH THỨC: Hãy cầu nguyện mỗi ngày trong tuần tới để Chúa mở lòng bạn trở thành một phần trong sứ mạng của Ngài.

THỰC HIỆN THÁCH THỨC: Tìm hiểu tên của một người nào đó trong cuộc sống của bạn mà bạn chưa biết—một người hàng xóm, đồng nghiệp, chủ cửa hàng, tài xế xe buýt, người gác cổng, v.v. Bắt đầu cầu nguyện cho họ mỗi ngày.

“Kế hoạch cứu chuộc chúng ta không phải là một kế hoạch ra đời sau khi có một sự suy nghĩ lại, một kế hoạch chỉ được hình thành sau sự sa ngã của A-đam. Nhưng nó là sự mặc khải về ‘sự mầu nhiệm đã được giữ kín từ đời đời.’ Rô-ma 16:25. . . . Đó là sự phô bày các nguyên tắc mà từ các thời đại vĩnh cửu đã là nền tảng cho ngôi Đức Chúa Trời. Ngay từ đầu, Đức Chúa Trời và Đấng Christ đã biết về sự bội đạo của Sa-tan, và về sự sa ngã của con người do quyền lực lừa dối của kẻ bội đạo. Đức Chúa Trời không chỉ định rằng tội lỗi phải hiện hữu, nhưng Ngài đã thấy trước sự hiện hữu của nó, và Ngài đã cung cấp để đáp ứng tình trạng khẩn cấp khủng khiếp. Tình yêu thương của Ngài dành cho thế gian lớn đến nỗi Ngài đã giao ước ban Con một của Ngài, ‘hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.’ Giăng 3:16.”—Ellen G. White, The Desire of ages, tr. 22.

“Đấng Christ không nói với các môn đồ của Ngài rằng công việc của họ sẽ dễ dàng. . . . Nhưng họ sẽ không bị bỏ lại để chiến đấu một mình. Ngài bảo đảm với họ rằng Ngài sẽ ở cùng họ; và rằng nếu họ tiến lên trong đức tin, họ nên di chuyển dưới tấm khiên của Đấng Toàn Năng. . . . Miễn là họ tuân theo lời Ngài, và làm việc trong mối liên hệ với Ngài, thì họ không thể thất bại. Đi đến tất cả mọi dân tộc, Ngài nói với họ. Hãy đi đến nơi tận cùng trái đất và hãy an lòng biết rằng Ta sẽ ở cùng các ngươi. Hãy làm việc trong đức tin và lòng tự tin; vì ta sẽ không bao giờ lìa bỏ các ngươi. Ta sẽ luôn ở bên ngươi, giúp ngươi thực hiện bổn phận của mình, hướng dẫn, an ủi, thánh hóa, nâng đỡ ngươi, giúp ngươi thành công trong việc nói những lời để thu hút lòng người để tâm đến thiên đàng.”—Ellen G. White, The Acts of the Apostle, tr. 29.

ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:

  1. Hãy nghĩ xem vì sao những lời đầu tiên của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại sa ngã không phải là “Ngươi đã làm gì?” Hay “Tại sao ngươi không vâng lời Ta?” Mà thay vào đó, lời đầu tiên của Chúa là, “Ngươi đang ở đâu?” Lẽ thật này sẽ mang lại cho chúng ta niềm an ủi nào về ý định của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta và những người thân yêu của chúng ta?

  2. Hãy nghĩ về ý nghĩa của việc chính Đức Chúa Trời, qua con người Đức Chúa Giê-su, đã đến thế gian này để cứu chúng ta. Đấng Christ trên thập tự giá là sự bày tỏ tối hậu của Đức Chúa Trời trong tư cách là Đức Chúa Trời của sứ mạng cứu linh. Điều này cho chúng ta biết gì về bản chất của Ngài?

  3. Sứ mạng thuộc về Chúa. Vì vậy, Ngài sẽ trang bị và trao quyền cho mọi người để thực hiện nhiệm vụ. Trước thực tế này, khi bạn nhìn vào những thách thức của việc truyền giáo trên toàn thế giới, bạn đối phó thế nào với những cảm giác và thái độ rằng mình chưa đủ khả năng hoặc sợ hãi?